Simvastatin – Zocor

Thuốc ZOCOR là thuốc gì ? Dưới đây là nội dung tờ hướng dẫn sử dụng gốc của Thuốc ZOCOR (Thông tin bao gồm liều dùng, cách dùng, chỉ định, chống chỉ định, thận trọng, dược lý…)

1. Tên hoạt chất và biệt dược:

Hoạt chất : Simvastatin

Phân loại: Thuốc ức chế HMG-CoA reductase, nhóm statin. Thuốc điều trị mỡ máu

Nhóm pháp lý: Thuốc kê đơn ETC – (Ethical drugs, prescription drugs, Prescription only medicine)

Mã ATC (Anatomical Therapeutic Chemical): C10A A01.

Brand name: ZOCOR TAB.

Hãng sản xuất : Merck Sharp & Dohme Ltd.

2. Dạng bào chế – Hàm lượng:

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén bao phim 10 mg : hộp 30 viên,

Viên nén bao phim 20 mg : hộp 30 viên

Viên nén bao phim 40 mg : hộp 30 viên

Thuốc tham khảo:

ZOCOR 10mg
Mỗi viên nén bao phim có chứa:
Simvastatin …………………………. 10 mg
Tá dược …………………………. vừa đủ (Xem mục 6.1)

 

ZOCOR 20mg
Mỗi viên nén bao phim có chứa:
Simvastatin …………………………. 20 mg
Tá dược …………………………. vừa đủ (Xem mục 6.1)

3. Video by Pharmog:

[VIDEO DƯỢC LÝ]

————————————————

► Kịch Bản: PharmogTeam

► Youtube: https://www.youtube.com/c/pharmog

► Facebook: https://www.facebook.com/pharmog/

► Group : Hội những người mê dược lý

► Instagram : https://www.instagram.com/pharmogvn/

► Website: pharmog.com

4. Ứng dụng lâm sàng:

4.1. Chỉ định:

Bệnh mạch vành:

Ở người có nguy cơ cao bệnh mạch vành (có hoặc không có tăng lipid máu), như người bệnh tiểu đường, có tiền sử đột quỵ hoặc bệnh não khác, bệnh mạch ngoại biên hoặc đang có bệnh mạch vành, chỉ định Zocor để:

Làm giảm nguy cơ tử vong chung do làm giảm tử vong do bệnh mạch vành;

Làm giảm nguy cơ xảy ra các biến cố mạch máu lớn (bao gồm nhồi máu cơ tim không tử vong, tử vong do bệnh mạch vành, đột quỵ hoặc phải làm các thủ thuật tái cấp máu cơ tim);

Làm giảm nguy cơ xảy ra các biến cố chính ở mạch vành (bao gồm nhồi máu cơ tim không tử vong hoặc tử vong do bệnh mạch vành);

Làm giảm nguy cơ đột quỵ;

Làm giảm nhu cầu phải làm các thủ thuật tái cấp máu mạch vành (bao gồm phẫu thuật bắc cầu động mạch vành và nong mạch vành qua da);

Làm giảm nhu cầu phải làm các thủ thuật tái cấp máu ở mạch ngoại biên và ở các mạch khác không phải mạch vành;

Làm giảm nguy cơ phải nằm viện do cơn đau thắt ngực.

Ở người bệnh đái tháo đường, Zocor làm giảm nguy cơ các biến chứng của mạch máu lớn ngoại biên (bao gồm các thủ thuật tái cấp máu ở mạch ngoại biên, cắt cụt chi dưới hoặc loét chân).

Với người bệnh tăng cholesterol máu mà có bệnh mạch vành tim, Zocor làm chậm lại sự tiến triển của vữa xơ động mạch vành, bao gồm làm giảm sự phát triển của các tổn thương mới và những tắc nghẽn mới.

Tăng lipid/máu:

Dùng Zocor bổ sung hỗ trợ cho chế độ dinh dưỡng, làm hạ các thông số sau: cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol, apolipoprotein B (apoB) và làm tăng HDL-C ở người có tăng cholesterol nguyên phát, bao gồm tăng cholesterol máu có tính gia đình dị hợp tử (tuýp IIa Fredrickson) hoặc tăng lipid máu hỗn hợp (tuýp IIb Fredrickson), một khi sự đáp ứng với chế độ dinh dưỡng và với các biện pháp không dùng thuốc khác chưa thỏa mãn đầy đủ. Vì vậy, ZOCOR còn làm giảm tỷ số LDL-C/HDL-C và cholesterol toàn phần/HDL-C.

Zocor còn được dùng điều trị người bệnh tăng triglycerid máu (tăng lipid máu tuýp IV Fredrickson).

Chỉ định Zocor cho người rối loạn betalipoprotein máu tiên phát (tăng lipid máu tuýp III Fredrickson).

Dùng ZOCOR hỗ trợ cho các chế độ dinh dưỡng và cho các biện pháp không phải là chế độ dinh dưỡng khác để điều trị người bệnh tăng cholesterol máu có tính gia đình đồng hợp tử nhằm làm giảm sự tăng cholesterol toàn phần, LDL-C và apo B.

Trẻ em tăng cholesterol máu có tính gia đình dị hợp tử:

Chỉ định ZOCOR bổ sung hỗ trợ cho chế độ dinh dưỡng để làm hạ mức cholesterol toàn phần, LDL-C, TG và apo B ở trẻ vị thành niên nam và nữ đã dậy thì ít nhất 1 năm, 10-17 tuổi, bị tăng cholesterol máu có tính gia đình dị hợp tử (HeFH).

4.2. Liều dùng – Cách dùng:

Cách dùng :

Dùng uống một lần duy nhất vào buổi tối.

Liều dùng:

Khuyến cáo bắt đầu điều trị với liều thấp nhất mà thuốc có tác dụng, sau đó nếu cần có thể điều chỉnh liều theo nhu cầu và đáp ứng của từng người bằng cách tăng liều từng đợt cách nhau không dươí 4 tuần và phải theo dõi các phản ứng có hại đối với hệ cơ.

Liều Zocor mở rộng từ 5 đến 80mg/ngày, uống một lần vào buổi tối. Khi cần điều chỉnh liều lượng, cần tuân thủ khoảng cách ít nhất 4 tuần, tăng cho tới tối đa là 80mg/ngày và uống một lần duy nhất vào buổi tối.

Người có nguy cơ cao bệnh mạch vành (CHD) hoặc đang có bệnh mạch vành:

Liều khởi đầu thông thường là mỗi ngày 40mg, uống một lần vào buổi tối ở người có nguy cơ cao bệnh mạch vành (có hoặc không có tăng lipid máu), như ở người tiểu đường, người có tiền sử đột quỵ hoặc bệnh khác về mạch máu não, bệnh mạch ngoại biên hoặc đang có bệnh mạch vành. Vẫn cần theo chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể lực khi dùng thuốc.

Người có tăng lipid máu (nhưng không thuộc loại có nguy cơ nêu trên):

Nên cho người bệnh dùng chế độ dinh dưỡng chuẩn làm giảm cholesterol trước khi dùng Zocor và cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng này trong suốt quá trình dùng Zocor.

Liều khởi đầu thông thường là mỗi ngày 20mg, uống một lần vào buổi tối. Người cần giảm mạnh LDL-C (> 45%) có thể khởi đầu bằng mỗi ngày 40mg, uống một lần vào buổi tối. Người chỉ có tăng cholesterol máu từ mức nhẹ tới trung bình có thể khởi đầu bằng liều hàng ngày 10mg Zocor. Nếu cần chỉnh liều thì thực hiện như trên đã nêu.

Người bệnh tăng cholesterol-máu có tính gia đình thể đồng hợp tử:

Dựa vào kết quả thu được trong nghiên cứu lâm sàng có đối chứng, liều lượng khuyến cáo cho người tăng cholesterol máu có tính gia đình thể đồng hợp tử là mỗi ngày 40mg, uống một lần vào buổi tối hoặc mỗi ngày 80mg, chia làm 3 lần, lần đầu 20mg, lần sau 20mg và buổi tối uống 40mg. Zocor còn dùng để hỗ trợ các biện pháp khác làm hạ lipid máu (ví dụ như gạn LDL-C) cho những người bệnh này hoặc khi những biện pháp đó không thực hiện được.

Điều trị đồng thời:

Zocor có hiệu lực khi dùng đơn độc hoặc kèm chất hấp thụ acid mật.

Nếu người bệnh dùng cyclosporine, danazol, gemfibrozil, các fibrat khác (ngoại trừ fenofibrate) hoặc các liều làm hạ lipid của niacin (≥1gam/ngày) phối hợp với Zocor, thì không được dùng liều Zocor quá 10mg mỗi ngày. Nếu người bệnh dùng amiodarone hoặc verapamil cùng Zocor thì không được uống quá liều 20mg/ngày (xin đọc mục Thận trọng, bệnh cơ/tiêu cơ vân và Tương tác thuốc).

Liều dùng khi suy thận:

Vì Zocor không đào thải chủ yếu qua thận, nên không nhất thiết phải thay đổi liều lượng khi suy thận vừa.

Với người suy thận nặng (độ thanh lọc creatinine < 30mL/ phút), phải cân nhắc kỹ trước khi cho liều mỗi ngày cao hơn 10mg, và nếu thấy thật cần thì phải dùng thận trọng.

Liều dùng ở trẻ em (10-17 tuổi) tăng cholesterol máu có tính gia đình dị hợp tử:

Liều khởi đầu khuyến cáo thông thường là 10mg, mỗi ngày uống một lần vào buổi tối. Liều khuyến cáo nằm trong khoảng 10-40 mg một ngày, liều tối đa khuyến cáo là 40 mg một ngày. Liều dùng cần được cá thể hóa theo mục tiêu điều trị.

4.3. Chống chỉ định:

Quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của sản phẩm.

Bệnh gan tiến triển hoặc tăng transaminase huyết thanh kéo dài mà không cắt nghĩa được.

Mang thai và thời kỳ cho con bú.

4.4 Thận trọng:

Bệnh cơ/tiêu cơ vân:

Simvastatin và các chất khác ức chế HMG-CoA reductase khác đôi khi gây bệnh cơ, biểu hiện bằng đau cơ, nhạy cảm đau, yếu cơ kèm theo tăng creatine kinase (CK) quá 10 lần giới hạn trên của mức bình thường (ULN). Bệnh cơ có khi biểu hiện ở dạng tiêu cơ vân có hoặc không có suy thận cấp thứ phát sau myoglobin niệu, nhưng hiếm khi tử vong. Nguy cơ bệnh cơ tăng khi hoạt tính enzym HMG-CoA reductaza trong huyết tương tăng lên.

Nguy cơ bệnh cơ/tiêu cơ vân tăng lên khi phối hợp simvastatin với các thuốc sau đây:

Các thuốc ức chế CYP3A4 mạnh: như itraconazole, ketoconazole, erythromycine, clarithromycine, thuốc ức chế HIV-protease hoặc nefazodone, đặc biệt khi dùng liều cao simvastatin (xin đọc mục Tương tác thuốc, Tương tác với CYP3A4).

Các thuốc khác: Gemfibrozil và các fibrat khác (trừ fenofibrate) hoặc với các liều làm giảm lipid máu của niacin (≥1 g/ngày), đặc biệt khi phối hợp với liều cao simvastatin (xin đọc mục Tương tác thuốc, Tương tác với các thuốc hạ lipid máu có thể gây bệnh cơ khi dùng một mình). Khi phối hợp fenofibrate với simvastatin, chưa thấy nguy cơ bệnh cơ cao hơn nguy cơ riêng rẽ của từng thuốc cộng lại.

Cyclosporine hoặc danazol, đặc biệt khi phối hợp với liều cao simvastatin (xin đọc mục Tương tác thuốc, Các tương tác thuốc khác).

Amiodarone hoặc verapamil, dùng chung với liều cao simvastatin (xin đọc mục Tương tác thuốc, Các tương tác thuốc khác). Trong một thử nghiệm lâm sàng đang tiến hành, có thấy 6% người bệnh bị bệnh cơ khi phối hợp amiodarone với liều 80 mg simvastatin mỗi ngày.

Diltiazem: người dùng diltiazem với simvastatin 80 mg/ngày có tăng nhẹ nguy cơ bệnh cơ ở khoảng 1% số người bệnh. Trong các nghiên cứu lâm sàng, nguy cơ bệnh cơ ở người dùng diltiazem với simvastatin 40 mg/ngày tương đương ở người chỉ dùng simvastatin 40 mg/ngày mà không có diltiazem, (xin đọc mục Tương tác thuốc, Các tương tác thuốc khác).

Với các chất ức chế enzym HMG-CoA reductaza khác, nguy cơ Bệnh cơ/Tiêu cơ vân phụ thuộc liều lượng: Trong dữ liệu thử nghiệm lâm sàng trên 41.050 bệnh nhân cho sử dụng ZOCOR, trong đó 24.747 bệnh nhân (xấp xỉ 60%) được điều trị trong tối thiểu 4 năm, tỷ lệ bệnh cơ/tiêu cơ vân là xấp xỉ 0,02%; 0,08% và 0,53% với các liều tương ứng là 20, 40 và 80 mg mỗi ngày. Trong các thử nghiệm lâm sàng này, người bệnh được theo dõi chặt chẽ và một số thuốc có tương tác với simvastatin đã được loại trừ.

Vì vậy:

(1). Phải tránh dùng simvastatin cùng các chất ức chế CYP3A4 mạnh (như itraconazole, ketoconazole, erythromycin, clarithromycin, telithromycin, chất ức chế HIV-protease, nefazodone. Nếu bắt buộc phải dùng itraconazole, ketoconazole, erythromycin, clarithromycin hoặc telithromycin thì phải tạm ngừng dùng simvastatin trong thời kỳ dùng các thuốc đó. Cũng phải tránh dùng simvastatin cùng với các thuốc khác có tác dụng ức chế CYP3A4 ở liều điều trị, trừ khi lợi ích của phối hợp thuốc lớn hơn nguy cơ có thể gặp.

(2). Không được uống liều simvastatin quá 10 mg/ngày khi bệnh nhân dùng đồng thời với cyclosporine, danazol, gemfibrozil, các fibrate khác (trừ fenofibrate) hoặc với các liều hạ lipid máu của niacin (≥1gam/ngày). Phải tránh phối hợp simvastatin với gemfibrozil, trừ khi lợi ích của sự phối hợp có thể lớn hơn nguy cơ có thể gặp khi dùng phối hợp. Lợi ích của việc sử dụng simvastatin ở những bệnh nhân đang sử dụng các fibrate khác (trừ fenofibrate), niacin, cyclosporine, hoặc danazol cần được cân nhắc hết sức thận trọng so với nguy cơ mà những phối hợp này mang lại. Cũng cần thận trọng khi dùng fenofibrate cùng simvastatin, vì khi dùng riêng rẽ, mỗi thuốc này đều có thể gây bệnh cơ. Điển hình là thêm fibrat hoặc niacin cùng với simvastatin ít làm tăng tác dụng hạ LDL-C, nhưng có thể có tác dụng hiệp đồng làm hạ thêm triglycerid (TG) và làm tăng thêm HDL-C. Trong các nghiên cứu lâm sàng nhỏ, ngắn ngày và có theo dõi chặt, đã sử dụng phối hợp fibrat hoặc niacin với liều thấp simvastatin mà không thấy gây bệnh cơ.

(3). Không được dùng simvastatin vượt quá liều 20 mg/ngày ở bệnh nhân dùng đồng thời trị liệu amiodarone hoặc verapamil. Cần phải tránh dùng simvastatin liều cao > 20 mg/ngày cùng verapamil hoặc amidarone, trừ khi lợi ích lâm sàng của sự phối hợp có thể lớn hơn nguy cơ gây bệnh có thể gặp.

(4). Mọi người bệnh khởi đầu dùng simvastatin hoặc người đang dùng tăng liều simvastatin, cần được thông báo về nguy cơ bệnh cơ và yêu cầu họ phải báo cho thày thuốc ngay lập tức mọi dấu hiệu chưa cắt nghĩa được về đau cơ, nhạy cảm đau hoặc yếu cơ. Trị liệu với simvastatin cần được ngừng ngay lập tức nếu chẩn đoán hoặc nghi ngờ bệnh cơ. Sự có mặt của các triệu chứng đó và/hoặc tăng mức CK gấp hơn 10 lần giới hạn trên bình thường đã là dấu hiệu của bệnh cơ. Trong hầu hết trường hợp, nếu người bệnh ngừng ngay thuốc thì triệu chứng bệnh cơ và sự tăng CK sẽ thuyên giảm. Cần xét nghiệm CK định kỳ ở người mới dùng simvastatin hoặc mới tăng liều, nhưng chưa bảo đảm là sự theo dõi như vậy đã đủ để ngăn ngừa được bệnh cơ.

(5). Phần nhiều trong số người bệnh gặp tiêu cơ vân khi dùng simvastatin đã từng có tiền sử bệnh lý phức tạp, như suy thận thường là hậu quả của tiểu đường kéo dài. Cần theo dõi cẩn thận những người bệnh đó. Tạm ngừng simvastatin vài ngày trước khi tiến hành các đại phẫu thuật có chuẩn bị và ngay khi xảy ra các bệnh lý nội ngoại khoa lớn bất ngờ.

Tác dụng trên gan:

Trong các nghiên cứu lâm sàng ở một số ít người dùng simvastatin có tăng dai dẳng transaminase huyết thanh (quá 3 lần mức giới hạn trên của mức cho phép). Khi ngừng thuốc, thông thường thì mức transaminase hạ dần tới nồng độ ban đầu. Tăng transaminase không kèm vàng da hoặc các dấu hiệu hoặc triệu chứng lâm sàng khác. Không có dấu hiệu của tăng mẫn cảm. Một số người đã có thử nghiệm bất thường về chức năng gan trước khi dùng simvastatin và/hoặc có uống lượng rượu đáng kể.

Trong nghiên cứu 4S thấy có một số người bệnh có hơn một transaminase bị tăng cao trên 3 lần giới hạn trên của mức cho phép, cũng không có khác biệt giữa các nhóm dùng simvastatin và placebo (14 người so với 12 người, tức 0,7% so với 0,6%). Tỷ lệ chỉ tăng có SGPT (ALT) quá 3 lần giới hạn trên của mức cho phép ở nhóm simvastatin cao hơn trong năm đầu nghiên cứu (20 so với 3, p=0,023), sau đó không tăng nữa. Tăng cao transaminase khiến cho 8 người bệnh phải ngừng nghiên cứu trong nhóm simvastatin (n=2221) và 5 người phải ngừng ở nhóm placebo (n=2223). Trong số 1986 người bệnh dùng simvastatin ở nghiên cứu 4S mà có thử nghiệm chức năng gan bình thường ban đầu, chỉ có 8 người (0,4%) có tăng thử nghiệm chức năng gan liên tục gấp 3 lần giới hạn trên của mức cho phép và/hoặc phải ngừng điều trị do tăng transaminase trong 5,4 năm (theo dõi trung bình) nghiên cứu. Tất cả các người bệnh trong nghiên cứu đã dùng liều khởi đầu 20 mg/ngày; sau đó 37% được chỉnh liều tới 40 mg/ngày.

Trong 2 nghiên cứu lâm sàng có đối chứng trên 1105 người bệnh, tỷ lệ tăng transaminase gan kéo dài 6 tháng do thuốc là 0,7% với liều 40 mg và 1,8% với liều 80 mg.

Trong nghiên cứu HPS, chọn ngẫu nhiên 20536 người bệnh và cho uống ZOCOR 40 mg/ngày hoặc placebo, tỷ lệ tăng transaminase (gấp 3 lần giới hạn trên của mức cho phép được xác định bằng thử nghiệm nhắc lại) là 0,21% (n=21) cho người dùng ZOCOR và 0,09% (n=9) cho nhóm placebo.

Khuyến cáo thử nghiệm chức năng gan trước khi dùng thuốc và thử nghiệm tiếp sau đó nếu lâm sàng đòi hỏi. Cần làm thêm thử nghiệm trước khi điều chỉnh tăng liều lên 80 mg/ngày, 3 tháng sau khi tăng liều lên 80 mg/ngày và sau đó phải thử định kỳ đều đặn (ví dụ, hàng nửa năm) trong năm đầu điều trị. Cần chú ý đặc biệt đến người đã sẵn có tăng mức transaminase, ở những người này, cần thử nghiệm liên tục và tức thì và sau đó làm thử nghiệm thường xuyên hơn. Nếu thấy mức transaminase cứ tăng lên, đặc biệt khi đến mức gấp 3 lần giới hạn trên của nồng độ cho phép và dai dẳng thì phải ngừng thuốc.

Cần dùng simvastatin thận trọng ở người bệnh uống nhiều rượu và/hoặc có tiền sử bệnh gan. Chống chỉ định dùng thuốc này khi có bệnh gan đang tiến triển hoặc khi có tăng transaminase không cắt nghĩa được.

Cũng như với các thuốc khác làm hạ lipid, có gặp tăng vừa phải transaminase (< 3 lần giới hạn trên của mức cho phép) khi dùng simvastatin. Những thay đổi này gặp sớm sau khi khởi đầu dùng simvastatin, thường là tạm thời, không kèm theo triệu chứng nào và không cần ngừng thuốc.

Đánh giá về nhãn khoa:

Khi không dùng bất kỳ loại thuốc nào, thì sự gia tăng tỉ lệ đục thể thủy tinh được coi là do tuổi cao. Những dữ liệu về điều trị lâu dài từ các thử nghiệm lâm sàng hiện nay chưa cho thấy tác dụng có hại của simvastatin trên thể thủy tinh của người.

Dùng cho trẻ em:

Độ an toàn và hiệu quả của simvastatin trên bệnh nhân trong khoảng 10-17 tuổi bị tăng cholesterol máu có tính gia đình dị hợp tử đã được đánh giá trong một nghiên cứu lâm sàng có đối chứng trên trẻ em nam và những trẻ em nữ đã dậy thì ít nhất 1 năm. Những bệnh nhân điều trị bằng simvastatin gặp các tác dụng không mong muốn nhìn chung tương tự như những bệnh nhân ở nhóm dùng placebo. Liều cao hơn 40mg/ngày chưa được nghiên cứu trên những đối tượng này.

Trong nghiên cứu có đối chứng hạn chế đó, không thấy có tác dụng ở mức phát hiện được lên sự tăng trưởng hay sự trưởng thành về sinh dục ở các trẻ vị thành niên được nghiên cứu, hoặc bất kỳ tác dụng nào lên chu kỳ kinh nguyệt của trẻ em gái. (Xin đọc mục Liều lượng và cách dùng; Tác dụng ngoại ý). Trẻ vị thành niên là nữ cần được tư vấn về phương pháp tránh thai thích hợp trong giai đoạn điều trị bằng simvastatin (xin đọc mục Chống chỉ định; Thận trọng; Lúc có thai). Simvastatin chưa được nghiên cứu ở bệnh nhân dưới 10 tuổi, cũng như ở các bé gái chưa dậy thì.

Người cao tuổi:

Nghiên cứu lâm sàng có đối chứng ở người trên 65 tuổi uống simvastatin, đánh giá hiệu lực qua việc làm giảm mức cholesterol toàn phần và LDL-C, thấy kết quả tương tự như ở quần thể chung, không thấy gia tăng rõ rệt về tần số những tác hại trên lâm sàng và trong phòng xét nghiệm với người cao tuổi.

Cần cân nhắc khi dùng thuốc nhóm statin đối với bệnh nhân trên 65 tuổi, bệnh nhân bị thiểu năng tuyến giáp không được kiểm soát. Cần theo dõi chặt chẽ các phản ứng có hại trong quá trình dùng thuốc.

Tác động của thuốc trên người lái xe và vận hành máy móc.

ZOCOR không có hoặc có tác động không đáng kể lên khả năng lái xe và vận hành máy. Tuy nhiên, đã có một số hiếm các trường hợp chóng mặt khi lái xe hoặc vận hành máy được báo cáo trong các giám sát hậu mãi.

4.5 Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú:

Xếp hạng cảnh báo

AU TGA pregnancy category: D

US FDA pregnancy category: X

Thời kỳ mang thai:

Chống chỉ định khi mang thai.

Chưa xác định được độ an toàn ở người mang thai. Chưa có thử nghiệm lâm sàng có đối chứng với simvastatin được tiến hành ở người mang thai. Một số báo cáo đã ghi nhận về các dị tật bẩm sinh ở trẻ có mẹ đã dùng thuốc ức chế HMG-CoA-reductase trong thai kỳ. Tuy nhiên, trong một phân tích khoảng 200 người mang thai dùng Zocor trong quý đầu của thai kỳ hoặc dùng thuốc khác ức chế HMG-CoA-reductase, thấy tỷ lệ bất thường bẩm sinh tương đương với tỷ lệ thấy ở quần thể chung. Số lượng người mang thai như vậy đủ lực thống kê để loại trừ tỷ lệ tăng lớn hơn hoặc bằng 2,5 lần về bất thường bẩm sinh quá mức cơ bản.

Mặc dầu chưa rõ tỷ lệ các bất thường bẩm sinh ở trẻ mới sinh từ các bà mẹ uống Zocor hoặc dùng thuốc khác ức chế HMG-CoA-reductase có khác với tỷ lệ nhận thấy ở quần thể chung không, nhưng mẹ dùng Zocor có thể làm giảm mức mevalonate ở thai, mà mevalonate là tiền chất trong sinh tổng hợp cholesterol. Vữa xơ động mạch là quá trình mạn tính, nên thông thường nếu ngừng thuốc làm hạ lipid máu trong thai kỳ cũng ít có ảnh hưởng tới nguy cơ lâu dài do tăng cholesterol máu nguyên phát. Vì vậy, không nên dùng Zocor khi mang thai, khi muốn có thai hoặc nghi có thai phải ngừng uống Zocor suốt trong thai kỳ hoặc ngừng cho đến khi chắc chắn là không có thai (xin đọc mục Chống chỉ định).

Thời kỳ cho con bú:

Chưa rõ simvastatin và các chất chuyển hóa có bài tiết qua sữa hay không. Vì có nhiều thuốc thải được qua sữa mẹ và vì có thể gây những phản ứng có hại nghiêm trọng, cho nên người mẹ không nên cho con bú trong khi đang dùng Zocor (xem Chống chỉ định).

4.6 Tác dụng không mong muốn (ADR):

Zocor thường dung nạp tốt; phần lớn tác dụng ngoại ý là nhẹ và thoáng qua. Dưới 2% số người bệnh phải ngừng thuốc trong các thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát là có liên quan đến tác dụng ngoại ý của Zocor.

Trong các thử nghiệm lâm sàng có đối chứng trước khi đưa ra thị trường, tác dụng có hại của Zocor có tần số 1% và được nhà nghiên cứu công nhận là có thể, có khả năng hoặc chắc chắn là do thuốc, gồm: đau bụng, táo bón và đầy hơi. Những tác dụng ngoại ý khác ở 0,5-0,9% người bệnh, gồm nhức đầu và mệt mỏi.

Hiếm gặp bệnh cơ.

Trong nghiên cứu HPS trên 20.536 người bệnh, uống mỗi ngày 40 mg ZOCOR (n=10.269) hoặc placebo (n=10.267), tính an toàn được so sánh giữa người bệnh uống ZOCOR với người bệnh dùng placebo trong thời gian trung bình 5 năm. Trong thử nghiệm phân tích tổng hợp này, chỉ ghi lại những tác dụng có hại nghiêm trọng và những trường hợp ngừng thuốc do tác dụng có hại. Tần số ngừng thuốc do tác dụng ngoại ý là tương đương giữa 2 nhóm (4,8% số người bệnh uống ZOCOR so với 5,1% ở nhóm placebo). Tỷ lệ bệnh cơ là < 0,1% số người dùng ZOCOR. Tăng transaminase (trên 3 lần giới hạn trên của mức cho phép) gặp ở 0,21% (n=21) số người uống ZOCOR so với 0,09% (n=9) ở người bệnh dùng placebo.

Trong công trình nghiên cứu 4S trên 4444 người bệnh, gồm có 2221 người bệnh được điều trị bằng Zocor liều 20-40mg và 2223 người bệnh dùng placebo, người ta thấy có sự tương đương về độ an toàn và độ dung nạp giữa các nhóm trong khoảng thời gian trung bình là 5,4 năm.

Những tác dụng ngoại ý sau đây được ghi nhận hoặc trong thử nghiệm lâm sàng không đối chứng hoặc khi thuốc được dùng ở thị trường: buồn nôn, tiêu chảy, phát ban, khó tiêu, ngứa, rụng tóc, chóng mặt, co cơ, đau cơ, viêm tụy, dị cảm, bệnh thần kinh ngoại biên, nôn và thiếu máu. Hiếm gặp tiêu cơ vân và viêm gan/ vàng da. Hội chứng giống như quá mẫn cảm hiếm khi xảy ra, gồm một số dấu hiệu như phù mạch, hội chứng giống lupus, đau đa cơ dạng thấp, viêm cơ-da, viêm mạch, giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa eosin, tăng tốc độ lắng máu, viêm khớp, đau khớp, mày đay, nhạy cảm ánh sáng, sốt, đỏ mặt, khó thở và khó ở.

Các thử nghiệm cận lâm sàng:

Có gặp nhưng không thường xuyên tăng transaminase huyết thanh. Cũng có gặp tăng phosphatase kiềm và gamma-glutamyl-transpeptidase (KGT). Những bất thường về thử nghiệm chức năng gan thường nhẹ và thoáng qua. Cũng có tăng hàm lượng creatine-kinase (CK) trong huyết thanh mà nguồn gốc là từ cơ xương.

Bệnh nhân là trẻ em (từ 10-17 tuổi)

Trong một nghiên cứu trên trẻ em từ 10-17 tuổi bị tăng cholesterol có tính gia đình thể dị hợp tử (n=175), tính an toàn và độ dung nạp ở nhóm điều trị bằng ZOCOR nhìn chung tương tự như nhóm dùng placebo.

Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

4.7 Hướng dẫn cách xử trí ADR:

Các thay đổi nồng độ enzym gan trong huyết thanh thường xảy ra ở những tháng đầu điều trị bằng statin. Người bệnh nào có nồng độ transaminase huyết thanh cao phải theo dõi xét nghiệm chức năng gan lần thứ hai để xác nhận kết quả và theo dõi điều trị cho tới khi các bất thường trở về bình thường. Nếu nồng độ transaminase huyết thanh AST hoặc ALT (GOT hoặc GPT) dai dẳng lên quá 3 lần giới hạn trên của bình thường, thì phải ngừng điều trị bằng statin.

Phải khuyên người bệnh dùng statin báo cáo ngay bất kỳ biểu hiện nào như đau cơ không rõ lý do, nhạy cảm đau và yếu cơ, đặc biệt nếu kèm theo khó chịu hoặc sốt. Phải ngừng liệu pháp statin nếu nồng độ CPK tăng rõ rệt, cao hơn 10 lần giới hạn trên của bình thường và nếu chấn đoán hoặc nghi ngờ là bệnh cơ

4.8 Tương tác với các thuốc khác:

Tương tác tại CYP3A4:

Simvastatin chuyển hóa qua CYP3A4, nhưng không ức chế CYP3A4. Vì vậy simvastatin không có ảnh hưởng tới nồng độ trong huyết tương của các thuốc khác cũng chuyển hoá qua CYP3A4. Các thuốc ức chế mạnh CYP3A4 như: Itraconazole, Ketoconazole, Erythromycin, Clarithromycin, Telithromycin, Chất ức chế HIV-protease, Nefazodone sẽ làm tăng nguy cơ bệnh cơ do làm giảm sự đào thải của simvastatin.

Tương tác với thuốc làm hạ lipid máu có thể gây bệnh cơ ngay cả khi dùng một mình

Nguy cơ bệnh cơ cũng tăng lên khi phối hợp simvastatin với các thuốc sau tuy không phải là các chất ức chế CYP3A4 nhưng có thể gây ra bệnh cơ khi dùng một mình: Gemfibrozil, Các fibrat khác (ngoại trừ fenofibrat): Niacin (acid nicotinic) (≥1 gam/ngày): Khi phối hợp simvastatin với fenofibrat, không thấy rõ làm tăng nguy cơ gây bệnh cơ so với nguy cơ của từng thuốc riêng rẽ cộng lại.

Tương tác với các thuốc khác

Cyclosporine hoặc Danazol: Nguy cơ bệnh cơ/tiêu cơ vân tăng lên khi dùng đồng thời cyclosporine hoặc danazol, đặc biệt với simvastatin liều cao (xin đọc mục THẬN TRỌNG, Bệnh cơ/Tiêu cơ vân).

Amiodarone hoặc Verapamil: nguy cơ Bệnh cơ/Tiêu cơ vân tăng lên khi phối hợp verapamil hoặc amiodarone với liều cao simvastatin (xin đọc mục THẬN TRỌNG, Bệnh cơ/Tiêu cơ vân).

Diltiazem: phối hợp diltiazem với simvastatin 80 mg/ngày làm tăng nhẹ nguy cơ bệnh cơ (xin đọc mục THẬN TRỌNG, Bệnh cơ/Tiêu cơ vân).

Các tương tác khác

Nước quả bưởi chứa một hoặc nhiều thành phần ức chế được CYP3A4, nên có thể làm tăng nồng độ các thuốc chuyển hoá qua CYP3A4. Ảnh hưởng của uống nước bưởi có chừng mực (mỗi ngày một cốc 250 mL) còn chưa rõ (làm tăng 13% hoạt tính ức chế HMG-CoA-reductase của simvastatin, qua tính toán diện tích dưới đường cong/AUC) và không có ý nghĩa lâm sàng. Tuy nhiên, nếu dùng lượng lớn nước quả bưởi (quá 1 lít mỗi ngày) thì làm tăng rõ hoạt tính ức chế HMG-CoA-reductase của simvastatin, và cần tránh điều này (xin đọc mục THẬN TRỌNG, Bệnh cơ/Tiêu cơ vân).

Các dẫn xuất Coumarin:

Trong hai nghiên cứu lâm sàng, một với người tình nguyện khỏe mạnh và một công trình với người bệnh tăng cholesterol máu, thấy simvastatin với liều 20-40 mg/ngày làm tăng nhẹ tác dụng của thuốc chống đông máu nhóm coumarin: thời gian prothrombin, đánh giá qua INR, đã tăng từ mức cơ bản là 1,7 lên 1,8 và từ 2,6 lên 3,4 tương ứng với các nghiên cứu trên người tình nguyện và trên người bệnh. Với người bệnh uống thuốc chống đông nhóm coumarin, cần xác định thời gian prothrombin trước khi khởi đầu uống simvastatin và xét nghiệm sớm thường xuyên trong thời gian điều trị để đảm bảo không có hư hại rõ rệt về thời gian prothrombin. Một khi đã thấy thời gian prothrombin ổn định, cần theo dõi thời gian prothrombin định kỳ như vẫn thường khuyến cáo cho người bệnh uống thuốc chống đông coumarin. Nếu có thay đổi liều hoặc ngừng dùng simvastatin, cũng cần nhắc lại quy trình như trên. Điều trị bằng simvastatin không gây chảy máu, không làm thay đổi thời gian prothrombin ở người không dùng dẫn xuất coumarin.

4.9 Quá liều và xử trí:

Đã gặp một số trường hợp quá liều; liều uống cao nhất là 3.6 gam. Tất cả người ngộ độc đều hồi phục không để lại di chứng.

Các tác dụng bất lợi do dùng quá liều thường xảy ra nhất, phù hợp với hồ sơ về an toàn của ZOCOR, gồm bệnh cơ/tiêu cơ vân, đau cơ. Hiện chưa có thông tin cụ thể về việc điều trị quá liều ZOCOR. Trong trường hợp quá liều, sử dụng các biện pháp hỗ trợ thông thường; ví dụ loại bỏ thuốc chựa đưọ-c hấp thu qua đường tiêu hóa, theo dõi lâm sàng và tiến hành điểu tri hỗ trợ, khi cần.

5. Cơ chế tác dụng của thuốc :

5.1. Dược lực học:

Zocor (simvastatin) là thuốc làm hạ lipid, dẫn xuất tổng hợp từ một sản phẩm lên men của Aspergillus terreus.

Sau khi uống, Zocor là một lactone chưa có hoạt tính sẽ được thủy phân thành dạng acid â-hydroxy tương ứng. Đây là chất chuyển hóa chính, ức chế được 3-hydroxy-3 methylglutaryl-coenzymeA (HMG-CoA) reductase, enzym này xúc tác ở giai đoạn sớm của quá trình sinh tổng hợp cholesterol. Các nghiên cứu lâm sàng chỉ ra rằng Zocor có hiệu quả cao làm giảm nồng độ của cholesterol toàn phần, của lipoprotein cholesterol tỉ trọng thấp (LDL-C), triglycerid (TG) và của lipoprotein cholesterol tỉ trọng rất thấp (VLDL-C), và làm tăng lipoprotein cholesterol tỉ trọng cao (HDL-C) trong huyết tương, trong các trường hợp tăng cholesterol máu không có tính gia đình hoặc có tính gia đình thể dị hợp tử, và trong các trường hợp tăng lipid máu hỗn hợp mà chủ yếu là tăng cholesterol và khi chế độ ăn kiêng đơn thuần không mang lại kết quả mong muốn. Đáp ứng điều trị rõ rệt sau 2 tuần dùng thuốc, hiệu lực tối đa sau 4-6 tuần. Đáp ứng điều trị được duy trì khi tiếp tục dùng thuốc. Nếu ngừng dùng Zocor thì cholesterol và lipid sẽ trở lại mức trước khi điều trị.

Dạng có hoạt tính của simvastatin là chất ức chế đặc hiệu HMG-CoA reductase, enzym này xúc tác cho sự chuyển đổi của HMG-CoA thành mevalonate. Vì sự chuyển đổi của HMG-CoA thành mevalonate là giai đoạn sớm trong quá trình sinh tổng hợp cholesterol, cho nên dùng Zocor sẽ không gây tích lũy các sterol có độc tính. Ngoài ra, HMG-CoA còn được chuyển hóa ngược thành acetyl-CoA, là chất tham gia vào nhiều quá trình sinh tổng hợp của cơ thể.

Nghiên cứu trên động vật, sau khi cho uống, simvastatin có tác dụng chọn lọc cao với gan. Tại gan, thuốc có nồng độ cao hơn ở các mô khác mà không phải là mô đích. Simvastatin được chiết xuất mạnh lần đầu tiên qua gan, nơi có tác động ban đầu, sau đó được thải qua mật. Ở người, dạng có hoạt tính của simvastatin vào tuần hoàn được khoảng dưới 5% liều uống. Còn 95% của lượng này ở máu sẽ gắn với protein huyết tương.

Trong công trình nghiên cứu Scandinavian Simvastatin Survival Study (4S), đánh giá tác dụng của Zocor trên tỉ lệ tử vong chung, trong thời gian trung bình là 5,4 năm ở 4444 người bệnh động mạch vành (CHD) có mức cholesterol toàn phần ban đầu là 212-309 mg/dl (5,5-8,0 mmol/l). Qua nghiên cứu đa trung tâm, ngẫu nhiên, mù kép và có đối chứng placebo (giả dược), thấy Zocor làm giảm 30% nguy cơ tử vong nói chung, giảm 42% nguy cơ tử vong do suy mạch vành và giảm 37% nguy cơ nhồi máu cơ tim không tử vong có thẩm tra ở bệnh viện. Zocor làm giảm được 37% nguy cơ phải tiến hành các thủ thuật nhằm tưới máu lại ở cơ tim/tái cấp máu cơ tim (phẫu thuật bắc cầu động mạch vành hoặc nong mạch vành qua da). Trên người bệnh tiểu đường, nguy cơ bị các biến cố mạch vành lớn giảm được 55%. Hơn nữa Zocor giảm đáng kể các biến cố mạch máu não tử vong và không tử vong (đột quỵ và tai biến mạch máu não thoáng qua) được 28%.

Trong công trình nghiên cứu HPS (Heart Protection Study), đánh giá tác dụng điều trị của Zocor, dùng trong thời gian trung bình 5 năm trên 20.536 người bệnh có hoặc không có tăng lipid máu, có nguy cơ cao bệnh mạch vành do nguyên nhân tiểu đường, tiền sử đột quỵ hoặc bệnh mạch não khác, bệnh mạch ngoại biên hoặc bệnh mạch vành tim. Ở mức cơ bản, 33% số người bệnh có mức LDL-C dưới 116mg/dL; 25% có mức 116-135mg/dL và 42% có mức LDL-C cao hơn 135mg/dL.

Trong nghiên cứu đa trung tâm, chọn ngẫu nhiên, mù kép, có đối chứng placebo này, ở nhóm người bệnh uống mỗi ngày 40mg Zocor so với placebo đã làm giảm nguy cơ tử vong chung là 13%, do làm giảm 18% nguy cơ tử vong do bệnh mạch vành. Zocor cũng làm giảm 27% nguy cơ các biến cố chính về mạch vành (bao gồm các tử vong do mạch vành hoặc nhồi máu cơ tim không tử vong). Zocor làm giảm nhu cầu phải tiến hành các thủ thuật nhằm tưới máu lại ở mạch vành/ tái cấp máu mạch vành (bao gồm phẫu thuật bắc cầu động mạch vành hoặc nong mạch vành qua da), làm giảm 30% thủ thuật nhằm tưới máu lại ở mạch ngoại biên và 16% thủ thuật này ở những động mạch không phải là mạch vành. Zocor làm giảm 25% nguy cơ đột quỵ. Hơn nữa, Zocor còn làm giảm 17% nguy cơ phải nằm viện do đau thắt ngực. Làm giảm 25% nguy cơ các biến cố chính của mạch vành và các biến cố chính về mạch máu (bao gồm các biến cố chính về mạch vành, đột quỵ hoặc các thủ thuật tưới máu lại/ tái cấp máu) ở người bệnh có hoặc không có bệnh mạch vành, bao gồm người tiểu đường và người có bệnh mạch ngoại biên và mạch não. Ngoài ra, trong phân nhóm những người tiểu đường, Zocor đã làm giảm 21% nguy cơ phát triển các biến chứng trên mạch máu lớn, bao gồm các thủ thuật tưới máu lại ở mạch ngoại biên (phẫu thuật hoặc nong mạch), cắt cụt chi dưới hoặc loét chân. Sự giảm nguy cơ do dùng Zocor ở các biến cố chính ở mạch máu và ở cả động mạch vành tim là rõ rệt và chắc chắn, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính vào mức cơ bản về LDL-C, HDL-C, triglycerid, apolipoprotein A-1, apolipoprotein B, cũng không phụ thuộc vào sự có hay không có tăng huyết áp, vào mức creatinine tới giới hạn 2,3 mg/dL, không phụ thuộc vào việc có hay không dùng các thuốc tim mạch lúc khởi đầu dùng Zocor (như dùng aspirin, thuốc phong bế beta, ức chế enzym chuyển dạng angiotensin (ACE), hoặc thuốc chẹn kênh calci), vào thói quen hút thuốc lá, nghiện rượu hoặc tình trạng béo phì. Trong 5 năm nghiên cứu, có 32% người bệnh trong nhóm placebo cũng có dùng statin (không nằm trong quy trình nghiên cứu), nên chưa đánh giá đúng hết tác dụng giảm nguy cơ của simvastatin.

Trong một nghiên cứu lâm sàng đa trung tâm, có đối chứng placebo trên 404 người bệnh có chụp động mạch vành định lượng, thấy Zocor làm chậm lại sự diễn biến xấu của vữa xơ động mạch vành, làm giảm sự phát triển của những tổn thương mới và nghẽn tắc mới, trong khi đó ở những người được chăm sóc theo phương pháp chuẩn, qua 4 năm theo dõi, thấy những tổn thương vữa xơ mạch vành ngày càng nặng thêm.

Phân tích ở phân nhóm trong 2 công trình nghiên cứu bao gồm tất cả 147 người bệnh có tăng triglycerid máu (tăng lipid máu tuýp IV Fredrickson), thấy Zocor với liều uống mỗi ngày 20-80mg đã làm giảm 21-39% mức triglycerid (placebo giảm 11-13%), LDL-C giảm 23-35% (placebo giảm 1-3%), non-HDL-C giảm 26-43% (placebo giảm 1-3%) và làm mức HDL-C tăng 9-14% (placebo tăng 3%).

Phân tích trong phân nhóm khác gồm 7 người bệnh có rối loạn betalipoprotein (tăng lipid máu tuýp III Fredrickson), với liều uống mỗi ngày 80mg, thấy Zocor đã làm giảm mức LDL-C, bao gồm giảm IDL-C 51% (placebo giảm 8%) và giảm 60% VLDL-C IDL-C (placebo giảm 4%).

Cơ chế tác dụng:

Simvastatin ức chế HMG-CoA reductase làm giảm tổng hợp cholesterol trong gan và làm giảm nồng độ cholesterol trong tế bào. Điều này kích thích làm tăng các thụ thể LDL-cholesterol trên màng tế bào gan, do đó làm tăng thanh thải LDL ra khỏi tuần hoàn. Simvastatin làm giảm nồng độ cholesterol toàn bộ, LDL-C và VLDL-C trong huyết tương. Thuốc cũng có khuynh hướng làm giảm nồng độ triglycerid và làm tăng HDL-C trong huyết tương.

[XEM TẠI ĐÂY]

5.2. Dược động học:

Simvastatin là một dạng không hoạt động, dễ bị thủy phân in vivo thành beta-hydroxyacid là một chất ức chế mạnh của HMG-CoA reductase. Quá trình thủy phân diễn ra chủ yếu ở gan; tốc độ thủy phân trong huyết tương người rất chậm.

Các đặc tính dược động học đã được đánh giá ở người lớn. Dữ liệu dược động học ở trẻ em và thanh thiếu niên chưa được nghiên cứu.

Hấp thu: Sau khi uống, simvastatin hấp thu nhanh và chuyển hóa mạnh bước đầu ở gan. Sinh khả dụng tuyệt đối < 5%. Nồng độ tối đa trong huyết tương đạt được khoảng 1-2 giờ sau khi dùng simvastatin. Thức ăn dùng đồng thời không ảnh hưởng đến sự hấp thụ.

Đối với người cao tuổi, từ 65 tuổi trở lên, nồng độ trong huyết tương của simvastatin có thể cao hơn so với người trẻ tuổi nhưng không làm thay đổi tác dụng điều hòa lipid huyết.

Đối với người suy thận nhẹ (hệ số thanh thải creatinin 61-90ml/phút): Dược động học của simvastatin không thay đổi nhiều.

Phân bố: Simvastatin được phân bố chủ yếu vào gan, liên kết 88 99% với protein huyết tương, chủ yếu là albumin. Simvastatin có thể qua nhau thai và phân bố vào sữa mẹ và qua hàng rào máu não.

Chuyển hóa: Simvastatin chuyển hóa mạnh ở gan do hệ enzym microsom cytochrom P450 (CYP), chủ yếu do isoenzym 3A4 (CYP 3A4). Thời gian đạt nồng độ đỉnh 1.3 – 2.4 giờ, chất chuyển hóa của simvastatin có hoạt tính là beta-hydroxyacid

Thải trừ: Simvastatin có thời gian bán thải trong huyết tương ngắn (0.5 3 giờ). Sau khi uống một liều simvastatin phóng xạ cho con người, 13% lượng phóng xạ đã được bài tiết qua nước tiểu và 60% trong phân trong vòng 96 giờ . Mặc dù vậy, không có mối tương quan giữa thông số dược động học với thời gian tác dụng điều trị (ít nhất 24 giờ). Chựa có dẩu hiệụ nào chứng tỏ thuốc tích lũy trong cơ thể khi dùng liều lặp lại nhiều lần.

Sau khi tiêm chất chuyển hóa beta-hydroxyacid vào tĩnh mạch, thời gian bán hủy của nó trung bình là 1,9 giờ. Trung bình chỉ 0,3% liều tiêm được bài tiết qua nước tiểu dưới dạng chất hoạt động. Axid simvastatin được vận chuyển tích cực vào tế bào gan bởi kênh vận chuyển OATP1B1.

Simvastatin là chất nền của chất vận chuyển BCRP.

Simvastatin được đào thải qua nước tiểu (2 20% liều) và phân (60 90% liều).

5.3 Giải thích:

Chưa có thông tin. Đang cập nhật.

5.4 Thay thế thuốc :

Chưa có thông tin. Đang cập nhật.

*Lưu ý:

Các thông tin về thuốc trên Pharmog.com chỉ mang tính chất tham khảo Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ

Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Pharmog.com

6. Phần thông tin kèm theo của thuốc:

6.1. Danh mục tá dược:

Butylat hydroxyanisol, Acid citric, Avicel, Starch 1500, Lactose, Sodium starch glycolat, Magnesi stearat, Hydroxypropylmethyl cellulose 15cP, Hydroxypropylmethyl cellulose 6cP, Polyethylen glycol 6000, Talc, Titan dioxyd, màu Tartrazin lake, Màu Sicovit red..

6.2. Tương kỵ :

Không áp dụng.

6.3. Bảo quản:

Nơi khô, tránh ánh sáng, nhiệt độ dưới 30°C.

6.4. Thông tin khác :

Không có.

6.5 Tài liệu tham khảo:

Dược Thư Quốc Gia Việt Nam

HDSD Thuốc Zocor 20mg do Merck Sharp & Dohme Ltd. sản xuất (2015).

7. Người đăng tải /Tác giả:

Bài viết được sưu tầm hoặc viết bởi: Bác sĩ nhi khoa – Đỗ Mỹ Linh.

Kiểm duyệt , hiệu đính và đăng tải: PHARMOG TEAM