Omalizumab

Thuốc Omalizumab là thuốc gì ? Dưới đây là nội dung tờ hướng dẫn sử dụng gốc của Thuốc Omalizumab (Thông tin bao gồm liều dùng, cách dùng, chỉ định, chống chỉ định, thận trọng, dược lý…)

1. Tên hoạt chất và biệt dược:

Hoạt chất : Omalizumab

Phân loại: Thuốc dị ứng và hệ miễn dịch. Thuốc điều hòa miễn dịch

Nhóm pháp lý: Thuốc kê đơn ETC – (Ethical drugs, prescription drugs, Prescription only medicine)

Mã ATC (Anatomical Therapeutic Chemical): R03DX05

Brand name: Xolair.

Generic : Omalizumab.

2. Dạng bào chế – Hàm lượng:

Dạng thuốc và hàm lượng

Bột đông khô pha tiêm: 150mg.

Dụng cụ bơm tiêm đóng sẵn 75mg/0,5ml, 150mg/ml

Thuốc tham khảo:

XOLAIR 150mg/ml
Mỗi bơm tiêm đóng sẵn có chứa:
Omalizumab …………………………. 150 mg
Tá dược …………………………. vừa đủ (Xem mục 6.1)

3. Video by Pharmog:

[VIDEO DƯỢC LÝ]

————————————————

► Kịch Bản: PharmogTeam

► Youtube: https://www.youtube.com/c/pharmog

► Facebook: https://www.facebook.com/pharmog/

► Group : Hội những người mê dược lý

► Instagram : https://www.instagram.com/pharmogvn/

► Website: pharmog.com

4. Ứng dụng lâm sàng:

4.1. Chỉ định:

Hen do dị ứng:

Omalizumab được chỉ định điều trị cho người lớn và thiếu niên (từ 12 tuổi trở lên) bị hen do dị ứng dai dẳng kéo dài với mức độ từ vừa đến nặng, có test da dương tính hoặc phản ứng (in vitro) với dị nguyên trong không khí quanh năm và có triệu chứng không được kiểm soát đầy đủ bằng corticoid dạng hít.

Omalizumab làm giảm tỷ lệ các cơn kịch phát do hen ở các bệnh nhân này. Tính an toàn và hiệu quả chưa được xác lập trong các trường hợp dị ứng khác và Omalizumab không dùng cho người bị bệnh dị ứng khác, hen cấp, người dưới 12 tuổi.

Mề đay tự phát mạn tính: Omalizumab được chỉ định cho người lớn và thiếu niên (từ 12 tuổi trở lên) bị mề đay tự phát mạn tính không đáp ứng đầy đủ với thuốc kháng histamin H1.

4.2. Liều dùng – Cách dùng:

Cách dùng :

Thuốc chỉ được tiêm dưới da. Không được tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp.

Liều dùng:

Dùng cho thanh thiếu niên và người lớn (từ 12 tuổi trở lên).

Liều dùng trong hen do dị ứng

Liều dùng thích hợp và số lần dùng Omalizumab phụ thuộc vào nồng độ immunoglobulin E (IgE) ban đầu (IU/mL) được đo trước khi bắt đầu điều trị và vào thể trọng (kg). Trước khi bắt đầu dùng thuốc, bệnh nhân cần được định lượng nồng độ IgE bởi bất kỳ một phương pháp định lượng IgE toàn phần trong huyết thanh để phân bổ liều. Dựa vào những kết quả này, liều Omalizumab có thể cần cho mỗi lần dùng là 75-600 mg chia ra 1 đến 4 mũi tiêm. Bảng 4 là sơ đồ chuyển đổi, bảng 5 và 6 là để xác định liều. Đối với các liều 225, 375 hoặc 525 mg Omalizumab, cần dùng phối hợp loại Omalizumab 150mg với Omalizumab 75mg.

Những bệnh nhân có nồng độ IgE ban đầu hoặc thể trọng tính bằng kg ngoài giới hạn trong bảng xác định liều thì không nên dùng Omalizumab.

Không tiêm quá 150 mg omalizumab tại một vị trí tiêm trong một lần tiêm. Khi liều dùng hơn 150 mg, nên chia liều để tiêm ở hai hay nhiều vị trí tiêm.

Liều dùng đối với mề đay tự phát mạn tính

Liều khuyến cáo là 300 mg tiêm dưới da bốn tuần một lần. Có thể kiểm soát triệu chứng bệnh trên một số bệnh nhân với liều 150 mg bốn tuần một lần.

Nhóm bệnh nhân đặc biệt

Suy thận hoặc suy gan

Không có nghiên cứu về tác động của suy thận hoặc suy giảm chức năng gan trên dược động học của Omalizumab. Bởi vì độ thanh thải của omalizumab tại liều lâm sàng chủ yếu là do quá trình thanh thải của IgG bao gồm cả thoái giáng tại hệ thống lưới nội mô (RES) nên khó có thể bị thay đổi do suy thận hoặc suy gan. Trong khi không có khuyến cáo cụ thể về điều chỉnh liều lượng, Omalizumab nên được dùng thận trọng ở những nhóm bệnh nhân này (xem phần Cảnh báo và thận trọng).

Với người cao tuổi

Dữ liệu hiện có về việc dùng Omalizumab cho bệnh nhân trên 65 tuổi còn hạn chế, tuy nhiên, chưa có bằng chứng là bệnh nhân cao tuổi cần phải dùng liều khác với bệnh nhân trưởng thành trẻ tuổi hơn.

Dùng cho trẻ em

Với hen do dị ứng, tính an toàn và hiệu quả cho bệnh nhi dưới 12 tuổi chưa được xác định, nên không khuyến cáo dùng Omalizumab cho các bệnh nhân lứa tuổi này.

Với mề đay tự phát mạn tính, tính an toàn và hiệu quả cho bệnh nhi dưới 12 tuổi chưa được xác định.

4.3. Chống chỉ định:

Quá mẫn với hoạt chất hoặc bất cứ thành phần nào có trong thuốc (xem phần Thành phần – Tá dược).

4.4 Thận trọng:

Phản ứng dị ứng

Cũng như với bất kỳ protein nào, các phản ứng dị ứng tại chỗ hoặc toàn thân kể cả phản vệ có thể xảy ra khi dùng omalizumab. Do đó, thuốc phải được tiêm tại một cơ sở y tế nơi mà các thuốc để điều trị phản ứng phản vệ cần phải có sẵn để sử dụng được ngay sau khi dùng Omalizumab. Cần thông báo cho bệnh nhân là các phản ứng như vậy có thể xảy ra và bệnh nhân cần phải tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời nếu phản ứng dị ứng xảy ra. Phản ứng phản vệ hiếm gặp trong các thử nghiệm lâm sàng (xem phần Tác dụng không mong muốn).

Theo kinh nghiệm hậu mãi, phản ứng phản vệ và phản ứng dạng phản vệ đã được báo cáo sau khi dùng Omalizumab lần đầu hoặc những lần tiếp theo. Hầu hết các phản ứng này xảy ra trong vòng 2 giờ.

Cũng như với tất cả các kháng thể đơn dòng được người hóa có nguồn gốc DNA tái tổ hợp, trong những trường hợp hiếm gặp, bệnh nhân có thể phát triển kháng thể kháng omalizumab (xem phần Tác dụng không mong muốn).

Bệnh huyết thanh và phản ứng giống bệnh huyết thanh là những phản ứng dị ứng chậm type III hiếm gặp đã được ghi nhận ở bệnh nhân được điều trị bằng kháng thể đơn dòng của người kể cả omalizumab. Khởi phát thường từ 1-5 ngày sau các mũi tiêm đầu tiên hoặc các mũi tiêm tiếp theo, bệnh cũng xảy ra sau thời gian dài điều trị. Các triệu chứng gợi ý bệnh huyết thanh bao gồm viêm khớp/đau khớp, nổi ban (nổi mề đay hoặc các dạng khác), sốt và bệnh hạch bạch huyết. Thuốc kháng histamin và corticosteroid có thể hữu ích để phòng ngừa hoặc điều trị rối loạn này và cần khuyên bệnh nhân báo cáo bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ.

Nhiễm ký sinh trùng

IgE có thể liên quan đến đáp ứng miễn dịch đối với một số bệnh nhiễm. Ở các bệnh nhân có nguy cơ cao và kéo dài về nhiễm giun sán, một thử nghiệm có đối chứng với giả dược ở bệnh nhân dị ứng cho thấy có tăng nhẹ tỷ lệ nhiễm khi dùng omalizumab, mặc dù quá trình nhiễm, mức độ nặng và đáp ứng với điều trị nhiễm giun sán không thay đổi. Tỷ lệ nhiễm giun sán trong toàn bộ chương trình thử nghiệm lâm sàng, không được thiết kế để phát hiện bệnh nhiễm giun sán này, là dưới 1 trên 1.000 bệnh nhân. Tuy nhiên cần phải thận trọng ở những bệnh nhân có nguy cơ cao nhiễm giun sán, đặc biệt là khi họ đi đến những vùng có dịch nhiễm giun sán. Nếu bệnh nhân không đáp ứng với điều trị chống giun sán đã được khuyến cáo, cần ngừng dùng Omalizumab.

Cảnh báo và thận trọng chung

Omalizumab không được chỉ định để điều trị trong điều trị cơn hen kịch phát cấp tính, co thắt phế quản cấp hoặc trạng thái hen cấp.

Omalizumab chưa được nghiên cứu ở bệnh nhân bị hội chứng tăng immunoglobulin E hoặc bị bệnh nấm Aspergillus phế quản-phổi dị ứng hoặc để phòng ngừa phản ứng phản vệ.

Omalizumab chưa được nghiên cứu đầy đủ trong điều trị viêm da dị ứng, viêm mũi dị ứng hoặc dị ứng thức ăn.

Omalizumab chưa được nghiên cứu ở bệnh nhân bị bệnh tự miễn, các bệnh qua trung gian phức hợp miễn dịch hoặc các bệnh nhân bị suy gan hoặc suy thận từ trước. Cần thận trọng khi dùng Omalizumab ở những nhóm bệnh nhân này.

Việc ngừng đột ngột corticosteroid dùng đường toàn thân hoặc dạng hít sau khi bắt đầu điều trị bằng Omalizumab không được khuyến cáo. Sự giảm liều corticosteroid cần được thực hiện dưới sự giám sát trực tiếp của bác sĩ và có thể cần được tiến hành dần dần.

Nồng độ IgE tăng lên trong quá trình điều trị và vẫn duy trì ở mức cao đến một năm sau khi ngừng điều trị. Sau khi bắt đầu điều trị, việc đo lường của tổng IgE để xác định liều không được khuyến cáo do xét nghiệm định lượng IgE cũng định lượng phức hợp IgE có gắn omalizumab (xem phần Liều lượng và Cách dùng).

Tác động của thuốc trên người lái xe và vận hành máy móc.

Omalizumab không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng không đáng kể lên khả năng lái xe và vận hành máy móc.

4.5 Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú:

Xếp hạng cảnh báo

AU TGA pregnancy category: B1

US FDA pregnancy category: NA

Phụ nữ có khả năng mang thai

Không có khuyến cáo đặc biệt cho phụ nữ có khả năng mang thai.

Thời kỳ mang thai:

Chưa có nghiên cứu đầy đủ và được kiểm soát tốt về việc sử dụng omalizumab ở phụ nữ mang thai. Các phân tử IgG được biết là qua được hàng rào nhau thai. Vì những nghiên cứu về sinh sản ở động vật không phải luôn luôn dự đoán được đáp ứng trên người, chỉ nên dùng Omalizumab trong thời kỳ mang thai khi thật sự cần thiết.

Những nghiên cứu về sinh sản ở khỉ Cynomolgus đã được tiến hành với omalizumab. Tiêm dưới da liều đến 75mg/kg một tuần (gấp ít nhất 8 lần liều khuyến cáo cao nhất theo mg/kg dùng trên lâm sàng trong 4 tuần), omalizumab không gây độc cho khỉ mẹ, phôi thai và không gây quái thai khi được dùng trong suốt thời gian hình thành các cơ quan và không gây tác dụng bất lợi trên thai hoặc sự phát triển của khỉ mới sinh, khi được dùng trong suốt giai đoạn cuối của thai kỳ, khi sinh con và khi nuôi con bú.

Mặc dù chưa quan sát thấy tác dụng có ý nghĩa về lâm sàng trên tiểu cầu ở bệnh nhân nhưng các liều omalizumab vượt quá liều dùng trên lâm sàng có liên quan với giảm tiểu cầu trong máu phụ thuộc vào tuổi ở động vật linh trưởng, với độ nhạy cảm tương đối cao hơn ở các động vật chưa trưởng thành. Trong những nghiên cứu về sinh sản ở khỉ Cynomolgus, không có bằng chứng lâm sàng về giảm tiểu cầu ở khỉ sơ sinh do khỉ mẹ được điều trị bằng omalizumab đến liều 75mg/kg, tuy nhiên chưa đo số lượng tiểu cầu ở các khỉ con này.

Thời kỳ cho con bú:

Trong khi chưa có nghiên cứu về sự hiện diện của omalizumab trong sữa mẹ nhưng IgG được bài tiết vào sữa mẹ, do đó omalizumab được dự kiến sẽ có trong sữa mẹ. Khả năng hấp thu omalizumab hoặc gây hại cho trẻ bú mẹ chưa được biết nên cần phải thận trọng khi dùng Omalizumab cho phụ nữ cho con bú.

Sự bài tiết omalizumab vào sữa đã được đánh giá ở khỉ cái Cynomolgus được dùng liều tiêm dưới da 75mg/kg/tuần. Nồng độ omalizumab trong huyết tương của khỉ mới sinh sau khi tiếp xúc với thuốc trong tử cung và sau 28 ngày bú mẹ là từ 11% đến 94% nồng độ trong huyết tương của khỉ mẹ. Nồng độ omalizumab trong sữa bằng 0,15% nồng độ trong máu của khỉ mẹ.

Khả năng sinh sản

Không có dữ liệu đối với omalizumab về khả năng sinh sản ở người. Trong các nghiên cứu phi lâm sàng về khả năng sinh sản ở khỉ đuôi dài lớn được thiết kế chuyên biệt bao gồm cả nghiên cứu về giao phối, không quan sát thấy sự suy giảm khả năng sinh sản ở động vật đực hoặc cái sau khi dùng lặp lại omalizumab với liều lên đến 75mg/kg.

4.6 Tác dụng không mong muốn (ADR):

Hen do dị ứng

Rối loạn hệ miễn dịch (xem phần Cảnh báo và thận trọng): Phản ứng phản vệ và phản ứng dạng phản vệ đã được báo cáo sau khi dùng lần đầu hoặc các lần tiếp theo, bệnh huyết thanh.

Rối loạn da và mô dưới da: Rụng tóc.

Rối loạn máu và hệ bạch huyết: Giảm tiểu cầu nặng tự phát.

Rối loạn hô hấp, ngực và trung thất: Viêm mạch u hạt dị ứng (tức là hội chứng Churg Strauss).

Rối loạn cơ xương khớp và mô liên kết: Đau khớp, đau cơ, sưng khớp.

Mề đay tự phát mạn tính (CSU)

Nhiễm trùng hoặc kí sinh trùng: nhiễm trùng đường hô hấp trên (giả dược 3,1%; 150mg 3,4%; 300mg 5,7%), nhiễm trùng tiết niệu (giả dược 1,8%; 150mg 4,6%; 300mg 2,4%).

Rối loạn hệ thần kinh: đau đầu kiểu viêm xoang (giả dược 0%; 150mg 2,3%; 300mg 0,3%).

Rối loạn hệ mô liên kết và cơ xương: đau cơ (giả dược 0%; 150 mg 2,3%; 300 mg 0,9%), đau đầu chi (giả dược 0%; 150 mg 3,4%; 300 mg 0,9%), đau cơ xương (giả dược 0%; 150mg 2,3%; 300mg 0,9%).

Các rối loạn chung và tình trạng tại vị trí tiêm thuốc: sốt (giả dược 1,2%; 150mg 3,4%; 300mg 0,9%).

Các phản ứng tại vị trí tiêm: Các phản ứng tại vị trí tiêm xuất hiện trong các nghiên cứu thường gặp hơn với nhóm dùng omalizumab so với nhóm dùng giả dược (2,7% với nhóm 300mg; 0,6% với nhóm 150mg; 0,8% với nhóm giả dược). Các phản ứng bao gồm: sưng, ban đỏ, đau, nổi vết thâm, ngứa, chảy máu và mề đay.

Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

4.7 Hướng dẫn cách xử trí ADR:

Ngừng sử dụng thuốc. Với các phản ứng bất lợi nhẹ, thường chỉ cần ngừng thuốc. Trường hợp mẫn cảm nặng hoặc phản ứng dị ứng, cần tiến hành điều trị hỗ trợ (giữ thoáng khí và dùng epinephrin, thở oxygen, dùng kháng histamin, corticoid…).

4.8 Tương tác với các thuốc khác:

Các enzym cytochrome P450, cơ chế bơm đẩy ra ngoài và cơ chế gắn kết với protein không có liên quan đến sự thanh thải của omalizumab, do đó rất ít khả năng có tương tác thuốc-thuốc. Chưa có nghiên cứu chính thức về tương tác của thuốc hoặc vaccin với Omalizumab. Không có lý do về mặt dược lý để cho rằng các thuốc thường được kê đơn sử dụng trong điều trị hen sẽ tương tác với omalizumab.

Hen do dị ứng

Trong các nghiên cứu lâm sàng, Omalizumab thường được dùng kết hợp với corticosteroid dạng hít, corticosteroid dạng uống, các chất đồng vận beta2 tác dụng kéo dài và tác dụng ngắn dạng hít, các thuốc điều hòa leukotriene, theophylline và các thuốc kháng histamin dạng uống. Không có dấu hiệu cho thấy độ an toàn của Omalizumab bị thay đổi khi phối hợp với các thuốc thường dùng trị hen này. Dữ liệu hiện có về việc dùng Omalizumab phối hợp với miễn dịch trị liệu đặc hiệu (liệu pháp giải mẫn cảm) còn hạn chế.

Mề đay tự phát mạn tính (CSU)

Trong các nghiên cứu lâm sàng trên mề đay tự phát mạn tính, Omalizumab được sử dụng với các thuốc kháng histamin (kháng H1, kháng H2) và các thuốc đối kháng thụ thể của leukotrien (LTRAs). Không có bằng chứng nào cho thấy tính an toàn liên quan đến các đặc tính đã biết của omalizumab bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng các chế phẩm này. Thêm vào đó, phân tích dược động học quần thể cho thấy không có ảnh hưởng của các thuốc kháng histamin H2 và LTRAs lên dược động học của omalizumab (xem phần Dược động học).

4.9 Quá liều và xử trí:

Không có trường hợp quá liều nào được báo cáo. Liều dung nạp tối đa của Omalizumab chưa được xác định. Các liều đơn tiêm tĩnh mạch lên đến 4.000mg đã được dùng cho bệnh nhân mà không có bằng chứng về độc tính làm hạn chế liều. Liều tích lũy cao nhất đã dùng cho bệnh nhân là 44.000mg trong thời gian 20 tuần và liều này không dẫn đến bất kỳ tác dụng không mong muốn cấp tính nào.

Nếu nghi ngờ quá liều, bệnh nhân nên được theo dõi xem có bất kì dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường nào không. Cần xác định và thiết lập việc điều trị y tế thích hợp.

5. Cơ chế tác dụng của thuốc :

5.1. Dược lực học:

Nhóm dược lý: các thuốc hấp thu toàn thân khác điều trị các bệnh tắc nghẽn đường hô hấp.

Mã ATC: R03DX05.

Đặc điểm chung

Omalizumab là kháng thể đơn dòng được người hóa được sản xuất bằng công nghệ DNA tái tổ hợp có gắn kết chọn lọc với immunoglobulin E (IgE) của người. Kháng thể là một IgG1 kappa có chứa các vùng khung của người cùng với các vùng xác định bổ sung của một kháng thể có nguồn gốc từ chuột liên kết được với IgE.

Bệnh nhân bị hen do dị ứng

Dòng thác dị ứng bắt đầu khi IgE gắn vào thụ thể FcεRI có ái lực cao trên bề mặt của dưỡng bào và bạch cầu ưa kiềm bị gắn kết chéo bởi dị nguyên. Điều này dẫn đến sự mất hạt của các tế bào tác động này và giải phóng histamin, leucotrien, cytokin và các chất trung gian khác. Những chất trung gian này có liên quan nhân quả đến sinh lý bệnh của hen dị ứng bao gồm phù đường thở, co cơ trơn và thay đổi hoạt động của tế bào đi kèm với quá trình viêm. Chúng cũng góp phần vào các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh dị ứng như co thắt phế quản, sản sinh chất nhầy, thở khò khè, khó thở, tức ngực, sung huyết mũi, hắt hơi, ngứa, sổ mũi kèm ngứa, chảy nước mắt.

Omalizumab gắn kết với IgE và ngăn cản sự gắn của IgE vào thụ thể FcεRI ái lực cao, do đó làm giảm lượng IgE tự do có sẵn để kích hoạt tiến trình dị ứng. Điều trị các bệnh nhân dị ứng bằng omalizumab dẫn đến sự điều hòa xuôi dòng rõ rệt của thụ thể FcεRI. Hơn nữa, sự giải phóng histamin in vitro từ bạch cầu ưa kiềm được phân lập từ các bệnh nhân điều trị bằng Omalizumab giảm xuống khoảng 90% sau khi kích thích bằng một dị nguyên so với các trị số trước khi điều trị.

Trong các nghiên cứu lâm sàng ở bệnh nhân hen, nồng độ IgE tự do trong huyết thanh giảm theo cách phụ thuộc liều trong vòng một giờ sau khi dùng liều đầu tiên và được duy trì giữa các liều. Mức giảm trung bình IgE tự do trong huyết thanh lớn hơn 96% khi dùng các liều khuyến cáo. Nồng độ IgE toàn phần trong huyết thanh (nghĩa là cả loại đã gắn kết hoặc chưa gắn kết) tăng lên sau liều đầu tiên là do hình thành phức hợp omalizumab: IgE là phức hợp có tốc độ thải trừ chậm hơn so với IgE tự do. Vào lúc 16 tuần sau khi dùng liều đầu tiên, nồng độ trung bình IgE toàn phần trong huyết thanh cao hơn gấp 5 lần so với nồng độ trước điều trị khi dùng xét nghiệm chuẩn. Sau khi ngừng dùng Omalizumab, việc Omalizumab làm tăng IgE toàn phần và làm giảm IgE tự do là thuận nghịch, không thấy IgE tái gắn kết sau khi thuốc bị loại bỏ. Nồng độ IgE toàn phần không trở về mức trước khi điều trị cho đến một năm sau khi ngừng dùng Omalizumab.

Bệnh nhân bị mề đay tự phát mạn tính (CSU)

Một số giả thuyết được đưa ra đối với bệnh sinh của mề đay tự phát mạn tính, bao gồm cả việc cho rằng có nguyên nhân tự miễn. Các kháng thể tự miễn đối vơi IgE và thụ thể của nó, FCεRI, đã được phân lập từ huyết thanh của một số bệnh nhân bị mề đay tự phát mạn tính. Các kháng thể tự thân này có thể hoạt hóa các bạch cầu ái kiềm (basophil) hay các dưỡng bào (mast cells) làm giải phóng histamin.

Một giả thiết về cơ chế tác dụng của omalizumab trong mề đay tự phát mạn tính là nó làm giảm mức IgE tự do trong máu và sau đó là trong da. Điều này làm giảm mật độ thụ thể IgE bề mặt và từ đó làm giảm các báo hiệu xuôi dòng thông qua con đường FCεRI, gây ức chế sự hoạt hóa các tế bào và đáp ứng viêm. Kết quả là tần suất và mức độ nặng triệu chứng của mề đay tự phát mạn tính bị giảm đi. Giả thiết khác là việc làm giảm mức IgE tự do dẫn đến làm giảm nhanh và không đặc hiệu tính nhạy cảm của các dưỡng bào trong da. Giảm mật độ FCεRI có thể giúp duy trì đáp ứng điều trị.

Trong các thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân mề đay tự phát mạn tính, điều trị với omalizumab làm giảm lượng IgE tự do và làm tăng tổng mức IgE trong huyết thanh một cách phụ thuộc vào liều, cũng giống như trong trường hợp bệnh nhân hen do dị ứng. Tác dụng ức chế cực đại đối với IgE tự do đạt được sau 3 ngày kể từ liều tiêm dưới da đầu tiên. Sau khi lặp lại liều 4 tuần một lần, mức IgE tự do trong huyết thanh trước khi tiêm sẽ ổn định trong từ tuần điều trị 12 đến 24. Tổng lượng IgE trong huyết tương tăng lên sau liều đầu tiên do việc tạo thành của omalizumab: Các phức hợp IgE có tốc độ thải trừ thấp hơn so với IgE tự do. Sau khi dùng lặp lại bốn tuần một lần với liều 75-300mg, trung bình tổng mức IgE trong huyết thanh trước dùng thuốc tại tuần thứ 12 cao hơn 2/3 lần so mức trước điều trị và duy trì ổn định từ tuần điều trị thứ 12 đến 24. Sau khi ngừng Omalizumab, mức IgE tự do tăng lên và tổng mức IgE sẽ giảm về mức ban đầu sau 16 tuần theo dõi không dùng thuốc.

Cơ chế tác dụng:

Khi một chất gây dị ứng môi trường lần đầu tiên xâm nhập vào cơ thể, được đưa lên bởi các tế bào trình diện kháng nguyên (APCs). Sau đó, nó được xử lý và trình bày cho các tế bào miễn dịch T và B. Tiếp theo là sự kích hoạt tế bào lympho B và sản xuất IgE đặc hiệu với chất gây dị ứng. IgE này sau đó được giải phóng bởi các tế bào plasma (tế bào lympho B đã chuyển đổi) và do đó có sẵn để liên kết với các thụ thể IgE trên một số tế bào khác.

IgE liên kết với các thụ thể có ái lực cao (Fc € RI) và ái lực thấp (Fc € RII) trên nhiều tế bào của hệ thống miễn dịch. Sau khi tiếp xúc với kháng nguyên tiếp theo, liên kết ngang của kháng nguyên xảy ra bởi một số phân tử IgE gắn với Fc € RI trên bề mặt của cả basophils và tế bào mast. Điều này dẫn đến việc kích hoạt các tế bào mast và giải phóng histamine, tạo ra một vết roi và các triệu chứng khác của nổi mề đay.

Sau đây là những giải thích về cơ chế tác dụng của cả hai chỉ định của thuốc này:

Hen suyễn

Omalizumab ức chế sự gắn kết của IgE với thụ thể IgE có ái lực cao (FcεRI) trên bề mặt của cả tế bào mast và basophils. Việc giảm IgE liên kết bề mặt trên các tế bào mang FcεRI giới hạn mức độ giải phóng các chất trung gian của phản ứng dị ứng điển hình. Điều trị bằng omalizumab cũng làm giảm số lượng thụ thể FcεRI trên basophils ở bệnh nhân dị ứng [nhãn FDA].

Omalizumab liên kết với IgE tự do với ái lực cao hơn IgE tự liên kết với các thụ thể Fc € RI có ái lực cao được tìm thấy trên basophils. Do đó, nó làm giảm sự sẵn có của IgE miễn phí để liên kết [A39520]. Bản thân Omalizumab không liên kết với các thụ thể Fc € RI, và thuốc cũng không liên kết với IgE gắn với thụ thể. Những đặc điểm liên kết này cho phép omalizumab vô hiệu hóa các phản ứng qua trung gian IgE điển hình mà không gây ra sự thoái hóa của basophils hoặc liên kết chéo với IgE gắn với basophil [A39520].

Mề đay vô căn mãn tính

Omalizumab liên kết với IgE và giảm mức IgE tự do. Sau đó, các thụ thể IgE (FcεRI) trên các tế bào được điều chỉnh xuống. Cơ chế mà những tác dụng này của omalizumab dẫn đến sự cải thiện các triệu chứng CIU là không rõ ràng

[XEM TẠI ĐÂY]

5.2. Dược động học:

Hấp thu

Sau khi tiêm dưới da, omalizumab được hấp thu với sinh khả dụng tuyệt đối trung bình là 62%. Dược động học của omalizumab tuyến tính ở những liều lớn hơn 0,5mg/kg.

Sử dụng Omalizumab được sản xuất ở dạng chế phẩm đông khô hoặc dung dịch dẫn đến đường biểu diễn nồng độ của omalizumab trong huyết thanh theo thời gian tương tự nhau.

Phân bố

In vitro, omalizumab tạo thành các phức hợp có kích thước giới hạn với IgE. Các phức hợp kết tủa và những phức hợp có phân tử lượng lớn hơn một triệu dalton không được quan sát thấy in vitro và in vivo.

Các nghiên cứu về sự phân bố vào mô ở khỉ Cynomolgus cho thấy không có sự hấp thu đặc hiệu 125I-omalizumab bởi bất kỳ cơ quan hoặc mô nào.

Thải trừ

Độ thanh thải của omalizumab có liên quan đến quá trình thanh thải IgG cũng như sự thanh thải thông qua sự gắn kết đặc hiệu và hình thành phức hợp với phối tử đích, IgE. Sự thải trừ IgG qua gan nhờ sự thoái biến trong hệ lưới nội mô (RES) của gan và các tế bào nội mô. IgG nguyên vẹn cũng được thải trừ qua mật. Trong những nghiên cứu với chuột nhắt và khỉ, phức hợp omalizumab: IgE được thải trừ do tương tác với các thụ thể Fcγ có trong RES ở tốc độ nói chung nhanh hơn thanh thải IgG.

5.3 Giải thích:

Chưa có thông tin. Đang cập nhật.

5.4 Thay thế thuốc :

Chưa có thông tin. Đang cập nhật.

*Lưu ý:

Các thông tin về thuốc trên Pharmog.com chỉ mang tính chất tham khảo – Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ

Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Pharmog.com

6. Phần thông tin kèm theo của thuốc:

6.1. Danh mục tá dược:

6.2. Tương kỵ :

Bột và dung môi để pha dung dịch tiêm: Không được pha trộn Omalizumab với bất kỳ thuốc nào hoặc chất pha loãng nào ngoài nước pha tiêm vô khuẩn.

6.3. Bảo quản:

Bảo quản ở 2oC-8oC. Không làm đông lạnh.

6.4. Thông tin khác :

Chưa có thông tin. Đang cập nhật.

6.5 Tài liệu tham khảo:

Dược Thư Quốc Gia Việt Nam

Hoặc HDSD Thuốc.

7. Người đăng tải /Tác giả:

Bài viết được sưu tầm hoặc viết bởi: Bác sĩ nhi khoa – Đỗ Mỹ Linh.

Kiểm duyệt , hiệu đính và đăng tải: PHARMOG TEAM