Thông tin cơ bản về dược liệu, vị thuốc Liên kiều
Dưới đây là nội dung cơ bản về dược liệu, vị thuốc Liên kiều (Thông tin bao gồm liều dùng, cách dùng, chỉ định, chống chỉ định, thận trọng, dược lý…)
1. Tên dược liệu/vị thuốc:
Tên thường gọi: Liên kiều.
Tên dân gian, tên khác: Lão kiều, Thanh kiều, Hạn liên tử, Hoàng thọ đan, Trúc căn, Golden bells, Weeping forsuthia (Anh), Lian Qiao (Trung) ….
Tên khoa học vị thuốc: Fructus Forsythiae
Tên khoa học của nguồn gốc chế biến ra vị thuốc: Forsythia suspensa (Thunb.) Vahl.
Họ: Họ ô liu hay tên khác là họ nhài (Oleaceae)
Phân nhóm: Nhóm thanh nhiệt giải độc.
Nhóm pháp lý, nguồn gốc: Dược liệu nước ngoài (Bắc).
Bộ phận dùng: Quả chín đã phơi hay sấy khô của cây Liên kiều.
2. Mô tả – Thành phần hóa học – Dạng bào chế:
Dược liệu Liên kiều là quả chín đã phơi hay sấy khô của cây Liên kiều (Forsythia suspensa (Thunb.) Vahl.) thuộc họ Oliu (Oleaceae). Có 2 loại quả Liên kiều là Thanh kiều và Lão kiều. Thanh kiều hái lúc quả chưa chín, nhúng nước sôi rồi phơi sấy khô; lão kiều hái khi quả đã chín vàng.
Quả hình trứng đến hình trứng hẹp, hơi dẹt, dài 1,5 cm đến 2,5 cm, đường kính 0,5 cm đến 1,3 cm. Mặt ngoài có vết nhăn dọc không đều và nhiều chấm nhỏ nhô lên. Mỗi mặt có một rãnh dọc. Đỉnh nhỏ, nhọn, đáy có cuống quả nhỏ hoặc vết cuống đã rụng. Mùi thơm nhẹ, vị đắng.
Thanh kiều thường không nứt ra, màu nâu lục, chấm nhỏ màu trắng sáng nhô lên ít, chất cứng, hạt nhiều, màu vàng lục, nhỏ dài, một bên có cánh.
Lão kiều nứt ra từ đỉnh hoặc nứt thành 2 mảnh, mặt ngoài màu nâu vàng hoặc nâu đỏ, mặt trong màu vàng nâu nhạt, trơn phẳng, có một vách ngăn dọc. Chất giòn dễ vỡ. Hạt màu nâu, dài 5 mm đến 7 mm, một bên có cánh, phần lớn đã rụng.
Hình ảnh tham khảo:
Vị dược liệu Liên kiều (Fructus Forsythiae).
2.2. Thành phần hóa học và hàm lượng:
Theo các tài liệu Trung Quốc, trong Liên kiều có chừng 4,89% Saponin và 0,2 % Alcaloid. Một số chất tiêu biểu như Forsythin (Phillyrin), Matairesinoside, Forsythoside A, B, C, D, E, Salidroside, Cornoside, Rengyol, Isorengyol, Rengyoxide, Suspensaside, Phenol Liên kiều (C15H18O7). Ngoài ra còn có Pinoresinol, Betulinic acid, Oleanolic acid, Rutin, tinh dầu (pinen, terpinen, thuyen, sabinen…). …
Các thành phần chính có trong liên kiều chủ yếu là các Lignan, chẳng hạn như philyrin, phylligenin, arctigenin và pinoresinol… Nghiên cứu của Nikaido (1981) và Nishibe (1982) đã phân lập được Axit caffeic glycoside, forsythiaside, suspensaside, và một số chất alcol (rengyol, rengyosid, cornosid,salidrosid, rengylon…). Nghiên cứu của Kitagawa (1988) đã cho thấy Rutin là flavonoid chính trong tất cả các loài forsythia. Nghiên cứu của Ozaki (2000) đã phân lập cho các hợp chất phenolic liên quan đến forsythia bằng phương pháp HPLC.
Dưới đây tổng hợp công thức hóa học một số chất đã phân lập được từ Liên kiều có tác dụng dược lý bao gồm: Salidroside, Forsythoside A, Syringin (Eleutheroside B), Caffeic acid, (+)-Cycloolivil, Astragalin (kaempferol-3-O-glucoside), Rutin, Daucosterol, Phillyrin, Ursolic acid, Betulinic acid, Oleanolic acid, Matairesinol,…
Cấu trúc hóa học một số hoạt chất có trong Liên kiều (Forsythia suspensa (Thunb.) Vahl).
2.3. Các dạng bào chế hoặc thuốc dạng thành phẩm:
Quả liên kiều được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền Trung Quốc với tác dụng hạ sốt và chống viêm, hỗ trợ triệu chứng trong điều trị nhiễm khuẩn và các bệnh về đường hô hấp trên. Ngoài ra liên kiều cũng được cho là có tác dụng thuốc lợi tiểu và thuốc bổ tim mạch. Chúng thường được kết hợp với kim ngân hoa (Lonicera) và các thành phần khác trong các bài thuốc cổ truyền. Một số bài thuốc có thể kể tới như: bài thuốc giải độc, trị nhọt dùng cho các chứng mụn nhọt độc do phát mẩn, ban sởi (liên kiều 12g, bồ công anh 12g, cúc hoa 12g. Sắc uống); bài trị sưng vú (liên kiều 6g, bồ công anh 6g, kim ngân hoa 5g, tạo giác thích 4g, Sắc uống); bài thuốc trị lao hạch (liên kiều 12g, hạ khô thảo 12g, huyền sâm 12g, mẫu lệ 20g. Sắc uống); bài tán nhiệt, giải biểu trị cảm mạo phong nhiệt, biểu hiện người nóng hơi sợ gió, ho ra đờm đặc vàng, đau đầu khô cổ (liên kiều 12 – 20g, kim ngân hoa 12 – 20g, đại thanh diệp 20g, bản lam căn 20g, bạc hà 8g, kinh giới 8g, Sắc uống);…
Trong y học hiện đại, nhiều công ty đã ứng dụng bài thuốc cổ truyền “Ngân Kiều Giải Độc thang” là sự phối hợp của Liên kiều với các dược liệu thanh nhiệt giải độc để sản xuất thành phẩm dưới dạng viên nang, viên nén, viên hoàn, cao lỏng … có tác dụng trị chứng cảm mạo phong nhiệt kèm phát sốt, nhức đầu, ho, khô miệng, họng đau. Hiện nay dạng thành phẩm có các thuốc sau: Bamimi, Forvim -Ngân kiều giải độc Xuân Quang, Giải cảm liên ngân, Kachita, Mát gan giải độc đông dược việt, Medi-flu, Ngân kiều giải độc, Ngân kiều giải độc – BVP, Ngân kiều giải độc Favomin, Ngân kiều giải độc PV, Ngân kiều giải độc TW3, Ngân kiều giải độc Xuân Quang, Ngân kiều giải độc-F, Nhiệt miệng PV, Pharnanca, Thanh huyết tiêu độc P/H, Thanh nhiệt tiêu độc, Thanh nhiệt tiêu độc-F, Tiêu độc, Tiêu độc TW3, Tùng lộc chỉ tả, Vị thống hoàn, Viên ngân kiều TW3, Xoangspray, ….
Hình ảnh sản phẩm tham khảo:
FORVIM – NGÂN KIỀU GIẢI ĐỘC XUÂN QUANG | ||
Mỗi hộp một lọ 50gram có chứa: | ||
Kim ngân hoa | …………………………. | 10g |
Liên kiều | …………………………. | 10g |
Diệp hạ châu | …………………………. | 10g |
Bồ công anh | …………………………. | 7,5g |
Mẫu đơn bì | …………………………. | 7,5g |
Đại hoàng | …………………………. | 5g |
Tá dược | …………………………. | vừa đủ (Xem mục 6.1) |
Thuốc Forvim -Ngân kiều giải độc Xuân Quang của Công ty TNHH đông dược Xuân Quang có chứa thành phần Liên kiều.
3. Video by Pharmog:
[VIDEO DƯỢC LÝ]
————————————————
► Kịch Bản: PharmogTeam
► Youtube: https://www.youtube.com/c/pharmog
► Facebook: https://www.facebook.com/pharmog/
► Group : Hội những người mê dược lý
► Instagram : https://www.instagram.com/pharmogvn/
► Website: pharmog.com
4. Ứng dụng lâm sàng:
4.1. Công dụng, chủ trị:
Liên kiều thường được dùng đơn độc hoặc dùng phối hợp với nhiều vị thuốc khác trong các trường hợp sau:
Dùng cho các chứng mụn nhọt độc do phát mẩn, ban sởi, nhiệt.
Dùng trị lao hạch viêm nóng, sưng vú hoặc có hiện tượng can hỏa uất kết.
Dùng trị cảm mạo phong nhiệt, biểu hiện người nóng hơi sợ gió, ho ra đờm đặc vàng, đau đầu khô cổ.
Chữa bệnh nhiễm như viêm họng, viêm amidan.
Trị viêm cầu thận cấp, lao thận.
Trị ban xuất huyết do giảm tiểu cầu.
4.2. Liều dùng – Cách dùng:
Cách dùng :
Dùng dạng sắc: Cần sắc theo hướng dẫn trước khi uống.
Dạng bột, tán nhỏ làm hoàn: tán bột, thường phối hợp với các dược liệu khác, dùng trực tiếp hoặc trộn với nước hoặc mật ong rồi nặn thành viên bằng hạt đậu xanh.
Liều dùng:
Ngày dùng từ 6 g đến 15 g, dạng thuốc sắc, thường kết hợp với các vị thuốc khác.
Dạng bào chế thành phẩm: Dùng theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
4.3. Chống chỉ định:
Mẫn cảm với thành phần hoạt chất của vị thuốc/dược liệu.
4.4 Thận trọng, cảnh báo:
Người hư hàn, âm hư không nên dùng
Tỳ vị hư yếu, phân lỏng, âm hư, nội nhiệt không nên dùng
Bệnh ung nhọt đã vỡ mủ, mụn nhọt đã lở loét thì không dùng.
Ảnh hưởng của thuốc lên khả năng lái xe, vận hành máy móc:
Không ảnh hưởng.
4.5 Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú:
Thời kỳ mang thai:
Chưa có nghiên cứu nào trên phụ nữ mang thai. Tránh dùng cho phụ nữ mang thai.
Thời kỳ cho con bú:
Chưa có nghiên cứu nào trên phụ nữ cho con bú. Tránh dùng cho phụ nữ cho con bú.
4.6 Tác dụng không mong muốn (ADR):
Chưa ghi nhận được báo cáo về phản ứng có hại của thuốc.
Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
4.7 Hướng dẫn cách xử trí ADR:
Trong thời gian được điều trị, nếu nhận thấy có bất cứ tác dụng phụ nào xấu xảy ra hoặc các triệu chứng bệnh vẫn tiếp tục tăng nặng thì nên ngưng dùng ngay và tìm kiếm phương pháp chữa trị khác phù hợp hơn.
4.8 Tương tác, tương kỵ:
Chưa có nghiên cứu về tương tác.
Do không có các nghiên cứu về tính tương kỵ của thuốc, không trộn lẫn thuốc này với các thuốc khác.
4.9 Quá liều và độc tính:
Chưa có nghiên cứu quá liều trên người.
5. Tính vị, quy kinh, tác dụng dược lý, cơ chế tác dụng của thuốc :
5.1. Tính vị – Quy kinh – Công năng:
Tính vị: Vị đắng, hơi chua, không độc và có tính mát/hàn.
Quy kinh: Quy vào kinh tâm, can, đởm.
Công năng: Thanh nhiệt giải độc, tiêu sưng tán kết.
5.2. Tác dụng dược lý:
Tác dụng kháng khuẩn:
Tác dụng kháng khuẩn, bao gồm cả kháng virus, đã được báo cáo trong nhiều nghiên cứu in vitro. Chất Phenol Liên kiều có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn trong in vitro như Tụ cầu vàng, Liên cầu khuẩn dung huyết, Phế cầu khuẩn, Trực khuẩn lỵ, Thương hàn, Lao, Ho gà, Bạch hầu, Virus cúm, Rhino virus, Nấm…. Liên kiều in vitro có tác dụng yếu đối với ký sinh trùng Leptospirosis.
Tác dụng chống viêm, hạ sốt:
Tác dụng kháng viêm đã được thể hiện qua nhiều nghiên cứu in vitro và nghiên cứu trên động vật thí nghiệm, dịch chiết liên kiều có tác dụng ức chế sản xuất oxit nitric (NO) và biểu hiện gen các men tổng hợp oxit nitric cảm ứng (iNOS), COX, TNF-α là các men tổng hợp chất gây viêm, sốt.
Tác dụng chống nôn:
Nước sắc liên kiều dùng bằng đường uống thí nghiệm trên bồ câu, có tác dụng ức chế nôn do tiêm tĩnh mạch chế phẩm digitalis gây nên, trên chế ức chế nôn do tiêm dưới da apomorphin gây nên. Tác dụng ức chế nôn tương đương với tác dụng của chlorpromazin sau khi dùng thuốc 2 giờ.
Tác dụng chống oxy hóa:
Các hợp chất lignan thu được từ quả liên kiều Forsythia suspensa (Thunb.) Vahl có thể bảo vệ lipoprotein mật độ cao (HDL) ở người và chống lại quá trình peroxid hóa lipid. Từ đó có thể ứng dụng để chống lại các bệnh do stress oxy hóa như bệnh Alzheimer, bệnh đột quỵ não do thiếu máu cục bộ…
Tác dụng khác:
Tác dụng lợi tiểu, hạ huyết áp, làm giãn mạch, tăng lưu lượng tuần hoàn, cải thiện vi tuần hoàn.
Tác dụng bảo vệ gan, chống ung thư.
Cơ chế một số tác dụng chính:
Salidroside là một chất ức chế prolyl endpeptidase, có tác dụng bảo vệ tim mạch, trị đái tháo đường, chống trầm cảm, giải lo âu, chống khối u và chống oxy hóa. Salidroside làm giảm triệu chứng suy mòn do ung thư thông qua kích hoạt tín hiệu mTOR. Salidroside thể hiện đặc tính chống khối u đối với các tế bào ung thư biểu mô đại tràng SW1116, nó ức chế sự tăng sinh, làm giảm sự di cư và xâm lấn của tế bào SW1116 theo con đường phụ thuộc JAK2/STAT3. Salidroside làm giảm tổn thương phổi cấp tính ở chuột do paraquat gây ra bằng cách ức chế biểu hiện TGF-β1 dẫn đến xơ hóa phổi chậm. Salidroside cải thiện tình trạng kháng insulin ở bệnh nhân tiểu đường thông qua kích hoạt con đường AMPK/PI3K/Akt/GSK3β liên quan ty thể. Salidroside có thể có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh Alzheimer thông qua làm giảm stress oxy hóa và các chất trung gian gây viêm.
Forsythoside A và một số Forsythoside khác có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, chống oxy hóa và chống vi-rút. Forsythoside A có khả năng ngăn ngừa nhiễm virus gây viêm phế quản IBV (Infectious bronchitis virus) trong in vitro, đồng thời có thể tăng cường sự biểu hiện của IFN-α và Mx1. Forsythoside A có tác dụng cảm ứng đối với hoạt động của CYP1A2 và CYP2C11 mà không ảnh hưởng đến hoạt động của CYP2D1 và CYP3A1/2.
Syringin (Eleutheroside B) có đặc tính bảo vệ thần kinh, một loại thuốc bổ, giảm stress, chống khối u, chống kết tập tiểu cầu, chống viêm, chống nhiễm trùng và điều hòa miễn dịch. Nó làm giảm mức độ biểu hiện của men tổng hợp NO cảm ứng (iNOS), COX, TNF-α, Beta Amyloid và Caspase.
Caffeic acid có tác dụng điều trị đái tháo đường, chống oxy hóa, chống ung thư và chống viêm, nó có thể ức chế biểu hiện COX-2 do tia cực tím B (UVB) gây ra bằng cách ngăn chặn hoạt động của “Fyn kinase”, ức chế quá trình sao chép HBV-DNA cũng như sản xuất HBsAg, đồng thời làm giảm DHBV huyết thanh mức độ trong mô hình vịt nhiễm DHBV. Axit caffeic có thể được sử dụng làm thuốc điều trị mới cho bệnh Parkinson do khả năng ức chế α-synuclein.
(+)-Cycloolivil và oleuropein là các hợp chất polyphenolic tự nhiên có hoạt tính dọn gốc tự do được tìm thấy trong họ cây ô liu, chúng có thể làm giảm khả năng kích thích kết tập tiểu cầu của thrombin, tác dụng này trên tiểu cầu của bệnh nhân đái tháo đường týp 2 càng lớn hơn; từ đó có thể ngăn ngừa các biến chứng huyết khối liên quan đến kết tập tiểu cầu. Ngoài ra (+)-Cycloolivil còn là chất chống oxy hóa.
Astragalin (kaempferol-3-O-glucoside) là một flavonoid có hoạt tính chống viêm, nó ức chế con đường tín hiệu NF-κB qua trung gian TLR4 và protein kinase được hoạt hóa bằng mitogen. Astragalin cải thiện tình trạng tăng bạch cầu ái toan biểu mô liên quan đến stress oxy hóa và tình trạng chết tế bào theo chương trình thông qua việc làm rối loạn tín hiệu phản ứng TLR4-PKCβ2-NADPH oxydase; nó cũng có thể có hiệu quả trong việc làm giảm tình trạng xơ hóa phế quản phổi do các phản ứng oxy hóa thúc đẩy thông qua việc ức chế sự hình thành autophagosome ở đường thở.
Rutin có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm, chống dị ứng, bảo vệ dạ dày, chống co giật, chống tạo mạch và kháng vi-rút, nó có thể chống lại sự suy giảm trí nhớ không gian ở vùng hải mã do trimethyltin gây ra. Rutin có tác dụng chống viêm trên da chuột được chiếu xạ UVB nhờ làm giảm sự biểu hiện của COX-2 và iNOS thông qua ức chế tín hiệu p38 MAP kinase và c-Jun-N-terminal kinase (enzym chịu trách nhiệm kích hoạt AP-1). Rutin làm giảm quá trình chết tế bào thần kinh do đột quỵ não liên quan tới thiếu máu cục bộ bằng cách giảm biểu hiện của p53, tăng hoạt động enzyme chống oxy hóa nội sinh.
Daucosterol có hoạt tính bảo vệ thần kinh, nó có hoạt tính tăng cường tăng sinh các tế bào gốc thần kinh (NSC), có thể tham gia vào con đường IGF1-AKT, Daucosterol là một chất tiềm năng để điều trị đột quỵ, có thể làm giảm đáng kể sự mất tế bào thần kinh. Daucosterol thể hiện hoạt tính kháng khuẩn đối với Bacillus subtilis và Staphylococcus aureus; nó có tác dụng chống ung thư và chết tế bào theo chương trình trong dòng tế bào ung thư đại tràng HCT-116 ở người.
Phillyrin là một chất kích hoạt AMPK mới, có tác dụng chống béo phì, nó có thể ngăn ngừa sự tích tụ lipid trong tế bào HepG2 bằng cách ngăn chặn sự biểu hiện của SREBP-1c và FAS thông qua kích hoạt LKB1/AMPK. Phillyrin có thể là một tác nhân phòng ngừa tổn thương phổi cấp tính trong một số trường hợp lâm sàng, nó có khả năng góp phần ngăn chặn sự kích hoạt các con đường MAPK và NF-κB, nó cũng có tác dụng chống lại stress oxy hóa và quá trình chết tế bào theo chương trình do H2O2 gây ra trong tế bào PC12.
Axit ursolic là một chất chủ vận PPARγ tiềm năng, có tác dụng chống khối u, phòng ngừa ung thư, bảo vệ gan, chống viêm, chống oxy hóa, chống trầm cảm, kháng khuẩn và chống hen. Axit ursolic cũng có tác dụng hạ huyết áp, hạ đường huyết và có tác dụng trực tiếp trên tim, tác dụng hạ huyết áp của nó là do tính lợi tiểu thải natri mạnh. Axit Ursolic điều chỉnh các đường dẫn tín hiệu NF-κB, VEGF, COX-2, Nrf2, ARE, IL-5, IL-13, IL-17 và MAPK. Axit ursolic còn có tác dụng bảo vệ gan nhờ ức chế xơ hóa gan, chống viêm và chết tế bào theo chương trình do CCl4 gây ra do khả năng điều chỉnh đường dẫn tín hiệu Nrf2/ARE của Axit ursolic.
Betulinic acid là một pentacyclic triterpenoid, có khả năng ức chế eukaryotic topoisomerase I, với IC50 5 μM, và có các đặc tính chống HIV, chống sốt rét, điều hòa miễn dịch, chống viêm và chống khối u. Axit Betulinic là một chất cảm ứng chọn lọc của quá trình chết tế bào theo chương trình trong tế bào khối u, nó ức chế sự kích hoạt biểu hiện gen do NF-kappaB và NF-kappaB gây ra bởi các chất gây ung thư và kích thích viêm.
Oleanolic acid là một triterpenoid không độc, có tác dụng bảo vệ gan, chống ung thư, chống viêm, chống oxy hóa và kháng vi-rút. Axit oleanolic thể hiện hoạt tính kháng virus Hepatitis C thông qua việc ức chế không cạnh tranh hoạt động của HCV NS5B RdRp; nó gây tăng miR-132, đóng vai trò quan trọng điều chỉnh các hoạt động gây suy nhược thần kinh, chủ yếu thông qua việc kích hoạt các đường dẫn tín hiệu BDNF-ERK-CREB vùng đồi thị; có thể được sử dụng để phát triển các chất ức chế NO.
Matairesinol có hoạt tính loại bỏ gốc tự do và superoxide; nó cũng có hoạt tính chống tạo mạch nhờ ức chế tín hiệu mROS, có thể làm giảm yếu tố gây thiếu oxy -1α trong các tế bào HeLa thiếu oxy. Matairesinol có khả năng chống loãng xương thông qua tín hiệu p38/ERK-NFATc1, cơ chế không giống thuốc chống tiêu xương. Matairesinol có thể mang lại lợi ích rõ rệt cho các liệu pháp điều trị khối u dựa trên phối tử gây ra chết tế bào theo chương trình liên quan đến yếu tố hoại tử khối u – TRAIL (Tumor necrosis factor-related apoptosis-inducing ligand), bao gồm cả những liệu pháp nhắm đến ung thư tuyến tiền liệt.
Chưa rõ cơ chế tác dụng của các hoạt chất khác trong Liên kiều.
5.3. Dược động học:
Chưa có nghiên cứu.
5.4. Các nghiên cứu lâm sàng và tiền lâm sàng:
(1) Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu):
Tác dụng kháng khuẩn, kháng virus:
Các chất forsythosid A, C và D có tác dụng diệt khuẩn đối với Staphylococcus aureus ở nồng độ nhỏ hơn 2mM. Tinh dầu từ hạt liên kiểu thí nghiệm trên ống kính với nồng độ 1:1021 có tác dụng ức chế Staphylococcus aureus, vởi nồng độ 1: 512 ức chế các chủng: Diplococcus pneumoniae, Streptococcus A, B, Bacillus dysenteriae, B. paratyphi A và với nồng độ 1: 256 ức chế Enterococcus. Nước sắc quả liên kiều cũng có tác dụng ức chế các chủng Staphylococcus aureus, Steptococcus hemolyticus. Bacillus dysenteriae, B. pestis, B. tuberculosis, B diphtheriae. Thí nghiệm trên phôi gà, tinh dầu hạt liên kiều vói nồng độ 1: 32 có tác dụng ức chế sự phát triển của virus cúm.
Tác dụng kháng nấm:
Thí nghiệm in vitro, tinh dầu hạt liên kiều với nồng độ 1: 1024 có tác dụng ức chế nấm Candida albicans và một số nấm khác gây bệnh ngoài da.
Tác dụng chống viêm:
Dạng chiết cồn của liên kiều dùng với liều 20 mg/kg tiêm xoang bụng cho chuột cống trắng, có tác dụng chống hiện tượng thẩm thấu tăng của các mao mạch ở vùng gây viêm thực nghiệm. Dịch tiêm chiết từ liên kiều dùng với liều 3 – 4g/kg (tính theo dược liệu), tiêm xoang bụng cho chuột cống trắng, có tác dụng ức chế phù bàn chân chuột do avalbumin gây nên.
Tác dụng hạ sốt:
Nước sắc liên kiều dùng với liều 4g/kg bằng đường uống thí nghiệm trên thỏ gây sốt thực nghiệm, có tác đụng hạ sốt rõ rệt, thân nhiệt sau khi hồi phục bình thường còn có thể tiếp tục giảm xuống dưới mức bình thường.
Tác dụng chống nôn:
Nước sắc liên kiều dùng bằng đường uống thí nghiệm trên bồ câu, có tác dụng ức chế nôn do tiêm tĩnh mạch chế phẩm digitalis gây nên, trên chế ức chế nôn do tiêm dưới da apomorphin gây nên. Tác dụng ức chế nôn tương đương với tác dụng của chlorpromazin sau khi dùng thuốc 2 giờ.
Tác dụng lợi tiểu:
Dịch tiêm chế từ liên kiều (100%) dùng với liều 0,25 g/kg, tiêm tĩnh mạch cho chó gây mê, có tác dụng lợi tiểu rõ rệt, sau khi dùng thuốc 30, 60 phút, lượng nước tiểu tăng gấp 2,2 và 1,6 lần so với đối chứng.
Tác dụng đối với tim mạch:
Acid oleanolic chiết tách từ liên kiều có tác dụng cường tim nhẹ. Dịch tiêm chế từ liên kiều dùng với liều 0,25 g/kg tiêm tĩnh mạch cho chó gây mê, có tác dụng hạ huyết áp, dùng vói liều 0,5 g/kg tiêm tĩnh mạch cho thỏ gây mê thì huyết áp hạ rất nhanh, nhưng không ảnh hưỏng đến hô hấp, dùng nhiều lần không có hiện tượng quen thuốc.
Tác dụng khác:
Các chất pinoresinol và pinoresinol glucosid đã được chứng minh có tác dụng ức chế men C.AMP phosphodiesterase. Các chất này có mối liên quan chặt chẽ giữa cấu trúc và tác dụng, ương các chất tương tự pinoresinol thì cấu trúc của 2 vòng benzen là rất quan trọng đối với tác dụng gây ức chế trên. Dạng cao chiết bằng chloroform từ quả liên kiều cũng có tác đụng ức chế men phosphodiesterase. Các chất caffeoylglycosid có tác dụng ức chế sự hình thành acid 5 – hydroxy – 6, 8, 11, 14 – eicosatetraenoic từ acid arachidonic trong các tế bào ở xoang bụng chuột cống trắng. Thành phần B chiết từ liên kiều, acid oleanolic và acid ursolic (có trong liên kiều) thí nghiệm trên mô hình gây tổn thương gan thực nghiệm bằng tetrachlorur carbon, đều có tác dụng làm giảm sự tăng cao của men transaminase.
(2) Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi (2004).
Năm 1949, Chu Nhan có dùng 1 phần liên kiều và 5 phần nước cất, đun sôi trong 4 phút, rồi dùng giấy lọc tiệt trùng thấm dung dịch này, đặt lên hộp petri có liên cầu trùng (Streptococ) và tụ cầu trùng (Staphylococ), sau 24 giờ ở nhiệt độ 37° vòng vô khuẩn là 10-14mm đối với tụ cầu trùng và 8-10mm đối với liên cầu trùng.
Theo Lưu Quốc Thanh (1950, Trung Hoa tân y học báo) tác dụng kháng sinh của nước sắc 100% liên kiều pha loãng đối với các vi trùng như sau:
Tên vi trùng | độ pha loãng của dung dịch liên kiều:
Vi trùng lỵ Shiga | 1:640
Schmith | 1:640
Elexneri | 1:800
Sonnei | 1:400
Trực trùng thương hàn | 1:320
Phó thương hàn A | 1:160
Phó thương hàn B | 1:160
Trực trùng Coli | 1:800
Vi trùng dịch hạch | 1:640
Tụ cầu | 1:320
Liên cầu tan huyết nhóm A | 1:800
Liên cầu tan huyết nhóm B | 1:800
Trực trùng bạch hầu | 1:800
Phế cầu | 1:160
Trực trùng lao | 1:164
Thử trong hộp petri thì tác dụng mạnh nhất trên các vi trùng thương hàn, tả, trực trùng coli, tụ cầu, bạch hầu (vòng vô khuẩn 11-20mm), yếu hơn đối với các vi trùng lỵ, phó thương hàn, vi trùng sinh mủ, liên cầu tan huyết, phế cầu (vòng vô khuẩn 2-10mm)
Tuy nhiên hiện nay vẫn còn chưa xác định được chất gì có tính chất kháng sinh và cơ chế tác dụng kháng sinh của liên kiều.
*Lưu ý:
Các thông tin về thuốc trên Pharmog.com chỉ mang tính chất tham khảo – Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ
Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Pharmog.com
6. Phần thông tin kèm theo của thuốc:
6.1. Đặc điểm, nguồn gốc, phân bố dược liệu, vị thuốc:
Đặc điểm nguồn gốc:
Cây cao 2 – 4 m. Cành non hình gần như 4 cạnh, có nhiều đốt, giữa các đốt ruột rỗng, bì không rõ. Lá đơn, phiến lá hình trứng, dài 3 – 4 cm, rộng 2 – 4 cm, mép có răng cưa không đều. Cuống lá dài 1 – 2 cm. Lá thường mọc đối. Hoa màu vàng tươi, tràng hình ống, trên xẻ thành 4 thùy, đài cũng hình ống, trên cũng xẻ thành 4 thùy, 2 nhị, nhị thấp hơn tràng. Một nhụy 2 đầu nhị. Quả Liên kiều hình trứng, dài 1,6 – 2,3 cm, đường ính 0,6 – 1 cm, 2 bên có cạnh lồi, đầu đỉnh nhọn. Khi chín mở ra như mỏ chim, phía dưới có cuống nhỏ hoặc đã rụng chỉ còn sẹo. Vỏ ngoài màu vàng nâu nhạt, có vân nhãn dọc không nhất định và có nhiều đốm nhỏ nổi lên, hai mặt đều có 1 đường rãnh dọc rõ rệt, trong quả có nhiều hạt nhưng phần lớn rơi vãi đi, chỉ còn sót lại một ít.
Phân bố:
Cây liên kiều chưa thấy ở Việt nam. Hiện nay vị liên kiều ta vẫn phải nhập từ Trung quốc, Cây này chủ yếu mọc ở vùng Sơn tây, Hà nam, Hà bắc, Hồ bắc, Cam túc (Trung Quốc). Ngoài ra còn thấy ở Nhật bản trồng dùng làm cảnh.
Cây Liên kiều (Forsythia suspensa (Thunb.) Vahl).
6.2. Thu hái – Sơ chế:
Thanh kiều hái vào các tháng 8-9 khi quả chưa chín, nhúng vào nước sôi hoặc đồ chín, rồi lấy ra phơi hay sấy khô.
Lão kiều hái vào tháng 10 khi quả đã chín vàng, chín nục, loại bỏ tạp chất và phơi khô.
Thanh kiều và lão kiều cũng giống nhau, nhưng thanh kiều phần nhiều đầu quả chưa tách ra như mỏ chim mở, hạt còn nguyên không rơi rụng. Lão kiều không có mùi đặc biệt, vị đắng.
6.3. Bảo quản:
Không bảo quản ở nhiệt độ trên 30°C.
Đậy kín nơi khô ráo. Dễ mốc mọt, tránh ẩm..
6.4. Thông tin khác:
Chưa có thông tin.
6.5 Tài liệu tham khảo:
Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi (2004).
Theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam của Viện dược liệu (Tái bản lần 1).
Theo Dược thư Quốc Gia Việt Nam.
Nguồn tổng hợp khác.
7. Người đăng tải /Tác giả:
Bài viết được sưu tầm hoặc viết bởi: Bác sĩ nhi khoa – Đỗ Mỹ Linh.
Kiểm duyệt , hiệu đính và đăng tải: PHARMOG TEAM