Thông tin cơ bản về dược liệu, vị thuốc Khương hoàng, Uất kim
Dưới đây là nội dung cơ bản về dược liệu, vị thuốc Khương hoàng, Uất kim (Thông tin bao gồm liều dùng, cách dùng, chỉ định, chống chỉ định, thận trọng, dược lý…)
1. Tên dược liệu/vị thuốc:
Tên thường gọi: Khương hoàng, Uất kim.
Tên dân gian, tên khác: Nghệ, Nghệ vàng, Cohem, Co khản mỉn (Thái), Khinh lương (Tày), Turmeric (Anh), Jiang Huang (Trung), Safran des Indes (Pháp) …
Tên khoa học vị thuốc: Rhizoma et Radix Curcumae, Rhizoma et Radix Curcumae longae
Tên khoa học của nguồn gốc chế biến ra vị thuốc: Curcuma longa L. (Tên khác: Curcuma domestica Valet.) hoặc Curcuma zanthorrhiza Roxb. (Tên khác: Curcuma xanthorrhiza Dietr.)
Họ: họ Gừng (Zingiberaceae).
Phân nhóm: Nhóm thuốc hoạt huyết, khứ ứ.
Nhóm pháp lý, nguồn gốc: Dược liệu trong nước (Nam).
Bộ phận dùng: Thân rễ và rễ củ phơi khô.
2. Mô tả – Thành phần hóa học – Dạng bào chế:
2.1. Mô tả dược liệu/vị thuốc:
Khương hoàng và Uất kim (Rhizoma et Radix Curcumae longae) là thân rễ và rễ đã phơi khô hay đồ chín rồi phơi hoặc sấy khô của cây Nghệ (Curcuma longa L.) hoặc cây Nghệ vàng (Curcuma zanthorrhiza Roxb) cùng thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Ở miền Nam, loài nghệ vàng (Curcuma xanthorrhiza Roxb.) được dùng phổ biến hơn.
Cần phân biệt rõ RỄ nghệ có tên dược liệu là Uất kim (Radix Curcumae longae) còn Khương hoàng là THÂN RỄ (Rhizoma Curcumae longae). Theo đông y thì 2 vị thuốc khương hoàng và uất kim có tính chất thuốc khác nhau nên ứng dụng cũng có phần khác nhau trong lâm sàng.
Dược liệu Khương hoàng có thân rễ hình trụ, thẳng hoặc hơi cong, đôi khi phân nhánh ngắn dạng chữ Y, dài 1 – 5 cm, đường kính 0,5 – 3 cm. Mặt ngoài màu xám nâu, vàng nhạt, nhăn nheo, có những vòng ngang xếp sít nhau, đôi khi còn vết tích cắt của các nhánh và rễ. Mặt cắt ngang thấy rõ 2 vùng vỏ và vùng trụ giữa; trụ giữa chiếm gần 3/4 đường kính. Chất chắc và nặng. Mặt bẻ bóng, có màu vàng cam nhạt hoặc rất đậm tùy loài. Mùi thơm hắc, vị hơi đắng, hơi cay.
Dược liệu Uất kim có hình thoi, hai đầu hơi nhọn, ở giữa mập, dài 1-3,3cm, đường kính ở giữa 0,2-0,5cm. Mặt ngoài mầu vàng tro hoặc nâu nhạt, có vằn nhăn nhỏ mầu trắng tro và những chấm nhỏ lõm xuống rất rõ. Một đầu có vết bị bẻ gẫy, mầu vàng tươi, còn đầu kia hơi nhọn. Chất cứng chắc, mặt gẫy ngang phẳng, bóng, sáng, chất cứng như sừng, mầu vàng chanh hoặc vàng da cam. Giữa có một đốm tròn mầu nhạt, hơi có mùi thơm của gừng, vị cay, đắng.
Hình ảnh tham khảo:
Vị thuốc Khương hoàng và Uất kim (Rhizoma et Radix Curcumae, Rhizoma et Radix Curcumae longae).
2.2. Thành phần hóa học và hàm lượng:
Nhìn theo tổng quát, trong củ nghệ tươi có chứa nước 13,1%; calcium oxalate, chất béo, 8 – 10% nước, 6 – 8% chất vô cơ (calci, natri, kali, sắt…), 40 –50% tinh bột, 5,8% tinh dầu… Ngoài ra còn có những thành phần với hàm lượng thấp hơn như phytosterol, các acid béo, polysaccharide và một số thành phần hóa học khác.
Thành phần hóa học quan trọng nhất của thân rễ nghệ là Curcuminoid chiếm khoảng từ 3 – 6%, là thành phần tạo nên màu vàng cho nghệ. Từ các kết quả nghiên cứu cho thấy chất màu tách từ thân rễ nghệ vàng là hỗn hợp của bisdemethoxycurcumin (BDMC) (6,27%); demethoxycurcumin (DMC) (24,60%) và curcumin (69,13%); trong đó curcumin là chất chiếm hàm lượng cao nhất trong chất màu. Ngoài ra còn có dyhydrocurcumin. Curcumin chính là chất được ứng dụng lâm sàng rất nhiều hiện nay trong y học hiện đại.
Trong thân rễ nghệ còn chứa tinh dầu (khoảng 3 –5%), màu vàng nhạt, có mùi thơm đặc trưng. Các thành phần chủ yếu trong tinh dầu nghệ là: 25% carbur terpenic, chủ yếu zingiberen và 65% ketone sesquiterpenic, các chất turmerone, arturmerone, curcuminoidcumen C15H24 một hydrocarbon không no….Nhiều hợp chất terpen khác được xác định có trong tinh dầu nghệ là α và β pinen, camphen, limonen, terpinen, caryophyllen, linalool, borneol, isoborneol, camphor, eugenol, cineol, curdiol, curzerenon và curcumen….
Dưới đây tổng hợp công thức hóa học một số chất đã phân lập được từ củ nghệ có tác dụng dược lý bao gồm: Curcumin, Bisdemethoxycurcumin, Dihydrocurcumin, Curcumol, Germacrone, Linalool, Stigmasterol, Beta-Sitosterol, Tetrahydrocurcumin, Hexahydrocurcumin, Octahydrocurcumin, 1,5-Bis(4-hydroxy-3-methoxyphenyl)penta-1,4-diene, Coronadiene, Zerumin A, Demethoxycurcumin, 5-Hydroxy-1,7-diphenyl-6-hepten-3-one…
Cấu trúc hóa học một số hoạt chất có trong vị thuốc Khương hoàng/Uất kim (Rhizoma et Radix Curcumae longae).
2.3. Các dạng bào chế hoặc thuốc dạng thành phẩm:
Từ xa xưa, con người trên thế giới đã biết sử dụng tất cả mọi thành phần của cây nghệ để làm thuốc chữa bệnh, làm gia vị, làm phẩm màu cho việc chế biến thực phẩm. Trong y học cổ truyền, con người còn biết dùng nghệ để chữa các bệnh như: bệnh loét dạ dày; loét ngoài da; bệnh hen suyễn; chữa bỏng. Một số bài thuốc có chứa thành phần nghệ thường hay được sử dụng như: Bài thuốc chữa viêm loét dạ dày tá tràng, đau vùng dạ dày, ợ hơi chua (Nghệ 10g, trần bì 12g, khổ sẩm 12g, hương phụ 10g, bồ công anh 10g, ngải cứu 8g, tán thành bột, dùng uống); bài thuốc chữa viêm gan, vàng da (Nghệ 5g, bồ bồ 10g, chi tử 5g, râu ngô 5g, tán bột uống); bài thuốc chữa thổ huyết, máu cam (Nghệ tán nhỏ uống với nước); bài thuốc chữa đàm kết do uất ức, không khạc được đàm (Bán hạ hậu phác thang gia vị: bán hạ chế 10g, hậu phác 6g, phục linh 15g, chỉ xác 6g, uất kim 10g, tô diệp 10g, cát cánh 9g, huyền sâm 12g, Sắc uống); bài thuốc chữa kinh nguyệt không đều (Nghệ 8g, ích mẫu, kê huyết đằng, mỗi vị 16g, sinh địa 12g, xuyên khung, đào nhân, mỗi vị 8g, Sắc uống)….
Trong y học hiện đại, đã có hàng ngàn công trình nghiên cứu về thành phần hóa học cũng như chiết tách các chất trong củ nghệ và người ta đã phát hiện ra rằng, hoạt chất curcumin trong củ nghệ có tác dụng kháng nấm, diệt khuẩn, diệt ký sinh trùng, chống viêm nhiễm và bảo vệ da. Ngoài ra, Curcumin được coi là chất tiêu biểu cho các chất phòng chống ung thư thế hệ mới: hiệu lực, an toàn và không gây tác dụng phụ. Hiện nay, do hoạt tính sinh học quý giá của hợp chất này nên việc chiết tách và sử dụng của curcumin đang được nhiều nước tiếp tục nghiên cứu. Vì có rất nhiều nghiên cứu rõ ràng như trên, nên Nghệ nói chung và Curcumin nói riêng được ứng dụng rất nhiều trong sản xuất các chế phẩm hiện đại, đặc biệt hiện nay xuất hiện nhiều trong thị trường dưới dạng thực phẩm chức năng. Hiện nay dạng thành phẩm có các thuốc sau đây chứa vị thuốc Khương Hoàng: Dạ dày Trường Phúc, Khu phong trừ thấp, Khu phong trừ thấp Neutolin, Phong thấp hoàn, Thuốc Dạ dày Nhất Nhất, Trừ phong thấp Đông dược việt, Viêm da Bảo Phương, …. Thuốc thành phẩm có chứa vị thuốc Uất kim: An cung ngưu hoàng hoàn, Bài thạch – BVP, Dạ dày-tá tràng PV…. Thuốc thành phẩm có chứa hoạt chất Curcumin: Cholestin Danapha, Erythromycin & Nghệ, Redgamax, Silymax complex, Usacumine, Viên nang cứng Suncurmin, Viên nang Curcumin, Viên nang Sundada…
Hình ảnh sản phẩm tham khảo:
AN CUNG NGƯU HOÀNG HOÀN | ||
Mỗi viên hoàn có chứa cao khô tương đương: | ||
Ngưu hoàng | …………………………. | 167mg |
Thủy ngưu giác | …………………………. | 333mg |
Xạ hương | …………………………. | 42mg |
Trân châu | …………………………. | 83mg |
Chu sa | …………………………. | 167mg |
Hùng hoàng | …………………………. | 167mg |
Hoàng liên | …………………………. | 167mg |
Hoàng cầm | …………………………. | 167mg |
Chi tử | …………………………. | 167mg |
Uất kim | …………………………. | 167mg |
Băng phiến | …………………………. | 42mg |
Tá dược | …………………………. | vừa đủ (Xem mục 6.1) |
Thuốc An cung ngưu hoàng hoàn của Yunnan Tengyao Pharmaceutical Co., Ltd. (Trung Quốc) có chứa thành phần Uất kim.
3. Video by Pharmog:
[VIDEO DƯỢC LÝ]
————————————————
► Kịch Bản: PharmogTeam
► Youtube: https://www.youtube.com/c/pharmog
► Facebook: https://www.facebook.com/pharmog/
► Group : Hội những người mê dược lý
► Instagram : https://www.instagram.com/pharmogvn/
► Website: pharmog.com
4. Ứng dụng lâm sàng:
4.1. Công dụng, chủ trị:
*Khương hoàng thường được dùng đơn độc hoặc dùng phối hợp với nhiều vị thuốc khác trong các trường hợp sau:
Chữa thổ huyết máu cam.
Chưa viêm loét dạ dày, tá tràng, đau vùng dạ dày, ợ hơi ợ chua.
Chữa viêm gan, suy gan, vàng da.
Phòng và chữa bệnh sau khi đẻ như phụ nữ sau khi đẻ còn sót sản dịch không ra
Trị sưng tấy, ứ huyết do sang chấn va đập.
Kích thích vết thương lên da non và liền sẹo.
Chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh, ứ máu, đau tức vùng ngực bụng.
*Uất kim thường được dùng đơn độc hoặc dùng phối hợp với nhiều vị thuốc khác trong các trường hợp sau:
Chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh, ứ máu, đau tức vùng ngực bụng.
Ngực bụng trướng đau do huyết ứ khí trệ, do viêm gan cấp và mạn tính (Thông lợi gan, giải uất)
Ngoài ra còn có tác dụng hoạt huyết nên được dùng trong điều trị các trường hợp điên giản, nhiệt bệnh hôn mê, các chứng thổ huyết, nục huyết, niệu huyết (nước tiểu đỏ), chữa thổ huyết máu cam.
4.2. Liều dùng – Cách dùng:
Cách dùng :
Dùng dạng sắc: Cần sắc theo hướng dẫn trước khi uống.
Dạng bột, tán nhỏ làm hoàn: tán bột, thường phối hợp với các dược liệu khác, dùng trực tiếp hoặc trộn với nước hoặc mật ong rồi nặn thành viên bằng hạt đậu xanh.
Dùng ngoài: Nghệ tươi dùng ngoài dưới dạng dịch tươi (giã nhỏ ép lấy nước hoặc cắt lấy phần lõi) bôi vào vết thương để chóng lên da non hoặc để bôi ung nhọt, viêm tấy lở loét ngoài da, bôi lên các mụn mới khỏi để đỡ sẹo. Cao nghệ dùng để bôi trĩ.
Cao nghệ dùng ngoài để bôi trĩ: Nghệ thái lát mỏng. Đun dầu sôi cho lá phù dung và nghệ vào đun sôi 1 giờ. Khi nghệ khô quắt thành màu nâu thì vớt ra, cho các vị thuốc trên (đã giã nhỏ). Đun tiếp một giờ nữa, vớt thuốc ra lọc, lại đun tiếp một giờ. Sau đó bắc nồi xuống khi còn nóng khoảng 60°C, cho long não và sáp ong, hồng đơn vào quấy đều. Để nguội đóng lọ sạch để dùng dần.
Dùng tươi: có thể ăn trực tiếp hoặc lấy nghệ tươi giã nát, vắt lấy nước cốt uống.
Liều dùng:
Khương hoàng: Ngày dùng 6 – 12g chia 2 – 3 lần uống trong ngày. Dùng sống hoặc sắc lấy nước, ngoài ra còn có thể phối hợp vị thuốc khác nghiền bột mịn, thêm nước để làm hoàn.
Uất kim: Hằng ngày dùng 6 – 12g chia 2 – 3 lần uống trong ngày. Dùng sống hoặc sắc lấy nước, ngoài ra còn có thể phối hợp vị thuốc khác nghiền bột mịn, thêm nước để làm hoàn.
Liều giảm đau/chống viêm: Dùng liều curcumin 1 g/ngày dưới dạng đơn trị liệu hoặc 500 mg/ngày dưới dạng bổ trợ với các thuốc giảm đau khác (khoảng thời gian điều trị, 4 tuần đến 4 tháng).
Dạng bào chế thành phẩm: Dùng theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
4.3. Chống chỉ định:
Mẫn cảm với thành phần hoạt chất của vị thuốc/dược liệu.
4.4 Thận trọng, cảnh báo:
Tránh sử dụng trong thời kỳ mang thai và cho con bú vì tác dụng kích thích kinh nguyệt và tử cung.
Không nên sử dụng nghệ ở những bệnh nhân bị sỏi mật hoặc tắc nghẽn ống mật.
Người mặc sỏi mật, sỏi thận, người âm hư không ứ trệ, cơ thể suy nhược hạn chế dùng.
Ảnh hưởng của thuốc lên khả năng lái xe, vận hành máy móc:
Chưa có nghiên cứu.
4.5 Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú:
Thời kỳ mang thai:
Tránh dùng cho phụ nữ mang thai. Tác dụng gây sảy thai đã được ghi nhận. Chiết xuất củ nghệ có tác dụng tránh thai ở chuột đực. Sự giảm khả năng di chuyển của tinh trùng đã được ghi nhận ở chuột cho dùng nghệ 500 mg/kg/ngày dưới dạng chiết xuất nước hoặc cồn.
Thời kỳ cho con bú:
Tránh dùng cho phụ nữ cho con bú.
4.6 Tác dụng không mong muốn (ADR):
Một số tác dụng sau đây đã được ghi nhận:
Phân màu vàng.
Viêm da tiếp xúc dị ứng. Không loại trừ các phản ứng phản vệ.
Viêm gan cấp tính.
Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
4.7 Hướng dẫn cách xử trí ADR:
Trong thời gian được điều trị, nếu nhận thấy có bất cứ tác dụng phụ nào xấu xảy ra hoặc các triệu chứng bệnh vẫn tiếp tục tăng nặng thì nên ngưng dùng ngay và tìm kiếm phương pháp chữa trị khác phù hợp hơn.
4.8 Tương tác, tương kỵ:
Uất kim kỵ đinh hương.
Nghệ có khả năng tương tác với các chất nền CYP2D6 và CYP3A, thuốc chống tiểu cầu, thuốc chống đông máu, cladribine, thuốc chống viêm không steroid, salicylat và thuốc làm tan huyết khối.
Do không có các nghiên cứu về tính tương kỵ của thuốc, không trộn lẫn thuốc này với các thuốc khác.
4.9 Quá liều và độc tính:
Chưa có nghiên cứu quá liều trên người.
Độc tính: Thí nghiệm tinh dầu khương hoàng trên chuột bạch thí nghiệm cho thấy nếu sử dụng với liều lượng từ 9.2 ml/kg trở lên có thể gây độc.
Độc tính cấp và mạn tính của cao cồn nghệ cho uống trên chuột nhắt trắng được khảo sát với các liều cấp tính : 0,5- 1,0 và 3g/kg thể trọng hoặc liều mạn tính: 100mg/kg/ngày. Trong thí nghiệm này không thấy có tỷ lệ chết có ý nghĩa so với đối chứng. Sau thí nghiệm mạn tính, các chuột uống nghệ không tăng trọng lượng, có sự biến đổi có ý nghĩa về trọng lượng tim và phổi và giảm số lượng hồng cầu và bạch cầu. Trọng lượng các cơ quan sinh dục, sự vận động của tinh trùng và số lượng tinh trùng tăng ở chuột nhắt đực uống cao nghệ. Nghệ không có tác dụng độc hại với tinh trùng. Nghệ không có tác dụng gây đột biến và không gây ung thư.
5. Tính vị, quy kinh, tác dụng dược lý, cơ chế tác dụng của thuốc :
5.1. Tính vị – Quy kinh – Công năng:
Khương hoàng:
Tính vị: Tính ấm (ôn); vị cay (tân), đắng (khổ);
Quy kinh: Quy vào các đường kinh tỳ và can.
Công năng: có tác dụng hành khí, phá huyết, chỉ thống sinh cơ.
Uất kim:
Tính vị: lạnh (hàn); vị cay, đắng.
Quy kinh: Quy vào vào các đường kinh can, tâm và phế.
Công năng: có tác dụng hành khí hóa ứ; thanh tâm giải uất; lợi mật hết hoàng đản.
5.2. Tác dụng dược lý:
Thành phần chủ yếu có tác dụng dược lý của nghệ là curcuminoid có tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm, kháng khuẩn, kháng virus và kháng một số loại ung thư. Nhiều công trình nghiên cứu thử nghiệm ở các nước trên thế giới đã khẳng định từ lâu rằng hoạt chất curcuminoid có tác dụng hủy diệt tế bào ung thư vào loại mạnh. Curcumin có giá trị hoạt tính sinh học cao là do trong công thức cấu tạo của curcumin có các nhóm hoạt tính sau:
Nhóm parahydroxyl: hoạt tính chống oxy hóa.
Nhóm ketone: kháng viêm, kháng ung thư, chống đột biến tế bào.
Nhóm liên kết đôi: kháng viêm, kháng ung thư, chống đột biến tế bào.
Dưới đây là một số tác dụng dược lý chính của củ nghệ:
Tác dụng giảm đau:
Trong một nghiên cứu, những người trưởng thành bị viêm khớp gối đã giảm mức độ của cơn đau theo thang điểm chức năng chỉ số viêm xương khớp của Đại học Western Ontario và McMaster (WOMAC) khi dùng 500 mg chiết xuất thân rễ củ nghệ hai lần mỗi ngày. Việc giảm thời gian và tần suất sử dụng thuốc giảm đau acetaminophen cũng được ghi nhận so với giả dược.
Trong nghiên cứu về những bệnh nhân sau phẫu thuật, dùng curcumin 2.000 mg/ngày trong 3 tuần giúp giảm đau đáng kể so với nhóm dùng giả dược. Một nghiên cứu khác cũng đã xác định chiết xuất curcumin (1.500 mg/ngày [dùng ở mức 500 mg x3 lần mỗi ngày]) có hiệu quả tương đương với ibuprofen (1.200 mg/ngày [dùng 400 mg x 3 lần mỗi ngày]) trong việc cải thiện cơn đau và chức năng.
Thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng đã báo cáo tác dụng giảm đau của curcumin so với giả dược ở bệnh nhân bị viêm khớp (ví dụ: viêm khớp, viêm khớp dạng thấp). Liều lượng curcumin khoảng 1 g/ngày được dùng khi không dùng thuốc giảm đau khác và khoảng 500 mg/ngày khi dùng đồng thời với thuốc giảm đau như ibuprofen, diclofenac. Thời gian điều trị dao động từ 4 tuần đến 4 tháng. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt giữa curcumin và các thuốc giảm đau khác.
Tác dụng chống viêm, đặc biệt trong viêm khớp:
Curcumin đã được chứng minh là can thiệp vào con đường eicosanoid, liên quan đến enzyme cyclooxygenase và lipoxygenase.
Trong một nghiên cứu ở chuột, hiệu quả điều trị của curcumin tương đương với hiệu quả của hydrocortisone trong điều trị bệnh xơ phổi thực nghiệm do bleomycin gây ra.
Các thử nghiệm lâm sàng đã so sánh chất curcumin với thuốc chống viêm không steroid axit mefenamic cho thấy tác dụng giảm đau do viêm sau phẫu thuật. Nhóm dùng chất curcumin cho thấy mức độ giảm đau cao hơn đáng kể ở mỗi thời điểm.
Curcuminoid làm giảm đáng kể IL-6 huyết tương so với giả dược, sử dụng trong thời gian ít nhất 8 tuần mang lại hiệu quả đáng kể so với thời gian dưới 8 tuần. Ngoài ra CRP đã giảm đáng kể khi sử dụng các chế phẩm curcuminoid chuẩn hóa trong ít nhất 4 tuần.
Với tác dụng giảm đau và kháng viêm như trên, nhiều nghiên cứu đã chứng minh Curcumin có thể sử dụng trong các trường hợp viêm khớp. Hướng dẫn thực hành lâm sàng của Học viện phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ về điều trị viêm xương khớp đầu gối (2021) khuyến cáo rằng củ nghệ có thể có ích trong việc giảm đau, kháng viêm và cải thiện chức năng cho bệnh nhân bị viêm khớp gối nhẹ đến trung bình.
Tác dụng chống oxy hóa:
Các thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh sự giảm dấu hiệu của stress oxy hóa khi sử dụng curcumin. Các kết quả nghiên cứu cho thấy một số chỉ số liên quan tới khả năng oxy hóa giảm đáng kể (như malondialdehyd huyết thanh (MDA) và superoxide effutase huyết thanh (SOD).
Tác dụng chống ung thư:
Curcumin và các chất tương tự của nó thể hiện hoạt động ức chế tăng sinh chống lại nhiều loại khối u (bao gồm da, dạ dày, tá tràng, túi mật và đại tràng) ở nhiều giai đoạn khác nhau (khởi đầu, phát triển và di căn). Một số cơ chế được đề xuất cho khả năng chống ung thư của curcumin, bao gồm ức chế biểu hiện của các gen thúc đẩy tăng sinh và di căn; điều chỉnh các mục tiêu phân tử, kiểm soát sự bám dính của tế bào, điều chỉnh quá trình chết tế bào theo chương trình và sự xâm lấn, di căn; và điều chỉnh các enzyme kiểm soát sự phát triển của khối u.
Tác dụng trên tim mạch:
Các nghiên cứu trên động vật đã chứng minh tác dụng kháng tiểu cầu và tác động tích cực lên lipid, bao gồm giảm tính nhạy cảm của lipoprotein mật độ thấp (LDL) với quá trình oxy hóa. Các dấu hiệu của stress oxy hóa cũng được cải thiện khi dùng nghệ.
Trong số những người tình nguyện khỏe mạnh, dùng curcumin 500 mg/ngày trong 7 ngày làm giảm nồng độ cholesterol và lipid peroxide trong huyết thanh, đồng thời tăng lipoprotein mật độ cao (HDL).
Trong một thử nghiệm ở các bệnh nhân phẫu thuật ghép bắc cầu động mạch vành, việc bổ sung curcuminoid 4 g/ngày hoặc giả dược được bắt đầu 3 ngày trước khi phẫu thuật và tiếp tục trong 5 ngày sau phẫu thuật bổ sung cùng với các thuốc điều trị khác. Tỷ lệ mắc bệnh nhồi máu cơ tim tại bệnh viện giảm đáng kể ở những bệnh nhân dùng curcuminoid so với những người dùng giả dược. Các dấu hiệu viêm và oxy hóa cũng được cải thiện đáng kể ở nhóm dùng curcuminoid.
Tác dụng trên hệ tiêu hóa:
Nghệ và curcumin đã gây ra những thay đổi trong hệ vi sinh đường ruột của người trưởng thành khỏe mạnh, trong đó tác dụng chính đến từ curcumin. Sự gia tăng về các loài Clostridium, Bacteroides, Citrobacter, Cronobacter, Enterobacter, Enterococcus, Klebsiella, Parabacteroides và Pseudomonas, cũng như giảm các loài Blautia và Ruminococcus đã được báo cáo.
Một nghiên cứu chỉ ra những người mắc hội chứng ruột kích thích và viêm loét đại tràng sử dụng chiết xuất củ nghệ 1.800 hoặc 3.600 mg/ngày giúp cải thiện về chất lượng cuộc sống, giảm tỉ lệ đau bụng và khó chịu so với sử dụng giả dược. Sự cải thiện bệnh viêm đại tràng là do tác dụng chống viêm và chống oxy hóa của chất curcumin.
Một số nghiên cứu cũng thể hiện vai trò của củ nghệ trong điều trị loét dạ dày tá tràng. Một thử nghiệm sử dụng curcumin ở người trưởng thành bị đau dạ dày, có triệu chứng khó tiêu và bị loét dạ dày hoặc tá tràng và có vi khuẩn Helicobacter pylori. Ngoài liệu pháp điều trị 3 thuốc H.pylori tiêu chuẩn, bệnh nhân còn được dùng bổ sung curcumin 500 mg cộng với piperine 5 mg mỗi ngày. Kết quả cho thấy sự cải thiện đáng kể trong tất cả các triệu chứng khó tiêu, tình trạng ợ hơi, đau âm ỉ ở vùng bụng trên, đau dạ dày trước bữa ăn.
Tác dụng trên hệ thần kinh trung ương:
Curcumin có thể tác động vào một số cơ chế sinh lý bệnh liên quan đến bệnh Alzheimer, bao gồm beta-amyloid, sự phosphoryl hóa protein TAU, viêm thần kinh hoặc stress oxy hóa. Sinh khả dụng của Curcumin kém, và lại không hòa tan được trong nước sẽ hạn chế việc điều trị, nhưng các chất tương tự curcumin có thể được nghiên cứu sâu hơn để điều trị bệnh Alzheimer.
Tác dụng bảo vệ gan:
Curcumin dùng cho chuột có tác dụng bảo vệ chống nhiễm độc gan do chloroquine gây ra.
Ở những bệnh nhân trưởng thành có nồng độ ALT huyết thanh tăng cao, sau khi dùng 2 viên bột nghệ 500 mg 3 lần mỗi ngày. ALT và AST đã giảm đáng kể ở tuần thứ 12.
Ở những bệnh nhân mắc hội chứng chuyển hóa gan nhiễm mỡ không do rượu, curcumin 500 mg/ngày trong 8 tuần làm giảm đáng kể mỡ gan so với giả dược, siêu âm gan cho thấy tỷ lệ cải thiện đáng kể hàm lượng mỡ trong gan khi dùng curcumin.
Tác dụng trên bệnh tiểu đường:
Các nghiên cứu về chất curcumin ở chuột mắc tiểu đường đã cho thấy tác dụng hạ đường huyết và giảm các biến chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2, bao gồm xơ gan, bệnh võng mạc, bệnh thần kinh và bệnh thận. Curcumin có thể ức chế các sản phẩm cuối cùng của quá trình glycation, do đó làm giảm stress oxy hóa, tình trạng viêm và bảo vệ tế bào gan. Bổ sung curcumin ở chuột trong 7 tuần đã cải thiện tình trạng kháng insulin của cơ bằng cách tăng quá trình oxy hóa axit béo và glucose.
Một thử nghiệm đã đánh giá chiết xuất curcumin có tác dụng ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2. Những người dùng curcumin có các chỉ số HbA1c , đường huyết lúc đói và xét nghiệm dung nạp glucose đường uống trong 2 giờ thấp hơn đáng kể so với nhóm không dùng. Sau 9 tháng, nhóm dùng curcumin cũng cho thấy chỉ số BMI và chu vi vòng eo giảm, chức năng tế bào beta được cải thiện và tăng adiponectin.
Tác dụng trên da, làm kích thích lên da non, làm lành vết thương:
Các nghiên cứu cho thấy tác dụng của curcumin trong việc làm lành vết thương. Một nghiên cứu in vitro đã chứng minh tác dụng bảo vệ của curcumin chống lại tổn thương do hydro peroxide ở tế bào keratinocytes và nguyên bào sợi ở người. Cho chuột uống curcumin 100 mg/kg đã giúp đẩy nhanh quá trình lành vết thương ở chuột tiếp xúc với bức xạ gamma sau phẫu thuật. Sự tăng cường tổng hợp collagen và các vết thương đã được thúc đẩy nhanh lên da non. Đánh giá mô học của các mẫu sinh thiết vết thương cho thấy tỉ lệ collagen được cải thiện và mật độ nguyên bào sợi và mạch máu tăng lên.
Các nghiên cứu khác cũng cho thấy bệnh nhân được dùng curcumin đường uống cải thiện mức độ đau và rát, giảm mức độ nghiêm trọng của tổn thương ở những người bị tổn thương niêm mạc miệng.
Tác dụng khác:
Tác dụng phổ biến của curcumin trên các bệnh về phụ nữ nhất là giúp phục hồi sau sinh; các tác dụng khác liên quan bao gồm giảm tiết dịch âm đạo quá mức, làm lành vết thương sau phẫu thuật cắt tầng sinh môn và rối loạn kinh nguyệt.
Nghệ còn có thể sử dụng trong nha khoa để giảm đau, giảm sưng tấy, viêm nướu và viêm nha chu. Tác dụng này đã được mô tả trong các nghiên cứu khi dùng nghệ bôi trực tiếp vào nướu, răng.
Tác dụng cải thiện khả năng chuyển hóa sắt: Những bệnh nhân dùng curcumin có nồng độ ferritin huyết thanh cũng giảm đáng kể so với giả dược.
Cơ chế một số tác dụng chính:
Curcumin là một hợp chất phenolic tự nhiên có tác dụng dược lý đa dạng bao gồm chống ung thư, kháng khuẩn, kháng nấm, chống phù nề, bảo vệ gan, chống viêm, chống oxy hóa, chống tăng sinh và chống tạo mạch. Curcumin là chất ức chế p300 histone acetylatransferase ((HATs)) và cũng cho thấy tác dụng ức chế đối với NF-κB và MAPKs. Curcumin giúp liền vết thương nhanh chóng rõ rệt với các mô hạt được hình thành tốt do sự tăng sinh nguyên bào sợi, tăng collagen và tái tạo sớm lớp biểu mô.
Bisdemethoxycurcumin là một dẫn xuất tự nhiên của curcumin có hoạt tính chống loét, chống oxy hóa, chống viêm và chống ung thư, nó ngăn chặn sự tăng sinh tế bào MCF-7 bằng cách tạo ra sự tích lũy ROS và ngăn chặn quá trình lão hóa. Bisdemethoxycurcumin gây ra quá trình chết theo chương trình ở các tế bào xơ hóa chính trong gan HSC (Hepatic Stellate Cells), điều này có thể góp phần giải quyết tình trạng xơ hóa ở gan, nhưng không gây ảnh hưởng tới các tế bào gan khác, cơ chế có thể liên quan đến CBR2.
Demethoxycurcumin là một sản phẩm tự nhiên tiềm năng dùng để kết hợp với các tác nhân hóa trị liệu trong điều trị ung thư kháng thuốc, có hoạt tính chống chống tăng sinh, chống di căn, chống viêm, chống oxy hóa. Nó ức chế quá trình thủy phân ATP qua trung gian P-glycoprotein ở nồng độ <1 μM và ức chế hiệu quả hoạt tính của enzym ATPase được kích hoạt bằng thuốc Verapamil 200 μM.
Curcumol có tác dụng chống ung thư, chống viêm trong điều trị viêm khớp và chống động kinh, tác dụng ức chế tăng sinh tốt trong các mô hình nuôi cấy tế bào ung thư khác nhau của curcumol đã được báo cáo. Nó ngăn chặn sự hình thành hủy cốt bào do RANKL (nuclear factor kappa B ligand) gây ra bằng ức chế đường dẫn tín hiệu JNK và đường dẫn tín hiệu Jak2-STAT của các tế bào hoạt dịch (giống như nguyên bào sợi) ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp. Đây cũng là một tác nhân chống động kinh mới thông qua việc tăng cường ức chế GABAergic.
Germacrone có hoạt tính chống ung thư, nó có thể ức chế sự tăng sinh của các dòng tế bào ung thư vú bằng cách gây ra sự bắt giữ chu kỳ tế bào và quá trình chết theo chương trình thông qua con đường caspase qua trung gian ty thể. Germacrone còn kháng virus cúm A và B như H1N1, H3N2, có tác dụng hiệu quả bảo vệ chuột nhiễm virus khỏi tử vong và làm giảm lượng virus trong phổi.
Linalool, là một chất đối kháng cạnh tranh các thụ thể NMDA, có đặc tính chống viêm, an thần, chất gây tê tại chỗ và có khả năng diệt kí sinh trùng. Linalool có tác dụng an thần trên hệ thần kinh trung ương (CNS) rõ rệt phụ thuộc vào liều lượng, bao gồm các đặc tính gây ngủ, chống co giật và hạ thân nhiệt, nó cũng có tác dụng ức chế giải phóng acetylcholine (ACh) và ức chế thời gian mở kênh trong thần kinh cơ của chuột.
Stigmasterol được sử dụng làm tiền chất trong sản xuất progesterone tổng hợp, nó là chất đối kháng với thụ thể liên quan axit mật FXR, có tác dụng chống viêm, ức chế tuyến giáp, giảm cholesterol, chống oxy hóa và làm hạ đường huyết; stigmasterol có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư buồng trứng, tuyến tiền liệt, ung thư vú và đại tràng. Stigmasterol ức chế con đường NF-kappaB.
Beta-Sitosterol là một yếu tố mới có ứng dụng lâm sàng tiềm năng để làm liền sẹo. Nó có các hoạt động chống viêm, chống tăng sinh và gây chết theo chương trình mạnh, nó cũng có tác dụng hạ sốt, tương tự như acetylsalicylic acid.
Chưa rõ cơ chế tác dụng của các hoạt chất khác trong Khương hoàng.
5.3. Dược động học:
Chưa có nghiên cứu.
5.4. Các nghiên cứu lâm sàng và tiền lâm sàng:
(1) Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu):
Nghệ có hoạt tính ức chế chống viêm cấp tính và viêm mạn tính trong các mô hình gây phù bàn chân và gây u hạt thực nghiệm trên chuột cống trắng, đồng thời có tác dụng gây thu teo tuyến ức chuột cống đực non. Tác dụng này tương tự như hydrocortison acetat, hoặc indomethacin. Tinh dầu nghệ có hoạt tính chống viêm khớp thực nghiệm. Hoạt tính này có thể do ức chế các enzym trypsin và hyaluronidase. Curcumin và dẫn chất là những thành phần có hoạt tính chống viêm, tác dụng này có thể do khả năng thu dọn những gốc oxy có liên quan đến quá trình viêm. Một phân đoạn polysacharid chiết từ nghệ tiêm phúc mạc làm tăng khả năng thực bào ở chuột nhắt trắng trong thử nghiệm thanh thải carbon dạng keo.
Nghệ có hoạt tính chống loét dạ dày và loạn tiêu hoá. Cao nước hoặc cao methanol cho thỏ uống làm giảm tiết dịch vị và tăng lượng chất nhầy của dịch vị. Cho chuột cống trắng uống cao cồn làm giảm tiết dịch vị và bảo vệ niêm mạc dạ dày tá tràng chống thương tổn gây bởi thắt môn vị, stress gây bởi hạ nhiệt – cầm giữ, nhịn đói, indomethacin, reserpin và mercaptamin, và những chất phá huỷ tế bào như methanol 80 %, Acid hydrocloric 0,6 mol/ lít, natri hydroxyd 0,2 mol/lít và natri clorid 25 %. Nghệ kích thích sản sinh chất nhầy ở thành và phục hồi Sulfid không protein ở chuột cống trắng. Curcumin dự phòng và cải thiện những thương tổn gây thực nghiệm ở dạ dày do kích thích sản sinh chất nhầy. Tuy vậy, cả tiêm phúc mạc và cho uống curcumin đều gây loét dạ dày ở chuột cống trắng.
Natri curcuminat kích thích không đặc hiệu co bóp cơ trơn hồi tràng cô lập chuột lang. Curcumin ức chế sự tạo khí invitro và invivo. Cho thêm curcumin vào Clostridium perfringens phân lập từ ruột in vitro, và cho curcumin vào thức ăn cho chuột cống trắng làm giảm sự tạo khí: Tinh dầu và natri curcuminat làm tăng tiết mật sau khi tiêm tĩnh mạch cho chó; ngoài ra, còn kích thích cơ túi mật.
Cho bệnh nhân uống bột nghệ 500mg, ngày 4 lần, trong 7 ngày đã có hiệu quả tốt đối với loạn tiêu hóa acid, loạn tiêu hoá đầy hơi và loạn tiêu hoá mất trương lực.
Hai thử nghiệm lâm sàng khác đánh giá tác dụng trên loét dạ dày tá tràng cho thấy việc uống thuốc kích thích sự lành loét và làm giảm đau bụng.
Hai thử nghiệm lâm sàng chứng minh curcumin là một thuốc chống viêm có hiệu quả.
Một nghiên cứu lâm sàng ngắn hạn (2 tuần) trên bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cho thấy curcumin hoặc phenylbutazon có tác dụng cải thiện đối với sự cứng đơ buổi sáng, sưng khớp và thời gian đi bộ.
Tác dụng kháng khuẩn của một số thành phần hoá học của nghệ đã được chứng minh. Chất curcumin có tác dụng ức chế in vitro sự phát triển của trực khuẩn lao ở nồng độ tối thiểu 25 mcg/ml, ngoài ra còn có tác dụng ức chế Salmonella paratyphi ở 50 mcg/ml, tụ cầu vàng ở 50 mcg/ml. Tinh dầu nghệ ức chế trực khuẩn lao ở nồng độ 1 mcg/ml, Bacillus mycoides và nấm Candida albicans ở nồng độ 1/160 và Bacillus subtilis ở nồng độ 1/250. Thành phần turmeron của tinh dầu nghệ ức chế in vitro các vi khuẩn và nấm, theo thứ tự hoạt tính giảm dần như sau: Bacillus subtilis, Candida albicans, Mycobacterium tuberculosis, Shigella dysenteriae, S. flexneri, Diplococcus pneumoniae, Proteus vulgaris, Bacillus mycoides, Klebsiella sp. Salmonella typhi, Escherichia coli. Phân đoạn chứa aryl turmeron của tinh dầu nghệ ức chế Mycobacterium tuberculosis ở nồng độ tối thiểu 1 mcg/ml và các vi khuẩn S. dysenteriae, B. mycoides, B. subtilis, P. vulgaris. Curcumin có tác dụng kháng virus và ức chế protease của HIV -1 và HIV-2. Chất artusrmeron từ tinh dầu và dịch chiết hexan từ lá nghệ diệt ấu trùng muỗi Aedes aegyptii.
Viên Kim truật, bào chế từ nghệ và bạch truật, đã được dùng điều trị trên lâm sàng với kết quả làm giảm khá nhanh các cơn đau, làm giảm độ acid tự do dịch vị và các triệu chứng rối loạn tiêu hoá đều khỏi, nhưng chưa thấy rõ sự thay đổi hình ảnh chụp X quang của vết loét.
Viên Hương nghệ gồm nghệ vàng, mai mực, hương phụ, cà độc dược đã được nghiên cứu tác dụng được lý và lâm sàng đối với viêm loét dạ dày. Trên thực nghiệm, thuốc có tác dụng giảm loét dạ dày trong mô hình gây loét do thất môn vị và giảm độ acid dịch vị, đồng thời có tác dụng an thần. Trên lâm sàng, thuốc làm hết đau thượng vị, hết ợ chua, ợ hơi, hết cơn đau về đêm.
Thử tác dụng trên thỏ đã gây tăng cholesterol máu thực nghiệm, nước sắc nghệ đã làm giảm lượng cholesterol và lipid toàn phần trong máu một cách rõ rệt tỷ lệ beta/ alpha lipoprotein cũng giảm một cách có ý nghĩa so với đối chứng.
Cao lỏng toàn phần của nghệ vàng cũng có tác dụng làm giảm cholesterol máu và giảm lipid toàn phần trong máu thỏ đã gây tăng cholesterol máu thực nghiệm.
Cao dán nhọt bào chế từ nghệ và một số dược liệu khác điều trị cho 30 bệnh nhân bị mụn nhọt với tỷ lệ khỏi và đỡ là 84%, thời gian điều trị 3 – 9 ngày. Việc điều trị đơn giản, không phải rạch, trích, không cần dùng kháng sinh, bông băng.
Nghệ còn có tác dụng làm giảm tỷ lệ dưỡng bào vỡ khi tiêm liều chết nọc rắn hổ mang cho chuột lang hoặc khi nhỏ dung dịch nọc rắn hổ mang lên màng treo ruột chuột lang. Tác dụng này giải thích việc chữa rắn cắn và chống dị ứng theo kinh nghiệm dân gian là đúng.
Kem nghệ được điều trị cho thỏ đã gây bỏng thực nghiệm có kết quả tốt. Trong điều trị bỏng, kem nghệ có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, loại trừ tổ chức hoại tử bỏng, có tác dụng kích thích tái tạo tổ chức và liền sẹo. Nhưng hiện tượng kích thích tái tạo tăng sinh các tế bào tổ chức liên kết xuất hiện chậm và thời gian lành vết bỏng kéo dài.
Nghệ phối hợp với một số dược liệu khác có tác dụng tăng cường tái tạo tổ chức ở vết loét cổ tử cung. Rễ củ nghệ phối hợp với một số dược liệu khác kết hợp với châm cứu điều trị viêm đại tràng cho 80 bệnh nhân đạt tỷ lệ khỏi là 7,5%, đỡ là 72,5%.
Một bài thuốc có nghệ vàng và một số dược liệu khác đã được điều trị viêm gan siêu vi trùng. Có 20 bệnh nhân cấp tính đều khỏi cả về lâm sàng và xét nghiệm sinh hoá, và có 2 ca mạn tính đều không khỏi.
Tinh dầu nghệ cất từ thân rễ khô có tác dụng sát trùng yếu. Nó là thuốc chống acid, với liều nhỏ thì gây trung tiện, dễ tiêu, làm ăn ngon và bổ; với liều cao, nó có tác dụng chống co thắt làm ức chế nhu động tăng quá mức của ruột. Tác dụng chống oxy hoá của bột nghệ có thể do tính chất phenolic của curcumin. Tác dụng lợi mật của tinh dầu là do thành phần p-tolylmethyl carbinol. Chất có màu là thuốc thông mật gây co túi mật.
Muối Na của curcumin ức chế invitro sự phát triển của Micrococcus pyogenes var. aureus vối nồng độ 10^6. Thân rễ nghệ có tác dụng ức chế phát triển trên Entamoeba histolytica và kích thích hệ thần kinh trung ương.
Cao chiết với dầu hoả của nghệ cho chuột cống trắng uống hàng ngày với liều 100 và 200mg/kg từ ngày 1 đến ngày 7, đã có tác dụng ngừa thai với tỷ lê tương ứng 80% và 100%.
Curcumin chiết từ nghệ cho uống liều 100mg/kg trong 6 ngày liên tục, đã gây loét dạ dày ở chuột cống trắng.
Các chất đối kháng trên các hệ cảm thụ cholinergic, tryptaminergic và histaminergic bảo vệ một phần đối với loét dạ dày gây nên do curcumin còn việc điều trị với metiamid phòng ngừa hoàn toàn sự phát triển của tổn thương dạ dày do nghệ.
Một chất tương tự curcumin chiết từ nghệ vàng, bản thân không có tác dụng trên gan, nhưng có vẻ như đã biến đổi trong gan thành một dẫn chất của acid cinnamic có tác dụng tăng tiết mật. Cao thân rễ nghệ có hoạt tính dự phòng mạnh chống tổn thương gan gây bởi carbon tetraclorid in vivo và in vitro. Cao được tách phân đoạn dựa trên thử hoạt tính bằng thử nghiệm in vitro gây độc hại tế bào với carbon tetraclorid và galactosamin trên các tế bào gan chuột cống trắng nuôi cấy nguyên phát. Curcuminoid có tác dụng chống độc hại gan. Tác dụng bảo vệ gan của một số chất tương tự acid ferulic và acid p. coumaric, có thể là những chất chuyển hoá của curcuminoid cũng được thử nghiệm.
Cao nghệ chiết với cloroform 10% dược áp dụng tại chỗ vào những vùng gây bệnh nấm tóc thực nghiệm ở bê. Nghệ đã có hiệu quả điều trị tốt và là thuốc chống nấm tốt đối với các bệnh nấm da.
Curcumin với liều 125 mg/kg cho vào dạ dày chuột làm tăng lưu lượng mật và liều 250mg/kg làm tăng hàm lượng cholesterol và acid mật trong mật tiết ra. Một công trình tập hợp kết quả nghiên cứu của 15 nhóm tác giả cho thấy nghệ có các tác dụng: kháng khuẩn, kháng nấm, chống co thắt phế quản, kháng histamin, chống viêm, long đờm. Curcumin chiết từ nghệ có tác dạng ức chế sự tan hồng cầu gây bởi hydrogen peroxyd ở những nồng độ thấp nhưng không ức chế ở những nồng độ cao.
Curcumin cho chuột cống trắng ăn đã có tác dụng kích thích hoạt tính của men arylhydroxylase là men phụ thuộc vào cytochrom P450 của ty lạp thể gan, trong hệ thống men oxygenase của chóc phận hỗn hợp của gan. Curcumin chiết từ nghệ không có tác dụng làm tan tế bào trên bạch cầu đa nhân trung tính với nồng độ đã thử nghiệm.
Tác dụng điều hoà sinh sản của nghệ đã được thử nghiệm dựa trên tác dụng oestrogen biểu thị ở sự sừng hoá âm đạo và tăng trọng lượng tử cung ở chuột cái thiến cả 2 buồng trứng. Chuột được cho uống dịch chiết đông khô nghệ. Sự sừng hoá niêm mạc âm đạo được quan sát thấy ở 100% chuột. Nghệ chỉ gây tăng trọng lượng tử cung với liều cao, liều thấp gây giảm trọng lượng tử cung. Nghệ gây tăng số lượng hồng cầu, trị số hematocrit và hemoglobin. Nó gây tăng bạch cầu, với liều thấp, nhưng lại gây giảm bạch cầu với liều cao.
Độc tính cấp và mạn tính của cao cồn nghệ cho uống trên chuột nhắt trắng được khảo sát với các liều cấp tính : 0,5- 1,0 và 3g/kg thể trọng hoặc liều mạn tính: 100mg/kg/ngày. Trong thí nghiệm này không thấy có tỷ lệ chết có ý nghĩa so với đối chứng. Sau thí nghiệm mạn tính, các chuột uống nghệ không tăng trọng lượng, có sự biến đổi có ý nghĩa về trọng lượng tim và phổi và giảm số lượng hồng cầu và bạch cầu. Trọng lượng các cơ quan sinh dục, sự vận động của tinh trùng và số lượng tinh trùng tăng ở chuột nhắt đực uống cao nghệ. Nghệ không có tác dụng độc hại với tinh trùng. Nghệ không có tác dụng gây đột biến và không gây ung thư.
Một chất tương tự curcumin chiết tù nghệ vàng có hoạt tính chống oxy hoá mạnh đối với sự tự oxy hoá của aciđ linoleic trong một hệ nước – cồn. Nghệ ức chế tính chất gây đột biến của các chất ngưng tụ từ khói thuốc lá và dịch chiết thuốc lá.
(2) Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi (2004):
Guy Laroche (1933), H. Leclec (1935) đã chứng minh tính chất kích thích sự bài tiết mật của các tế bào gan (cholérétique) là do chất paratolyl metylcacbinol, còn chất curcumin có tính chất thông mật (cholagogue) nghĩa là gây co bóp túi mật. Chất curcumen có tác dụng phá cholesterol trong máu (cholesterolitique).
Toàn tinh dầu dù pha loãng cũng có tác dụng diệt nấm và sát trùng đối với bệnh nấm, với Staphylcoc và vi trùng khác.
Robbers (1936) nói đã dùng chất lấy ra ở nghệ bằng ête etylic thấy có tác dụng tăng sự bài tiết mật và chất curcumin có tính chất co bóp túi mật.
Trương Ngôn Chí (1955, Trung Hoa y dược tạp chí, 5) đã báo cáo: Ông đã chế nghệ dưới hai hình thức dung dịch 50% và dùng dung dịch 2% HCl để chiết xuất và chế thành dung dịch 50% (sau khi đã trung tính hóa mới dùng thí nghiệm).
Thí nghiệm trên tử cung cô lập của chuột bạch và chuột nhắt thấy có tác dụng hưng phấn, thí nghiệm trên tử cung của thỏ (theo phương pháp Reynolds) thì khi tiêm dung dịch clohydrat cao nghệ vào tĩnh mạch hoặc thụt dung dịch nghệ, đều thấy tử cung co bóp đều đặn, mỗi lần cho thuốc, thời gian tác dụng kéo dài 5-7 giờ.
Khi tiêm 5ml dung dịch clohydrat cao nghệ vào chó đã gây mê thì thấy tác dụng xúc tiến sự bài tiết nước mật, nếu tiêm tới 15-20ml, có thể đưa đến đình chỉ hô hấp và huyết áp hạ.
Thí nghiệm trên tim cô lập (phương pháp Straub) thấy có hiện tượng ức chế.
Theo Vũ Điền tân dược tập, bản thứ 4 một số tác dụng dược lý của nghệ đã được nghiên cứu như sau:
Tác dụng đối với cơ năng giải độc của gan đã được thí nghiệm bằng cách cho uống thuốc có nghệ, sau đó theo dõi khả năng giải độc của gan đối với santonin thì thấy tăng cơ năng giải độc của gan. Nếu uống liên tục, thấy tác dụng rõ hơn là uống một lần.
Đối với bệnh nhân bị galactoza niệu sau khi uống thuốc có nghệ 10 ngày, kiểm nghiệm lượng galactoza bằng phương pháp Banev thì thấy lượng Galactoza giảm xuống.
Đối với lượng urobilin tăng trong nước tiểu, uống thuốc có nghệ vài ngày sẽ thấy lượng urobilin trong nước tiểu giảm xuống.
Đối với sự tiết nước mật: Cho nước nghệ vào tá tràng sẽ thấy lượng nước mật trong tá tràng được tăng cao, nhưng lượng bilirubin không tăng, nhưng khi lượng nước mật tăng nhiều, độ sánh của nước mật cũng tăng lên.
Nếu như đang cho nước nghệ vào tá tràng làm cho lượng nước mật tăng lên, thôi không cho nước nghệ nữa mà cho dung dịch magiê sunfat đặc vào, thì lượng nước mật vẫn tăng và đặc.
Dùng nghệ trong những bệnh về gan và đường mật thì thấy chóng hết đau. Nhưng trong những trường hợp sỏi mật cấp tính thì kết quả chậm, chỉ có tác dụng từ từ.
Tác dụng kháng sinh M. M. semiakin và cộng sự (Khimia antibiotikop, xuất bản lần 3, 1, 278, Nga văn) đã chứng minh curcumin I có tác dụng ngăn cản sự phát triển của vi trùng lao Mycobacterium tuberculosis ở nồng độ 25 γ/ml, ngoài ra curcumin I còn có hiệu lực đối với Salmonella paratyphi ở nồng độ 200 γ/ml, với Staphyllococcus aureus ở nồng độ 50 γ/ml, nấm Trychophyton gypcum ở nồng độ 25 γ/ml.
Theo Taniyama H. và cộng sự (J. Pharm. Soc. Japan 1956, 76, 154-157) các xeton α-β etylenic trong hệ thống vòng có khả năng khóa nhóm -SH của men, làm rối loạn chuyển hóa của men trong cơ thể vi trùng nói chung và vi trùng lao Mycobacterium tuberculosis nói riêng. Các xeton loại này có nhiều trong nghệ.
Năm 1977, phòng vi trùng Viện chống lao và Viện Đông y Hà Nội đã thí nghiệm thấy tinh dầu nghệ ức chế được sự phát triển của vi trùng lao Mycobacterium tuberculosis H37RV ở nồng độ 1 γ/ml, nồng độ tối thiểu ức chế đối với Bacillus subtilis là 1/250, đối với Candida albicans là 1/160. Tinh dầu nghệ không có tác dụng đối với Bacterium pyocyaneum và Streptococcus hemolyticus.
Độc tính của tinh dầu nghệ LD50 của tinh dầu nghệ trên chuột nhắt trắng là 9,2ml/kg thể trọng (Bộ môn dược lý – Đại học Quân y Hà Nội, 1977).
Tác dụng khác: Võ Văn Lan đã phát hiện tiêm tinh nghệ có khả năng thấm qua các màng tế bào đặc biệt là vỏ sáp khuẩn lao và hủi, nó giúp cho chất màu xâm nhập vào trong các tế báo này (Bộ môn sinh lý, dược lý – Đại học Y khoa thành phố Hồ Chí Minh – Các hội nghị y dược học quốc tế và quốc gia quý 1 – 1977 – Thư viện y học trung ương, 3).
*Lưu ý:
Các thông tin về thuốc trên Pharmog.com chỉ mang tính chất tham khảo – Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ
Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Pharmog.com
6. Phần thông tin kèm theo của thuốc:
6.1. Đặc điểm, nguồn gốc, phân bố dược liệu, vị thuốc:
Đặc điểm nguồn gốc:
Nghệ là một loài cỏ cao 50cm đến 100cm. Thân rễ (thường gọi củ Nghệ) hình trụ, phân nhánh thành nhiều củ hình bầu dục, đường kính 1 -2 cm; có màu vàng tươi, vàng sẫm đến vàng đỏ rất thơm, có nhiều đốt (ngấn), tại các đốt có những vảy khô do lá biến đổi thành. Lá đơn, mọc từ thân rễ. Phiến lá hình bầu dục, 25-40 cm, rộng 9-16 cm, gốc thuôn hẹp, đầu nhọn, bìa phiến nguyên, hơi uốn lượn; màu xanh lục đậm ở mặt trên, nhạt ở mặt dưới. Gân lá hình lông chim, gân chính nổi rõ ở mặt dưới, các gân phụ hơi lồi ở mặt trên. Bẹ lá hình lòng máng, dài 18- 28 cm, ôm sát vào nhau tạo thành một thân khí sinh giả có màu xanh, trên bẹ lá có các đường gân dọc song song. Lưỡi nhỏ là một màng mỏng màu trắng, cao 2-3 mm.
Cụm hoa hình trụ hoặc hình trứng dính trên một cán mập dài đến 20 cm, mọc từ giữa túm lá, lá bắc rời, màu rất nhạt, những lá phía dưới mang hoa sinh sản, màu lục hoặc trắng nhạt, những lá gần ngọn không mang hoa hẹp hơn và pha màu hồng ở đầu lá, đài có 3 răng không đều, tràng có ống dài, cánh giữa dài hơn những cánh bên, màu vàng, nhị có bao phấn có cựa do một phần lồi ra của trung đới ở dưới các ô; nhị lép dài hơn bao phấn; cánh môi gần hình mắt chim, chia hơn ba thùy, bầu có lông.
Quả nang, 3 ô, mở bằng van, hạt có áo. Mùa hoa quả: từ tháng 3 đến tháng 5.
Phân bố:
Là cây trồng quen thuộc của các nước nhiệt đới, là cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể chịu được hơi bóng; cây có biên độ sinh thái rộng, thích nghi được với nhiều tiểu vùng khác nhau. Ở Việt Nam, nghệ là cây trông phổ biến ở khắp các địa phương, từ vùng ven biển đến núi cao.
Cây nghệ (Curcuma longa L.).
6.2. Thu hái – Sơ chế:
Dùng thân rễ của cây nghệ gọi là khương hoàng và rễ củ gọi là uất kim
Thân rễ (Rhizoma Curcumae longae) được thu hái vào mùa thu (khoảng tháng 8 và 9), cắt bỏ hết rễ và rễ củ (Radix Curcumae longae) để riêng. Muốn để lâu người ta hấp nghệ trong 6 -12 h, để ráo nước rồi đem phơi nắng hay sấy khô.
Trong y học cổ truyền, nghệ được chế biến như sau:
Dạng thái phiến: Đem nghệ thái phiến vát, phơi hay sấy khô. Nếu là củ khô thì ngâm, rửa, ủ mềm rồi thái phiến, phơi khô.
Dạng sao với giấm: Nghệ (10kg) giấm (1,5-2 kg). Sau khi tẩm đều, để nghệ hút hết giấm 30 phút, dùng lửa nhỏ sao khô là được. Có thể luộc nghệ với giấm, rồi thái phiến, phơi khô.
Dạng phiến sao vàng: Đem nghệ đã thái phiến sao đến khi có màu vàng thẫm
Dạng chế với phèn chua: Nghệ thái phiến tẩm nước phèn chua với tỷ lệ 10kg nghệ và 0,1 kg phèn chua, nước vừa đủ, ủ một giờ, sao đến khi vàng.
Dạng chế với giấm, phèn chua: Nghệ (10kg), giấm (1kg) phèn chua (0,lkg), nước vừa đủ. Trước hết trộn đều nghệ với giấm, thêm ít nước cháo nóng. Thêm dung dịch phèn chua vào, trộn đều, để 24 giờ, đem luộc đến khi cạn, phơi khô se (còn khoảng 30% nước), ủ mềm 2 ngày rồi thái phiến 3-5 mm,phơi khô. Cũng có thể làm như vậy trong 10 ngày liền, thái phiến, phơi hoặc sấy khô.
6.3. Bảo quản:
Không bảo quản ở nhiệt độ trên 30°C.
6.4. Thông tin khác:
PHÂN BIỆT TINH BỘT NGHỆ VÀ BỘT NGHỆ:
Tinh bột nghệ là phần tinh chất của củ nghệ sau khi qua nhiều lần sàng lọc loại bỏ tạp chất, chất xơ, bã, dầu nghệ … chỉ còn lại tinh bột (chứa chủ yếu curcumin). Tinh bột nghệ sản xuất đúng quy trình bằng máy móc hiện đại có thể tách chiết được hàm lượng curcumin cao. Tinh bột nghệ thường có giá cao lên tới cả triệu đồng/kg.
Bột nghệ là củ nghệ sấy hoặc phơi khô thành Khương hoàng, Uất kim, sau đó được nghiền để thành dạng bột. Thường bột nghệ vàng thường được dùng trong nấu ăn và có giá rẻ, chỉ vài chục ngàn đồng một kg. Vì giá cả chênh lệch như vầy nên một số nơi thường trộn thêm bột nghệ vào tinh bột nghệ để lời nhiều hơn.
6.5 Tài liệu tham khảo:
Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi (2004).
Theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam của Viện dược liệu (Tái bản lần 1).
Theo Dược thư Quốc Gia Việt Nam.
Nguồn tổng hợp khác.
7. Người đăng tải /Tác giả:
Bài viết được sưu tầm hoặc viết bởi: Bác sĩ nhi khoa – Đỗ Mỹ Linh.
Kiểm duyệt , hiệu đính và đăng tải: PHARMOG TEAM