Thông tin cơ bản về dược liệu, vị thuốc Đỗ trọng
Dưới đây là nội dung cơ bản về dược liệu, vị thuốc Đỗ trọng (Thông tin bao gồm liều dùng, cách dùng, chỉ định, chống chỉ định, thận trọng, dược lý…)
1. Tên dược liệu/vị thuốc:
Tên thường gọi: Đỗ trọng.
Tên dân gian, tên khác: Mộc miên, Ngọc ti bì, Miên hoa, Hậu đỗ trọng, Xuyên đỗ trọng, Dang ping (Tày), Du Zhong (Trung) …
Tên khoa học vị thuốc: Cortex Eucommiae
Tên khoa học của nguồn gốc chế biến ra vị thuốc: Eucommia ulmoides Oliv.
Họ: Họ đỗ trọng (Eucommiaceae)
Phân nhóm: Nhóm thuốc bổ dương.
Nhóm pháp lý, nguồn gốc: Dược liệu trong nước và nước ngoài (Bắc và Nam).
Bộ phận dùng: Vỏ phơi hay sấy khô của cây Đỗ trọng.
2. Mô tả – Thành phần hóa học – Dạng bào chế:
2.1. Mô tả dược liệu/vị thuốc:
Dược liệu Đỗ trọng là Vỏ phơi hay sấy khô của cây Bắc đỗ trọng và Nam đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv.), thuộc họ Đỗ Trọng (Eucommiaceae).
Dược liệu là những miếng vỏ phẳng hoặc hai bên mép hơi cong vào, to nhỏ không đều, dày 0,1 cm đến 0,5 cm, màu nâu nhạt, màu hạt dẻ hoặc xám tro. Mặt ngoài sần sùi, có nhiều nếp nhăn dọc và vết tích của cành con. Loại vỏ mỏng (bóc ở cây ít năm) không cạo bỏ bớt vỏ thô bên ngoài có thể thấy rõ bì khổng. Mặt trong vỏ màu sẫm, trơn, chất giòn, dễ bẻ gãy, mặt bẻ có nhiều sợi màu trắng ánh bạc, có tính đàn hồi như cao su. Vị hơi đắng.
Hình ảnh tham khảo:
Vị thuốc Đỗ trọng (Cortex Eucommiae).
2.2. Thành phần hóa học và hàm lượng:
Có 2 nhóm thành phần chính là iridoid glycosid và lignan glycosid:
Các iridioid glycosid có trong vỏ thân, bao gồm Aucubin, Harpagid, Ajugosid, Reptosid và Cucomiol. Aucubin là thành phần có hàm lượng 0,1 – 4 % ở vỏ thân và 1,6 – 1,7 % ở lá. Ngoài ra còn có ulmosid, eucomiosid, acid geniposid, geniposid, 4-deoxyeucomiol (chất này có cả ở thân và lá).
Các lignan glycosid từ vỏ thân medioresinol di-O-β-D-glucopyranoid, olivil di-O-β-D-glucopyranoid, hydroxypinoresinol di-O-β-D-glucopyranoid, liriodendrin, olivil… Pinoresinol diglucosid có chủ yếu ở libe của vỏ 0,55 % (các phần khác của vỏ không có diglucosid). Nhiều chất lignan và lignan glycosid cũng được phát hiện có trong đỗ trọng như guaiacylglycerol-β-D-medioresinol ether di-O- β-D –glucopyranoid, alcol erythro dihydroxy dehydroconiferylic, olivil 4’-O- β-D –glucopyranoid, olivil 4”- O- β-D –glucopyranoid, citrusin B.
Ngoài ra, còn có các chất thuộc nhóm hóa học khác như erythro và threo-guaiacyl-glycerol, ulmoprenol, nonacosan, n-triacontanol, β-sitosterol, belutin, acid betulinic, acid vanilic.
Lá chứa acid chlorogenic, acid tartaric, acid caffeic, acid dihydrocafeic, catechol, acid trans-4-hydrocyclohexan carboxylic.
Dưới đây tổng hợp công thức hóa học một số chất đã phân lập được từ Đỗ trọng có tác dụng dược lý bao gồm: Pinoresinol diglucoside, Geniposidic acid, Geniposide, Genipin, Aucubin, Pinoresinol, Harpagide, Beta Carotene, Chlorogenic acid, Syringin (Eleutheroside B)…
Cấu trúc hóa học một số hoạt chất có trong Đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv).
2.3. Các dạng bào chế hoặc thuốc dạng thành phẩm:
Trong y học cổ truyền, Đỗ trọng là một trong 50 vị thuốc cơ bản trong y học cổ truyền Trung Quốc và là một vị thuốc bổ can thận, cường gân cốt, an thai; chủ trị chứng thận hư, đau lưng, liệt dương, thai động,… Trong các bài thuốc chữa vô sinh, hiếm muộn, đỗ trọng có vai trò khá quan trọng. Ở Nhật Bản, đỗ trọng cũng có công dụng bổ gan, thận, cường gân, xương khớp, an thai. Ở Việt Nam, Vỏ đỗ trọng được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị phong thấp, đau lưng, đau đầu gối cũng như để hạ huyết áp hoặc một số bài thuốc bổ thận tùy theo dạng bào chế là sao đen hay dùng sống. Một số bài thuốc có vị thuốc này như bài thuốc chữa thận yếu, đau lưng, mỏi gối, liệt dương (Đỗ trọng, ngưu tất, tục đoạn, đương quy, thục địa, ba kích, cẩu tích, cốt toái bổ, mạch môn, hoài sơn, sắc uống hoặc tán bột làm viên với mật ong); bài thuốc chữa đau vùng thắt lưng (Đỗ trọng, hạt quít, mỗi vị 80g. Sao tán nhỏ uống dần với thang nước muối và rượu.); bài thuốc chữa ra mồ hôi trộm (Đỗ trọng, mẫu lệ, lượng bằng nhau. Tán nhỏ, uống với rượu); bài chữa phụ nữ sẩy thai quen lệ (Đỗ trọng, cẩu tích, ba kích, thục địa, vú bò, củ gai bánh, đương quy, tục đoạn, ý dĩ sao, mỗi vị 10g, Sắc uống); bài chữa động thai và các bệnh sau khi sinh đẻ (Đỗ trọng, táo tàu, giã và làm thành viên bằng hạt đậu, dùng uống); bài chữa chảy máu não và các di chứng ở bệnh nhân tăng huyết áp (Đỗ trọng 12,5g, lá sen 15,5g, sinh địa 10g, mạch môn 10g, tang ký kinh 10g, bạch thược 16g, cam thảo 15,5g. Sắc và chia uống trong ngày); bài chữa tăng huyết áp (Đỗ trọng 33g, hoàng bá 10g, sa nhân 6,6g, cam thảo 6,6g. Trong trường hợp bị suy tim, gia thêm quế 6,6g; sắc uống); bài chữa thận âm hư, uy nhược thần kinh, tăng huyết áp (Đỗ trọng 12g, rau thai nhi 1 cái, đảng sâm, thục địa, ngưu tất, long cốt, mẫu lệ, mỗi vị 16g, thiên môn, mạch môn, phục linh, mỗi vị 12g, hoàng bá 8g, tạo giác 4g, tán bột, làm viên)…
Trong y học hiện đại, Đỗ trọng hiện nay được phối hợp với dược liệu khác và sản xuất ở dạng thành phẩm dưới dạng viên nang, viên nén, viên hoàn, cao lỏng, rượu thuốc trong chế phẩm điều trị bệnh xương khớp, bổ thận…. Hiện nay dạng thành phẩm có các thuốc biệt dược sau: An khớp vương, Astheroncap, Bạch y phong tê thấp, Bạch y phong tê thấp Khải Hà, Bảo cốt đan nam bảo dược, Bảo mạch hạ huyết áp, Bổ thận âm Nhất Nhất, Bổ thận dương đông dược việt, Bổ Thận Hoàn, Bổ thận NLP, Bổ thận PV, Cao dương tráng thận Xuân quang, Cao lỏng Cao phong thấp, Didicera, Độc hoạt ký sinh, Độc hoạt ký sinh hoàn, Độc hoạt tang ký sinh, Độc hoạt tang ký sinh Bidiphar, Độc hoạt tang ký sinh MKP, Độc hoạt tang ký sinh OPC, Độc hoạt tang ký sinh. VT, Dưỡng tâm kiện tỳ hoàn, Flavital 500, Hỏa long, Hoàn độc hoạt tang ký sinh TW3, Hoàn phong tê thấp – HT, Hoàn sinh lực, Hội long, Hữu quy – Orgalife, Khopharco, Khu phong hóa thấp Xuân Quang, Khung phong hoàn, Minh mạng hoàn, Phong Dan, Phong tê thấp, Phong tê thấp – HT, Phong tê thấp Bà Giằng, Phong tê thấp HD New, Phong tê thấp Hoa Việt, Phong tê thấp Hyđan, Phong tê thấp Nhất Nhất, Phong tê thấp PV, Phong thấp Khải Hà, Phong thấp thủy, Revmaton Danapha, Sâm Nhung Bổ Thận Trung Ương 1, Song hảo đại bổ tinh, Song hảo đại bổ tinh- F, Suribest, Thang thuốc ngâm rượu, Thấp khớp CD, Thấp khớp hoàn P/H, Thấp Khớp Nam Dược, Thấp khớp Vinaplant, Thuốc bổ ngâm rượu, Tisore – Khu phong hóa thấp Xuân Quang, Tomikan, Tuzamin, V.phonte, Viên nang cứng Độc hoạt tang ký sinh, Viên xương khớp Bách niên, Xương Khớp Nhất Nhất ….
Hình ảnh sản phẩm tham khảo:
V.PHONTE | ||
Mỗi viên nén bao phim chứa cao khô dược liệu: | ||
Độc hoạt | …………………………. | 330 mg |
Phòng phong | …………………………. | 330 mg |
Tang ký sinh | …………………………. | 330 mg |
Tần giao | …………………………. | 330 mg |
Bạch thược | …………………………. | 330 mg |
Ngưu tất | …………………………. | 330 mg |
Sinh địa | …………………………. | 330 mg |
Cam thảo | …………………………. | 330 mg |
Đỗ trọng | …………………………. | 330 mg |
Tế tân | …………………………. | 60 mg |
Quế nhục | …………………………. | 60 mg |
Nhân sâm | …………………………. | 60 mg |
Đương quy | …………………………. | 60 mg |
Xuyên khung | …………………………. | 30 mg |
Tá dược | …………………………. | vừa đủ (Xem mục 6.1) |
Thuốc V.phonte của Công ty TNHH Vạn Xuân có chứa thành phần Đỗ trọng.
3. Video by Pharmog:
[VIDEO DƯỢC LÝ]
————————————————
► Kịch Bản: PharmogTeam
► Youtube: https://www.youtube.com/c/pharmog
► Facebook: https://www.facebook.com/pharmog/
► Group : Hội những người mê dược lý
► Instagram : https://www.instagram.com/pharmogvn/
► Website: pharmog.com
4. Ứng dụng lâm sàng:
4.1. Công dụng, chủ trị:
Đỗ trọng thường được dùng đơn độc hoặc dùng phối hợp với nhiều vị thuốc khác trong các trường hợp sau:
Chữa thận yếu, thận âm hư, đau vùng thắt lưng, mỏi gối, di tinh, liệt dương.
Chữa đau dây thần kinh hông do thoái hóa cột sống gây chèn ép, suy nhược thần kinh.
Chữa ra mồ hôi trộm.
Chữa phụ nữ sẩy thai, động thai do chấn thương, động thai có ra máu do khí huyết hư, đau kinh và các bệnh sau khi sinh đẻ.
Chữa các chứng trẻ em thuộc hư hàn và bẩm sinh ốm yếu, kinh giản, hen suyễn, lỵ mạn tính, mất tiếng, cam tích, bí chướng, còi xương, chậm nói, chậm đi.
Chữa tăng huyết áp, chảy máu não và các di chứng ở bệnh nhân tăng huyết áp.
Chữa hen phế quản khi hết cơn hen.
Chữa viêm tắc động mạch chi.
4.2. Liều dùng – Cách dùng:
Cách dùng :
Dùng dạng sắc: Cần sắc theo hướng dẫn trước khi uống.
Dạng bột, tán nhỏ làm hoàn: tán bột, thường phối hợp với các dược liệu khác, trộn với nước hoặc mật ong rồi nặn thành viên bằng hạt đậu xanh.
Liều dùng:
Liều thường dùng: Mỗi ngày dùng 8 đến 15g, có thể dùng đến 40g dưới dạng thuốc sắc hay hoàn tán, ngâm rượu, cao lỏng, dùng riêng hay phối hợp với nhiều vị thuốc khác.
Dạng bào chế thành phẩm: Dùng theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
4.3. Chống chỉ định:
Mẫn cảm với thành phần hoạt chất của vị thuốc/dược liệu.
Những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phụ thuộc vào estrogen.
4.4 Thận trọng, cảnh báo:
Âm hư hỏa vượng không nên dùng.
Không được sử dụng cho các đối tượng có lượng máu chảy không ổn định, gây ra kiềm hãm, máu chảy không cầm được.
Ảnh hưởng của thuốc lên khả năng lái xe, vận hành máy móc:
Chưa có bằng chứng về ảnh hưởng của thuốc lên khả năng lái xe, vận hành máy móc.
4.5 Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú:
Thời kỳ mang thai:
Chưa có nghiên cứu nào trên phụ nữ mang thai. Tránh dùng cho phụ nữ mang thai.
Thời kỳ cho con bú:
Chưa có nghiên cứu nào trên phụ nữ cho con bú. Tránh dùng cho phụ nữ cho con bú.
4.6 Tác dụng không mong muốn (ADR):
Một nghiên cứu đã ghi nhận tình trạng đau đầu, chóng mặt, phù nề và rét run sau khi dùng Đỗ Trọng.
Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
4.7 Hướng dẫn cách xử trí ADR:
Trong thời gian được điều trị, nếu nhận thấy có bất cứ tác dụng phụ nào xấu xảy ra hoặc các triệu chứng bệnh vẫn tiếp tục tăng nặng thì nên ngưng dùng ngay và tìm kiếm phương pháp chữa trị khác phù hợp hơn.
4.8 Tương tác, tương kỵ:
Theo tài liệu y học cổ truyền thì không nên dùng đỗ trọng kết hợp với vị xà thoái và huyền sâm.
Chưa có nghiên cứu về tương tác. Do không có các nghiên cứu về tính tương kỵ của thuốc, không trộn lẫn thuốc này với các thuốc khác.
4.9 Quá liều và độc tính:
Chưa có nghiên cứu quá liều trên người. Tuy nhiên Đỗ trọng được coi là vị thuốc ít độc.
Độc tính: Một nghiên cứu ở chuột được dùng 1.200 mg/kg dịch chiết vỏ cây Đỗ trọng cũng không có triệu chứng ngộ độc cấp tính đáng kể nào.
5. Tính vị, quy kinh, tác dụng dược lý, cơ chế tác dụng của thuốc :
5.1. Tính vị – Quy kinh – Công năng:
Tính vị: Đỗ trọng có vị ngọt hơi cay, tính ấm.
Quy kinh: Quy vào kinh can và thận.
Công năng: có tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt, dưỡng huyết, ấm tử cung, an thai, hạ áp.
5.2. Tác dụng dược lý:
Tác dụng điều trị tiểu đường: Các hoạt động điều trị đái tháo đường của lá cây đỗ trọng có liên quan đến 3 glycoside flavonol có hoạt tính ức chế glycation. Cụ thể dịch chiết của nó làm giảm lượng đường trong máu, tăng nồng độ insulin và C-peptide huyết tương ở động vật thì nghiệm bị tiểu đường. Cơ chế của tác dụng này chưa rõ.
Tác dụng hạ huyết áp: Đỗ trọng gây hạ áp còn do tác dụng làm giãn mạch ngoại vi và tác dụng trực tiếp trên cơ trơn thành mạch với cơ chế tăng giải phóng oxit nitric, điều chỉnh hệ thống renin-angiotensin và trực tiếp làm giãn mạch máu. Dịch chiết từ quả cũng có tác dụng gây hạ áp.
Chiết xuất từ lá và vỏ cây Đỗ trọng gây ra sự giãn mạch qua trung gian oxit nitric, phụ thuộc nội mô ở động mạch chủ chuột và động mạch cảnh chó bị gây co bằng phenylephrine. Cơ chế giãn mạch còn có thể liên quan tới việc kích hoạt các kênh kali và hoạt động beta-adrenergic.
Tác dụng kháng viêm: Cơ chế hoạt động chống viêm của E. ulmoides có liên quan đến sự phong tỏa hoạt hóa bổ thể. Các hợp chất phân lập từ vỏ thân đỗ trọng đã được nghiên cứu về hoạt tính chống kết hợp bổ thể. Cao 50% methanol và nước của vỏ thân có tác dụng chống kết hợp bổ thể rõ rệt. Trong mô hình chuột bị viêm loét đại tràng, chiết xuất lá Đỗ trọng giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng phân có máu. Tình trạng viêm ở chuột bị loét dạ dày đã giảm đáng kể sau khi dùng chiết xuất nước và ethanol của lá Đỗ trọng; cơ chế chính được xác định là ức chế đường dẫn tín hiệu PI3K/Akt/GSK-3beta/Nrf2.
Tác dụng bảo vệ gan: Chiết xuất từ lá Đỗ trọng làm giảm độc tính gan do carbon tetrachloride gây ra và ngăn ngừa tình trạng gan nhiễm mỡ do chế độ ăn nhiều chất béo gây ra ở chuột. Đỗ trọng đã chứng minh tác dụng bảo vệ gan thông qua những cải thiện đáng kể về ALT và AST ở chuột. Các cơ chế bảo vệ bao gồm hoạt động chống oxy hóa và chống viêm như TNF-alpha, IL-1beta.
Tác dụng bảo vệ thần kinh: E. ulmoides có thể bảo vệ chống lại tổn thương dây thần kinh ngoại vi ở động vật thí nghiệm bằng cách thúc đẩy tái tạo thần kinh và cải thiện khả năng phục hồi chức năng vận động bằng cách giảm stress oxy hóa. Một có chế khác liên quan tới việc tăng trí nhớ và nhận thức bằng cách ức chế hoạt động aceylcholinesterase ở vùng đồi thị và vỏ não trước.
Tác dụng tăng cường chức năng thận: Chiết xuất polysacarit vỏ cây E. ulmoides có tác dụng bảo vệ thận khỏi tổn thương cầu thận bằng cách giảm lắng đọng immunoglobulin, giảm protein niệu và ức chế tăng sản xuất kháng thể trong huyết thanh và immunoglobulin G.
Tác dụng chống loãng xương ở phụ nữ mãn kinh: Đỗ trọng giúp cải thiện chất lượng sinh học của xương thông qua việc điều chỉnh ngăn ngừa giảm mật độ khoáng xương và cấu trúc phân tử xương mà không có tác dụng tăng sản trên tử cung, giảm nguy cơ gãy xương ở bệnh nhân loãng xương.
Tác dụng chống béo phì: cơ chế chính xác vẫn chưa được biết, chiết xuất từ lá cây đỗ trọng đã kích thích quá trình phân giải mỡ và sinh nhiệt ở động vật thí nghiệm, ức chế cảm giác thèm ăn bằng cách ức chế hoạt động của các dây thần kinh phó giao cảm chi phối đường tiêu hóa.
Tác dụng khác: Ngoài các tác dụng nêu trên, Đỗ trọng còn có hoạt tính kháng nấm, kháng khuẩn, kháng virus, chống oxy hóa, giảm xơ vữa động mạch, bảo vệ tim mạch, làm nhanh lành vết thương …
Cơ chế một số tác dụng chính:
Pinoresinol diglucoside là một chất ức chế α-glucosidase, bao gồm cả tác dụng hạ huyết áp. Nó là chất cảm ứng protein sốc nhiệt.
Geniposidic acid là một chất chống ung thư và bảo vệ phóng xạ hiệu quả, được sử dụng để điều trị chứng viêm, vàng da do các rối loạn ở gan. Nó có tác dụng chống xơ vữa động mạch, bảo vệ nội mạc mạch máu và chống lại sự hình thành mảng bám trong xơ vữa động mạch.
Geniposide có tác dụng chống tiểu đường, chống trầm cảm, chống oxy hóa, chống apoptotic (Chết tế bào theo chương trình), chống tăng sinh và bảo vệ thần kinh. Geniposide là chất chủ vận thụ thể GLP-1, nó điều chỉnh sự biểu hiện của các protein chống oxy hóa bao gồm HO-1 và Bcl-2 bằng cách kích hoạt bộ phiên mã của p90RSK thông qua đường truyền tín hiệu MAPK trong các tế bào PC12, tác dụng này giúp Geniposide trở thành chất tiềm năng trong điều trị bệnh Alzheimer và bảo vệ thần kinh. Geniposide có thể ức chế EMT do TGF-β1 gây ra trong bệnh xơ gan bằng cách ức chế các con đường truyền tín hiệu của TGFβ/Smad và MAPK (protein kinase kích hoạt bởi ERK-mitogen).
Genipin có tác dụng kháng khuẩn, kháng vi-rút, chống ung thư và chống viêm, nó có tác dụng lợi mật nên có thể ứng dụng trong một số bệnh gan, ngoài ra nó có thể được sử dụng để điều trị bệnh nha chu và cho thấy tác dụng chống huyết khối ở in vivo do khả năng ức chế kết tập tiểu cầu.
Aucubin là một glycoside iridoid có khả năng bảo vệ tuyến tụy, bảo vệ sụn, chống co thắt, bảo vệ gan, chống viêm, chống vi khuẩn, chống oxy hóa, giảm đau và chống khối u. Aucubin ngăn chặn chết tế bào thần kinh ở vùng hồi hải mã của chuột, nó cũng có tác dụng bảo vệ tế bào PC12 khỏi chết tế bào theo chương trình do H2O2 gây ra. Aucubin có thể cải thiện tình trạng xơ vữa động mạch do béo phì bằng cách làm giảm các đáp ứng viêm do TNF-α gây ra. Aucubin ngăn chặn sự sao chép DNA của virus viêm gan B trong ống nghiệm.
Pinoresinol là một lignan có hoạt tính chống viêm, bảo vệ gan và chống nấm, trong số các lignan được thử nghiệm, Pinoresinol thể hiện đặc tính chống viêm mạnh nhất nhờ tác động lên đường truyền tín hiệu NF-κB. Pinoresinol gây ra sự điều chỉnh tăng chất ức chế CDK p21(WAF1/Cip1) ở cả mức độ mRNA và protein, từ đó ức chế sự tăng sinh và tạo ra sự biệt hóa trên các tế bào ung thư bạch cầu HL60 ở người. Pinoresinol cải thiện tổn thương gan cấp tính do carbon tetrachloride gây ra, và khả năng này có thể là do hoạt động chống oxy hóa và làm giảm các chất trung gian gây viêm thông qua ức chế NF-kappaB và AP-1.
Harpagide có tác dụng bảo vệ thần kinh, có thể bảo vệ đột quỵ do thiếu máu não cấp tính ở chuột, tác dụng này nhờ tiếp cận và bảo vệ hoạt động của ty thể não và giảm mức độ biểu hiện của caspase-3; harpagide cũng có khả năng ngăn ngừa mất xương ở chuột bị cắt bỏ buồng trứng (OVX) bằng cách điều chỉnh kích thích biệt hóa nguyên bào xương và ngăn chặn sự hình thành nguyên bào xương. Harpagide còn có thể có hiệu quả chống viêm.
Beta Carotene là một hợp chất hữu cơ và là một terpenoid. Nó là tiền chất dạng không hoạt động của vitamin A. Beta-Carotene có hoạt tính chống oxy hóa, chống ung thư và chống chết tế bào theo chương trình, nó có tác dụng bảo vệ chống lại tổn thương do bức xạ gamma gây ra. Việc bổ sung caroten thường xuyên có thể giúp hạ cholesterol máu, có thể do ức chế 3-hydroxy-3-methyl glutaryl coenzyme A (HMGCoA).
Chlorogenic acid, một hợp chất phenolic được tìm thấy nhiều trong các loài thực vật, là chất chống oxy hóa và thải sắt, nó còn có hoạt tính kháng vi-rút bằng cách ức chế sự nhân lên của HBV, nó ức chế phản ứng viêm trong bệnh viêm não do virus herpes simplex thông qua việc ức chế đường truyền tín hiệu TLR2/TLR9-Myd88. Một số dẫn xuất của Chlorogenic acid có tác dụng hạ đường huyết và có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa lipid, axit chlorogenic có thể cải thiện khả năng dung nạp glucose, giảm lipid trong huyết tương và gan, đồng thời cải thiện sự phân bố khoáng chất trong cơ thể.
Syringin (Eleutheroside B) có đặc tính bảo vệ thần kinh, một loại thuốc bổ, giảm stress, chống khối u, chống kết tập tiểu cầu, chống viêm, chống nhiễm trùng và điều hòa miễn dịch. Nó làm giảm mức độ biểu hiện của men tổng hợp NO cảm ứng (iNOS), COX, TNF-α, Beta Amyloid và Caspase.
Kaempferol là một Flavonoids, thuốc có cơ chế kích hoạt LXR-β và ức chế SREBP-1 làm tăng các triệu chứng trong hội chứng chuyển hóa. Kaempferol có tác dụng ức chế mạnh quá trình tiêu xương trong ống nghiệm. Ngoài ra Kaempferol có tác dụng kháng viêm, có thể phòng và điều trị các bệnh viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp. Kaempferol có tiềm năng trong phòng ngừa và điều trị các bệnh huyết khối, có thể tăng sự giãn mạch có nguồn gốc từ nội mô và ngoại sinh do NO. Kaempferol có thể ức chế sự xâm lấn của tế bào ung thư thông qua việc ngăn chặn chuỗi PKCδ/MAPK/AP-1 và hoạt động của MMP-9.
Quercetin là một trong những chất chống oxy hóa có tác dụng phòng loãng xương, ung thư, bệnh phổi và bệnh tim mạch cũng như chống lão hóa. Nó là chất kích thích SIRT1 tái tổ hợp và cũng là chất ức chế PI3K γ, PI3K δ và PI3K β với IC50 lần lượt là 2,4 ± 0,6 μM, 3,0 ± 0,0 μM và 5,4 ± 0,3 μM. Nó cũng làm giảm chức năng VEGFR, thụ thể androgen và các biểu hiện của NF-κB, thụ thể IL, FAK, ERK,Nrf2.
Quercitrin là một chất kháng khuẩn và ức chế quá trình oxy hóa lipoprotein mật độ thấp và ngăn ngừa phản ứng dị ứng; Quercitrin và Deoxynojirimycin kết hợp như một chất chống ung thư mạnh chống lại S.mutans. Quercitrin có hoạt tính chống oxy hóa, chống viêm, chống ung thư và chống dị ứng. Quercitrin có tác dụng chống tăng sinh và tác dụng làm chết tế bào ung thư phổi và ung thư đại tràng theo chương trình nhờ điều chỉnh phản ứng miễn dịch; nó thúc đẩy quá trình biệt hóa nguyên bào xương trong các tế bào MC3T3-E1 và cũng ức chế quá trình tạo cốt bào trong các tế bào RAW264.7.
Chưa rõ cơ chế tác dụng của các hoạt chất khác trong Đỗ trọng.
5.3. Dược động học:
Chưa có nghiên cứu.
5.4. Các nghiên cứu lâm sàng và tiền lâm sàng:
(1) Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu):
Những kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy vỏ thân đỗ trọng có tác dụng kích thích với liều thấp, và với liều cao nó có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, đặc biệt vùng dưới vỏ não. Có tác dụng gây hạ huyết áp do ảnh hưởng trên trung tâm vận mạch ở hành tủy và trên hệ thống dây thần kinh phế vị và làm tăng sức co bóp của cơ tim. Nước sắc vỏ thân làm tàng tiết niệu ở chuột nhắt, tăng trương lực cơ trơn tử cung và ruột động vật thí nghiệm. Vị thuốc ít độc. Cho chuột nhắt cái thiến uống dịch chiết của một bài thuốc bổ thận đông y gồm đổ trọng và một số vị thuốc khác, thấy có tác dụng gây động dục kiểu oestrogen.
Cao ethanol vỏ thân tiêm tĩnh mạch cho chó gây mê, đã gây hạ huyết áp. Nhưng sau khi cho thuốc nhiều lần, có hiện tượng quen thuốc. Đỗ trọng gây hạ áp còn do tác dụng làm giãn mạch ngoại vi và tác dụng trực tiếp trên cơ trơn thành mạch. Dịch chiết từ quả cũng có tác dụng gây hạ áp.
Nước sắc vỏ thân cho vào dạ dày chó đã gây tăng huyết áp do thận trong 4 tuần, đã có tác dụng hạ áp yếu.
Trên thỏ và chó được tiêm tĩnh mạch các chế phẩm đỗ trọng, thấy dược liệu sao có tác dụng mạnh hơn thuốc sống, nước sắc tác dụng mạnh hơn cao cồn.
Nhiều công trình nghiên cứu về sinh học trên các dẫn chất lignoid chiết từ vỏ thân đỗ trọng đã chứng minh một số các chất đó có tác dụng kháng khuẩn, chống phân bào, chống ung thư và tác dụng ức chế đặc hiệu một số enzym.
Các dẫn chất iridoid chiết từ vỏ thân đỗ trọng được nghiên cứu và thấy có một số tác dụng dược lý như tác dụng kháng khuẩn, hạ huyết áp, giảm đau, chống viêm, an thần, nhuận tràng và chống ung thư.
Các hợp chất phân lập từ vỏ thân đỗ trọng đã được nghiên cứu về hoạt tính chống kết hợp bổ thể. Cao 50% methanol và nước của vỏ thân có tác dụng chống kết hợp bổ thể rõ rệt.
Trong các dẫn chất lignanoid từ vỏ thân đỗ trọng, eucommin A và một số chất khác có tác dụng chống kết hợp bổ thể ở mức độ trung bình. Những lignan glucosid có hoạt tính mạnh hơn những aglycon của chúng. Trong các hợp chất iridoid từ vỏ thân đỗ trọng, genipin có hoạt chất chống kết hợp bổ thể mạnh nhất, eucommiol có hoạt tính yếu. Trong các glucosid mdoid, geniposid và một số chất khác cũng có hoạt tính chống kết hợp bổ thể yếu.
(2) Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi (2004):
N.V.Sapdinscoi (Phòng dược lý viện VNIFI, Liên xô cũ-1950) đã nghiên cứu và xác định vị đỗ trọng không có độc.
Với liều vừa phải, có tác dụng kích thích. Với liều cao có tác dụng ức chế hệ thống thần kinh trung ương, nhất là vùng vỏ não. Tác dụng hạ huyết áp do tác dụng trên trung tâm vận mạch ở hành tủy và trên mê tẩu thần kinh (nerf vague). Đỗ trọng còn có tác dụng làm mạnh sự co bóp củ cơ tim. Nước sắc đỗ trọng tăng lượng nước tiểu đối với chuột bạch và tăng sức đối với cơ nhẵn của sừng tử cung và ruột.
(3) Nguồn khác:
Tác dụng hạ áp: Sắc nước và cồn chiết xuất thuốc đều có tác dụng hạ áp, nước sắc tác dụng mạnh hơn, nước sắc Đỗ trọng sao tốt hơn nước sắc Đỗ trọng sống. Cơ chế tác dụng chủ yếu do thuốc trực tiếp làm thư giãn cơ trơn của mạch máu (Trung Dược Học) nhưng tác dụng hạ áp thời gian ngắn (Trung dược ứng dụng lâm sàng).
Thuốc có tác dụng hạ Cholesterol huyết thanh, dãn mạch, tăng lưu lượng máu của động mạch vành (Trung dược ứng dụng lâm sàng).
Có tác dụng kháng viêm, tăng cường chức năng vỏ tuyến thượng thận (Trung Dược Học).
Thuốc có tác dụng chống co giật và giảm đau (Trung Dược Học).
Thuốc làm tăng tính miễn dịch của cơ thể. Thực nghiệm chứng minh thuốc có tác dụng điều chỉnh chức năng của tế bào. Lá, cành, vỏ tái sinh của Đỗ trọng đều có tác dụng như nhau (Trung Dược Học).
Tác dụng đối với tử cung: nước sắc và cồn chiết xuất Đỗ trọng có tác dụng hưng phấn tử cung tử cung cô lập của thỏ và chuột lớn, làm cho tử cung cô lập của mèo thì tác dụng hưng phấn lại rất nhẹ (Trung Dược Học).
Thuốc có tác dụng rút ngắn thời gian chảy máu và tác dụng lợi tiểu (Trung Dược Học).
Thuốc sắc có tác dụng ức chế với mức độ khác nhau đối với tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn lỵ Flexner, trực khuẩn Coli, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn bạch hầu, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn dung huyết B (Trung Dược Học).
*Lưu ý:
Các thông tin về thuốc trên Pharmog.com chỉ mang tính chất tham khảo – Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ
Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Pharmog.com
6. Phần thông tin kèm theo của thuốc:
6.1. Đặc điểm, nguồn gốc, phân bố dược liệu, vị thuốc:
Đặc điểm nguồn gốc:
Cây Đỗ trọng là cây nhỡ hay cây to, cao 8 – 16 m hoặc cao hơn, cây luôn xanh tươi. Vỏ cây màu xám, khi bẻ đôi sẽ thấy sợi nhựa trắng mảnh như tơ giữa các mảnh vỏ đó. Lá mọc so le, hình trứng rộng, đầu lá nhọn, gốc lá tròn, mép lá có răng cưa, dài 5 – 14 cm, rộng 3 – 7 cm, mặt trên xanh lụ sẫm, mặt dưới nhạt hơn, khi đứt lá làm 2 – 3 mảnh cũng thấy sợi nhựa trắng như tơ ở vỏ cây. Cuống lá ngắn 1-l,5cm. Hoa đơn tính, hoa đực và hoa cái mọc khác gốc, không có bao hoa. Hoa đực mọc thành chùm, hoa cái tụ tập ở kẽ lá. Quả hình thoi dài 3 cm, rộng 1cm dẹt, đầu quả xẻ là 2 thành hình chữ V, chứa một hạt màu nâu bóng. Hoa mọc từ tháng 3-5; quả từ tháng 7-9.
Phân bố:
Cây có nguồn gốc ở Trung Quốc, hiện được trồng nhiều ở các tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên, Quý Châu, Quảng Đông, Quảng Tây, Nam Kinh,…Cây cũng được trồng ở Nhật Bản, Triều Tiên và vùng Nam Liên Xô trước đây.
Đỗ trọng được di thực vào Việt Nam từ những năm 60. Cây được tiếp tục phát triển rộng ở các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ (Hà Giang), Tuần Giáo (Lai Châu), Mai Châu (Hoà Bình). Tuy vậy dược liệu Đỗ trọng hiện nay sử dụng ở Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc do nguồn trong nước vẫn còn khan hiếm vì chưa được đầu tư đúng đắn.
Cây Đỗ trọng (Eucommia ulmoides Oliv).
6.2. Thu hái – Sơ chế:
Chọn những cây to mập, chu vi lớn hơn 0,5m và đã trồng hơn 10 năm để thu hoạch vì vỏ những cây này tốt.
Vào mùa xuân (khoảng tháng 4), lấy cưa cưa đứt chung quanh vỏ cây thành những đoạn dài ngắn tùy ý, bóc trừ lại 1/3 chu vi thân đảm bảo cho cây vẫn sinh trưởng bình thường, rồi dùng dao rạch dọc thân cây thành từng miếng để bóc vỏ cho dễ.
Vỏ bóc về đem ép phẳng rồi trải ở chỗ bằng phẳng dưới có lót rơm, bên trên nén chặt làm cho vỏ phẳng, chung quanh lấy rơm phủ kín để ủ cho nhựa chảy ra.
Sau đó ủ độ một tuần, lấy ra một miếng để kiểm tra, nếu thấy vỏ có màu tím đen, thì có thể dỡ ra đem phơi, cạo thật sạch lớp vỏ bên ngoài, làm cho vỏ thật nhẵn bóng, cuối cùng cắt thành từng miếng ý muốn.
6.3. Bảo quản:
Không bảo quản ở nhiệt độ trên 30°C.
6.4. Thông tin khác:
Cây dễ nhầm lẫn:
Từ lâu ở Việt Nam đã thay thế vị thuốc này, nhiều cây rất khác nhau mang tên đỗ trọng nam đã được sử dụng dựa trên cơ sở khi bẻ vỏ cây, cuống lá và lá đều thấy nhựa mủ khô lại thành sợi như tơ mành giữ cho các mảnh bị bẻ không rơi xuống giống như đặc điểm của vỏ cây đỗ trọng, mặc dầu vỏ của những cây này mỏng, tơ, ít và ngắn hơn.
Cây Parameria – Parameria laevigata (Juss.) Mold var. pierei Pit – Họ Trúc đào (Apocynaceae): Dây leo dài hàng mét, thân nhẵn, lá hình bầu dục hoặc trái xoan, mọc đối, có khi mọc vòng 3. Cụm hoa mọc ở ngọn cành và kẽ lá: hoa trắng, thơm, cuống, cụm hoa và lá đài có lông. Quả là 2 đại, dài 15 – 45 cm, hạt có mào lông. Cây mọc dại ở bờ bụi rừng thưa.
Cây Chân danh – Euonymus javanicus var. talungensis Pierre – Họ Săng máu (Celastraceae): Cây to, cao 10 – 12 cm, có đường kính thân 25 – 30 cm. Cành tròn, nhẵn. Lá mỏng, mọc so le. Cụm hoa mọc ở kẽ lá, có 1 – 3 hoa màu hồng. Quả có 5 đường sống, màu vàng, hạt có áo. Cây mọc tự nhiên ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế.
Cây san hô hay bạch phụ tử, họ Thầu dầu (Euphobiaceae): Cây nhỡ, cao 3-4 m. Lá xẻ thùy sâu chân vịt, mỗi thùy lại xẻ nữa làm cho lá như bị rách, cuống lá dài. Cụm hoa mọc ở ngọn thân, cành, hoa màu đỏ, hoa đực và hoa cái riêng. Quả nang, hình trứng, nhẵn, màu vàng, hạt to bằng hạt thầu dầu. Cây được trồng làm cảnh, có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mĩ.
6.5 Tài liệu tham khảo:
Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi (2004).
Theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam của Viện dược liệu (Tái bản lần 1).
Theo Dược thư Quốc Gia Việt Nam.
Nguồn tổng hợp khác.
7. Người đăng tải /Tác giả:
Bài viết được sưu tầm hoặc viết bởi: Bác sĩ nhi khoa – Đỗ Mỹ Linh.
Kiểm duyệt , hiệu đính và đăng tải: PHARMOG TEAM