Vị dược liệu Cát căn (Radix Puerariae thomsonii).

Cát căn (Sắn dây)

Thông tin cơ bản về dược liệu, vị thuốc Cát căn

Dưới đây là nội dung cơ bản về dược liệu, vị thuốc Cát căn (Thông tin bao gồm liều dùng, cách dùng, chỉ định, chống chỉ định, thận trọng, dược lý…)

1. Tên dược liệu/vị thuốc:

Tên thường gọi: Cát căn.

Tên dân gian, tên khác: Sắn dây, Sắn cơm, Cam cát căn, phấn cát, củ sắn dây, bạch cát, Ge gen (Trung) …

Tên khoa học vị thuốc: Radix Puerariae thomsonii

Tên khoa học của nguồn gốc chế biến ra vị thuốc: Pueraria thomsonii Benth. (đồng nghĩa Pueraria lobata Willd.)

Họ: Họ đậu hay còn gọi họ cánh bướm (Fabaceae)

Phân nhóm: Nhóm phát tán phong nhiệt.

Nhóm pháp lý, nguồn gốc: Dược liệu trong nước (Nam).

Bộ phận dùng: Rễ củ đã phơi hay sấy khô (thường gọi là củ).

2. Mô tả – Thành phần hóa học – Dạng bào chế:

Rễ củ đã cạo lớp bần bên ngoài, hình viên trụ không đều, hoặc hình bán trụ, dài 12 cm đến 15 cm, đường kính 4 cm đến 8 cm, có khi là những lát cắt dọc hoặc vát, dày, có kích thước khác nhau.

Dược liệu thường phiến dầy hay mỏng, có khi hình khối vuông, màu xám trắng, hoặc màu vàng trắng có nhiều chất xơ rất dễ tước ra thành dạng sợi. Mặt ngoài màu trắng hơi vàng, có khi màu tím nâu hoặc đỏ nâu có vết nhăn dọc thành, đôi khi còn sót lại ở các đường rãnh dọc một ít lớp bần màu nâu. Chất cứng, nặng và nhiều bột. Mặt cắt ngang có nhiều sợi tạo thành những vòng đồng tâm màu nâu nhạt; mặt cắt dọc có nhiều vân dọc do các sợi tạo nên. Mùi thơm nhẹ, vị hơi ngọt, mát. Loại nào có sắc màu trắng phấn mịn là loại tốt.

Hình ảnh tham khảo:

Vị dược liệu Cát căn (Radix Puerariae thomsonii).

Vị dược liệu Cát căn (Radix Puerariae thomsonii).

2.2. Thành phần hóa học và hàm lượng:

Trong của Sắn dây, có 12-15% tinh bột (củ tươi) đến 40% (củ khô), các chất saponosid và một flavonosid là puerarin. Trong dây và lá khô có các thành phần sau tính theo %: protein 16,3; lipid 1,8; glucid 31,1; cellulose 31,3; và nhiều acid amin, đáng chú ý là acid asparaginic, acid glutamic, prolin, leucin.

Các dẫn chất isoflavon như genistin, puerarin, daidzein, daidzin, daidzein-7,4′-diglucosid, 4-methyl puerarin. Daidzein và Genistin là những O-glucosid còn puerarin là C-glucosid của daidzein.

Bằng phương pháp phân tích sắc ký lớp mỏng và sắc ký lỏng cao áp, nhiều hợp chất isoflavonoid khác đã được phân lập và xác định như formononetin, 3′- hydroxy puerarin, 6″- O-D-xylosyl puerarin, 3′-methoxy puerarin, puerarin – 4′-0-D-glucosid, 8C – apiosyl (1″6) glucosid của daidzein và genistein. Một dẫn chất coumestan là puerarol cũng được phân lập từ rễ củ.

Rễ sắn dây còn chứa các glucosid loại olean triterpen như kudzusaponin SA1, SA2, SA3 và C1.

Các sapogenin với bộ khung olean cũng được tìm thấy trong rễ sắn dây là kudzusapogenol A, Kudzusapogenol B, Kudzusapogenol C, Sophoradiol, Cantoniensistriol, Soyasapogenol A, Soyasapogenol B.

Từ hoa sắn dây, người ta đã chiết được một saponin triterpenic mà cấu trúc đã được xác dinh là 3-O- [α – L rhamnopyranosyl – (1″2) – α – arabinopyranosyl – (1″2) – β – D glucuronopyranosyl] sophoradiol (18). Còn chất saponin tương tự Sophoradiol- 3 – O – α – L rhamnopyranosyl (1″2) β – D – galactopyranosyl (1″2) – β -glucopyranosid lại được tìm thấy trong hoa và lá.

Dưới đây tổng hợp công thức hóa học một số chất đã phân lập được từ Cát căn có tác dụng dược lý bao gồm: Puerarin, 3′-Hydroxy Puerarin (Scutebarbatine C), Lupenone, Daucosterol, Beta-Sitosterol, Stigmasterol, Daidzin, Daidzein, Dauricine,…

Cấu trúc hóa học một số hoạt chất có trong Cát căn (Radix Puerariae thomsonii).

Cấu trúc hóa học một số hoạt chất có trong Cát căn (Radix Puerariae thomsonii).

2.3. Các dạng bào chế hoặc thuốc dạng thành phẩm:

Theo nhân dân, Cát căn được dùng nhiều dưới dạng bột sắn pha trực tiếp để uống giúp thanh nhiệt mát cơ thể hằng ngày, còn trong y học thường bào chế dưới dạng thuốc sắc uống hoặc dùng để làm bột hoàn viên. Một số bài thuốc có thể kể tới như: Bài Cát căn thang chữa cảm mạo, phát sốt, sợ gió, không ra mồ hôi, (Cát căn 8g, ma hoàng 5g, quế chi 4g, đại táo 5g, thược dược 4g, sinh khương 5g, cam thảo 4g sắc uống); bài chữa sởi mọc không đều ở trẻ em (Cát căn 5 – l0g; thăng ma, cam thảo mỗi thứ l0g; ngưu bàng tử l0g. Sắc nước uống.); bài chữa viêm ruột, viêm dạ dày, lỵ kèm theo sốt (Cát căn, hoàng cầm, hoàng liên, cam thảo đều chế thành cao rồi dập viên 0,632g, mỗi viên tương đương với 2g dược liệu. Mỗi lần uống 3-4 viên, ngày uống 3 lần); Bài viền Bạch địa căn dùng làm thuốc hạ sốt giảm đau (Mỗi viên gồm 0,12g cát căn, 0,10g bạch chỉ, 0,03g địa liền. Uống mỗi lần 2 – 3 viên, mỗi ngày dùng 2-3 lần)…..

Trong y học hiện đại, gần đây ở Trung Quốc người ta dùng sắn dây chữa bệnh mạch vành, các cơn đau thắt ngực dưới dạng viên, mỗi viên chứa 10 mg isoflavon toàn phần, mỗi lần uống 1-3 viên, ngày 3 – 4 lần. Thuốc đã được dùng điều trị cho 71 bệnh nhân quan sát trong 4-8 tuần lễ, kết quả đạt 68,9%. Trong điều trị tai bị điếc đột ngột, người ta đã dùng dạng chiết cồn từ sắn dây và bào chế dưới dạng viên, mỗi viên tương đương l,5g dược liệu, ngày uống 3 lần mỗi lần uống 1-3 viên, sắn dây còn chữa bệnh cao huyết áp với liều dùng 10 – 15g, sắc nước uống. Tại Việt Nam, Cát căn cũng được sản xuất ở dạng thành phẩm phối hợp với các vị thuốc khác dưới dạng viên nang, viên nén, viên hoàn, … trong các thuốc thanh nhiệt giải độc mát gan, bổ não, giải cảm… . Hiện nay dạng thành phẩm có các thuốc sau: Trà giải cảm, Mát gan giải độc đông dược việt, Tỷ tiên phương, Não đắc sinh cerinpas, Aquadia, Colitis Danapha, Trà túi lọc thanh long, Cảm mạo thanh nhiệt PV, Tiêu ban lộ, ….

Hình ảnh sản phẩm tham khảo:

COLITIS DANAPHA
Mỗi viên bao phim tan trong ruột có chứa:
Bột Nha đam tử …………………………. 30mg
Berberin clorid …………………………. 63mg
Cao Tỏi …………………………. 70mg
Cao khô Mộc hương …………………………. 100mg
Bột Cát căn …………………………. 100mg
Tá dược …………………………. vừa đủ (Xem mục 6.1)

Thuốc Colitis Danapha của Công ty cổ phần dược Danapha

Thuốc Colitis Danapha của Công ty cổ phần dược Danapha có chứa thành phần bột Cát căn.

3. Video by Pharmog:

[VIDEO DƯỢC LÝ]

————————————————

► Kịch Bản: PharmogTeam

► Youtube: https://www.youtube.com/c/pharmog

► Facebook: https://www.facebook.com/pharmog/

► Group : Hội những người mê dược lý

► Instagram : https://www.instagram.com/pharmogvn/

► Website: pharmog.com

4. Ứng dụng lâm sàng:

4.1. Công dụng, chủ trị:

Cát căn thường được dùng đơn độc hoặc dùng phối hợp với nhiều vị thuốc khác trong các trường hợp sau:

Chữa cảm sốt phong nhiệt, miệng khát, không có mồ hôi, sợ gió, khát nước.

Chữa sởi mọc không đều ở trẻ em.

Chữa viêm ruột, viêm dạ dày, lỵ kèm theo sốt.

Hoa cát căn có công dụng giải độc rượu. Nước cát căn sống giải được ôn độc.

Bột sắn dây được dùng để pha với nước có đường uống về mùa hè, có tác dụng giải nhiệt, làm mát cơ thể.

Bột Sắn dây dùng trong việc chế thuốc viên vì nó có tính chất giúp cho viên thuốc dính, đồng thời lại dễ rã ra để thuốc chóng có tác dụng.

4.2. Liều dùng – Cách dùng:

Cách dùng :

Dùng dạng sắc: Cần sắc theo hướng dẫn trước khi uống.

Dạng bột, tán nhỏ làm hoàn: tán bột, thường phối hợp với các dược liệu khác, trộn với nước hoặc mật ong rồi nặn thành viên bằng hạt đậu xanh.

Bột sắn dây được dùng để pha với nước có đường uống về mùa hè, có tác dụng giải nhiệt, làm mát cơ thể, uống theo nhu cầu. Cũng có thể dùng theo cách sau: Cát căn thái lát phơi khô rang vàng, dùng pha nước uống thay trà.

Liều dùng:

Liều khuyến cáo: Ngày dùng 8 – 20g dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với những vị thuốc khác.

Dạng bào chế thành phẩm: Dùng theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

Thông tin bổ sung:

Lá sắn dây vò với nước gạn uống chữa ngộ độc nấm. Lá già giã nát với lá tía tô thêm nước gạn uống bã đắp chữa rắn cắn.

Hoa sắn dây với liều 4 – 10g sắc nước uống chữa say rượu, tiêu chảy ra máu, trĩ.

4.3. Chống chỉ định:

Mẫn cảm với thành phần hoạt chất của vị thuốc/dược liệu.

4.4 Thận trọng, cảnh báo:

Người âm hư hỏa vượng, thượng thực hạ hư (Bệnh có thắt lưng mỏi đau lại có đầu mặt bốc nóng từng cơn) không nên dùng.

Người âm hư hỏa vượng hoặc sốt nóng mà sợ lạnh cần thận trọng khi sử dụng.

Ảnh hưởng của thuốc lên khả năng lái xe, vận hành máy móc:

Không ảnh hưởng.

4.5 Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú:

Thời kỳ mang thai:

Chưa có nghiên cứu nào trên phụ nữ mang thai. Tránh dùng cho phụ nữ mang thai.

Thời kỳ cho con bú:

Chưa có nghiên cứu nào trên phụ nữ cho con bú. Tránh dùng cho phụ nữ cho con bú.

4.6 Tác dụng không mong muốn (ADR):

Chưa ghi nhận được báo cáo về phản ứng có hại của thuốc.

Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

4.7 Hướng dẫn cách xử trí ADR:

Trong thời gian được điều trị, nếu nhận thấy có bất cứ tác dụng phụ nào xấu xảy ra hoặc các triệu chứng bệnh vẫn tiếp tục tăng nặng thì nên ngưng dùng ngay và tìm kiếm phương pháp chữa trị khác phù hợp hơn.

4.8 Tương tác, tương kỵ:

Puerarin và các hợp chất khác từ Radix puerariae (rễ sắn dây) ảnh hưởng đến isoenzym CYP450.

Do không có các nghiên cứu về tính tương kỵ của thuốc, không trộn lẫn thuốc này với các thuốc khác.

4.9 Quá liều và độc tính:

Chưa có nghiên cứu quá liều trên người.

Độc tính: Sắn dây có độc tính rất thấp, không có tác dụng gây đột biến. Puerarin thí nghiệm trên chuột nhắt trắng bằng đường tiêm tĩnh mạch có LD50 = 738mg/kg thể trọng.

5. Tính vị, quy kinh, tác dụng dược lý, cơ chế tác dụng của thuốc :

5.1. Tính vị – Quy kinh – Công năng:

Tính vị: Rễ sắn dây có vị ngọt, cay, tính bình.

Quy kinh: Quy vào 2 kinh tỳ và vị.

Công năng: có tác dụng giải cơ, thoái nhiệt, sinh tân, chỉ khát, thoái chẩn, thăng dương, chỉ tả.

Thông tin bổ sung:

Cát phấn (Bột) có vị ngọt, tính rất lạnh (đại hàn), vào kinh vị. Có tác dụng sinh tân chỉ khát, thanh nhiệt trừ phiền. Dùng chữa phiền nhiệt, miệng khát, nhiệt sang, hầu tý.

Cát hoa có vị ngọt, hơi đắng, tính mát; vào kinh vị. Có tác dụng giải độc rượu. Dùng chữa uống rượu quá nhiều bị ngộ độc, phiền khát, phát sốt, chán ăn, nôn mửa ra chất chua, thổ huyết, đại tiện ra máu…

5.2. Tác dụng dược lý:

Tác dụng trên tim mạch: Cát căn có tác dụng trên mô cơ trơn mạch máu. Thành phần puerarin đã được phát hiện là có tác dụng ức chế các cơn co thắt trong động mạch cảnh của chuột. Cát căn cũng đã được nghiên cứu về tác dụng tiềm tàng trong điều trị rối loạn nhịp tim, thiếu máu cục bộ và đau thắt ngực ở động vật thí nghiệm. Một nghiên cứu đã chỉ ra sau khi tiêm puerarin cho những bệnh nhân bị đau thắt ngực không ổn định như một liệu pháp bổ sung cho liệu pháp trị liệu thông thường. Hầu hết có sự cải thiện về tỷ lệ đau thắt ngực, kết quả điện tâm đồ, mức tiêu thụ nitroglycerin…

Hoạt chất puerarin và Daidzein làm tăng lưu lượng mạch vành. Tác dụng gây giãn mạch vành như papaverin nhưng có khác nhau là papaverin làm tăng lượng tiêu thụ oxygen còn sắn dây lại làm giảm lượng tiêu thụ oxygen của cơ tim.

Puerarin, daidzein và dạng chiết cồn từ sắn dây còn có tác dụng làm hạ huyết áp, giảm rối loạn nhịp tim và tăng lưu lượng tuần hoàn não, giảm sức đề kháng của mạch máu. Cát căn thường làm tăng lưu lượng máu trong não người bị xơ vữa động mạch.

Tác dụng điều trị các rối loạn do sử dụng rượu: Các isoflavone daidzin, daidzein và puerarin có thể làm hạn chế lượng ethanol tiêu thụ. Cơ chế hoạt động chưa rõ ràng, nhưng sự ức chế dehydrogenase rượu được cho là cơ chế chính trong hoạt động này.

Tác dụng giống estrogen: Các thí nghiệm in vitro cho thấy daidzein thể hiện hoạt động estrogen mạnh hơn daidzin hoặc puerarin. Trong các nghiên cứu so sánh tác dụng estrogen của chiết xuất cây họ đậu có chứa phytoestrogen, sắn dây mạnh hơn đậu nành, đậu xanh ….  Trong một thử nghiệm ở phụ nữ mãn kinh (N=25), số lượng cơn bốc hỏa mỗi ngày đã giảm khi sử dụng chế phẩm đa thành phần có chứa chiết xuất cát căn. Trong một nghiên cứu khác ở phụ nữ sau mãn kinh bị rối loạn chức năng sàn chậu (N=60), sử dụng rễ sắn dây (một viên 0,33 g tương đương 0,425 mg isoflavone mỗi ngày) trong 60 ngày trước khi cắt tử cung dẫn đến hàm lượng collagen và elastin tăng lên, và lượng máu mất trong quá trình phẫu thuật ít hơn so với nhóm chứng.

Tác dụng chống viêm: Các nghiên cứu in vitro đã chứng minh tác dụng chống viêm của chiết xuất lá và rễ cây sắn. Trong mô hình thí nghiệm chuột bị viêm đại tràng, dùng puerarin đường uống làm cải thiện đáng kể mức độ nghiêm trọng của bệnh. Sự cải thiện được thể hiện qua việc ức chế cyclooxygenase-2 [COX-2], prostaglandin E2 thông qua sự ức chế yếu tố hạt nhân kappa B và kích hoạt các yếu tố hoại tử erythroid 2, giảm hoạt động và mức độ của các cytokine chống viêm (TNF-alpha, interleukin [IL]-1beta, IL-6). Trong đại thực bào phúc mạc chuột, chiết xuất lá sắn ức chế mạnh các protein gây viêm iNOS, COX-2, TNF-alpha và IL -6.

Tác dụng trên hệ thần kinh trung ương: Trong mô hình chuột thí nghiệm mắc Alzheimer, puerarin làm giảm rối loạn chức năng nhận thức do beta-amyloid gây ra bằng cách duy trì tính mềm dẻo của não bộ (neuroplasticity). Puerarin cũng đã có tác dụng chống trầm cảm ở chuột bị căng thẳng thần kinh nhẹ.

Tác dụng trên hệ tiêu hóa: Trong các dịch chiết bằng aceton, methanol và nước từ sắn dây có những dạng PA3, PA4 có tác dụng ức chế co bóp hồi tràng như kiểu papaverin, còn những dạng PM1, PM3 lại có tác dụng gây co thắt. Daidzein đối với ruột non có tác dụng giải co thắt, giãn cơ ruột, tác dụng này bằng khoảng 1/3 tác dụng của papaverin.

Tác dụng chống béo phì: Tác dụng của hoa sắn (chiết xuất hoa Pueraria thomsonii) đối với bệnh béo phì đã được đánh giá trong một thử nghiệm lâm sàng kéo dài 12 tuần (N=81). Việc giảm chỉ số khối cơ thể và mỡ nội tạng đã được chứng minh.

Tác dụng chống tiểu đường: Isoflavone ở rễ sắn dây đã được chứng minh tác dụng ức chế alpha-glucosidase trong in vitro. Các thành phần khác như puerarin có thể làm tăng cường sử dụng glucose ở chuột.

Ngoài ra một số nghiên cứu còn đề cập tới tác dụng tác dụng bảo vệ gan, tác dụng tạo xương, và tác dụng bảo vệ chống lại độc tính trên tai do gentamicin gây ra ở chuột của Puerarin.

.

Cơ chế một số tác dụng chính:

Puerarin là một Flavonoid, một chất đối kháng thụ thể 5-HT2C và đối kháng ở vị trí benzodiazepine, nó có tác dụng giảm quá trình tạo lipid trong tế bào gan nhờ kích hoạt đường dẫn tín hiệu PPARα và AMPK trong tế bào gan, tác dụng này có lợi trong điều trị gan nhiễm mỡ và rối loạn chuyển hóa lipid. Ngoài ra nó còn là một chất chống oxy hóa, dọn các gốc tự do ở trong nội bào, các đặc tính chống oxy hóa này có thể bảo vệ chống lại tổn thương và chết theo chương trình của tế bào pheochromocytoma do beta-Amyloid gây ra.

3′-Hydroxy Puerarin (Scutebarbatine C) có thể đem lại tác dụng chống viêm và chống oxy hóa, nó cho thấy hoạt động loại bỏ các gốc tự do và ONOO−, NO·rõ rệt và hoạt động loại bỏ O2− yếu. 3′-Hydroxy Puerarin cũng có thể cải thiện tình trạng kháng insulin thông qua việc tăng cường điều chỉnh sự biểu hiện của PPARγ trong tế bào mỡ 3T3-L1.

Lupenone và lupeol ức chế protein tyrosine phosphatase 1B (PTP1B) với giá trị IC50 lần lượt là 13,7 ± 2,1 và 5,6 ± 0,9 uM, chúng là chất ức chế không cạnh tranh của PTP1B, (PTP1B là mục tiêu hấp dẫn để phát triển các loại thuốc mới điều trị tiểu đường tuýp 2 và bệnh béo phì). Lupenone kích thích quá trình tạo hắc tố bằng cách tăng biểu hiện enzyme tyrosinase.

Daucosterol có hoạt tính bảo vệ thần kinh, nó có hoạt tính tăng cường tăng sinh các tế bào gốc thần kinh (NSC), có thể tham gia vào con đường IGF1-AKT, Daucosterol là một chất tiềm năng để điều trị đột quỵ, có thể làm giảm đáng kể sự mất tế bào thần kinh. Daucosterol thể hiện hoạt tính kháng khuẩn đối với Bacillus subtilis và Staphylococcus aureus; nó có tác dụng chống ung thư và chết tế bào theo chương trình trong dòng tế bào ung thư đại tràng HCT-116 ở người.

Beta-Sitosterol là một yếu tố mới có ứng dụng lâm sàng tiềm năng để làm liền sẹo. Nó có các hoạt động chống viêm, chống tăng sinh và gây chết theo chương trình mạnh, nó cũng có tác dụng hạ sốt, tương tự như acetylsalicylic acid.

Stigmasterol được sử dụng làm tiền chất trong sản xuất progesterone tổng hợp, nó là chất đối kháng với thụ thể liên quan axit mật FXR, có tác dụng chống viêm, ức chế tuyến giáp, giảm cholesterol, chống oxy hóa và làm hạ đường huyết; stigmasterol có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư buồng trứng, tuyến tiền liệt, ung thư vú và đại tràng. Stigmasterol ức chế con đường NF-kappaB.

Daidzin là một chất ức chế chọn lọc aldehyde dehydrogenase 2 (ALDH2, IC50 = 80 nM), có tác dụng chống oxy hóa, chống dị ứng, chống ung thư, chống huyết khối và chống xơ vữa động mạch, Nó có tác dụng ngăn ngừa mất xương ở chuột bị cắt bỏ buồng trứng. Hỗn hợp daidzin và glycitin có tác dụng chống béo phì, đái tháo đường.

Daidzein là một phytoestrogen isoflavone tự nhiên và là chất kích hoạt PPAR, được sử dụng như một chất bổ sung chế độ ăn uống. Daidzein có tác dụng chống ung thư, chống xơ hóa, chống mất xương và chống viêm. Daidzein ức chế con đường TLR4-MyD88-NF-κB.

Dauricine có thể có tác dụng bảo vệ thần kinh và chống khối u, nó có thể đi qua hàng rào máu não nhờ P-glycoprotein, nó có thể ức chế các tế bào khối u trong hệ tiết niệu và tế bào ung thư đại tràng di căn; nó gây ra quá trình chết tế bào theo chương trình bằng cách ngăn chặn hoạt động của NF-kappaB và gen xuôi dòng.

Robinin có tác dụng bảo vệ tim mạch đối với độc tính trên tim do doxorubicin gây ra bằng cách điều chỉnh đường truyền tín hiệu TGF-β1 ở chuột. Robinin ức chế sự biểu hiện TLR2 và TLR4 do ox-LDL gây ra ở mức độ mRNA và ức chế sự chuyển vị của NF-κB p65 bằng cách điều chỉnh đường truyền tín hiệu TLR-NF-κB, do đó ức chế sản xuất cytokine và giảm các enzyme gây viêm như cyclooxygenase (COX), lipoxygenase (LOX) ), nitric oxit synthase (NOS) và prostaglandin E2 (PGE2).

Chưa rõ cơ chế tác dụng của các hoạt chất khác trong Cát căn.

5.3. Dược động học:

Dùng phương pháp đồng vị phóng xạ cho thấy daidzein sau khi uống 30 phút xuất hiện trong máu và đạt tới đỉnh điểm trong vòng 6-8 giờ.

Trong 24 giờ, có khoảng 65% thuốc được hấp thụ qua đường tiêu hóa.

Daidzein sau khi tiêm tĩnh mạch, nửa đời phân bố và nửa đời thải trừ là 13 phút và 42 phút. Thuốc phân bố nhiều nhất ở thận và gan, vừa ở huyết tương, phổi và tim, thấp ở cơ xương, lách, tinh hoàn và não. Daidzein tiêm tĩnh mạch có khoảng 70% bài tiết qua nước tiểu trong vòng 24 giờ trong khi đó chỉ có 17% tìm thấy trong phân. Dùng thuốc bằng đường miệng lượng thuốc bài tiết qua nước tiểu và phân tương đương như trên.

Puerarin sau khi tiêm tĩnh mạch phân bố rộng khắp trong cơ thể và thải trừ nhanh chóng. Lượng puerarin nhiều nhất tìm thấy ở thận, lượng vừa phải ở huyết tương, gan và lá lách, lượng thấp nhất ỏ não. Puerarin được hấp thụ nhanh chóng qua đường tiêu hóa nhưng không hoàn toàn. Sau khi dùng thuốc 24 giờ, có khoảng 40% được tìm thấy trong đường tiêu hóa và phân. Puerarin bền vững trong đường tiêu hóa, nhưng bị chuyển hóa trong máu, gan, phổi và thận.

5.4. Các nghiên cứu lâm sàng và tiền lâm sàng:

(1) Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu):

Tác dụng đối với tim mạch: Thử nghiệm trên chó, flavon toàn phần của sắn dây tiêm thẳng vào động mạch vành với liều 1 mg/kg dẫn đến lưu lượng mạch vành tăng trung bình 24 ± 5% và sức kháng mạch vành giảm 19 ± 3%, nếu tăng liều 2 mg/kg thì lưu lượng mạch vành tăng 53 ± 6% và sức kháng giảm 34 ± 7%; tác dụng trên kéo dài trong vòng 3 phút .Còn bằng đường tiêm tĩnh mạch phải dùng liều flavon toàn phần cao hơn: 20 mg, 30 mg/kg thì lưu lượng mạch vành tăng 15 ± 4%, 44,9% và sức kháng mạch vành giảm 13,4%, 28 ± 6%.

Hoạt chất puerarin trên chó tiêm tĩnh mạch với liều 20 mg/kg làm tăng lưu lượng mạch vành 36 ± 7% và sức kháng giảm 25 ± 3%, tác dụng này kéo dài trong vòng 5 phút. So sánh với papaverin dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch với liều 2 mg/kg, tác dụng gây giãn mạch vành của thuốc tương đương với flavon toàn phần dùng liều 30 mg/kg và với puerarin dùng liều 20mg/kg, nhưng có khác nhau là papaverin làm tăng lượng tiêu thụ oxygen còn sắn dây lại làm giảm lượng tiêu thụ oxygen của cơ tim.

Trên chó gây thiếu máu cơ tim thực nghiệm bằng pituitrin dẫn đến lưu lượng mạch vành giảm, sức kháng mạch vành tăng, sau khi dùng pituitrin 4 phút, dùng flavon toàn phần của sắn dây với liều 20 – 30 mg/kg tiêm tĩnh mạch thì lưu lượng mạch vành nhanh chóng hồi phục trở lại bình thường, sức kháng mạch vành giảm nhưng huyết áp vẫn cao. Điều đó chứng tỏ flavon toàn phần đối kháng được tác dụng gây co thắt mạch vành của pituitrin, nhưng không đối kháng được tác dụng gây tăng huyết áp của chất này.

Trên chó đã dùng reserpin trước để làm tiêu kiệt hết lượng catecholamin trong mô tim, dạng flavon toàn phần với liều 30 mg/kg và puerarin với liều 20 mg/kg có tác dụng làm tăng lưu lượng mạch vành và giảm sức kháng mạch vành. Những kết quả này giống với kết quả thí nghiệm trên chó không dùng reserpin. Điều này chứng tỏ hiện tượng làm giãn mạch vành của sắn dây không liên quan đến catecholamin mà là do tác dụng giãn cơ trực tiếp.

Puerarin trên chó thí nghiệm tiêm tĩnh mạch với liều 20 mg/kg có tác dụng hạn chế phạm vi nhồi máu cơ tim thực nghiệm. Trên lâm sàng ở những bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp tính, puerarin trên tĩnh mạch với liều 4-5 mg/kg sau đó 4 giờ tiếp tục tiêm truyền tĩnh mạch puerarin với liều 4-5 mg/kg, kết quả các chỉ số tiêu hao oxygen của cơ tim, men phosphocreatine – kinase, SST tăng cao, £Q bệnh ly và phạm vi nhồi máu cơ tim đều giảm so với lô đối chứng. Những kết quả trên là cơ sở khoa học cho việc giải thích tác dụng điều trị bệnh mạch vành của sắn dây trên lâm sàng.

(a) Tác dụng hạ huyết áp. Flavon toàn phần của sắn dây, tiêm tĩnh mạch với liều 5 – 30 mg trên chó, mèo gây mê và không gây mê đều có tác dụng hạ huyết áp. Trên chó gây cao huyết áp do thận hoặc cao huyết áp nguyên phát, cao cồn sắn dây cho thẳng vào dạ dày với liều 2 g/kg có tác dụng hạ huyết áp trên một số chó. Flavon toàn phần trên chó gây mê với liều lmg/kg tiêm vào động mạch cảnh có tác dụng làm giảm trở lực tuần hoàn não, máu lưu thông càng nhanh; với liều 1 – 4 mg/kg trên động mạch đùi trên chó gầy mê có tác dụng làm giãn mạch ngoại vi.

Cao sắn dây với liều 750 mg/kg tiêm tĩnh mạch có khả năng đối kháng với tác dụng kích thích tim của isoprenalin, ngoài ra còn làm giảm nhịp tim và gây hạ huyết áp. Trên mạc treo ruột chuột nhắt trắng nhỏ dung dịch puerarin 0,5% có tác dụng đối kháng với những hiện tượng do adrenalin gây nên như gây co bóp các vi động mạch, lưu lượng tuần hoàn giảm.

(b) Tác dụng chống loạn nhịp tim. Puerarin, daidzein và dạng chiết cồn từ sắn dây, trên chuột cống trắng và chuột nhắt trắng với những mô hình gây loạn nhịp tim bằng aconitin, bari clorid, calci clorid cloroform và thắt động mạch vành trái trước đều có tác dụng đối kháng rõ rệt với loạn nhịp tim do các tác nhân trên gây nên. So sánh tác dụng của 3 dạng thuốc trên thấy rằng daidzein có tác dụng kháng loạn nhịp tim tương đối mạnh, đối với các loạn nhịp tim trên đều có tác dụng rõ rệt, dạng chiết cồn có tác dụng giống với daidzein; điều đó chóng tỏ daidzein là thành phần chủ yếu có tác dụng chống loạn nhịp tim. Còn puerarin với liều tương đương có tác dụng đối kháng rõ rệt với loạn nhịp do aconitin và bari clorid gây nên, giảm nhẹ mức độ loạn nhịp do thiếu máu cơ tim, còn tác dụng đối kháng với rung thất thì không bằng daidzein. Những kết quả trên chứng minh việc dùng sắn dây để phòng ngừa và điều trị rối loạn nhịp tim đặc biệt là trong trường hợp thiếu máu cơ tim là có cơ sở khoa học:

(c) Tác dụng đối với tuần hoàn não. Trên chó gây mê, dùng máy đo lưu lượng điện từ trực tiếp đo lưu lượng tuần hoàn não, isoflavon toàn phần của sắn dây bằng đường tiêm động mạch cảnh với liều 0,1 – 5,0mg/kg làm lưu lượng máu qua não tăng 87,7 – 134%, nếu cho thuốc bằng đường tiêm tĩnh mạch flavon toàn phần với liều 10-30 mg/kg chỉ làm lưu lượng máu qua não tăng 20%. Trên bệnh nhân cao huyết áp, flavon toàn phần tiêm bắp thịt với liều 200 mg có 53% bệnh nhân tuần hoàn não được cải thiện, làm giảm trợ lực mạch máu não.

Tác dụng đối với hệ thần kinh: Dịch chiết sắn dây với liều 2 g/kg, cho thẳng vào dạ dày trên thỏ gây sốt bằng vaccin thương hàn có tác dụng hạ nhiệt; bột sắn dây cũng có tác dụng tương tự.

Nước sắc sắn dây với liều 6 g/kg cho thẳng vào dạ dày trên chuột nhất trắng, có tác dụng cải thiện hiện tượng trí nhớ bị tổn thương do scopolamin gây nên.

Tác dụng đối với cơ trơn: Trong các dịch chiết bằng aceton, methanol và nước từ sắn dây có những dạng PA3, PA4 có tác dụng ức chế co bóp hồi tràng cô lập chuột lang như kiểu papaverin, còn những dạng PM1, PM3 lại có tác dụng gây co thắt. Daidzein đối với ruột non cô lập chuột nhắt trắng có tác dụng giải co thắt, tác dụng này bằng khoảng 1/3 tác dụng của papaverin.

Tác dụng hạ đường huyết, lipid huyết: Nước sắc sắn dây với liều 6 – 8 g/kg cho thẳng vào dạ dày trên thỏ bình thường có tác dụng hạ đường huyết, nhưng không thể đối kháng với hiện tượng đường huyết tăng cao do adrenalin gây nên. Puerarin với liều 250 – 500 mg/kg cho thẳng vào dạ dày trên chuột nhắt trắng thực nghiệm gây đường huyết tăng cao bằng alloxan, có tác dụng làm hạ đường huyết, liều càng lớn tác dụng càng mạnh. Liều 250 mg/kg là liều cận kề với liều thấp nhất có tác dụng, dùng liều này kết hợp với aspirin 50mg/kg thì tác dụng hạ đường huyết tương đương với liều cao của puerarin và có thể đối kháng với hiện tượng đường huyết tăng cao do adrenalin gây nên. Puerarin với liều 500 mg/kg hoặc dùng liều thấp phối hợp với aspirin 100 rag/kg dùng liên tục trong 9 ngày qua đường dạ dày, có tác dụng làm giảm cholesterol huyết thanh của chuột nhắt trắng thực nghiệm đã được dùng ariloxan, aspirin dùng đơn độc không có tác dụng hạ đường huyết hay hạ lipid huyết.

Tác dụng chống ung thư: Dạng chiết cồn từ sắn dây với liều 10 g/kg trên động vật thí nghiệm có tác dụng ức chế nhất định sự phát triển của tế bào sarcom 180, u báng Ehrlich và tế bào ung thư phổi Lewis. Daidzein với nồng độ 14 ng/ml có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của tế bào HL.60.

Các tác dụng khác: Puerarin 0,2% nhỏ vào mắt thỏ, dung địch puerarin 0,2 – 1,6% – 0,2 ml tiêm dưới da chuột lang theo dõi phản ứng của giác mạc và da cho thấy có tác dụng gây tê cục bộ. Thí nghiệm trên chuột hamster, cao sắn dây có tác dụng chống nghiện rượu (antidipsotropic); trên chuột cống trắng, daidzein có tác dụng hạ thấp hàm lượng rượu trong máu và rút ngắn thời gian ngủ do rượu gây nên. Đối với công năng gan trên chuột nhắt trắng gây nhiễm độc bằng CC14, isoflavon chiết từ cát căn với liều 250 mg/kg có tác dụng ức chế 30,7% hoạt độ của men GOT.

Ở Việt Nam, theo Phạm Duy Mai và cộng sự, cao sắn dây dùng bằng đường uống với liều 5 g/kg trên thỏ gây sốt thực nghiệm bằng pyrogen chuẩn, có tác dụng hạ sốt rõ rệt. về tác dụng giảm đau trên chuột nhắt trắng gây quặn đau bằng cách tiêm phúc mạc acid acetic 0,6%, sắn dây bằng đường uống với liều 5g và 10 g/kg đều có tác dụng giảm đau.

(2) Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi (2004).

Bảo vệ thiếu máu cấp tính cơ tim:

Tiêm dưới da hoặc vào xoang bụng hoạt chất cát căn trong cồn êtylic với liều 10g/kg thể trọng chuột bạch đã dược gây thiếu máu cơ tim cấp tính và theo dõi bằng điện tâm đồ sẽ thấy có tác dụng bảo vệ rõ rệt (Trung Quốc y học khoa học viện dược vật nghiên cứu sở; Y học nghiên cứu thông báo, 1972 (2), 14).

Tác dụng giải nhiệt: Cho thỏ gây sốt uống dịch chiết cát căn bằng cồn êtylic với liều 2g/kg thể trọng thấy tác dụng giảm sốt rõ rệt (Trung Hoa y học tạp chí, 1956 (10), 964).

(3) Nghiên cứu khác:

Tác dụng Giải nhiệt: Trên súc vật thực nghiệm, nước sắc Cát căn có tác dụng giải nhiệt mạnh (‘Nghiên Cứu Dược Lý Tác Dụng giải Nhiệt Một Số Thuốc Trung Y’, Trung Hoa Y Học Tạp Chí 1956, 42 (10): 964-967). Nước sắc loại Cát căn mọc ở Nhật Bản có tác dụng hạ nhiệt đối với thỏ được gây sốt nhân tạo (Trung Dược Học).

Tác dụng giãn cơ: Chất Daidzein có tác dụng giãn cơ ở ruột của chuột, tương tự như chất spasmaverine (Trung Dược Học).

Tác dụng đối với tim mạch: Chích chất Puerarin vào động mạch cảnh trong của chó được gây mê, thấy tăng lưu lượng máu trong não và giảm sức đề kháng của mạch máu.

Tác dụng này kéo dài khoảng 20 phút. Chích tĩnh mạch có tác dụng nhẹ hơn và không thể so sánh với hiệu quả của Epinephrin hoặc Norepinephrine. Cát căn thường làm tăng lưu lượng máu trong não người bị xơ vữa động mạch.

Chất Tincture hoặc chất Puerarin của Cát căn làm tăng lưu lượng máu trong động mạch vành của chó (Trung Dược Học).

Điều trị huyết áp cao: Dựa vào công trình theo dõi điều trị dài ngày việc dùng Cát căn trị cổ gáy cứng, đau do ngoại nhân, cho thấy nước sắc Cát căn có tác dụng đối với chứng gáy cứng đau do huyết áp cao gây nên. Nước sắc Cát căn cho thấy 33% bớt các triệu chứng chủ quan, có tiến triển đối vơi 58%. Thuốc cũng đồng thời cải thiện các triêïu chứng khác như chóng mặt, đầu đau, tự nó không có tác dụng đối với huyết áp thấp (Trung Dược Học).

Điều trị rối loạn ở động mạch vành: Nghiên cứu dùng nước sắc Cát căn cho thấy thuốc có một số tác dụng đối với chứng đau thắt ngực. Kết quả cho thấy 38%có cải thiện, 42% có cải thiện điện tâm đồ. Thường các dấu hiệu cải thiện xẩy ra trong khoảng 1 tháng. Hiệu quả không rõ lắm đối với bất cứ trường hợp giảm Cholesterol (Trung Dược Học).

Dùng trong tai mũi họng: Nước sắc Cát căn cho 33 ca điếc đột ngột uống mỗi ngày, kèm uống thêm Vitamin B complex. Kết quả 9 ca khỏi, 6 ca có dấu hiệu tiến triển (Trung Dược Học).

Giãn động mạch vành: Kết quả thực nghiệm cho thấy, nước sắc Cát căn có tác dụng đối kháng với nội kích tố thùy sau, gây phản ứng thiếu máu cơ tim cấp (‘Nghiên Cứu Thực Nghiệm Và Ứng Dụng lâm Sàng Vị Cát Căn Phòng trị Bệnh Tâm Phế, Bệnh Mạch Vành và Huyết Áp Cao’, Trung Hoa Y Học Tạp Chí 1972, 42 (10): 96-102).

Nước sắc Cát căn có tác dụng thu liễm, tiêu viêm, làm giãn co thắt của cơ (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

*Lưu ý:

Các thông tin về thuốc trên Pharmog.com chỉ mang tính chất tham khảo – Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ

Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Pharmog.com

6. Phần thông tin kèm theo của thuốc:

6.1. Đặc điểm, nguồn gốc, phân bố dược liệu, vị thuốc:

Đặc điểm nguồn gốc:

Cát căn là cây thảo dây leo. Rễ củ mập, nạc, có nhiều bột. Thân cành hơi có lông. Lá kép, mọc so le, gồm 3 lá chét, lá chét hình trái xoan, mắt chim, có mũi nhọn ngắn, nhọn sắc, nguyên hoặc chia 2-3 thùy, lá chét giữa lớn hơn, có lông áp sát ở cả hai mặt, gân gốc 3; cuống lá kép dài 1,3 – 1,6cm; lá kèm hình mác nhọn.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm dài 15 – 30 cm; hoa thơm, màu xanh lơ hoặc xanh tím; xếp thành chùm ở nách, lá bắc có lông; đài hình chuông, có lông áp sát màu vàng, chia 4 răng, có 1 răng rộng hơn; tràng có cánh ngắn, cánh cờ hình mắt chim rộng 1,8 cm có tai ngắn; nhị một bó; bầu dài gấp hai lần vòi nhuỵ, có lông mịn. Quả đậu, dẹt, dài khoảng 8 cm, thắt lại giữa các hạt, có nhiều lông dựng đứng màu vàng nâu. Mùa hoa: tháng 9 – 10; mùa quả: tháng 11 – 12. Củ phình dài ra có khi thành khối nặng tới 20kg ăn được.

Phân bố:

Sắn dây vốn có nguồn gốc từ hoang dại, thường mọc ở ven rừng kín thường xanh ẩm hoặc theo hành lang ven suối; ở độ cao đến 2000 m. Cây có vùng phân bố rộng ở Châu Á… sắn dây còn được nhập sang vùng Nam Hoa Kỳ và một vài nước khác ở Nam châu Mỹ. Hiện nay nó đã trở thành cây trổng phổ biến ở Trung Quốc, Việt Nam, Lào và hầu hết các nước khác ở vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên qua quá trình chọn giống và nhân trồng ở nhiều nơi, người ta đã tạo ra nhiều giống sắn dây khác nhau.

Ở Việt Nam, sắn dây cũng được trồng từ lâu đời từ miền núi đến đồng bằng.

Cây sắn dây (Pueraria thomsonii Benth.).

Cây sắn dây (Pueraria thomsonii Benth.).

6.2. Thu hái – Sơ chế:

Thu hái: Từ cuối tháng 10 đến tháng 3-4 năm sau đã có thể đào lấy củ, biến chế thành dược liệu để bán hay dùng. Người ta đào lấy rễ rửa sạch đất cát, bóc bỏ lớp vỏ giấy bên ngoài (cho dễ khô), cắt thành từng khúc dài 10-15cm, nếu đường kính quá to thì bổ dọc thành 2 nửa, có khi thái thành từng miếng dày 0,50-1cm, xông diêm sinh, sau đó phơi hoặc sấy khô. Nếu muốn chế bột sắn dây thì giã nhỏ, gạn lấy tính bột, lọc đi lọc lại nhiều lần, phơi khô.

Khúc củ:

Theo tài liệu Trung Quốc: Đem củ về rửa sạch, lấy dao cạo sạch lớp vỏ thô xốp ở ngoài, xong cắt thành những đoạn ngắn 13cm, xếp vào trong vại, dùng nước muối đặc (Cứ 100 đoạn Sắn dây thì dùng 5kg muối pha với 10 kg nước), ngâm nửa ngày. Sau lại pha thêm một ít nước (ngâm nước lúc ngập củ là được) ngâm đủ 1 tuần thì vớt ra, dùng sọt đem ra sông ngâm 3-4 giờ vớt ra rửa sạch, phơi 2-3 ngày (Khô đi độ 6-7 phần) lại bỏ vào hòm, xông Diêm sinh trong hai ngày đêm, làm cho củ mềm và trong, tất cả thành màu trắng bột không có lõi vàng nữa, thì có thể lấy đem phơi thật khô để dùng hay bán. Có lúc phải dùng xông đi xông lại 3 lần, mỗi lần mất 1 ngày, phơi hai ngày. Qua ba lần xông ba lần phơi như vậy rất phức tạp, lại khó xông cho củ trở thành trắng trong, theo kinh nghiệm thì nếu loại củ nào xông một lần mà trong ruột củ trắng trong là tốt nhất.

Khoanh củ:

Cũng là một cách chế biến của tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc: Sau khi gọt bóc vỏ ngoài ra, cắt thành miếng vuông dầy 1,7-3cm, đuôi củ nhỏ chỉ cắt khúc, sau khi dùng Diêm sinh xông thì đem sấy khô ngay là được.

Miếng vuông:

Cũng là một cách chế biến của tỉnh Tứ Xuyên: sau khi gọt bóc vỏ ngoài ra, cắt thành miếng vuông dầy (cạnh) 1,7-3cm, sau khi xông Diêm sinh xong đem sấy khô ngay là được. Ngoài ra có nơi đào về bóc bỏ lớp vỏ bên ngoài, cắt thành khúc dài 8-15cm nếu đường kính quá lớn thì bổ dọc thành 2 nửa, có khi cắt lát thành từng miếng dầy 0,5-1cm xông Diêm sinh 3 lần, sau đó ngày phơi nắng, tối sấy Diêm sinh cho tới khô. Nếu muốn lấy bột thì say nhỏ gạn lấy tinh bột lọc đi lọc lại nhiều lần rồi sấy hoặc phơi khô.

Cách chế bột sắn dây:

Cạo vỏ xay gĩa cả củ nát bấy, lọc lấy nước ở trong đổ nước lạnh vào rồi lấy khăn mà lọc cho sạch xác, bụi bặm, đất, cát căn rồi để lắng xuống mới gạn lọc nước trên cứ như thế mỗi ngày thay nước một lần, mỗi khi đổ nước vào một lần phải lọc những nước đục đi, gạn lọc như thế 1 tháng đến khi nào thấy nước trong khuấy không đục nữa thì thôi. Lọc càng kỹ bột nước mới khỏi chua, chát, bột trắng, nhưng phải thay nước hàng ngày, bột không chua. Khi đã xong đổ bột ra miếng vải băng để trên sạp khô phơi thành bột cất dùng.

6.3. Bảo quản:

Không bảo quản ở nhiệt độ trên 30°C.

Đậy kín nơi khô ráo. Dễ mốc mọt, tránh ẩm..

6.4. Thông tin khác:

Thông tin bổ sung:

Cát hoa: Cây sắn dây cho hoa gọi là Cát hoa, có vị ngọt bình, không độc, có tác dụng giải độc của rượu.

Cát căn diệp: Cây còn cho lá gọi là Cát căn diệp trị cầm máu do vết dao, đắp vào, hoặc gĩa nát tươi uống nước còn bã đắp nơi chỗ rắn cắn.

Cát căn man: Cây còn cho dây bò dưới đất gọi là Cát căn man trị viêm họng cấp tính, viêm thanh quản cấp tính, đốt cháy tán bột uống với nước.

Cát căn xác: Cho bã gọi là Cát căn xác hay Cát căn xác có vị ngọt, tính bình không độc trị lỵ, giải độc rượu.

Cát căn đằng: Cho dây gọi là Cát căn đằng có tác dụng tiêu sưng, trị nhọt lở, viêm họng thanh quản, sưng núm vú, trẻ con cấm khẩu

CHÚ Ý CÁT CĂN DỄ NHẦM LẪN VỚI CÁC CÂY SAU ĐÂY:

Tránh nhầm với cây khác thuộc chi sắn dây. Chi sắn dây Pueraria DC. là chi nhỏ, gồm các loài là dây leo quấn, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á (16 loài); Việt Nam có 5 loài. Một số loài có rễ củ, nhiều tinh bột được dùng làm thực phẩm hay làm thuốc; vài loài khác có tác dụng phủ đất, lấy lá làm thức ăn cho gia súc. Cá biệt có loài P. tuberosa (Roxb. ex Willd.) DC mọc ở Nepan, Pakistan và Ấn Độ, rễ củ có độc, thường dùng để duốc cá.

(1) Sắn dây để ăn (Pueraria edulis Pamp) là cây dây leo. Lá dài hình đầu mũi tên, lá đơn không nứt khía, cuống hoa và thân cây không có lông, lông trên cuống lá và quả rất ít. Có ở các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, Tứ Xuyên (Trung Quốc).

(2) Sắn dây Nga mi (Pueraria ometensis Tang et Wang) cây lá đơn hình trứng rộng lệch, đuôi lá hình tròn trứng lộn ngược, rộng hay gần như hình tròn, gần cuống lá hình tròn không có răng cưa, trên lá có lông cứng màu trắngvà ngắn. Có ở Vân Nam, Tứ xuyên (Trung Quốc).

(3) Sắn dây rừng (Pueraria montaba (Lour) Merr ) là cây bụi quấn, leo cao có cành hình trụ về sau có rãnh. Lá kép lông chim 3 lá chét, lá chét hình trái xoan rộng mép nguyên, gốc tròn, chóp nhọn sắc, mặt lá nhất là mặt lácó lông màu hung. Cụm hoa ở nách, thành chùy dạng chùy hay không, mang nhiều hoa. Cuống chung, có lông mềm hay lông lên màu vàng, lá bắc và lá bắc con hình trái xoan nhọn, có vằn, giống nhau. Hoa màu tím không cuốn. Đài có lông màu hung. Cánh có hình mắtchim có tai ngắn, cánh bên rất hẹp, và có tai nhọn, cánh thìa ngắn hơn cánh bên nhưng rộng gấp đôi. Nhị 1 bó. Bầu hơi có lông. Ra hoa từ tháng 4-5 tới 9. Mọc hoang ở nước ta củ có thể làm dược liệu dược không, còn nghiên cứu (xem: Dã cát) (Danh Từ Dược Học Đông Y).

6.5 Tài liệu tham khảo:

Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi (2004).

Theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam của Viện dược liệu (Tái bản lần 1).

Theo Dược thư Quốc Gia Việt Nam.

Nguồn tổng hợp khác.

7. Người đăng tải /Tác giả:

Bài viết được sưu tầm hoặc viết bởi: Bác sĩ nhi khoa – Đỗ Mỹ Linh.

Kiểm duyệt , hiệu đính và đăng tải: PHARMOG TEAM