Interferon Alpha-2A – Roferon A

1. Tên hoạt chất và biệt dược:

Hoạt chất : Interferon Alpha-2A

Phân loại: Interferon. Chất điều hòa miễn dịch, thuốc chống ung thư, thuốc kháng virus.

Nhóm pháp lý: Thuốc kê đơn ETC – (Ethical drugs, prescription drugs, Prescription only medicine)

Mã ATC (Anatomical Therapeutic Chemical): L03AB04.

Brand name: ROFERON-A.

Hãng sản xuất : Hoffmann La Roche

2. Dạng bào chế Hàm lượng:

Dạng thuốc và hàm lượng

Bột pha tiêm bắp, dưới da 3 MUI : hộp 1 lọ bột đông khô + ống dung môi 1 ml + ống tiêm + 2 kim tiêm,

Bột pha tiêm bắp, dưới da 4,5 MUI : hộp 1 lọ bột đông khô + ống dung môi 1 ml + ống tiêm + 2 kim tiêm,

Bột pha tiêm bắp, dưới da 9 MUI : hộp 1 lọ bột đông khô + ống dung môi 1 ml + ống tiêm + 2 kim tiêm,

Bột pha tiêm bắp, dưới da 18 MUI : hộp 1 lọ bột đông khô + ống dung môi 1 ml + ống tiêm + 2 kim tiêm

Thuốc tham khảo:

ROFERON-A 3 MUI/0,5ml
Mỗi lọ 0,5 ml dung dịch tiêm có chứa:
Interferon Alpha …………………………. 3M IU
Tá dược …………………………. vừa đủ (Xem mục 6.1)

3. Video by Pharmog:

[VIDEO DƯỢC LÝ]

————————————————

► Kịch Bản: PharmogTeam

► Youtube: https://www.youtube.com/c/pharmog

► Facebook: https://www.facebook.com/pharmog/

► Group : Hội những người mê dược lý

► Instagram : https://www.instagram.com/pharmogvn/

► Website: pharmog.com

4. Ứng dụng lâm sàng:

4.1. Chỉ định:

Bệnh bạch cầu tế bào tóc.

Sarcome Kaposi kết hợp với hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (SIDA) mà không có nhiễm trùng cơ hội trước đó.

Bệnh bạch cầu mạn dòng tủy, giai đoạn mạn tính có nhiễm sắc thể Philadelphia dương tính. Hiệu quả điều trị tích cực của Roferon-A trong chỉ định này còn chưa được chứng minh.

Ung thư hạch tế bào T có biểu hiện ngoài da, giai đoạn tiến triển, ở những bệnh nhân không đáp ứng hoặc đề kháng với điều trị cổ điển.

U sắc tố ác tính lan tỏa.

Ung thư thận di căn hoặc tái phát.

Điều trị duy trì bệnh đa u tủy giai đoạn ổn định hoặc giai đoạn bệnh không tiến triển sau khi điều trị tấn công bằng hóa trị liệu.

Viêm gan siêu vi B mạn tính thể tấn công ở người trưởng thành, được chứng minh bằng mô học, có tăng virus B kéo dài được chứng minh bằng hàm lượng ADN của virus B huyết thanh. Xét nghiệm này được làm 2 lần cách nhau ít nhất 2 tháng, trong đó xét nghiệm lần một sẽ được làm trong tháng trước khi bắt đầu điều trị.

Viêm gan siêu vi không A-không B (viêm gan siêu vi C) mạn tính thể tấn công, được chứng minh bằng mô học, kèm theo tăng transaminase huyết thanh mà không có xơ gan mất bù. Tác dụng trước mắt là làm giảm hoạt tính của bệnh, tác dụng lâu dài thì chưa có bằng chứng về hiệu quả của Roferon-A trên các triệu chứng lâm sàng hay mô học.

4.2. Liều dùng Cách dùng:

Cách dùng :

Phải theo hướng dẫn của nhà sản xuất và phải do thầy thuốc chuyên khoa sử dụng.

Interferon alfa-2a tái tổ hợp tiêm bắp hoặc tiêm dưới da. Nên tiêm vào buổi chiều để tránh nồng độ thuốc tối đa ban ngày. Vì các chế phấm interferon alfa của các nhà sản xuất có thể khác nhau về hiệu lực, liều lượng khuyến cáo, đường tiêm, nên khuyến cáo chế phấm interferon alfa đã được chọn phải được dùng suốt trong thời gian điều trị. Không được tự ý giảm liều mà không có ý kiến của thầy thuốc.

Chú ý khi sử dụng :

Các lọ bột đã pha không nên dùng sau 2 giờ ở nhiệt độ phòng hoặc sau 24 giờ ở 2-8°C.

Sản phẩm này không chứa chất bảo quản. Do đó, để tránh khả năng lây nhiễm, một lọ thuốc không nên dùng quá hơn một liều.

Liều dùng:

Bệnh bạch cầu tế bào tóc : Liều đầu : 3 MUI dùng mỗi ngày tiêm dưới da hoặc tiêm bắp trong 16-24 tuần. Trường hợp không dung nạp được thuốc thì giảm liều còn 1,5 MUI/ngày, hoặc là giảm số lần tiêm còn 3 lần/tuần.

Liều duy trì : 3 MUI 3 lần/tuần tiêm dưới da hoặc tiêm bắp. Trường hợp không dung nạp, liều hằng ngày sẽ giảm đến 1,5 MUI 3 lần/tuần.

Thời gian điều trị : các bệnh nhân phải được điều trị trong khoảng 6 tháng trước khi bác sĩ quyết định nên tiếp tục theo đuổi điều trị ở những bệnh nhân có đáp ứng hoặc quyết định ngưng điều trị ở những bệnh nhân không đáp ứng. Nhiều bệnh nhân đã được điều trị trong hơn 20 tháng liên tiếp. Thời gian điều trị tối ưu của Roferon-A chưa được xác định.

Ghi chú : nên tiêm dưới da ở những bệnh nhân có giảm tiểu cầu (tiểu cầu < 50 – 109/l) hoặc ở những bệnh nhân có nguy cơ xuất huyết.

Liều Roferon-A thấp nhất có hiệu quả chưa được xác định.

Bệnh Sarcome Kaposi kết hợp với SIDA mà không có nhiễm trùng cơ hội trước đó : Liều tối ưu còn chưa xác định. Các bệnh nhân bị Sarcome Kaposi kết hợp SIDA sẽ đáp ứng tốt hơn với điều trị Roferon-A nếu không có nhiễm trùng cơ hội trước đó, không có những triệu chứng của type B (sụt cân > 10%, sốt > 30°C mà không rõ nguồn gốc nhiễm trùng, vã mồ hôi về đêm), và nếu số lymphocyte T ban đầu > 200 /mm3.

Điều trị tấn công : Roferon-A nên tiêm dưới da hoặc tiêm bắp. Liều lượng ít nhất là 18 MUI/ngày, và nếu có thể thì 36 MUI/ngày. Liều này sẽ đạt được bằng cách tăng liều dần. Thời gian điều trị là 10-12 tuần đối với bệnh nhân > 18 tuổi.

Phác đồ tăng liều như sau :

Ngày 1-3 : 3 MUI/ngày

Ngày 4-6 : 9 MUI/ngày

Ngày 7-9 : 18 MUI/ngày.

Nếu bệnh nhân vẫn dung nạp tốt, liều có thể tăng đến : ngày 10-84 : 36 MUI/ngày.

Điều trị duy trì : nên tiêm Roferon-A dưới da hoặc tiêm bắp 3 lần/tuần với liều tối đa mà bệnh nhân có thể dung nạp nhưng không vượt quá 36 MUI.

Tỷ lệ đáp ứng khi điều trị duy trì liều 3 MUI/ngày Roferon-A ở những bệnh nhân Sarcome Kaposi thấp hơn tỷ lệ đáp ứng ở những bệnh nhân được điều trị theo liều đề nghị ở trên.

Thời gian điều trị : Tiến triển của tổn thương sẽ giúp đánh giá đáp ứng khách quan với điều trị.

Các bệnh nhân phải được điều trị ít nhất 10 tuần trước khi bác sĩ quyết định nên tiếp tục theo đuổi điều trị ở những bệnh nhân có đáp ứng hoặc quyết định ngưng điều trị ở những bệnh nhân không đáp ứng. Thông thường các bệnh nhân cho thấy có đáp ứng sau khoảng 3 tháng điều trị. Nhiều bệnh nhân đã được điều trị trong hơn 20 tháng liên tiếp. Nếu bệnh nhân đáp ứng với điều trị thì nên tiếp tục điều trị cho đến khi không còn thấy được các tổn thương khách quan. Thời gian điều trị tối ưu của Roferon-A chưa được xác định.

Ghi chú : các tổn thương Sarcome Kaposi thường tái xuất hiện sau khi ngưng điều trị với Roferon-A.

Bệnh bạch cầu mạn dòng tủy, giai đoạn mạn tính, có nhiễm sắc thể Philadelphia dương tính : Hiệu quả của Roferon-A chưa được chứng minh rõ ràng trong chỉ định này.

Điều trị Roferon-A cho phép đạt được tình trạng lui bệnh về huyết học ở 60% bệnh nhân trong giai đoạn mạn tính của bệnh bạch cầu mạn dòng tủy bất kể điều trị trước đó là gì. Ở 2/3 số bệnh nhân này sẽ có đáp ứng hoàn toàn về huyết học và điều này có thể xuất hiện 18 tháng sau khi bắt đầu điều trị.

Khác với điều trị bằng hóa liệu pháp có độc tính trên tế bào, Roferon-A có thể gây ra những đáp ứng về gène tế bào ổn định và kéo dài hơn 40 tháng.

Cách điều trị : tiêm dưới da hay tiêm bắp Roferon-A trong 8-12 tuần ở những bệnh nhân > 18 tuổi với phác đồ như sau :

Ngày 1-3 : 3 MUI/ngày

Ngày 4-6 : 6 MUI/ngày

Ngày 7-84 : 9 MUI/ngày.

Thời gian điều trị : các bệnh nhân phải được điều trị ít nhất 8 tuần, hoặc tốt hơn là 12 tuần trước khi bác sĩ quyết định nên tiếp tục theo đuổi điều trị ở những bệnh nhân đáp ứng hoặc quyết định ngưng điều trị ở những bệnh nhân không đáp ứng. Tất cả các bệnh nhân có lui bệnh về huyết học hoàn toàn phải được tiếp tục điều trị với liều 9 MUI/ngày (tối ưu) hoặc 9 MUI 3 lần/tuần (tối thiểu) tùy theo đạt được đáp ứng về gène tế bào nhanh nhất có thể được. Thời gian điều trị tối ưu của Roferon-A chưa được xác định, mặc dù đáp ứng về gène tế bào xuất hiện trong 2 năm sau khi bắt đầu điều trị.

Cách dùng, hiệu quả và liều lượng tối ưu của Roferon-A ở trẻ em chưa được xác định.

Ung thư hạch tế bào T có biểu hiện da : Roferon-A có thể hiệu quả ở những bệnh nhân bị ung thư hạch tế bào T có biểu hiện da, giai đoạn tiến triển, khi bệnh không thuyên giảm hoặc không đáp ứng với điều kiện cổ điển.

Điều trị tấn công : tiêm dưới da hay tiêm bắp tăng liều dần đến 18 MUI/ngày trong thời gian tổng cộng là 12 tuần ở người > 18 tuổi.

Phác đồ tăng liều như sau :

Ngày 1-3 : 3 MUI/ngày

Ngày 4-6 : 9 MUI/ngày

Ngày 7-84 : 18 MUI/ngày

Điều trị duy trì : tiêm dưới da hay tiêm bắp 3 lần/tuần với liều tối đa mà bệnh nhân có thể dung nạp được, nhưng không vượt quá 18 MUI/ngày.

Thời gian điều trị : bệnh nhân phải được điều trị ít nhất 8 tuần, tốt hơn là 12 tuần, trước khi bác sĩ quyết định tiếp tục hay ngưng điều trị.

Nhiều bệnh nhân đã được điều trị trong khoảng thời gian lên đến 40 tháng liên tiếp.

Thời gian điều trị tối ưu chưa được xác định.

Thận trọng : không có đáp ứng khách quan về bướu ở khoảng 40% bệnh nhân bị ung thư hạch tế bào T có biểu hiện da. Đáp ứng một phần thường xuất hiện trong 3 tháng và đáp ứng hoàn toàn thường xuất hiện trong 6 tháng mặc dù thường cần tối thiểu 1 năm mới đạt được đáp ứng tối ưu.

U sắc tố ác tính lan tỏa :

Điều trị tấn công : 10 MUI/m2 da/ngày (18 MUI) tiêm bắp 3 lần/tuần trong 2-3 tháng. Thời gian điều trị tấn công ít nhất là một tháng, là thời gian tối thiểu để có thể đánh giá lợi ích của việc điều trị. Nhưng trong trường hợp bệnh tiến triển nặng thì sẽ ngưng điều trị tấn công.

Điều trị duy trì : trong trường hợp có đáp ứng với điều trị tấn công, nên tiếp tục điều trị với liều lượng như giai đoạn tấn công, cho đến khi ngưng cải thiện và bệnh nhân ổn định trong ít nhất 1 tháng.

Ung thư thận di căn hoặc tái phát :

Roferon-A kết hợp với Vinblastine :

Điều trị tấn công : Roferon-A 10 MUI/m2/ngày tiêm bắp 3 lần/tuần trong 1 tháng. Thời gian điều trị tấn công ít nhất là 1 tháng, là thời gian tối thiểu để quyết định ngưng hay điều trị tiếp. Trong trường hợp bệnh tiến triển nặng hơn thì sẽ ngưng điều trị tấn công.

Điều trị duy trì : cùng phác đồ như trên, thời gian kéo dài ít nhất 6 tháng.

Tuy nhiên, trong vài trường hợp, sự kết hợp Roferon-A và Vinblastine không thể thực hiện được và phải xét đến việc điều trị Roferon-A đơn hóa trị như sau :

Điều trị tấn công : Roferon-A 10 MUI/m2/ngày (hoặc 18 MUI/ngày) tiêm dưới da hay tiêm bắp. Liều này sẽ đạt được bằng cách dùng Roferon-A tăng liều dần :

Ngày 1-3 : 3 MUI/ngày

Ngày 4-6 : 9 MUI/ngày

Sau đó : 18 MUI/ngày

Nếu bệnh nhân dung nạp được, liều Roferon-A có thể tăng lên đến liều tối đa là 36 MUI. Thời gian điều trị tấn công ít nhất là 3 tháng, là thời gian tối thiểu để quyết định tiếp tục hay ngưng điều trị. Trong trường hợp bệnh tiến triển nặng thì sẽ ngưng điều trị tấn công.

Điều trị duy trì : cùng liều lượng như trong điều trị tấn công nhưng số lần tiêm là 3 lần/tuần. Thời gian điều trị duy trì ít nhất là 6 tháng.

Điều trị duy trì bệnh đa u tủy giai đoạn ổn định hoặc giai đoạn bệnh ngưng tiến triển sau hóa trị tấn công :

Liều Roferon-A là 3 MUI/m2 da, tiêm dưới da 3 lần/tuần.

Viêm gan siêu vi B mạn tính thể tấn công : Roferon-A được chỉ định trong viêm gan siêu vi B mạn tính thể tấn công ở người lớn, kèm theo các dấu hiệu tăng sinh của virus như HBV-DNA, DNA polymerase hoặc kháng nguyên HBe dương tính.

Phác đồ tối ưu để điều trị viêm gan siêu vi B mạn tính thể tấn công chưa được xác định. Liều thường dùng là khoảng 2,5-5 MUI/m2 da, tiêm dưới da 3 lần/tuần trong 4-6 tháng.

Nếu các dấu hiệu tăng sinh virus hay kháng nguyên HBe không giảm đi sau 1 tháng điều trị thì có thể tăng liều. Liều dùng có thể điều chỉnh tùy theo mức dung nạp của bệnh nhân.

Nếu không có dấu hiệu cải thiện nào sau 3-4 tháng điều trị thì nên kết thúc điều trị.

Trẻ em : liều dùng có thể lên đến 10 MUI/m2 mà không có tai biến gì ở trẻ em có viêm gan siêu vi B mạn tính. Tuy nhiên hiệu quả điều trị chưa được chứng minh ở trẻ em.

Thận trọng : ở bệnh nhân bị viêm gan siêu vi B mạn tính đồng thời bị nhiễm HIV thì hiệu quả chưa được chứng minh.

Viêm gan siêu vi không A, không B mạn tính (viêm gan siêu vi C mạn tính) :

Liều tấn công : 3-6 MUI tiêm dưới da 3 lần/tuần cho đến khi men gan về bình thường.

Liều duy trì : 3 MUI tiêm dưới da 3 lần/tuần cho đủ 6-12 tháng.

Tuy nhiên liều tối ưu cũng như thời gian điều trị chưa được biết rõ.

Phần lớn bệnh nhân đáp ứng đều cho thấy cải thiện về men transaminase gan trong 16 tuần. Nếu bệnh nhân không đáp ứng sau 16 tuần thì nên ngưng điều trị.

4.3. Chống chỉ định:

Roferon-A chống chỉ định ở những bệnh nhân :

Bị dị ứng với thuốc hoặc các chế phẩm Interféron khác.

Tiền sử bệnh tim từ trước hoặc tổn thương tim nặng. Người ta chưa ghi nhận tác dụng độc trực tiếp lên tim của Roferon-A, nhưng những tác dụng phụ như sốt, lạnh run thường có khi dùng Roferon-A có thể làm nặng thêm tình trạng suy tim đã có sẵn.

Suy thận, suy gan, suy tủy nặng.

Tiền sử động kinh và/hoặc tổn thương các chức năng hệ thần kinh trung ương.

Viêm gan mạn kèm theo xơ gan mất bù.

Viêm gan mạn mới được điều trị hoặc đang điều trị bằng các tác nhân ức chế miễn dịch, ngoại trừ dùng corticọde trong một thời gian ngắn.

Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

4.4 Thận trọng:

Chú ý đề phòng

Roferon-A nên được cho dưới sự theo dõi của một bác sĩ có kinh nghiệm trong việc sử dụng các thuốc hóa trị chống ung thư. Xử trí thích hợp trong trị liệu và các biến chứng của nó chỉ đạt được khi có sẵn các phương tiện điều trị và chẩn đoán thích hợp.

Bệnh nhân nên được thông báo không chỉ về lợi ích của việc điều trị mà còn về cả các tác dụng phụ mà họ có thể bị.

Thận trọng lúc dùng

Nên thận trọng khi dùng Roferon-A ở những bệnh nhân suy tủy nặng.

Roferon-A không nên dùng ở những bệnh nhân có bệnh tim hoặc có bất kỳ một tiền sử bệnh tim nào trước đó. Không có tác dụng độc tim trực tiếp nào được mô tả nhưng các độc tính cấp tính tự giới hạn (như là sốt, lạnh run…) thường xảy ra khi cho Roferon-A có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh lý tim đã có sẵn.

Roferon-A không nên cho ở những bệnh nhân có động kinh và có rối loạn chức năng ở hệ thần kinh trung ương. Cần theo dõi định kỳ tâm thần kinh cẩn thận ở tất cả các bệnh nhân này.

Không dùng Roferon-A ở những bệnh nhân bị suy thận nặng, suy gan nặng và suy tủy nặng. Khi có rối loạn chức năng từ nhẹ đến trung bình thì cần phải theo dõi sát các chức năng này.

Nên theo dõi công thức máu định kỳ trước khi điều trị với Roferon-A và ở những giai đoạn thích hợp trong quá trình điều trị.

Sử dụng ở trẻ em :

Độ an toàn và tính hiệu quả của Roferon-A ở trẻ em chưa được xác định rõ.

Tác động của thuốc trên người lái xe và vận hành máy móc.

Cần thận trọng khi sử dụng cho các đối tượng lái xe và vận hành máy móc.

4.5 Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú:

Xếp hạng cảnh báo

AU TGA pregnancy category: B3

US FDA pregnancy category: NA

Thời kỳ mang thai:

Cũng giống như việc sử dụng các thuốc chống ung thư khác, nam và nữ được điều trị bằng Roferon-A nên áp dụng các biện pháp tránh thai hữu hiệu. Không nên dùng Roferon-A ở phụ nữ có thai trừ khi lợi ích cho người mẹ lại nhiều hơn là nguy cơ cho thai. Mặc dù các thử nghiệm trên động vật không cho thấy Roferon-A là một chất sinh quái thai nhưng không thể loại trừ việc gây hại cho thai khi sử dụng trong thai kỳ.

Thời kỳ cho con bú:

Chưa biết thuốc có bài tiết qua sữa người hay không. Tùy theo tầm quan trọng của thuốc đối với người mẹ, chúng ta sẽ quyết định xem ngưng cho con bú hoặc ngưng thuốc.

4.6 Tác dụng không mong muốn (ADR):

Các dữ kiện sau đây về phản ứng phụ được tổng kết từ điều trị 600 bệnh nhân ung thư đủ loại và 63 bệnh nhân bị bệnh bạch huyết tế bào tóc trơ với điều trị trước đó và có bệnh tiến triển. Hầu hết các bệnh nhân dùng liều cao hơn là liều được khuyến cáo hiện tại và điều này có lẽ giải thích tần số cao cũng như độ nặng của các phản ứng phụ.

Các triệu chứng toàn thân : đa số bệnh nhân có hội chứng giả cúm chẳng hạn như mệt, sốt, ớn lạnh, chán ăn, đau cơ, nhức đầu, đau khớp, vã mồ hôi. Các triệu chứng giả cúm này được khống chế một phần bằng paracétamol. Giảm liều thường sẽ giảm độ nặng của các tác dụng phụ chủ quan.

Hệ tiêu hóa : khoảng 2/3 bệnh nhân có chán ăn và 1/2 có buồn nôn. Nôn ói, tiêu chảy và đau bụng từ nhẹ đến vừa thường ít gặp. Táo bón, đầy hơi, tăng nhu động hoặc ợ nóng hiếm khi xảy ra, loét dạ dày tái phát cũng như xuất huyết dạ dày-ruột không đe dọa tính mạng cũng đã được báo cáo một vài ca riêng lẻ. Thay đổi chức năng gan biểu hiện bởi tăng SGOT, phosphatase kiềm, LDH và bilirubine đã được quan sát thấy và thường không cần chỉnh liều. Những ca viêm gan rất hiếm gặp.

Hệ thần kinh trung ương : chóng mặt, chóang váng, ức chế tâm lý, trầm cảm, ngầy ngật, lú lẫn, kích động. Ngầy ngật nặng và hôn mê là những biến chứng hiếm gặp.

Hệ thần kinh ngoại biên : dị cảm, tê bì, viêm thần kinh và run đôi khi xảy ra.

Hệ tim mạch : các rối loạn xảy ra ở < 1/5 số bệnh nhân, bao gồm các giai đoạn tăng và tụt huyết áp thóang qua, phù, tím tái, loạn nhịp và đánh trống ngực. Hiếm khi có phù phổi, suy tim ứ huyết, ngưng hô hấp tuần hoàn và nhồi máu cơ tim.

Da, niêm, lông, tóc, móng : herpès môi tái phát nặng hơn. Đỏ da, ngứa sẩn, rụng tóc nhẹ đến trung bình, khô da, chảy nước mũi và chảy máu cam.

Thận và hệ niệu : các rối loạn bao gồm tiểu đạm và tăng số tế bào trong cặn lắng nước tiểu. Tăng BUN, créatinine và acide urique trong huyết thanh hiếm gặp.

Hệ tạo máu : giảm bạch cầu thóang qua xảy ra trong khoảng 1/3 số bệnh nhân nhưng hiếm khi đòi hỏi giới hạn liều. Giảm tiểu cầu thường ít xảy ra, giảm hémoglobine và dung tích hồng cầu cũng hiếm xảy ra. Phục hồi các rối loạn huyết học nặng về mức bình thường như trước khi điều trị thường xảy ra trong vòng 7-10 ngày sau khi ngưng Roferon-A.

Kháng thể trung hòa với Roferon-A được phát hiện ở 1/5 bệnh nhân (3% ở bệnh bạch huyết tế bào tóc). Cho đến nay, các kháng thể này chưa có tác dụng lâm sàng nào rõ ràng. Ngoài ra, kháng thể với Interféron người có thể xảy ra ngẫu nhiên trong một vài tình huống lâm sàng (ung thư, lupus, zona…) ở những bệnh nhân chưa bao giờ nhận Interféron ngoại sinh.

Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

4.7 Hướng dẫn cách xử trí ADR:

Đa số các ADR do interferon alfa thường nhẹ tới vừa và giảm dần khi tiếp tục điều trị, nhưng khoảng từ 3 11% người bệnh phải ngừng thuốc và thường hết khi được phát hiện sớm. Hội chứng giống cúm phổ biến nhất. Sốt thường tới 38 40 oC trong vòng 6 giờ sau khi tiêm interferon alfa, kéo dài trong 2 12 giờ nếu không điều trị và thường có cơn rét run. Điều trị trước bằng thuốc NSAID hoặc paracetamol có thể làm giảm nguy cơ sốt, đau cơ. Tuy vậy, sốt thường hết sau vài tuần đầu điều trị hoặc sốt nhẹ không cần điều trị. Do đó, nếu thấy sốt cao sau này trong khi điều trị kéo dài interferon alfa, phải tìm nguyên nhân để loại trừ các nguyên nhân khác như nhiễm khuấn. Đau cơ, đau khớp thường đi kèm hội chứng giống cúm. Các triệu chứng này thường nhẹ tự hết. Đau cơ nặng hơn thường ở chi dưới làm vận động bị hạn chế đòi hỏi phải nằm tại giường 1 2 tuần và dùng corticosteroid hoặc thuốc giảm đau. Đau cơ nặng thường gặp ở người bị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy. Tuy interferon alfa phân bố kém vào hệ TKTW, nhưng đã gặp các ADR từ nhẹ như lo âu, cáu gắt đến trầm cảm nặng, có ý tưởng tự sát. Phải theo dõi sát, nếu trầm cảm nặng, phải ngừng thuốc. Tuy giảm liều hoặc ngừng thuốc, có thể các triệu chứng trầm cảm đỡ, nhưng trầm cảm có thể kéo dài và tự sát đã xảy ra sau khi ngừng interferon alfa.

4.8 Tương tác với các thuốc khác:

Vì alpha-Interféron làm thay đổi chuyển hóa tế bào, vẫn có khả năng là Interféron làm thay đổi hoạt tính của những thuốc khác. Dữ kiện về tương tác thuốc của Roferon-A chưa rõ.

4.9 Quá liều và xử trí:

Chưa có trường hợp quá liều cấp tính nào được báo cáo. Các nghiên cứu trên động vật không thể tiên đoán được đáp ứng ở người vì các tác dụng do interferon alfa thường có tính chất đặc hiệu đối với loài. Cũng như đối với tất cả các thuốc có tác dụng dược lý, phải theo dõi chặt người bệnh, nếu cần, điều trị triệu chứng và hồi sức.

5. Cơ chế tác dụng của thuốc :

5.1. Dược lực học:

Roferon-A có nhiều tác động giống như các chế phẩm được gọi là alpha-Interféron người tự nhiên.

Cơ chế chủ yếu về tác động chống ung thư của Roferon-A chưa được biết rõ. Tuy nhiên Roferon-A đã cho thấy tác dụng chống tăng sinh trên một số u bướu ở người in vitro và ức chế sự phát triển của một số ca ghép bướu người lên chuột. Mức độ tác dụng chống tăng sinh thay đổi. Không giống như những protéine người khác, nhiều tác dụng của Interféron alpha-2a bị ức chế một phần hay toàn bộ khi thuốc được thử nghiệm trên những loài động vật khác. Tuy nhiên, ở khỉ Rhesus được điều trị bằng Roferon-A trước đó vẫn có xuất hiện hoạt tính đáng kể chống virus đậu bò. Do tính đặc hiệu theo loài của Interféron người, chỉ có các nghiên cứu giới hạn trên độc tính học được thực hiện với Roferon-A. Độc tính khi dùng Roferon-A đường tiêm đã được nghiên cứu trên chuột, thỏ, ở liều lên đến 30 MUI/kg tiêm mạch và 500 MUI/kg tiêm bắp. Không có tử vong nào liên quan đến điều trị được ghi nhận ở bất kỳ loài nào được dùng Roferon-A bằng mọi con đường cho thuốc. Với liều quá lớn vượt quá liều đề nghị trên lâm sàng, không có một tác dụng phụ nào đáng kể ngoại trừ tác dụng gây sẩy thai khi dùng cho khỉ Rhesus mang thai trong giai đoạn phôi giữa và các rối loạn chu kỳ kinh nguyệt thóang qua bao gồm các giai đoạn kinh nguyệt kéo dài ở khỉ không mang thai.

Tác dụng sinh biến dị gène :

Tác dụng gây biến dị của Roferon-A chưa được ghi nhận trên thực nghiệm.

Tác dụng chống u của Roferon-A đã được mô tả ở những bệnh nhân bị bệnh bạch huyết tế bào tóc hoặc Sarcome Kaposi ở những bệnh nhân giảm miễn dịch.

Cơ chế tác dụng:

Cơ chế tác dụng của interferon chưa biết chính xác nhưng phức tạp và các hoạt tính liên quan với nhau. Không giống như các thuốc cổ điển kháng virus và gây độc tế bào, tính chất kháng virus và kháng tăng sinh của interferon là do kết quả của nhiều quá trình phức tạp của điều hòa sinh học và tác dụng dược lý, hơn là tác dụng trực tiếp diệt virus và gây độc tế bào. Các thuốc có thể tác động đến nhiều chức năng tế bào tạo khôi phục, tăng và/hoặc điều biến hệ thống miễn dịch của túc chủ; hoạt tính trực tiếp kháng tăng sinh và kháng virus; điều biến biệt hóa tế bào; và điều biến phiên mã và dịch mã tế bào, kể cả giảm biểu hiện gen ung thư. Một số hoặc tất cả các tác dụng đó liên quan với nhau và cuối cùng dẫn đến tác dụng kháng virus và kháng u của interferon.

Interferon phải gắn vào các thụ thể đặc hiệu và có ái lực cao trên bề mặt tế bào để có tác dụng sinh học và dược lý (như hoạt tính kháng virus). Tác dụng chính của interferon không do từ tác dụng trực tiếp nội bào mà do từ phức hợp ligand thụ thể trên bề mặt tế bào có thể làm trung gian và kích thích các quá trình nội bào. Tác dụng sinh học và dược lý của interferon tương đối đặc hiệu đối với loài, tính đặc hiệu này có thể nằm ở thụ thể. Trong khi interferon alfa và interferon beta cạnh tranh nhau để gắn vào cùng thụ thể thì interferon gamma lại gắn vào các thụ thể khác và do đó có khả năng tác động qua các đường tế bào khác. Khi phối hợp interferon gamma với interferon alfa hoặc beta có tác động hiệp đồng kháng virus và kháng u.

Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy một khi cố định vào màng tế bào, interferon khởi phát một chuỗi phản ứng nội bào phức tạp và đặc biệt kích thích một số enzym. Người ta nghĩ rằng quá trình này, ít nhất một phần, đã gây ra các đáp ứng khác nhau của tế bào đối với interferon, như ức chế sao chép của virus trong các tế bào bị nhiễm virus, ức chế tăng sinh tế bào và các hoạt tính điều biến miễn dịch như tăng hoạt tính thực bào của các đại thực bào và tăng tính độc hại tế bào đặc hiệu của tế bào lympho đối với các tế bào đích. Các hoạt tính này, toàn bộ hoặc riêng từng hoạt tính, có thể góp phần vào các tác dụng điều trị của interferon.

Tác dụng kháng virus và kháng tăng sinh cả hai phụ thuộc vào tổng hợp RNA và protein; tuy vậy, hiện nay chưa có chứng cứ thuyết phục tác dụng lâm sàng kháng u nối kết với đặc tính kháng virus của thuốc ở người. Hoạt tính kháng virus của interferon alfa thường rõ ở liều thấp hơn so với tác dụng kháng tăng sinh của thuốc.

[XEM TẠI ĐÂY]

5.2. Dược động học:

Nồng độ trong huyết thanh của Interféron alpha-2a (tái tổ hợp) cho thấy có một sự thay đổi rất lớn giữa những người khác nhau, ở cả những người tình nguyện khỏe mạnh và những bệnh nhân bị ung thư lan tỏa.

Ở người mạnh khỏe, Interféron alpha-2a có thời gian bán hủy là 3,7-8,5 giờ (trung bình 5,1 giờ). Thể tích phân phối thuốc ở trạng thái ổn định là 0,223-0,748 l/kg (trung bình 0,400 l/kg). Độ thanh thải toàn bộ trong cơ thể là 2,14-3,62 ml/phút/kg (trung bình 2,79 ml/phút/kg) sau khi truyền tĩnh mạch 36 MUI thuốc (2,2 x 106 pg). Sau khi tiêm bắp và tiêm dưới da 36 MUI, nồng độ đỉnh trong huyết thanh vào khoảng 1500-2580 pg/ml (trung bình 2020 pg/ml) đạt được sau thời gian trung bình là 3,8 giờ. Sau thời gian trung bình 7,3 giờ, nồng độ trong huyết tương là 1250-2320 mcg/ml (trung bình 1730 mcg/ml). Lượng thuốc có hiệu quả đạt được sau khi tiêm bắp là trên 80%.

Dược động học của Interféron alpha-2a sau liều tiêm bắp duy nhất ở những bệnh nhân bị ung thư lan tỏa giống với dược động học ở những người tình nguyện mạnh khỏe. Nồng độ thuốc trong huyết thanh tương ứng với liều lượng được quan sát thấy sau khi cho liều duy nhất lên đến 198 MUI. Không có sự thay đổi gì về phân phối và thải trừ thuốc Interféron alpha-2a khi dùng 2 lần/ngày (0,5-36 MUI), 1 lần/ngày (1-54 MUI), hoặc 3 lần/tuần (1-136 MUI) trong 28 ngày dùng thuốc. Tuy nhiên dùng Interféron alpha-2a liều duy nhất trong vài ngày hoặc vài liều/ngày gây ra sự tích tụ 2-4 lần nồng độ trong huyết thanh liều duy nhất.

5.3 Giải thích:

Chưa có thông tin. Đang cập nhật.

5.4 Thay thế thuốc :

Chưa có thông tin. Đang cập nhật.

*Lưu ý:

Các thông tin về thuốc trên Pharmog.com chỉ mang tính chất tham khảo Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ

Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Pharmog.com

6. Phần thông tin kèm theo của thuốc:

6.1. Danh mục tá dược:

Mô tả :

Mỗi lọ chứa :

Bột Interféron alpha-2a đông khô 3 ; 4,5 ; 9 ; 18 MUI.

Natri clorua 9 mg.

Albumine huyết thanh người 5 mg.

Dung dịch được pha chế trước khi dùng bằng cách thêm 1 ml nước vô trùng để tiêm. Interféron alpha-2a là một protéine vô trùng được tinh chế chứa 165 acide amine.

Roferon-A có trọng lượng phân tử khoảng 19 000 Dalton. Thuốc được sản xuất bằng kỹ thuật tái tổ hợp ADN (dùng dòng E. coli có chứa ADN mã hóa cho việc sản xuất Interféron người như một nhà máy di truyền). Roferon-A được cung cấp ở dạng bột vô trùng để pha tiêm một lần.

6.2. Tương kỵ :

Không áp dụng.

6.3. Bảo quản:

Interferon alfa-2a (nguồn gốc tái tổ hợp) phải để ở 2 8 oC. Khi bảo quản như vậy, thuốc để được 12 tháng kể từ ngày sản xuất. Không được để quá 24 giờ ở nhiệt độ phòng.

6.4. Thông tin khác :

Không có.

6.5 Tài liệu tham khảo:

Dược Thư Quốc Gia Việt Nam