Thông tin tờ hướng dẫn sử dụng của thuốc Wedes
Thuốc Wedes có chứa thành phần chính là Azathioprine, thuộc nhóm thuốc ức chế miễn dịch, tức là thuốc sẽ phần nào làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể, giúp cơ thể tiếp nhận và không đào thải cơ quan được cấy ghép (Ví dụ như ghép thận). Wedes cũng được sử dụng để điều trị các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Dưới đây là nội dung tờ hướng dẫn sử dụng của Thuốc Wedes (Thông tin bao gồm liều dùng, cách dùng, chỉ định, chống chỉ định, thận trọng, dược lý…)
1. Tên hoạt chất và biệt dược:
Hoạt chất : Azathioprine (Azathioprin)
Phân loại: Thuốc dị ứng và hệ miễn dịch > Thuốc điều hòa miễn dịch > Thuốc ức chế miễn dịch khác > DMARD
Nhóm pháp lý: Thuốc kê đơn ETC – (Ethical drugs, prescription drugs, Prescription only medicine)
Mã ATC (Anatomical Therapeutic Chemical): L04AX01.
Biệt dược gốc: Hiện chưa có thuốc đăng ký biệt dược gốc tại Việt Nam.
Biệt dược: Wedes
Hãng sản xuất : Công ty cổ phần dược phẩm Đạt Vi Phú.
Hãng đăng ký: Công ty cổ phần dược phẩm Đạt Vi Phú.
2. Dạng bào chế – Hàm lượng:
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén: 50 mg.
Thuốc tham khảo:
WEDES 50 mg | ||
Mỗi viên nén có chứa: | ||
Azathioprine | …………………………. | 50 mg |
Tá dược | …………………………. | vừa đủ (Xem mục 6.1) |
3. Thông tin dành cho người sử dụng:
3.1. Wedes là thuốc gì?
Thuốc Wedes có chứa thành phần chính là Azathioprine, thuộc nhóm thuốc ức chế miễn dịch, tức là thuốc sẽ phần nào làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể, giúp cơ thể tiếp nhận và không đào thải cơ quan được cấy ghép (Ví dụ như ghép thận). Wedes cũng được sử dụng để điều trị các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp.
3.2. Câu hỏi thường gặp phổ biến:
Azathioprine có phải là thuốc giảm đau hay không?
Azathioprine không phải là thuốc giảm đau, nhưng Azathioprine có thể làm giảm tổn thương và ảnh hưởng do tình trạng viêm gây ra. Ví dụ như trong bệnh viêm khớp dạng thấp, các triệu chứng sẽ bắt đầu cải thiện sau 6 – 12 tuần kể từ khi bắt đầu dùng thuốc.
Azathioprine có nằm trong danh mục bảo hiểm y tế ở Việt Nam không?
Azathioprine CÓ nằm trong danh mục bảo hiểm y tế ở Việt Nam, thuốc này được cấp bảo hiểm cho bệnh nhân điều trị nội trú ở các bệnh viện hạng II trở lên. Do đó người bệnh có thể được được cấp và lĩnh thuốc này tại các cơ sở khám chữa bệnh có đấu thầu thuốc này trong danh mục của bệnh viện.
4. Thông tin dành cho nhân viên y tế:
4.1. Chỉ định:
Azathioprin được dùng làm chất chống chuyển hóa ức chế miễn dịch, dùng đơn độc, hoặc thường phối hợp với các thuốc khác (thường là corticosteroid). Tác dụng điều trị chỉ thấy rõ sau nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Vì vậy cần phối hợp để giảm liều của mỗi thuốc và do đó giảm độc tính.
Azathioprin phối hợp với corticosteroid hoặc các phương pháp và các thuốc ức chế miễn dịch khác cho người bệnh nhận cơ quan ghép.
Azathioprin dùng riêng rẽ hoặc thường phối hợp với corticosteroid và các phương pháp khác cho các bệnh sau: Viêm khớp dạng thấp nặng, luput ban đỏ lan tỏa, viêm da cơ, viêm đa cơ, viêm gan mạn hoạt động tự miễn, bệnh pemphigut thông thường (pemphigus vulgaris), viêm nút quanh động mạch, thiếu máu tiêu huyết tự miễn, xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát. Đối với viêm khớp dạng thấp tiến triển, methotrexat thường cho kết quả tốt hơn nếu xét về hiệu quả/độc tính.
4.2. Liều dùng – Cách dùng:
Cách dùng :
Viên nén: Dùng đường uống.
Liều dùng:
Liều dùng cho ghép cơ quan: Liều tấn công 5 mg/ kg thể trọng/ ngày. Liều duy trì 1 – 4 mg/ kg thể trọng/ ngày.
Liều dùng cho các chỉ định khác: Liều khởi đầu: 1- 3 mg/ kg thể trọng/ ngày. Liều duy trì dưới 1 – 3 mg/ kg thể trọng/ ngày. Nếu không có tiến triển sau 12 tuần dùng thuốc thì cần ngưng điều trị bằng thuốc này.
Liều dùng nên được điều chỉnh dựa vào đáp ứng lâm sàng và dung nạp huyết học của bệnh nhân.
4.3. Chống chỉ định:
Không nên dùng azathioprin cho người bệnh mẫn cảm với thuốc.
Không dùng cho người mang thai.
Người viêm khớp dạng thấp đang điều trị với các thuốc alkyl hóa (cyclophosphamid, clorambucil, melphalan v.v…), không được dùng cùng với azathioprin vì nguy cơ sinh ung thư và nhiễm khuẩn.
4.4 Thận trọng:
Khả năng gây ung thư của azathioprin còn đang tranh cãi, tuy nhiên nguy cơ thúc đẩy u phát triển đã được xác định; có nghĩa là thuốc làm cho các tế bào tiền ung thư đang ở trạng thái tiềm ẩn phát triển thành u nhanh hơn và xuất hiện ung thư sớm hơn.
Tỉ lệ các chất chuyển hóa khác nhau ở mỗi người, nên mức độ và thời gian tác dụng thuốc cũng khác nhau.
Cần theo dõi cẩn thận tình trạng ban đầu các trường hợp suy gan hay suy thận; phụ nữ có thai, người lớn tuổi theo dõi công thức máu).
Đối với các bệnh tự miễn nếu không có tiến triển sau 12 tuần dùng thuốc thì cần ngưng điều trị bằng thuốc này.
Để xa tầm tay trẻ em.
Tác động của thuốc trên người lái xe và vận hành máy móc.
Không có dữ liệu về tác dụng của thuốc trên khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc. Nên thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc nguy hiểm.
4.5 Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú:
Xếp hạng cảnh báo
AU TGA pregnancy category: D
US FDA pregnancy category: D
Thời kỳ mang thai:
Azathioprin qua được nhau thai. Tránh dùng ở phụ nữ có thai.
Thời kỳ cho con bú:
Thuốc cũng có trong sữa mẹ và không dùng cho bà mẹ đang cho con bú.
4.6 Tác dụng không mong muốn (ADR):
Tác dụng độc chủ yếu của azathioprin là trên máu và hệ tiêu hóa. Nguy cơ nhiễm khuẩn thứ phát và ung thư cũng đáng kể. Tần số và mức độ nặng nhẹ của các phản ứng phụ thuộc vào liều và thời gian dùng azathioprin, và phụ thuộc vào bệnh cơ bản của người bệnh hoặc liệu pháp phối hợp. Tỉ lệ độc tính trên máu và ung thư ở nhóm người ghép thận cao hơn đáng kể so với ở người điều trị viêm khớp dạng thấp.
Thường gặp, ADR > 1/100
Máu: Giảm bạch cầu trong máu biểu hiện như sau: Ghép thận: trên 50% (mọi mức độ) và 16% (dưới 2500/mm3). Viêm khớp dạng thấp: 28% (mọi mức độ) và 5,3% (dưới 2500/mm3), ngoài ra còn giảm tiểu cầu, ức chế tủy xương.
Nhiễm khuẩn thứ phát: 20% (ghép thận đồng loại), dưới 1% viêm khớp dạng thấp.
Ít gặp, 1/1.000 < ADR < 1/100
Toàn thân: Sốt, chán ăn, khó chịu.
Tiêu hóa: Viêm tụy, buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
Da: Rụng tóc, phản ứng da.
Gan: Tổn thương chức năng gan, ứ mật, tăng phosphatase kiềm, bilirubin và transaminase.
Cơ xương: Đau cơ, đau khớp.
Tác dụng khác: Nhiễm nặng (nấm, virus, vi khuẩn, sinh vật đơn bào), nguy cơ u lympho bào sau ghép, đột biến gen.
Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
Tuần hoàn: Loạn nhịp tim, hạ huyết áp.
Tiêu hóa: Thủng ruột, xuất huyết ruột.
Hô hấp: Viêm phổi kẽ.
Máu: Thiếu máu đại hồng cầu, xuất huyết, ức chế tủy xương nặng.
Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
4.7 Hướng dẫn cách xử trí ADR:
Người bệnh khi bắt đầu dùng azathioprin cần được xác định công thức máu định kỳ trong khi dùng thuốc và phải báo cáo thầy thuốc nếu có xuất huyết hoặc thâm tím bất thường. Người bệnh phải được thông báo về nguy cơ nhiễm khuẩn khi dùng azathioprin và báo cáo thầy thuốc nếu có các dấu hiệu nhiễm khuẩn. Cần hướng dẫn cẩn thận cho người bệnh, đặc biệt khi dùng azathioprin cho người có tổn thương chức năng thận hoặc dùng phối hợp với alopurinol. Độc tính trên máu liên quan đến liều dùng và có thể nặng hơn ở người bệnh ghép thận đồng loại đang trải qua giai đoạn đào thải. Người bệnh đang dùng azathioprin phải được xác định công thức máu đầy đủ, kể cả tiểu cầu, hàng tuần trong tháng đầu, mỗi tháng 2 lần vào tháng thứ hai và thứ ba, rồi hàng tháng, nếu cần thay đổi liều dùng hoặc thay đổi phác đồ điều trị. Có thể xảy ra ức chế tạo máu chậm. Cần giảm liều ngay hoặc ngừng thuốc tạm thời nếu bạch cầu giảm nhanh hoặc giảm ít nhưng kéo dài, hoặc có bằng chứng bị ức chế tủy xương. Bạch cầu giảm không tương quan với tác dụng điều trị; do đó không được tăng liều với ý định để làm giảm số lượng bạch cầu.
Nhiễm khuẩn nghiêm trọng là một nguy cơ thường xuyên ở người bệnh dùng lâu thuốc ức chế miễn dịch, đặc biệt đối với người thận ghép. Nhiễm nấm, virus, nhiễm khuẩn và sinh vật đơn bào có thể gây chết và cần xử lý tích cực, cần cân nhắc giảm liều azathioprin, hoặc dùng thuốc điều trị thích hợp khác.
4.8 Tương tác với các thuốc khác:
Cũng như với 6-mercaptopurin, alopurinol phối hợp với azathioprin có thể làm tăng độc tính, do alopurinol ức chế xanthin oxidase là enzym tối quan trọng trong dị hóa nhiều purin, kể cả 6-mercaptopurin. Nói chung, tốt nhất là tránh dùng 2 loại thuốc này với nhau. Khi buộc phải dùng phối hợp nên giảm liều azathioprin 25 – 33% so với liều azathioprin thường dùng đơn độc.
Các thuốc ảnh hưởng đến tạo tế bào tủy, dùng đồng thời với cotrimoxazol, có thể làm giảm bạch cầu mạnh, đặc biệt ở người ghép thận.
Thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin để chữa tăng huyết áp cho người đang dùng azathioprin sẽ gây giảm bạch cầu và thiếu máu nặng.
Azathioprin có thể ức chế tác dụng chống đông của warfarin.
4.9 Quá liều và xử trí:
Triệu chứng:
Nhiễm khuẩn không giải thích được, loét họng, bầm da và chảy máu là những dấu hiệu chính quá liều azathioprin, suy tủy xương đạt tối đa sau 9 – 14 ngày. Những dấu hiệu này thể hiện rõ ràng sau khi quá liều mạn tính hơn là sau khi quá liều cấp tính. Đã có báo cáo bệnh nhân uống liều đơn 7,5 g azathioprin. Độc tính trực tiếp của quá liều là buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy, sau đó giảm bạch cầu nhẹ và bất thường nhẹ chức năng gan. Bệnh nhân phục hồi không biến chứng.
Xử trí:
Không có thuốc giải độc đặc hiệu. Có thể tiến hành rửa dạ dày. Theo dõi sát bệnh nhân, bao gồm theo dõi huyết học để điều trị bất cứ tác dụng không mong muốn nào. Chưa rõ giá trị của thẩm tách máu mặc dù azathioprin có thể được thẩm tách một phần.
5. Cơ chế tác dụng của thuốc :
5.1. Dược lực học:
Azathioprin là một chất chống chuyển hóa có cấu trúc purin, là tiền chất thiopurin của 6-mercaptopurin. Thuốc tác dụng chủ yếu là ức chế miễn dịch. Azathioprin có thể ức chế tổng hợp DNA, RNA và protein. Thuốc có thể liên kết vào acid nucleic, dẫn đến gẫy nhiễm sắc thể, làm acid nucleic dịch sai mã gây việc tổng hợp protein bị sai lệch. Thuốc có thể cản trở chuyển hóa tế bào và ức chế gián phân.
Trên người bệnh ghép thận, azathioprin ức chế phản ứng quá mẫn kiểu trung gian tế bào và gây cản trở tạo kháng thể. Thuốc ít có tác dụng khi cơ quan ghép có biểu hiện bị đào thải.
Cơ chế tác dụng của azathioprin trong viêm khớp dạng thấp và các bệnh tự miễn khác còn chưa biết rõ, nhưng có thể có liên quan đến sự ức chế miễn dịch.
Cơ chế tác dụng:
Mặc dù cơ chế hành động chính xác vẫn được làm sáng tỏ, một số cơ chế được đề xuất bao gồm:
Việc giải phóng chất 6-MP là chất chống chuyển hóa purine.
Phong tỏa gốc -SH nhóm bằng alkyl hóa.
Sự ức chế của nhiều con đường trong sinh tổng hợp acid nucleic, do đó ngăn ngừa sự gia tăng của các tế bào tham gia vào việc xác định và lan rộng ra của phản ứng miễn dịch.
Phá hủy axit deoxyribonucleic (DNA) thông qua việc kết hợp các chất tương tự purine.
[XEM TẠI ĐÂY]
5.2. Dược động học:
Azathioprin hấp thu được dễ dàng qua đường tiêu hóa và đạt nồng độ đỉnh trong máu 1 – 2 giờ sau khi uống. Azathioprin bị phân giải nhanh thành mercaptopurin do chuyển hóa mạnh và chỉ còn một phần nhỏ là azathioprin. Với liều thường dùng, nồng độ azathioprin và chất phân giải mercaptopurin trong máu thường dưới 1 microgam/ml. Cả hai chất này liên kết vừa phải với protein huyết tương (30%) và có thể thẩm tách được. Chuyển hóa tiếp được thực hiện chủ yếu ở gan nhờ enzym xanthin oxydase và ở hồng cầu. Các chất chuyển hóa của azathioprin được đào thải ra nước tiểu. Chỉ có một lượng nhỏ azathioprin và mercaptopurin đào thải nguyên vẹn (1 – 2%).
Nồng độ thuốc trong máu ít có giá trị để tiên đoán hiệu quả điều trị, vì mức độ và hiệu quả lâm sàng tương quan với nồng độ nucleotid thiopurin trong mô hơn là trong huyết tương. Nửa đời của các chất chuyển hóa có chứa S khoảng 5 giờ.
Cả azathioprin và mercaptopurin đều bị oxy hóa hoặc methyl hóa ở hồng cầu và gan. Thuốc và các chất chuyển hóa thải trừ qua nước tiểu. Sau 8 giờ không còn thấy azathioprin hoặc mercaptopurin trong nước tiểu.
Sự chuyển thành acid 6-thiouric không hoạt tính nhờ xanthin oxidase là một quá trình giáng vị quan trọng. Nếu người bệnh dùng alopurinol để ức chế quá trình giáng vị này, thì phải giảm liều azathioprin.
5.3. Hiệu quả lâm sàng:
Chưa có thông tin. Đang cập nhật.
5.4. Dữ liệu tiền lâm sàng:
Chưa có thông tin. Đang cập nhật.
*Lưu ý:
Các thông tin về thuốc trên Pharmog.com chỉ mang tính chất tham khảo – Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ
Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Pharmog.com
6. Phần thông tin kèm theo của thuốc:
6.1. Danh mục tá dược:
Lactose monohydrat, cellulose vi tinh thể, croscarmellose natri, magnesi stearat, povidon, hydroxypropylmethylcellulose, talc, titan dioxyd, polyethylen glycol 6000, màu sunset yellow, màu quinolin yellow lake
6.2. Tương kỵ :
Không áp dụng.
6.3. Bảo quản:
Nơi khô, tránh ánh sáng, nhiệt độ dưới 30°C.
6.4. Thông tin khác :
Không có.
6.5 Tài liệu tham khảo:
HDSD Thuốc Wedes do Công ty cổ phần dược phẩm Đạt Vi Phú sản xuất (2013).
7. Người đăng tải /Tác giả:
Bài viết được sưu tầm hoặc viết bởi: Bác sĩ nhi khoa – Đỗ Mỹ Linh.
Kiểm duyệt , hiệu đính và đăng tải: PHARMOG TEAM