Vị dược liệu Quế chi (Ramulus Cinnamomi).

Quế chi

Thông tin cơ bản về dược liệu, vị thuốc Quế chi

Dưới đây là nội dung cơ bản về dược liệu, vị thuốc Quế chi (Thông tin bao gồm liều dùng, cách dùng, chỉ định, chống chỉ định, thận trọng, dược lý…)

1. Tên dược liệu/vị thuốc:

Tên thường gọi: Quế chi

Tên dân gian, tên khác: Ngọc Thụ, Quế đơn, Quế bì, Quế Trung Quốc, Ngọc quế, Mạy quẻ (Tày), Kía (Dao), Quế thanh, Cinnamon Stick, Cinnamon quills, Chinese cassia, Chinese cinnamon, Gui zhi / Gui ye (Trung), Bastard cinnamon (Anh); Cannelle de Chine (Pháp), …

Tên khoa học vị thuốc: Ramulus Cinnamomi.

Tên khoa học của nguồn gốc chế biến ra vị thuốc: Cinnamomum sp. (Cinnamomum cassia Presl., Cinnamomum zeylanicum Blume, Cinnamomum loureirii Nees, Laurus cassia L., Cinnamomum aromaticum Nees, Persea cassia (L.) Sprengel…).

Họ: họ Nguyệt quế, hay còn gọi là họ Long não hay họ Quế (Lauraceae)

Phân nhóm: Nhóm phát tán phong hàn

Nhóm pháp lý, nguồn gốc: Dược liệu trong nước (Nam).

Bộ phận dùng: Cành con đã chế biến và phơi khô.

2. Mô tả – Thành phần hóa học – Dạng bào chế:

Dược liệu quế chi là cành con đã chế biến và phơi khô (Ramulus Cinnamomi) của cây Quế Cinnamomum cassia Presl. hoặc một số loài quế khác (Cinnamomum zeylanicum Blume, Cinnamomum loureirii Nees.)

Dược liệu quế chi được lấy từ cành con cây quế, có hình trụ tròn, phân thành nhiều nhánh, dài 25 – 70cm và có đường kính 0,3 – 1cm. Vỏ ngoài dược liệu có màu nâu hoặc nâu đỏ, có nếp nhăn nhỏ và có đường sọc. Đôi khi còn sẹo cành, sẹo lá, sẹo cành, bì khổng nhỏ. Quế chi chất cứng nhưng giòn rất dễ bẻ gãy. Thái phiến dày 2 – 4mm, phần tủy có hình vuông, mặt cắt phần vỏ có màu nâu, phần gỗ có màu trắng vằng hoặc đến màu nâu vàng nhạt. Mùi thơm, vị cay ngọt, sau tê nhẹ.

Hình ảnh tham khảo:

Vị dược liệu Quế chi (Ramulus Cinnamomi).

Vị dược liệu Quế chi (Ramulus Cinnamomi).

2.2. Thành phần hóa học và hàm lượng:

Thành phần hóa học của quế chi và quế nhục cũng giống nhau, tuy nhiên khác nhau về hàm lượng tinh dầu. Tinh dầu trong vỏ quế khá cao (1,0 – 4,0 %), còn trong lá và cành non thường thấp (0,3 – 0,8 %). Trong đó thành phần chính là cinnamaldehyde; các phenol và terpen khác chiếm phần còn lại, bao gồm eugenol, axit trans-cinnamic, hydroxycinnamaldehyde, o-methoxycinnamaldehyde, rượu cinnamyl và axetat, limonene, alpha-terpineol, tanin, chất nhựa, procyanidin oligomeric và một lượng nhỏ coumarin ….

C. verum khác thành phần với C. cassia ở hàm lượng eugenol và coumarin. Coumarin chỉ được tìm thấy trong C. cassia (0,45%).

Dưới đây tổng hợp công thức hóa học một số chất đã phân lập được từ Quế chi có tác dụng dược lý bao gồm: p-Hydroxy-cinnamic acid , Ethyl p-methoxycinnamate (Ethyl 4-methoxycinnamate), Trans-3-Hydroxycinnamic acid, 2-Methoxycinnamic acid, 2-Hydroxycinnamic acid, Benzyl cinnamate, Methyl cinnamate, 4-Methoxycinnamic acid, 3,4,5-Trimethoxycinnamic acid, Ethyl cinnamate, Cinnamic acid, 4-Methoxycinnamaldehyde, o-Methoxycinnamaldehyde, Evofolin C, Cinnamaldehyde,…

Cấu trúc hóa học một số hoạt chất có trong Quế chi (Ramulus Cinnamomi).

2.3. Các dạng bào chế hoặc thuốc dạng thành phẩm:

Cây quế từ lâu đã được ứng dụng nhiều vào trong đời sống nhân dân, đặc biệt ở nước ta quế có vỏ và quả được dùng làm thuốc, lá và vỏ khô tính chế tinh dầu và làm gia vị. Còn gỗ quế dùng trong xây dựng và làm đồ dùng gia đình. Ở Ấn Độ, quế được dùng làm gia vị, lá có tác dụng gây trung tiện; chữa đau bụng và tiêu chảy, vỏ, đặc biệt là vỏ rễ, chữa khó tiêu và các bệnh về gan. Ở Nepal, quế được dùng với tác dụng long đờm trong một bài thuốc chữa viêm phế quản, khó thở. Ở Indonesia, người ta dùng quế rành cho thêm vào các thuốc uống để chữa ho có kèm theo nôn, bệnh phong, viêm nhiễm đường hô hấp, lao, nhức đầu, đau vùng thượng vị. Ở Trung Quốc, quế được nghiên cứu và ứng dụng rất nhiều, còn được dùng để điều trị các bệnh về tim mạch và tiểu đường. Một số bài thuốc có vị Quế chi có thể kể tới như: bài Quế chi thang chữa cảm mạo (Quế chi 8g, cam thảo 6g, thược dược 6g, sinh khương 6g, táo đen 4 quả, nước 600 ml, sắc uống); bài chữa thấp khớp mạn tính thể hàn (Quế chi 12g, rễ cỏ xước 40g, hy thiêm 28g thổ phục linh 20g, cỏ nhọ nồi 16g, ngải cứu 12g, thương nhĩ tử 12g, thiên niên kiện 12g, Sao vàng, sắc uống); bài chữa viêm phế quản mạn tính (Quế chi 12g, phục linh 16g, bạch truật 8g, cam thảo 4g, Sắc uống); bài chữa viêm loét dạ dày tá tràng (Quế chi 8g; hoàng kỳ 16g; đại táo 12g; hương phụ, bạch thược, mỗi vị 8g; sinh khương, cam thảo, cao lương khương, mỗi vị 6g, sắc uống);…

Trong y học hiện đại, nhiều công ty đã phối hợp Quế chi với các dược liệu khác để sản xuất thành phẩm dưới dạng viên nang, viên nén, viên hoàn, cao lỏng … Hiện nay dạng thành phẩm có các thuốc sau: An khớp vương, Bạch y phong tê thấp, Bảo cốt đan nam bảo dược, Bát vị, Bát vị hoàn P/H, Bát vị Nhất nhất, Bát vị Vinaplant, Cảm xuyên hương, Cảm xuyên hương plus, Cảm xuyên hương VCP, Cao lỏng Cao phong thấp,Cao lỏng PQA Ho hen, Cốm cảm xuyên hương, Cồn xoa bóp, Cồn xoa bóp – BSV, Cốt linh diệu, Didicera, Độc hoạt tang ký sinh, Độc hoạt tang ký sinh – BVP,Độc hoạt tang ký sinh MKP, Độc hoạt tang ký sinh. VT, Dưỡng khớp đông dược việt, Frencerol, Frentine, Ho hen PQA, Ho hen PQA phong hàn, Ho hen TW3, Hoàn phong tê thấp, Hoàn phong thấp, Hỗn dịch cồn chống đau Bivipain, Khu phong hóa thấp xuân quang, Phong tê thấp, Phong tê thấp Bà Giằng, Phong tê thấp HD New, Phong tê thấp Hyđan, Phong tê thấp Nhất Nhất, Phong tê thấp PV, Phong thấp Khải Hà, Phong Thấp Vương, Sâm quy đại bổ, Siro ho Frencerol, Siro Mahota DHĐ, Siro PQA ho hen, Sotinin , Thang thuốc ngâm rượu, Thuốc ho K/H, Thuốc uống Ma Hạnh, Viên xương khớp Bách niên, Việt dược trị ho, Vimatine…

Hình ảnh sản phẩm tham khảo:

CẢM XUYÊN HƯƠNG VCP
Mỗi viên nang có chứa bột dược liệu tương đương:
Xuyên khung …………………………. 132mg
Bạch chỉ …………………………. 165mg
Hương phụ …………………………. 132mg
Quế chi …………………………. 6mg
Gừng …………………………. 15mg
Cam thảo …………………………. 5mg
Tá dược …………………………. vừa đủ (Xem mục 6.1)

Thuốc Cảm xuyên hương VCP của Công ty cổ phần dược phẩm VCP

Thuốc Cảm xuyên hương VCP của Công ty cổ phần dược phẩm VCP có chứa thành phần Quế chi.

3. Video by Pharmog:

[VIDEO DƯỢC LÝ]

————————————————

► Kịch Bản: PharmogTeam

► Youtube: https://www.youtube.com/c/pharmog

► Facebook: https://www.facebook.com/pharmog/

► Group : Hội những người mê dược lý

► Instagram : https://www.instagram.com/pharmogvn/

► Website: pharmog.com

4. Ứng dụng lâm sàng:

4.1. Công dụng, chủ trị:

Quế chi thường được dùng đơn độc hoặc dùng phối hợp với nhiều vị thuốc khác trong các trường hợp sau:

Chữa cảm mạo, đau lạnh bụng.

Chữa viêm khớp cấp, thấp khớp mạn tính thể hàn, viêm khớp dạng thấp đang tiến triển

Chữa viêm phế quản mạn tính, hen phế quản khi hết cơn hen.

Chữa viêm loét dạ dày tá tràng.

Chữa viêm cầu thận cấp tính.

Chữa bế kinh, chậm kinh đau bụng, bế kinh, vô kinh.

Chữa viêm mũi dị ứng.

Chữa viêm tắc động mạch.

4.2. Liều dùng – Cách dùng:

Cách dùng :

Dùng dạng sắc: Cần sắc theo hướng dẫn trước khi uống.

Dạng bột, tán nhỏ làm hoàn: tán bột, thường phối hợp với các dược liệu khác, dùng trực tiếp hoặc trộn với nước hoặc mật ong rồi nặn thành viên bằng hạt đậu xanh.

Dùng ngoài ngâm và rửa trị viêm tắc động mạch: Quế chi 8g; đào nhân, kê huyết đằng, tam lăng, mỗi vị 12g. Đun sôi kỹ lấy nước ấm ngâm ngày 2 lần.

Liều dùng:

Liều thường dùng: Ngày dùng từ 2 g đến 12 g, dạng thuốc sắc, hoặc thuốc hoàn tán.

Dạng bào chế thành phẩm: Dùng theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

4.3. Chống chỉ định:

Mẫn cảm với thành phần hoạt chất của vị thuốc/dược liệu.

4.4 Thận trọng, cảnh báo:

Không dùng cho người âm hư hỏa vượng, người có các tổn thương ở yết hầu, xuất huyết, phụ nữ có thai.

Ảnh hưởng của thuốc lên khả năng lái xe, vận hành máy móc:

Không ảnh hưởng.

4.5 Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú:

Thời kỳ mang thai:

Chưa có nghiên cứu nào trên phụ nữ mang thai. Tránh dùng cho phụ nữ mang thai.

Thời kỳ cho con bú:

Chưa có nghiên cứu nào trên phụ nữ cho con bú. Tránh dùng cho phụ nữ cho con bú.

4.6 Tác dụng không mong muốn (ADR):

Tiếp xúc nhiều có thể gây kích ứng da và phản ứng dị ứng.

Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

4.7 Hướng dẫn cách xử trí ADR:

Trong thời gian được điều trị, nếu nhận thấy có bất cứ tác dụng phụ nào xấu xảy ra hoặc các triệu chứng bệnh vẫn tiếp tục tăng nặng thì nên ngưng dùng ngay và tìm kiếm phương pháp chữa trị khác phù hợp hơn.

4.8 Tương tác, tương kỵ:

Theo Y học cổ truyền, Quế chi kỵ lửa, kỵ hành sống và Xích thạch chi: Không nên sắc chung Quế chi với Xích thạch chi, vì sắc chung làm cho thành phần tác dụng của Nhục quế trong nước sắc giảm. Cho nên không nên sắc chung, mà hoặc sắc trước Xích thạch chi bỏ xác xong cho Quế vào hoặc sắc riêng Quế rồi trộn uống hoặc bột Quế hòa thuốc uống.

Tác dụng phụ có thể xảy ra nếu dùng chung với các thuốc gây độc cho gan. Quế có thể làm tăng tác dụng phụ gây độc cho gan của rosuvastatin.

Quế đã được báo cáo là có thể cản trở tốc độ hòa tan tetracycline trong phòng thí nghiệm.

Do không có các nghiên cứu về tính tương kỵ của thuốc, không trộn lẫn thuốc này với các thuốc khác.

4.9 Quá liều và độc tính:

Chưa có nghiên cứu quá liều trên người. Đã có một trường hợp/ báo cáo mô tả tình trạng nôn mửa, tiêu chảy và hôn mê ở một đứa bé dùng 60 mL tinh dầu quế.

Độc tính: Liều chết LD50 của cinnamaldehyd trên chuột nhắt trắng bằng đường tiêm tĩnh mạch là 132 mg/kg; tiêm phúc mạc: 610 mg/kg; đường uống: 2.225 mg/kg.

5. Tính vị, quy kinh, tác dụng dược lý, cơ chế tác dụng của thuốc :

5.1. Tính vị – Quy kinh – Công năng:

Tính vị: vị cay, ngọt, tính ấm, có mùi thơm.

Quy kinh: Quy vào kinh phế, tâm, bàng quang.

Công năng: phát hãn giải biểu, ôn kinh thông dương, trừ phong hàn.

5.2. Tác dụng dược lý:

Tác dụng giảm đau: Quế có khả năng làm giảm mức độ đau và tăng khả năng lành vết thương ở phụ nữ sau sinh có vết cắt tầng sinh môn. Nghiên cứu dùng quế 2% (w/w) bôi vào vị trí đáy chậu hai lần mỗi ngày trong 10 ngày đã cải thiện đáng kể tình trạng đau so với giả dược. Tình trạng đau bụng kinh cũng giảm đáng kể khi dùng quế (3 g/ngày) ở phụ nữ trẻ trưởng thành bị đau bụng kinh nguyên phát trong một thử nghiệm mù đôi, ngẫu nhiên, có đối chứng giả dược.

Tác dụng điều trị viêm mũi dị ứng: Nghiên cứu đã chỉ ra sử dụng thuốc xịt mũi chiết xuất vỏ quế trong 7 ngày cho người trưởng thành khỏe mạnh có các triệu chứng cấp tính của viêm mũi dị ứng theo mùa, đã cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của bệnh.

Tác dụng chống viêm: Một số thí nghiệm cho thấy tác dụng chống viêm của một số thành phần trong quế như Cinnamaldehyde ức chế sản xuất oxit nitric (NO) và ức chế sinh tổng hợp prostaglandin E2 (xúc tác cyclooxygenase-2). Do vậy, có thể ứng dụng quế trong điều trị viêm khớp dạng thấp, giúp làm giảm số lượng khớp bị sưng đau, và giảm CRP (protein phản ứng C).

Hoạt tính kháng khuẩn, kí sinh trùng: Chiết xuất quế đã được chứng minh là có tác dụng in vitro chống lại một số mầm bệnh thường gặp ở người. Tinh dầu quế có thể ngăn chặn sự phát triển của sợi nấm và khả năng tổng hợp aflatoxin ở Aspergillus parasiticus với nồng độ chỉ 0,1%. Một số nghiên cứu khác chỉ ra tác dụng của quế đối với vi khuẩn Helicobacter pylori (Vi khuẩn HP gây viêm dạ dày). Ngoài ra các thành phần tinh dầu quế thể hiện khả năng diệt chấy rận mạnh hơn so với biện pháp dùng d-phenothrin và pyrethrum.

Tác dụng tim mạch: Các nghiên cứu cho thấy, quế có tác dụng hạ huyết áp đáng kể đối với cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương với liều hàng ngày dao động từ 500 mg đến 2 g trong 8 đến 16 tuần.

Tác dụng trên bệnh tiểu đường: Trong một số nghiên cứu đã chỉ ra dùng quế giúp làm tăng độ nhạy insulin và giảm mức đường huyết sau bữa ăn. Dùng bột quế (1, 3 hoặc 6 g/ngày) trong 40 ngày cho thấy sự cải thiện đáng kể về mặt lâm sàng trong việc kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, làm giảm đáng kể HbA 1c và Triglyceride trong huyết thanh. Tuy nhiên, Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến nghị không nên sử dụng đơn độc thực phẩm bổ sung có thành phần quế để kiểm soát đường huyết vì không có bằng chứng rõ ràng.

Tác dụng chống oxy hóa: Tác dụng chống oxy hóa của quế đã được đánh giá so với các loại thảo dược khác cũng như alpha-tocopherol (vitamin E).

Tác dụng khác: Ngoài các tác dụng nêu trên, quế còn được biết tới tác dụng làm hạ lipid máu, bảo vệ gan, điều trị đau nửa đầu, làm lành vết thương (nhờ khả năng oxy hóa), tác dụng ức chế hình thành mạch, chống tăng sinh và điều hòa miễn dịch, chống ung thư, tác dụng bảo vệ thần kinh…

Cơ chế một số tác dụng chính:

p-Hydroxy-cinnamic acid  có hoạt tính chống sốt rét ở in vitro, có tác dụng hiệp đồng với artemether. Axit Trans-4-hydroxycinnamic có hoạt tính kháng khuẩn và chống oxy hóa. Axit p-Hydroxycinnamic và β-cryptoxanthin có đặc tính chống loãng xương in vivo, chúng có thể đối kháng hoạt hóa NF-κB trong tế bào tiền tạo xương MC3T3.

Ethyl p-methoxycinnamate (Ethyl 4-methoxycinnamate) có hoạt tính kháng nấm, có thể ức chế sự phát triển của Trichophyton rubrum, Aspergillus niger, Saccharomyces cerevisiae và Epidermophyton floccosum ở nồng độ dưới 10 µg/ml. Ethyl-p-methoxycinnamate có tác dụng chống viêm, nó có thể ức chế phù nề và ức chế không chọn lọc hoạt động của cyclooxygenase 1 và 2, với giá trị IC50 là 1,12 µM và 0,83 µM; nó có hoạt tính chống lại Fibrosarcoma nhờ ức chế COX-2 và có thể ngăn chặn sự hình thành mạch do bFGF gây ra trên in vivo. Ethyl p-methoxycinnamate có thể được ứng dụng để điều trị rối loạn tăng sắc tố da nhờ làm giảm sự tổng hợp melanin.

Trans-3-Hydroxycinnamic acid, còn được gọi là axit m-coumaric, là một axit thơm có thể tìm thấy trong giấm. Axit 3-Hydroxycinnamic có hoạt tính chống oxy hóa.

2-Methoxycinnamic acid là một hợp chất cảm quang. Axit 2-Methoxycinnamic có thể tăng cường ức chế hoạt động tyrosinase và chống hắc tố mạnh mẽ cùng với các đặc tính chống oxy hóa.

2-Hydroxycinnamic acid có hoạt tính quang oxy hóa; 2-hydroxycinnamic acid germanium có tác dụng ức chế mạnh khối u U14; Axit trans-2-hydroxycinnamic còn có hiệu quả chống lại stress oxy hóa.

Benzyl cinnamate được sử dụng trong các loại nước hoa và có hoạt tính chống viêm, có thể ứng dụng để điều trị bệnh đau mắt hột, mờ giác mạc, hội chứng Meniere và chứng ù tai.

Methyl cinnamate, một chất ức chế tyrosinase, có tác dụng kháng khuẩn, chống tạo mỡ, giãn mạch và chống viêm. Nó có phổ mục tiêu rộng bao gồm các kênh CaMKK2-AMPK, Ca(2+).

4-Methoxycinnamic acid là một hợp chất có nhiều tác dụng dược lý khác nhau như chống ung thư, bảo vệ gan và hạ đường huyết, nó cũng có thể kích thích tiết insulin từ tế bào β tuyến tụy bằng cách tăng dòng Ca2+ qua kênh Ca2+ tuýp L, nhưng không đóng các kênh [K+] nhạy cảm ATP.

3,4,5-Trimethoxycinnamic acid có tác dụng chống stress, kéo dài thời gian giấc ngủ. Axit 3,4,5-Trimethoxycinnamic có thể phát huy tác dụng chống động kinh nhờ tác động lên phức hợp thụ thể GABAA/benzodiazepine. Nó cho thấy hoạt động ức chế yếu tố gây thiếu oxy-2 (HIF-2) với giá trị EC50 là 60,6 uM. Các dẫn xuất của axit 3,4,5-Trimethoxycinnamic có tác dụng như một chất chủ vận thụ thể 5-HT (1A).

Ethyl cinnamate có tác dụng kháng nấm và giãn mạch, nó có thể ức chế các cơn co thắt do K+ nồng độ cao và phenylephrine (PE) gây ra phụ thuộc vào nồng độ. Ethyl cinnamate có thể dẫn đến tổn thương hệ thống màng tế bào và rối loạn trao đổi chất do gây ra peroxid hóa lipid và sản xuất quá mức các loại phản ứng oxy hóa.

Cinnamic acid, một axit béo thơm tự nhiên có độc tính thấp, có hoạt tính chống tiểu đường, chống ung thư và chống oxy hóa. Nó còn cho thấy tác dụng bảo vệ bức xạ và giảm tổn thương DNA do tia X gây ra. Axit cinnamic chống lại bệnh tiểu đường bằng cách cải thiện khả năng dung nạp glucose trong cơ thể và bằng cách kích thích tiết insulin. Nó ức chế hoạt động tyrosinase của nấm.

4-Methoxycinnamaldehyde có thể ức chế virus RSV trong dòng tế bào ung thư biểu mô thanh quản ở người, nó cũng rất hữu ích trong việc kiểm soát bệnh do nhiễm RSV gây ra.

o-Methoxycinnamaldehyde từ quế có hoạt tính kháng sinh, là chất ức chế cạnh tranh với CYP1A2 và là chất ức chế hỗn hợp với CYP2E.

Evofolin C và muối axetat của nó có hoạt tính kháng nấm và kháng khuẩn mạnh. Evofolin C thể hiện sự ức chế mạnh mẽ đối với việc sản xuất superoxide do N-formylmethionylleucylphenylalanine gây ra.

Cinnamaldehyde có tác dụng giãn mạch, chống u ác tính, hạ đường huyết, hạ lipid máu và chống ung thư, nó có thể chống lại cả vi khuẩn gram dương và gram âm. Cinnamaldehyde ức chế sự biểu hiện của VEGF và HIF-α. Ngoài ra, Cinnamic-aldehyde là một chất ức chế COX-2, có đặc tính bảo vệ tim mạch, chống trầm cảm, chống bệnh bạch cầu, chống oxy hóa và chống viêm.

Chưa rõ cơ chế tác dụng của các hoạt chất khác trong Quế chi.

5.3. Dược động học:

Chưa có nghiên cứu.

5.4. Các nghiên cứu lâm sàng và tiền lâm sàng:

(1) Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu):

Tinh dầu quế chứa cinnamaldehyd là thành phần chủ yếu có tác dụng diệt khuẩn in vitro đối với một số vi khuẩn ở độ pha loãng cao. Tác dụng kháng khuẩn đối với các giống vi khuẩn khác nhau, theo thứ tự hoạt tính giảm dần: Salmonella typhi, tụ cầu vàng, Bacillus mycoides, Bacillus subtilis, Candida albicans, Shigella flexneri, Sh. Dysenteriae, liên cầu khuẩn tan máu, trực khuẩn lao, phế cầu khuẩn. Tác dụng mạnh đối với phẩy khuẩn tả, nồng độ ức chế tối thiểu đối với các giống phẩy khuẩn tả Eltor, Inaba và Ogawa là 2/10000.

Tác dụng diệt Entamoeba moshkowskii với nồng độ ức chế tối thiểu 1/2560. Còn có tác dụng ức chế cả đối với siêu vi khuẩn. Tác dụng ức chế tương đối yếu hơn đối với các giống vi khuẩn : Sh. shigae, Sh. sonnei, trực khuẩn coli, trực khuẩn mủ xanh.

Tinh dầu quế có tác dụng diệt nấm với Trichophyton mentagrophytes. Hoạt chất cinnamaldehyd có tác dụng với Microsporum audouinii, Aspergillus nidurans, Cryptococcus neoformans, Penicillium rugulosum, Sporothrix schenckii, Trichophyton rubrum, T.mentagrophytes T.violaceum, Microsporum gypseum, Histoplasma capsulation và Blastomyces dermatitidis: tác dụng ức chế chủ yếu do phản ứng của aldehyd với các nhóm thiol tham gia vào sự sinh trưởng của nấm. Cinnamaldehyd tác dụng hiệp đồng với natri clorid.

Cinnamaldehyd có tác dụng an thần, làm giảm hoạt động tự nhiên của chuột nhắt và có tác dụng đối kháng với hoạt động vận động gây bởi apomorphin hoặc methamphetamin ở chuột nhắt, có tác dụng kéo dài giấc ngủ gây bởi hexobarbital, tác dụng hạ nhiệt và chống sốt ở chuột nhắt. Tác dụng ức chế và kích thích trung tâm của cinnamaldehyd có thể do tương tác với các nơ-ron đáp ứng với monoamin ở hệ thần kinh trung ương, và có vai trò quan trọng trong tác dụng điều trị của vỏ thân hoặc cành quế.

Ở chó và chuột lang gây mê, cinnamaldehyd có tác dụng hạ áp, có thể chủ yếu do giãn mạch ngoại biên. Sự giãn mạch này vẫn tồn tại ở chó sau khi huyết áp đã phục hồi. Trên hồi tràng chuột lang cô lập, có tác dụng chống co thắt cơ trơn gây bởi acetylcholin và histamin, và cũng có tác dụng trực tiếp trên cơ trơn và gây giãn kiểu papaverin. Trên tim chuột lang cô lập, cinnamaldehyd làm tăng lực co cơ và nhịp tim, tuy vậy việc dùng nhắc lại dẫn đến giảm dần những tác dụng này và ức chế tim. Cinnamaldehyd gây giải phóng catecholamin từ tuyến thượng thận của chó, tác dụng tăng lực co cơ và nhịp tim trên tim chuột lang cô lập được truyền dịch có lẽ do giải phóng catecholamin nội sinh.

Cao nước quế cho chuột cống trắng bị viêm thận uống có tác dụng dự phòng sự tăng nồng độ protein trong nước tiểu, nhung không ảnh hưởng trên sự phục hồi của thiếu máu gây bởi mất máu cấp tính, và trên số lượng bạch cầu và tế bào lympho. Tác dụng chặn miễn dịch được quy cho cao này. Tiêm phúc mạc cao nước quế cho chuột cống trắng với liều 100 mg/kg có tác dụng dự phòng loét do stress khi để chuột trong bầu không khí lạnh (3 – 5°C), hoặc ngâm trong nước. Cao này cũng ức chế mạnh loét dạ dày do tiêm dưới da serotonin cho chuột cống trắng, và làm tăng lưu lượng máu ở niêm mạc dạ dày, cho thấy tác dụng chống loét của quế là do ức chế những yếu tố tấn công và tăng cường những yếu tố bảo vệ.

Tinh dầu quế và cao quế còn có tác dụng chống chứng huyết khối, chống viêm, chống dị ứng, làm tăng lượng protein toàn phần và gamma – globulin trong máu và làm giảm tỷ lệ vỡ dưỡng bào do nhỏ dung dich noc rắn mang bạnh lên mạc treo ruột hoặc do tiêm tĩnh mạch nọc rắn cho chuột lang. Cinnamaldehyd với nồng độ 4,8 ug/ml ức chế sự phát triển của tế bào bệnh bạch cầu L1210 trong nuôi cấy 50%. Tác dụng ức chế này được quy cho nhóm aldehyd của cinnamaldehyd. Chất này ức chế sự phát triển của khối u W2K-11 gây bởi SV40 ở chuột nhắt trắng và cũng được thử nghiệm về hoạt tính chống đột biến đối vối các chất hóa học gây đột biến hoặc chiếu tia tử ngoại. Liều chết LD50 của cinnamaldehyd trên chuột nhắt trắng bằng đường tiêm tĩnh mạch là 132 mg/kg; tiêm phúc mạc: 610 mg/kg; đường uống: 2.225 mg/kg.

Nồng độ tinh dầu quế tiêu diệt 100% trong thử nghiệm in vitro trên 2 chủng Trichomonas vaginalis nuôi cấy trong môi trường là 50 µg/ml.

Đã điều trị 58 trường hợp viêm khớp dạng thấp bằng bài thuốc trong có quế chi và một số dược liệu khác. Kết quả điều trị cho thấy thuốc có tác dụng làm ổn định giảm viêm, tác dụng chậm nhưng bền vững. Kết quả tốt nhất trong trường hợp chức năng khớp còn tổn thương ít.

Một chế phẩm thuốc cổ truyền Nhật Bản có quế và 7 dược liệu khác được coi là có tác dụng chống xơ cứng động mạch, đã được trộn với cholesterol và cho động vật uống. Thuốc đã có tác dụng ngăn chặn sự tăng cholesterol toàn phần, phospholipid và colagen trong máu và phòng ngừa sự phát triển xơ vữa động mạch do tăng lipid máu ở động vật thí nghiệm.

Một thuốc cổ truyền Nhật Bản khác gồm 10 dược liệu trong đó có quế, có nhiều hoạt tính kích thích miễn dịch. Cao chiết với nước nóng của vỏ quế có tác dụng hoạt hóa bổ thể mạnh.

Quế bì có trong thành phần một bài thuốc cổ truyền Trung Quốc được dùng để điều trị các bệnh viêm mạn tính và các bệnh tự miễn dịch. Trên thực nghiệm, bài thuốc này tăng cường tính kích thích miễn dịch của một số hóa dược kích thích miễn dịch như phorbol myristat acetat phytohemagglutinin.

Một bài thuốc bổ dương Trung Quốc gồm quế và phụ tử có tác dụng làm tăng lượng adenosin cyclic monophosphoric acid (có vai trò trong điều hòa sự vận chuyển điện giải và nước trong cơ thể) trong huyết tương chuột đã gây thiểu năng thực nghiệm tuyến giáp hoặc vỏ thượng thận.

Một bài thuốc cổ truyền Trung Quốc khác được dùng chữa bệnh phụ khoa trong đó có quế và một số dược liệu khác, đã có tác dụng đối kháng với Iuteotrophin và kháng oestrogen yếu trong thực nghiệm trên động vật.

Một tài liệu cho biết 3 loài quế : C.cassia, C.loureirii và C.zeylanicum có tác dụng chống đái tháo đường. Chất acid hydroxyphenyl propanoic phân lập từ vỏ quế bì và glucosid của nó có tác dụng phòng ngừa loét dạ dày gây bởi serotonin ở chuột cống trắng.

*Lưu ý:

Các thông tin về thuốc trên Pharmog.com chỉ mang tính chất tham khảo – Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ

Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Pharmog.com

6. Phần thông tin kèm theo của thuốc:

6.1. Đặc điểm, nguồn gốc, phân bố dược liệu, vị thuốc:

Đặc điểm nguồn gốc:

Quế là cây thân gỗ vừa cao 10 – 20 m. Thân hình trụ, non màu xanh có nhiều khía dọc và lông mịn, thân già màu xám đen có nhiều nốt sần, tiết diện tròn. Toàn cây có mùi thơm. Cành hình trụ, nhẵn, màu nâu.

Lá mọc so le, phiến lá dày cứng, hình mác, dài 10 – 25 cm, rộng 5-8 cm, gốc thuôn, đầu nhọn, mặt trên nhẵn, màu lục sẫm bóng, mặt dưới màu xám tro, có 3 gân hình cung, gân phụ nhiều, song song, cuống lá to, dài 1,5-2 cm, có rãnh ở mặt trên. Cụm hoa hình chùm xim mọc ở kẽ lá gần đầu cành. Bao hoa gồm 6 phiến gần bằng nhau, màu trắng, mặt ngoài có lông nhỏ.

Quả hạch hình trứng nằm trong đài tồn tại, khi chín màu nâu tím. Mùa hoa vào tháng 4 -7, mùa quả tháng 10 – 12. Vỏ và lá vò ra có mùi thơm. Quế có bộ rễ cọc khỏe, cắm sâu xuống đất.

Phân bố:

Cinnamomum là chi lớn gồm khoảng 270 loài, hầu hết là cây gỗ, phân bố tập trung ở vùng nhiệt đới châu Á. Ở Ấn Độ có 20 loài, Trung Quốc có 12 loài, Việt Nam 40 loài.

Loại Quế Trung quốc mọc và trồng nhiều tại các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam Trug Quốc, ta cũng có loại quế này thuộc loại Quế tốt thứ hai trên thế giới sau loại quế quan của Sri Lanka.

Ở nước ta Quế có nhiều ở Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tây, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Cây Quế (Cinnamomum cassia Presl).

Cây Quế (Cinnamomum cassia Presl).

6.2. Thu hái – Sơ chế:

Cành con thu hái vào mùa xuân, đem về sơ chế, loại bỏ tạp chất, làm ẩm rồi cắt ngắn. Đem phơi khô trong râm hoặc phơi ngoài nắng. Sau đó đem cắt thành lát mỏng.

6.3. Bảo quản:

Không bảo quản ở nhiệt độ trên 30°C.

Đậy kín nơi khô ráo. Dễ mốc mọt, tránh ẩm.

6.4. Thông tin khác:

Thông tin bổ sung:

Cây có cùng công dụng: Ngoài loài quế nêu trên, nhiều loài khác cũng được gọi là quế như quế quan, quế Thanh, quế rành.

Quế quan (Cinnamomum zeylanicum Blume, C. verum J. s. Presl), tên khác: quế ống, quế Srilanka, quế khâu. Cây có kích thước trung bình. Cành non có 4 cạnh, hơi dẹt có lông nhỏ rải rác. Lá mọc đối hoặc gần đối (ít khi so le), hình bầu dục, gân lá 3 – 5, gồ lên ở cả hai mặt. Cụm hoa dài hơn lá; bao hoa dài 5-6 mm, màu vàng. Quả dài 1,3 – 1,7 cm, có đài tồn tại to. Mùa hoa quả: tháng 5-9.

Quế Thanh (Cinnamomum loureirii Nees, C. obtusifolium Nees var. loureirii Perrot et Eberh.), tên khác: quế quỳ, de bầu, quế tử, quế lá tù, ngọc quế. Cây to, cành non có cạnh, có lông, sau nhẵn. Lá thuôn đến mác thuôn, có mũi nhọn mềm, mặt dưới phủ vảy nhỏ, gân bên không kéo dài đến đầu lá, gân phụ mờ. Hoa trắng, bao hoa dài 3 mm. Quả dài 8 – 10mm, đài tồn tại nhỏ.

Quế rành (Citinamomum burmannii (Nees) Blume), tên khác : quế bì, quế xanh, trèn trèn, quế lợn, âm hương). Cây có dạng dẹp, vỏ nhẵn, màu xám. Lá thuôn, màu lục sẫm ở cả hai mặt. Cụm hoa ngắn, mảnh. Quả gần hình cầu, có mũi nhọn. Mùa hoa: tháng 7.

Phân biệt Quế chi và quế nhục:

Quế chi Quế nhục
Tên khoa học Ramulus Cinnamomi Cortex Cinnamomi
Bộ phận dùng Cành con của cây quế Vỏ già của cây quế
Thành phần hóa học Tương tự nhưng khác nhau về hàm lượng Tương tự nhưng khác nhau về hàm lượng
Nhóm Nhóm phát tán phong hàn Nhóm hồi dương cứu nghịch
Tính vị Vị ngọt, cay, ấm Vị ngọt, cay, nóng
Ứng dụng khác biệt Thường dùng trong điều trị các thể viêm khớp, viêm mũi dị ứng… Dùng được trong điều trị bệnh tim mạch, tiểu đường.

Ngoài ra còn có vị thuốc Quế tâm (gọt bỏ hết bì thô dày, lấy phần bên trong màu tía, hình hơi vuông, rất ngọt): Vị ngọt tính âm, là thuốc âm trong dương dược, công dụng bổ vào tâm huyết; chữa chứng huyết sung lên, đau bụng hậu sản, ngăn được chứng thổ ra máu, mửa ra máu, thông kinh hành huyết…; trị sinh xong khí huyết không tan, tích tụ lại thành hòn khối ở thượng vị, cảm hàn nhiệt, tay chân gầy ốm.

Phân biệt quế loại tốt: (Phân loại theo độ dày của vỏ)

Quế loại A: Độ dày > 5 mm, chiều dài từ 40 – 60 cm; Quế thơm tự nhiên, vị cay ngọt, không bị vỡ dập, không thâm mốc, không sâu vỏ.

Quế loại B: Độ dày từ 2,5 – 5 mm, chiều dài từ 40 – 60 cm; Quế thơm tự nhiên, vị cay ngọt, không bị vỡ dập, không thâm mốc, không sâu vỏ.

Quế C: Độ dày dưới 2,5 mm, chiều dài từ 40 – 60 cm; Quế thơm tự nhiên, vị cay ngọt, không bị vỡ dập, không thâm mốc, không sâu vỏ.

Quế vụn: là các mảnh vỡ, gãy từ các loại quế A,B,C loại ra

6.5 Tài liệu tham khảo:

Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi (2004).

Theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam của Viện dược liệu (Tái bản lần 1).

Theo Dược thư Quốc Gia Việt Nam.

Nguồn tổng hợp khác.

7. Người đăng tải /Tác giả:

Bài viết được sưu tầm hoặc viết bởi: Bác sĩ nhi khoa – Đỗ Mỹ Linh.

Kiểm duyệt , hiệu đính và đăng tải: PHARMOG TEAM