Multivitamin B Injection (Vitamin nhóm B đường tiêm)

Thông tin chung của thuốc kết hợp Multivitamin B injection (Vitamin nhóm B đường tiêm)

Dưới đây là nội dung tờ hướng dẫn sử dụng gốc của Thuốc kết hợp Multivitamin B injection (Vitamin nhóm B đường tiêm) (Thông tin bao gồm liều dùng, cách dùng, chỉ định, chống chỉ định, thận trọng, dược lý…)

1. Tên hoạt chất và biệt dược:

Hoạt chất : Multivitamin B injection/Vitamin B complex injection/ Các vitamin nhóm B tổng hợp đường tiêm (Vitamin B1 (Thiamin) + Vitamin B2 (Riboflavin) + Vitamin B5 (Dexpanthenol) + Vitamin B6 (Pyridoxin) + Vitamin PP (Nicotinamide))

Phân loại: Dịch truyền tĩnh mạch. Các vitamin dạng kết hợp.

Nhóm pháp lý: Thuốc kê đơn ETC – (Ethical drugs, prescription drugs, Prescription only medicine)

Mã ATC (Anatomical Therapeutic Chemical): A11EA.

Biệt dược gốc:

Thuốc Generic: B-Comene, Combimin, Supvizyn, Tamipool Injection, Becozyme, Bmaxzyme, Vincozyn plus, Vitacompon Injection, Becombion Injection, Aptacomplex, B Complex Stada, Vitaplex B.C. Injection.

2. Dạng bào chế – Hàm lượng:

Dạng thuốc và hàm lượng

Dung dịch tiêm.

Mỗi ống 2 ml chứa*: Vitamin B1 (Thiamin hydroclorid) 10 mg; Vitamin B2 (Riboflavin natri phosphat) 4 mg; Vitamin B5 (Calci pantothenat) 6 mg; Vitamin B6 (Pyridoxin HCl) 4 mg; Vitamin PP (Nicotinamid) 40 mg

*Lưu ý: hàm lượng, thành phần vitamin mỗi chai có thể khác nhau. Xem tờ hướng dẫn chi tiết cụ thể từng sản phẩm.

Thuốc tham khảo:

APTACOMPLEX
Mỗi ống 2ml có chứa:
Nicotinamid …………………………. 40 mg
Dexpanthenol …………………………. 6 mg
Riboflavin …………………………. 5,47 mg
Pyridoxin HCl …………………………. 4 mg
Thiamin HCl …………………………. 10 mg
Tá dược …………………………. vừa đủ (Xem mục 6.1)

Aptacomplex (Các vitamin nhóm B tổng hợp - đường tiêm)

3. Video by Pharmog:

[VIDEO DƯỢC LÝ]

————————————————

► Kịch Bản: PharmogTeam

► Youtube: https://www.youtube.com/c/pharmog

► Facebook: https://www.facebook.com/pharmog/

► Group : Hội những người mê dược lý

► Instagram : https://www.instagram.com/pharmogvn/

► Website: pharmog.com

4. Ứng dụng lâm sàng:

4.1. Chỉ định:

Phòng ngừa và điều trị thiếu vitamin nhóm B trong trường hợp nuôi dưỡng hoàn toàn ngoài đường tiêu hóa.

Trị rối loạn tương trưởng, viêm kết tiểu tràng, dị ứng, cắt dạ dày, viêm miệng, viêm da, viêm dây thần kinh, nghiện rượu, giải độc.

4.2. Liều dùng – Cách dùng:

Cách dùng :

Tiêm bắp hoặc tiêm truyền tĩnh mạch theo chỉ dẫn của thầy thuốc,

Liều dùng:

Sử dụng từ 1 – 2 ống mỗi ngày.

4.3. Chống chỉ định:

Đã biết dị ứng hoặc nhạy cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Sử dụng phối hợp thuốc với Levodopa.

4.4 Thận trọng:

Không dùng quá liều khuyến cáo

Bệnh nhân đang dùng vitamin đơn chất hoặc đa viatmin, bất kỳ thuốc nào khác hoặc đang được chăm sóc y tế phải xin tham vấn nhân viên y tế trước khi sử dụng thuốc này.

Thuốc chỉ nên sử dụng để điều trị thiếu vitamin B12 khi nguyên nhân là ăn kiêng và không sử dụng cho bệnh nhân có viêm dạ dày teo, rối loạn hồi tràng hoặc tụy và kém hấp thu vitamin B12 ở dạ dày ruột hoặc thiếu hụt do yếu tố bên trong.

Nguy cơ phản ứng quá mẫn tăng khi sử dụng nhắc lại. Vì vậy ưu tiên dùng đường uống khi có thể.

Tác động của thuốc trên người lái xe và vận hành máy móc.

Đau đầu đã được báo cáo trong một số trường hợp. Thuốc không hoặc có ảnh hưởng không đáng kể tới khả năng lái xe và vận hành máy móc.

4.5 Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú:

Xếp hạng cảnh báo

AU TGA pregnancy category: NA

US FDA pregnancy category: NA

Thời kỳ mang thai:

Sản phẩm không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

Thời kỳ cho con bú:

Sản phẩm không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

4.6 Tác dụng không mong muốn (ADR):

Vitamin B1: Các phản ứng có hại của Thiamin rất hiếm và thường theo kiểu dị ứng. Hiếm gặp: Ra nhiều mồ hôi, sốc quá mẫn, tăng huyết áp cấp, ban da, mày đay, kích thích tại chỗ tiêm.

Vitamin B6: Hiếm gặp: Buồn nôn, nôn.

Vitamin B2: Không thấy có tác dụng không mong muốn khi sử dụng Riboflavin. Tuy nhiên, khi dùng liều cao Riboflavin thì nước tiểu có màu vàng nhạt, gây sai lệch một số xét nghiệm nước tiểu trong phòng thí nghiệm.

Vitamin PP: Liều nhỏ Nicotinamid thường không gây độc nhưng nếu dùng liều cao có thể xảy ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, đỏ bừng mặt, ngứa, cảm giác rát bỏng, buốt hoặc đau nhói ở da. Tuy nhiên, những tác dụng phụ này sẽ hết sau khi ngừng thuốc.

Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

4.7 Hướng dẫn cách xử trí ADR:

Ngừng sử dụng thuốc. Với các phản ứng bất lợi nhẹ, thường chỉ cần ngừng thuốc. Trường hợp mẫn cảm nặng hoặc phản ứng dị ứng, cần tiến hành điều trị hỗ trợ (giữ thoáng khí và dùng epinephrin, thở oxygen, dùng kháng histamin, corticoid…).

4.8 Tương tác với các thuốc khác:

Vitamin B6:

Làm giảm tác dụng của levodopa khi dùng đồng thời.

Thuốc tránh thai có thể tăng nhu cầu về pyridoxine.

Vitamin PP:

Sử dụng Nicotinamid đồng thời với thuốc chẹn Alpha- Adrenergic trị tăng huyết áp có thể dẫn đến hạ huyết Áp quá mức.

Không nên sử dụng đồng thời Nicotinamid với carbamazepin vì làm tăng nồng độ carbamazepin huyết tương làm tăng tính độc.

Sử dụng đồng thời Nicotinamid với các chất ức chế men khử HGA-coA có thể làm tăng nguy cơ tiêu cơ vân.

Sử dụng thời Nicotinamid với các thuốc có độc tính với gan có thể làm tăng tác hại độc cho gan.

Khẩu phần ăn và/hoặc liều lượng uống thuốc hạ đường huyết hoặc isulin có thể cần phải điều chỉnh khi sử dụng đồng thời với Nicotinamid.

Vitamin B2:

Khi sử dụng probenecid cùng với riboflvin có thể làm giảm hấp thu riboflavin ở dạ dày và ruột.

4.9 Quá liều và xử trí:

Chưa có bằng chứng nào cho thấy sản phẩm này có thể dẫn đến quá liều khi sử dụng như khuyến cáo.

Phần lớn, nếu không phải là tất cả các báo cáo về quá liều đều liên quan đến việc sử dụng đồng thời các chế phẩm đơn thành phần/hoặc đa vitamin liều cao.

Những triệu chứng ban đầu không đặc trưng, như chứng lú lẫn, và rối loạn tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, và nôn có thể là dấu hiệu của tình trạng ngộ độc cấp do quá liều.

Sử dụng hàng ngày trên 200 mg vitamin B6 (pyridoxin) liên tục trên vài tháng có thể dẫn đến các triệu chứng của bệnh lý hệ thần kinh.

Nếu những triệu chứng như vẫn xuất hiện, phải ngừng điều trị và xin tư vấn nhân viên y tế.

5. Cơ chế tác dụng của thuốc :

5.1. Dược lực học:

Nhóm dược trị liệu: mã ATC: A11EA

Các vitamin thuộc nhóm B là các thành phần của các hệ thống enzym, những hệ thống này điều hòa các quá trình chuyển hóa khác nhau của carbohydrate, chất béo và protein, mỗi thành phần đóng một vai trò sinh học xác định. Trong quá trình chuyển hóa trung gian, các hệ thống enzym có các coenzym là các vitamin nhóm B, tạo thành các đơn vị chức năng. Vì tốc độ phản ứng chung của mỗi hệ thống này được xác định bởi giai đoạn chậm nhất trong chuỗi phản ứng có liên quan, nên sự mất hoạt tính của một yếu tố có thể tác động xấu đến chức năng của toàn bộ hệ thống, trong khi đó, ngược lại, sự tổng hợp apoenzym được cảm ứng bằng cách sử dụng các coenzym.

Vitamin B1 (Thiamin): Dưỡng chất đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa năng lượng, giúp tăng sự phát triển của cơ thể. Nếu thiếu hụt Vitamin B1 sẽ gây suy giảm miễn dịch, ảnh hưởng đến chức năng của não, tim, bệnh Beriberi…

Vitamin B2: Còn gọi là Riboflavin, giúp tăng tạo hồng cầu, tạo năng lượng, điều trị tiêu chảy, nhiễm trùng, sốt, căng thẳng, bệnh gan,…

Vitamin PP (Nicotinamide): Thành phần của NAD và NADP, có khả năng tăng chuyển hóa lipid, thúc đẩy quá trình hô hấp tế bào. Nếu cơ thể thiếu sẽ gây chán ăn, viêm lưỡi, viêm da, tiêu chảy, bệnh Pellagra…

Vitamin B6: Tên gọi khác là Pyridoxin, giúp tăng cường hệ miễn dịch, nuôi dưỡng hệ thần kinh, tốt cho da, cho tóc, bổ sung năng lượng… Thiếu hụt Vitamin B6 sẽ dễ gây mệt mỏi, bồn chồn, khó chịu.

Vitamin B5 (Pantothenic Acid): Giúp da sạch mụn, sáng mịn, tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm stress, tăng dẫn truyền thần kinh…Thiếu hụt Vitamin B5 sẽ gây mất ngủ, buồn nôn,…

Các thành phần trên giúp bổ sung các vitamin cần thiết cho nhiều quá trình chuyển hóa của cơ thể, giúp chuyển hóa glucid, protid, lipid và sinh năng lượng. Vitamin nhóm B giúp tăng cường sức khỏe khi bị ốm hay làm việc quá sức..

Cơ chế tác dụng:

Các vitamin nhóm B (Pantothenic acid- B5, Nicotinamid – PP, Riboflavin – B2, Pyridoxin – B6, Thiamin – B1) : Là nhóm vitamin tan trong nước tác động tới chức năng chuyển hóa kể cả thúc đầy tiêu hao năng lượng và bảo vệ hệ thống thần kinh. Vitamin B5 là một thành phần cấu tạo của coenzym A cần thiết trong sự chuyển hóa hydrat cacbon, chất béo và chất đạm. Nicotinamid được chuyển đổi thành các coenzym này tham gia phản ứng chuyển đổi electron trong chuỗi hô hấp. Thiếu nicotinamid dẫn đến bệnh pellagra. Riboflavin cần thiết cho việc sử dụng năng lượng từ thức ăn, các dạng hoạt hóa do sự phosphoryl hóa như flavin mononucleotid và flavin adenin dinucleotid được xem như là các coenzym trong các phản ứng chuyển hóa oxi hóa khử. Pyridoxin HCl tham gia chủ yếu trong quá trình chuyển hóa acid amin, ngoài ra còn tham gia trong quá trình chuyển hóa hydrat cacbon và chất béo. Pyridoxin HCl cũng cần cho sự hình thành hemoglobin. Thiamin là một coenzym cần thiết cho quá trình chuyển hóa hydrat cacbon.

[XEM TẠI ĐÂY]

5.2. Dược động học:

Vitamin B1: hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa. Ở người lớn, lượng Vitamin B1 tối thiểu cần thiết mỗi ngày khoảng 1 mg. Thải trừ qua nước tiểu.

Vitamin B2: hấp thu chủ yếu ở tá tràng. Các chất chuyển hóa của Vitamin B2 được phân bố khắp các mô trong cơ thể. Chủ yếu đào thải qua thận. Vitamin B2 qua được nhau thai và sữa mẹ.

Vitamin B6: Hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Phân phối chủ yếu ở gan, một ít ở cơ, não. Thải trừ chủ yếu qua thận dưới dạng chuyển hóa. Qua được nhau thai và sữa mẹ.

Vitamin PP: Vitamin PP hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Phân bố rộng vào các mô, có thể vào sữa mẹ. Chuyển hóa ở gan, bài tiết vào nước tiểu.

Vitamin B5: Hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa. Chuyển hóa thành Acid Pantothenic, phân bố rộng rãi trong các mô. 70% liều Acid Pantothenic uống thải trừ ở dạng không đổi trong nước tiểu và 30% trong phân.

5.3. Hiệu quả lâm sàng:

Chưa có thông tin. Đang cập nhật.

5.4. Dữ liệu tiền lâm sàng:

Chưa có thông tin. Đang cập nhật.

*Lưu ý:

Các thông tin về thuốc trên Pharmog.com chỉ mang tính chất tham khảo – Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ

Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Pharmog.com

6. Phần thông tin kèm theo của thuốc:

6.1. Danh mục tá dược:

6.2. Tương kỵ :

Chưa có thông tin.

6.3. Bảo quản:

Không được mở, chọc thủng chai hoặc bịch đựng thuốc trước khi sử dụng.

Bảo quản ở nhiệt độ dưới 30 °C. Tránh ánh sáng.

6.4. Thông tin khác :

Không có.

6.5 Tài liệu tham khảo:

Dược thư Quốc gia Việt Nam.

HDSD Thuốc.

7. Người đăng tải /Tác giả:

Bài viết được sưu tầm hoặc viết bởi: Bác sĩ nhi khoa – Đỗ Mỹ Linh.

Kiểm duyệt , hiệu đính và đăng tải: PHARMOG TEAM