Rosuvastatin – Perosu

Thuốc Perosu là thuốc gì ? Dưới đây là nội dung tờ hướng dẫn sử dụng gốc của Thuốc Perosu (Thông tin bao gồm liều dùng, cách dùng, chỉ định, chống chỉ định, thận trọng, dược lý…)

1. Tên hoạt chất và biệt dược:

Hoạt chất : Rosuvastatin

Phân loại: Thuốc ức chế HMG-CoA reductase, nhóm statin.

Nhóm pháp lý: Thuốc kê đơn ETC – (Ethical drugs, prescription drugs, Prescription only medicine)

Mã ATC (Anatomical Therapeutic Chemical): C10A A07.

Biệt dược gốc: Crestor

Biệt dược: Perosu

Hãng sản xuất : Công ty TNHH United Pharma Việt Nam

2. Dạng bào chế – Hàm lượng:

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén bao phim: hộp 3 vỉ x 10 viên.. Mỗi viên: Rosuvastatin (dạng calcium) 10mg hoặc 20mg.

Thuốc tham khảo:

PEROSU 10
Mỗi viên nén bao phim có chứa:
Rosuvastatin …………………………. 10 mg
Tá dược …………………………. vừa đủ (Xem mục 6.1)

3. Video by Pharmog:

[VIDEO DƯỢC LÝ]

————————————————

► Kịch Bản: PharmogTeam

► Youtube: https://www.youtube.com/c/pharmog

► Facebook: https://www.facebook.com/pharmog/

► Group : Hội những người mê dược lý

► Instagram : https://www.instagram.com/pharmogvn/

► Website: pharmog.com

4. Ứng dụng lâm sàng:

4.1. Chỉ định:

Tăng cholesterol máu nguyên phát, hoặc rối loạn lipid máu hỗn hợp.

Bệnh nhi từ 10 đến 17 tuổi bị tăng cholesterol máu gia đình kiểu dị hợp tử khi bệnh nhân không đáp ứng đầy đủ với chế độ ăn kiêng.

Tăng triglyceride máu.

Rối loạn betalipoprotein máu nguyên phát.

Tăng cholesterol máu gia đình kiểu đồng hợp tử: dùng hỗ trợ cho các biện pháp điều trị giảm lipid máu (như ly trích LDL máu) hoặc dùng một mình khi các biện pháp điều trị đó không có sẵn.

Làm chậm sự tiến triển của bệnh xơ vữa động mạch như là một phần của chiến lược điều trị để giảm cholesterol toàn phần và LDL-C để đạt mục tiêu điều trị.

Ở những người không bị bệnh mạch vành trên lâm sàng nhưng có tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch dựa trên tuổi (nam ≥ 50 tuổi, nữ ≥ 60 tuổi), hsCRP ≥ 2 mg/L, và có thêm ít nhất 1 yếu tố nguy cơ tim mạch, PEROSU được chỉ định để giảm nguy cơ bị đột quị, nhồi máu cơ tim, và các thủ thuật tái thông động mạch.

4.2. Liều dùng – Cách dùng:

Cách dùng :

Có thể uống PEROSU liều duy nhất trong ngày vào bất cứ lúc nào, trong hoặc xa bữa ăn.

Liều dùng:

PEROSU nên được dùng kết hợp với chế độ ăn và tập thể dục thích hợp. Xác định liều dựa trên mục tiêu điều trị và đáp ứng của từng bệnh nhân. Xét nghiệm lipid trong vòng 2-4 tuần sau khi khởi đầu liều hoặc sau khi chỉnh liều, rồi chỉnh liều cho phù hợp. Liều dùng từ 5 đến 40 mg, uống ngày 1 lần. Nên khởi đầu với 5-10 mg mỗi ngày. Có thể uống PEROSU liều duy nhất trong ngày vào bất cứ lúc nào, trong hoặc xa bữa ăn. Chỉ nên dùng liều 40 mg cho những bệnh nhân tăng cholesterol máu nặng, có nguy cơ tim mạch cao (đặc biệt là bệnh nhân tăng cholesterol máu gia đình), mà không đạt mục tiêu điều trị ở liều 20 mg. Cần theo dõi các bệnh nhân này thường xuyên. Cần có sự theo dõi của bác sĩ khi bắt đầu dùng liều 40 mg.

Trẻ em:

Tăng cholesterol máu gia đình kiểu dị hợp tử trên bệnh nhi (từ 10 đến 17 tuổi): Liều thường sử dụng của PEROSU là 5-20 mg/ngày, liều khuyến cáo tối đa là 20 mg/ngày. Điều chỉnh liều chỉ nên thực hiện sau khoảng thời gian ≥4 tuần.

Tăng cholesterol máu gia đình kiểu đồng hợp tử: Liều khởi đầu khuyến cáo là 20 mg, uống ngày 1 lần. Theo dõi đáp ứng điều trị dựa trên chỉ số LDL-C.

Người cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều. Bệnh nhân cao tuổi có nguy cơ bị bệnh cơ cao hơn, thận trọng khi dùng rosuvastatin cho người cao tuổi.

Bệnh nhân suy thận: Không cần điều chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận từ nhẹ đến vừa. Không dùng rosuvastatin cho bệnh nhân suy thận nặng.

Bệnh nhân suy gan: Suy gan từ nhẹ đến vừa: dùng liều bình thường. Suy gan nặng: dùng 10 mg, ngày một lần. Xem xét cẩn thận khi dùng liều trên 10 mg.

Bệnh nhân châu Á: Nên xem xét khởi đầu điều trị với liều 5 mg PEROSU, ngày một lần và không được tăng liều đến 40 mg mỗi ngày do yếu tố chủng tộc.

Bệnh nhân đang dùng cyclosporin: Giới hạn liều dùng ở 5 mg, ngày một lần.

Bệnh nhân đang dùng gemfibrozil, lopinavir/ritonavir và atazanavir/ritonavir: Giới hạn liều dùng ở 10 mg, ngày một lần.

Bệnh nhân có các yếu tố làm dễ mắc bệnh cơ: Liều khởi đầu: 5 mg, ngày một lần.

4.3. Chống chỉ định:

Mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc; bệnh gan tiến triển, gồm cả trường hợp tăng transaminase huyết thanh dai dẳng không giải thích được, và trường hợp tăng transamine huyết thanh hơn 3xULN; suy thận nặng (độ thanh thải creatinin < 30mL/phút); bệnh cơ; phụ nữ có thai hoặc có thể có thai; phụ nữ cho con bú.

4.4 Thận trọng:

Ảnh hưởng trên cơ xương: Các tác động trên cơ xương như gây ra đau cơ, bệnh cơ và một số hiếm trường hợp tiêu cơ vân đã được ghi nhận ở những bệnh nhân được điều trị bằng rosuvastatin ở tất cả các liều và đặc biệt ở liều >20 mg.

Đo nồng độ Creatine Kinase (CK): Không nên đo nồng độ CK sau khi vận động gắng sức hoặc khi có sự hiện diện nào đó làm tăng CK vì điều này có thể làm sai lệch kết quả. Nếu nồng độ CK tăng cao đáng kể trước khi điều trị (lớn hơn 5 lần giá trị bình thường) thì nên thực hiện lại xét nghiệm để xác định lại trong vòng 5-7 ngày. Nếu xét nghiệm lặp lại xác định nồng độ men CK trước điều trị vẫn lớn hơn 5 lần giá trị bình thường thì không nên bắt đầu điều trị bằng rosuvastatin.

Trước khi điều trị:

Giống như các chất ức chế men HMG-CoA reductase, PEROSU có nguy cơ gây ra các phản ứng có hại đối với hệ cơ như teo cơ, viêm cơ, nên cần thận trọng khi dùng PEROSU ở bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tổn thương cơ, bệnh lý về cơ/tiêu cơ vân như:

Suy thận

Nhược giáp

Tiền sử bản thân hay gia đình có bệnh về cơ

Tiền sử gây độc tính trên cơ do các chất ức chế men HMG-CoA reducrase khác hay fibrate

Tiền sử bệnh gan và/hoặc nghiện rượu

Trên 70 tuổi có những yếu tố nguy cơ bị tiêu cơ vân

Các tình trạng có thể gây tăng nồng độ thuốc trong huyết tương

Dùng đồng thời với các fibrate

Ở những bệnh nhân này nên cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích đồng thời phải theo dõi sát lâm sàng. Nếu nồng độ CK tăng cao đáng kể trước khi điều trị (lớn hơn 5 lần giá trị bình thường) thì không nên bắt đầu điều trị.

Trong khi điều trị:

Cần theo dõi chặt chẽ các phản ứng có hại trong quá trình dùng thuốc. Nên yêu cầu bệnh nhân báo cáo ngay cho bác sĩ các hiện tượng đau cơ, yếu cơ hoặc vọp bẻ không giải thích được, đặc biệt nếu có kèm mệt mỏi, sốt, nước tiểu sẫm màu, buồn nôn hoặc nôn trong quá trình sử dụng thuốc. Nên đo nồng độ CK ở những bệnh nhân này. Nên ngưng dùng PEROSU nếu nồng độ CK tăng cao đáng kể (lớn hơn 5 lần giá trị bình thường) hoặc các triệu chứng về cơ trầm trọng và gây khó chịu hằng ngày (ngay cả khi nồng độ CK bằng 5 lần giá trị bình thường). Nếu các triệu chứng này không còn nữa và nồng độ CK trở lại mức bình thường nên xem xét đến việc dùng lại PEROSU ở liều thấp nhất và theo dõi chặt chẽ.

Trong các thử nghiệm lâm sàng, không ghi nhận thấy sự gia tăng ảnh hưởng trên cơ xương ở một số ít bệnh nhân dùng PEROSU đồng thời với các thuốc khác. Tuy nhiên, tỉ lệ mắc bệnh viêm cơ và bệnh cơ gia tăng đã được thấy ở bệnh nhân dùng các chất ức chế men HMG-CoA reductase khác đồng thời với các dẫn xuất của axít fibric kể cả gemfibrozil, cyclosporin, axít nicotinic, thuốc kháng nấm nhóm azole, các chất ức chế men protease và kháng sinh nhóm macrolide.

Gemfibrozil làm tăng nguy cơ bệnh cơ khi dùng đồng thời với vài chất ức chế men HMG-CoA reductase. Do vậy, sự phối hợp giữa PEROSU và gemfibrozil không được khuyến cáo.

Không nên dùng PEROSU cho bệnh nhân có tình trạng nghiêm trọng cấp tính, nghi ngờ do bệnh cơ hoặc có thể dẫn đến suy thận thứ phát do tiêu cơ vân (như nhiễm khuẩn huyết, tụt huyết áp, đại phẫu, chấn thương, rối loạn điện giải, nội tiết và chuyển hóa nặng; hoặc co giật không kiểm soát được).

Ảnh hưởng trên gan: Thận trọng khi dùng rosuvastatin cho bệnh nhân uống nhiều rượu và/hoặc có tiền sử bệnh gan. Khuyến cáo xét nghiệm lượng enzyme gan trước khi bắt đầu điều trị với PEROSU và trong trường hợp chỉ định lâm sàng yêu cầu xét nghiệm sau đó. Nên theo dõi những bệnh nhân có tăng transaminase cho đến khi transaminase trở về bình thường. Nếu transaminase tăng hơn 3 lần giới hạn bình thường và kéo dài, nên giảm liều hoặc ngưng dùng rosuvastatin.

Ảnh hưởng trên thận: Trong các nghiên cứu lâm sàng, protein niệu và tiểu máu vi thể được ghi nhận ở những bệnh nhân được điều trị bằng rosuvastatin liều cao, đặc biệt liều 40 mg. Tình trạng này thoáng qua và không làm giảm chức năng thận. Mặc dù ý nghĩa lâm sàng của dấu hiệu này chưa được biết, nên xem xét giảm liều rosuvastatin ở những bệnh nhân có protein niệu dai dẳng không giải thích được và/hoặc tiểu máu khi làm xét nghiệm nước tiểu thường qui.

Chủng tộc: Các nghiên cứu dược động học cho thấy có tăng tiếp xúc với rosuvastatin ở người châu Á so với người da trắng.

Tác động của thuốc trên người lái xe và vận hành máy móc.

Dựa trên đặc tính dược lực thì rosuvastatin không thể ảnh hưởng lên các khả năng này. Khi lái xe hoặc vận hành máy nên lưu ý là chóng mặt có thể xảy ra trong thời gian điều trị.

4.5 Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú:

Xếp hạng cảnh báo

AU TGA pregnancy category: D

US FDA pregnancy category: X

Thời kỳ mang thai:

Không dùng rosuvastatin cho phụ nữ có thai và cho con bú. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng các biện pháp ngừa thai thích hợp.

Thời kỳ cho con bú:

Không dùng rosuvastatin cho phụ nữ có thai và cho con bú. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng các biện pháp ngừa thai thích hợp.

4.6 Tác dụng không mong muốn (ADR):

Nhìn chung các tác dụng không mong muốn của rosuvastatin thường nhẹ và thoáng qua. Trong các nghiên cứu lâm sàng có đối chứng, < 4% bệnh nhân điều trị bằng rosuvastatin rút khỏi nghiên cứu do tác dụng không mong muốn. Tần xuất rút lui này tương đương với nhóm bệnh nhân dùng giả dược.

Image from Drug Label Content

Ảnh hưởng trên thận: Protein niệu đã được ghi nhận. Trong hầu hết trường hợp, protein niệu tự giảm hoặc biến mất khi tiếp tục điều trị.

Ảnh hưởng trên cơ xương: Đau cơ, bệnh cơ, và một số trường hợp hiếm bị tiêu cơ vân đã được ghi nhận, đặc biệt ở liều > 20 mg. Tăng nồng độ CK theo liều dùng được ghi nhận; phần lớn các trường hợp là nhẹ, không có triệu chứng và thoáng qua.

Ảnh hưởng trên gan: Tăng transaminase theo liều đã được ghi nhận ở một số ít bệnh nhân dùng rosuvastatin; phần lớn các trường hợp đều nhẹ, không có triệu chứng và thoáng qua.

Ảnh hưởng trên nội tiết: Tăng chỉ số HbA1C và tăng mức đường huyết lúc đói có xuất hiện ở bệnh nhân dùng thuốc ức chế HMG-CoA, trong đó có cả rosuvastatin.

Các thử nghiệm Postmarketing: Đã có các báo cáo hậu lâm sàng về giảm nhận thức (như mất hay giảm trí nhớ, hay quên, lú lẫn) khi sử dụng rosuvastatin. Hiện tượng này xảy ra cho tất cả các thuốc trong nhóm statin. Các trường hợp đều không trầm trọng, có thể hồi phục khi ngưng thuốc, có thời điểm xuất hiện (1 ngày tới hàng năm) và thời điểm mất triệu chứng (trung bình 3 tuần) rất biến đổi.

Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

4.7 Hướng dẫn cách xử trí ADR:

Các thay đổi nồng độ enzym gan trong huyết thanh thường xảy ra ở những tháng đầu điều trị bằng statin. Người bệnh nào có nồng độ transaminase huyết thanh cao phải theo dõi xét nghiệm chức năng gan lần thứ hai để xác nhận kết quả và theo dõi điều trị cho tới khi các bất thường trở về bình thường. Nếu nồng độ transaminase huyết thanh AST hoặc ALT (GOT hoặc GPT) dai dẳng lên quá 3 lần giới hạn trên của bình thường, thì phải ngừng điều trị bằng statin.

Phải khuyên người bệnh dùng statin báo cáo ngay bất kỳ biểu hiện nào như đau cơ không rõ lý do, nhạy cảm đau và yếu cơ, đặc biệt nếu kèm theo khó chịu hoặc sốt. Phải ngừng liệu pháp statin nếu nồng độ CPK tăng rõ rệt, cao hơn 10 lần giới hạn trên của bình thường và nếu chấn đoán hoặc nghi ngờ là bệnh cơ

4.8 Tương tác với các thuốc khác:

Cyclosporin: Làm tăng các đặc tính dược động của rosuvastatin 7 lần (AUC). Nên giới hạn liều dùng PEROSU ở 5 mg, ngày một lần, nếu dùng chung với cyclosporin.

Gemfibrozil: Làm tăng đáng kể các đặc tính dược động của rosuvastatin. Nên giới hạn liều dùng PEROSU ở 10 mg, ngày một lần, nếu dùng chung với gemfibrozil.

Chất ức chế protease: Dùng chung với các thuốc HCV hay HIV và các thuốc ức chế protease khác như lopinavir/ritonavir và atazanavir/ritonavir làm tăng AUC của rosuvastatin lên gấp 3 lần. Với các chế phẩm phối hợp này, nên giới hạn liều dùng PEROSU ở 10 mg, ngày một lần.

Thuốc chống đông coumarin: Rosuvastatin làm tăng đáng kể INR ở bệnh nhân dùng thuốc chống đông. Những bệnh nhân được điều trị PEROSU cùng với thuốc kháng đông coumarin, nên xác định INR trước khi bắt đầu điều trị theo dõi hợp lý trong suốt quá trình điều trị để đảm bảo INR không thay đổi.

Niacin: Nguy cơ ảnh hưởng trên cơ xương tăng khi dùng PEROSU chung với niacin (>1 g/ngày). Nên cẩn trọng khi điều trị kết hợp.

Fenofibrate: Không thấy gia tăng có ý nghĩa lâm sàng AUC của rosuvastatin hay fenofibrate. Nên cân nhắc cẩn thận giữa lợi ích nguy cơ của sự kết hợp thuốc này.

Thuốc trung hòa acid (hydroxit nhôm và ma-giê): Nồng độ rosuvastatin trong huyết tương giảm khoảng 50%. Tuy nhiên, ảnh hưởng này sẽ được giảm bớt khi dùng thuốc trung hòa acid sau rosuvastatin 2 giờ.

Erythromycin: Làm giảm 20% AUC0-24 và 30% Cmax của rosuvastatin.

Thuốc ngừa thai dạng uống/liệu pháp thay thế hormon: Làm tăng nồng độ huyết tương của ethinyl estradiol 26% và norgestrel 34%.

Colchicine: Đã có vài ca xuất hiện bệnh cơ khi dùng chung các thuốc ức chế men HGM-CoA reductase, bao gồm cả rosuvastatin, với colchicine. Nên cẩn trọng khi điều trị kết hợp.

Men Cytochrome P-450: Không có tương tác liên quan về lâm sàng giữa rosuvastatin với fluconazole hoặc ketoconazole. Dùng đồng thời itraconazole và rosuvastatin làm tăng 28% AUC của rosuvastatin; tuy nhiên, sự tăng này không có ý nghĩa lâm sàng.

Sử dụng rosuvastatin chung với gemfibrozil hay fenofibrate sẽ làm tăng nguy cơ bệnh cơ.

Các thuốc khác: Không có tương tác đáng kể trên lâm sàng với các thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị đái tháo đường, digoxin và ezetimibe.

4.9 Quá liều và xử trí:

Không có phương pháp điều trị đặc hiệu khi dùng thuốc quá liều. Khi quá liều, bệnh nhân nên được điều trị triệu chứng và áp dụng các biện pháp hỗ trợ khi cần thiết. Nên theo dõi chức năng gan và nồng độ CK. Việc thẩm phân máu có thể không có lợi.

5. Cơ chế tác dụng của thuốc :

5.1. Dược lực học:

Rosuvastatin là chất ức chế chọn lọc và cạnh tranh men HMG-CoA reductase, men xúc tác quá trình chuyển đổi 3-hydroxy-3-methylglutaryl coenzyme A thành mevalonate, tiền chất của cholesterol. Rosuvastatin giảm lipid bằng cách làm tăng số lượng thụ thể LDL trên bề mặt tế bào gan, do vậy làm tăng hấp thu và dị hóa LDL và ức chế sự tổng hợp VLDL ở gan, vì vậy làm giảm VLDL và LDL.

Cơ chế tác dụng:

Rosuvastatin là một chất ức chể chọn lọc và cạnh tranh men HMG-CoA reductase, là men xúc tác quá trình chuyển đổi 3-hydroxy-3-methylglutaryl coenzyme A thành mevalonate, một tiền chất của cholesterol. Vị trí tác động chính của rosuvastatin là gan, cơ quan đích làm giảm cholesterol.

Rosuvastatin làm tăng số lượng thụ thể LDL trên bề mặt tế bào ở gan, do vậy làm tăng hấp thu và dị hóa LDL và ức chế sự tổng hợp VLDL ở gan, vì vậy làm giảm các thành phần VLDL và LDL.

[XEM TẠI ĐÂY]

5.2. Dược động học:

Nồng độ đỉnh trong huyết tương của rosuvastatin đạt được khoảng 3-5 giờ sau khi uống. Sinh khả dụng tuyệt đối khoảng 20%. Uống rosuvastatin cùng với thức ăn không ảnh hưởng đến AUC của rosuvastatin. AUC của rosuvastatin không thay đổi khi uống thuốc vào buổi sáng hay buổi tối. 88% rosuvastatin kết hợp với protein huyết tương, chủ yếu là albumin. Rosuvastatin ít bị chuyển hóa (khoảng 10%), chủ yếu thành dạng N-desmethyl rosuvastatin. Sau khi uống, rosuvastatin và các chất chuyển hóa được thải trừ chủ yếu qua phân (90%). Thời gian bán thải trong huyết tương là 19 giờ.

5.3 Giải thích:

Chưa có thông tin. Đang cập nhật.

5.4 Thay thế thuốc :

Chưa có thông tin. Đang cập nhật.

*Lưu ý:

Các thông tin về thuốc trên Pharmog.com chỉ mang tính chất tham khảo – Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ

Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Pharmog.com

6. Phần thông tin kèm theo của thuốc:

6.1. Danh mục tá dược:

 

6.2. Tương kỵ :

Không áp dụng.

6.3. Bảo quản:

Nơi khô, tránh ánh sáng, nhiệt độ dưới 30°C.

6.4. Thông tin khác :

Không có.

6.5 Tài liệu tham khảo:

Dược Thư Quốc Gia Việt Nam

Hoặc HDSD Thuốc.

7. Người đăng tải /Tác giả:

Bài viết được sưu tầm hoặc viết bởi: Bác sĩ nhi khoa – Đỗ Mỹ Linh.

Kiểm duyệt , hiệu đính và đăng tải: PHARMOG TEAM

 

Pharmog Team

Pharmog Team

Được thành lập từ năm 2017 bởi các dược sỹ, bác sỹ trẻ có chuyên môn tốt với mục đích quảng bá, tuyên truyền thông tin về dược tới nhân viên y tế.