Vị thuốc Bình vôi (Tuber Stephaniae).

Bình vôi

Thông tin cơ bản về dược liệu, vị thuốc Bình vôi

Dưới đây là nội dung cơ bản về dược liệu, vị thuốc Bình vôi (Thông tin bao gồm liều dùng, cách dùng, chỉ định, chống chỉ định, thận trọng, dược lý…)

1. Tên dược liệu/vị thuốc:

Tên thường gọi: Bình vôi.

Tên dân gian, tên khác: Củ một, Củ mối tròn, Ngải tượng, tử nhiên, Cà tom, Thiên kim đằng, …

Tên khoa học vị thuốc: Tuber Stephaniae

Tên khoa học của nguồn gốc chế biến ra vị thuốc: Stephania spp. (Stephania glabra Roxb. Miers., Stephania rotunda Lour)

Họ: họ Tiết dê hay còn gọi là Biển bức cát (Menispermaceae)

Phân nhóm: Nhóm thuốc an thần.

Nhóm pháp lý, nguồn gốc: Dược liệu trong nước (Nam).

Bộ phận dùng: Rễ củ phơi hoặc sấy khô.

2. Mô tả – Thành phần hóa học – Dạng bào chế:

2.1. Mô tả dược liệu/vị thuốc:

Bình vôi dược liệu là phần gốc thân phình ra thành củ (rễ củ) của cây Bình vôi hoặc một số loài khác thuộc chi Bình vôi. Phần này sẽ được cạo bỏ vỏ đen ở ngoài hoặc thái thành miếng phơi hay sấy khô.

Dược liệu Bình vôi là phần gốc thân phát triển thành củ to, có củ rất to, hình dáng thay đổi tuỳ theo nơi củ phát triển. Vỏ ngoài màu nâu đen, khi cạo vỏ ngoài có màu trắng xám. Hoặc đã thái thành miếng to, nhỏ không đều, có màu trắng xám hoặc ngả vàng, vị đắng.

Hình ảnh tham khảo:

Vị thuốc Bình vôi (Tuber Stephaniae).

Vị thuốc Bình vôi (Tuber Stephaniae).

2.2. Thành phần hóa học và hàm lượng:

Rễ củ Bình vôi chứa nhiều alcaloid, trong đó, chủ yếu là L-tetrahydropalmatin (còn gọi là rotundin), stepharin, roemerin, cycleanin, cepharanthin. Ngoài ra, còn có tinh bột, đường khử.

Thành phần hoá học của chi Stephania gồm có alcaloid, tinh bột, đường khử, acid malic, men oxydase… Trong đó alcaloid là thành phần chính và được quan tâm nghiên cứu nhiều nhất.

Benzyl isoquinolin: Gồm 3 chất, trong đó có chất Papaverin

Bis benzyl isoquinolin: Gồm 40 chất, trong đó có chất Tetrandrin

Protoberberin: Gồm 22 chất, trong đó có L-tetrahydropalmatin và Palmatin

Aporphin: Gồm 54 chất, trong đó có Roemerin

Proaporphin: Gồm 3 chất, trong đó có Stepharin

Hasubanan: Gồm 29 chất, trong đó có Cepharamin

Theo Đỗ Tất Lợi có trích dẫn các tài liệu khác, năm 1940 Bùi Đình Sang xác định củ bình vôi mọc ở Việt Nam có tinh bột, đường khử, men oxydase, nhiều alcaloid với tỉ lệ 0,12-0,15% (tính trên củ tươi), trong đó chiết được một alcaloid, Bùi Đình Sang đặt tên là Rotundin.

Năm 1965, Viện nghiên cứu cây thuốc và cây có tinh dầu toàn bang Xô Viết (Vilar) đã xác định Rotundin của Bùi Đình Sang chiết được từ củ bình vôi ở Việt Nam chính là L-tetrahydropalmatin.

Năm 1964, Ngô Vân Thu chiết được một alcaloid ở loài bình vôi khác với tỷ lệ 0,1% và đã xác định đó là Roemetin năm 1971.

Năm 1999, Nguyễn Tiến Vững đã phân lập và xác định cấu trúc 5 alcaloid:

L-tetrahydropalmatin từ củ cả 3 loài Stephania glabra (Roxb.) Miers., Stephanỉa kuinanensis H.S.Lo et M.Yang., Stephania sp.

Roemetin từ quả xanh loài Stephania glabra (Roxb.) Miers.

Palmatin từ củ loài Stephania sp3 thu hái từ Quảng Ninh.

Cycleanin từ củ loài Stephania sp3 thu được từ Quảng Ninh.

Stepharin từ củ loài Stephania kuinanensis H.S.Lo et M.Yang.

Theo dược điển Việt Nam, dược liệu phải chứa ít nhất 0,4 % (kl/kl) L-tetra-hydropalmatin (C21H25NO4) tính theo dược liệu khô kiệt.

Dưới đây tổng hợp công thức hóa học một số chất đã phân lập được từ Hoài sơn có tác dụng dược lý bao gồm: Tetrahydropalmatine, Palmatine, Cycleanine, Cepharanthine, Sinomenine, Sinomenine, …

Cấu trúc hóa học một số hoạt chất có trong củ Bình vôi (Stephania spp).

Cấu trúc hóa học một số hoạt chất có trong củ Bình vôi (Stephania spp).

2.3. Các dạng bào chế hoặc thuốc dạng thành phẩm:

Theo y học cổ truyền, Bình vôi là 1 trong 5 loại thảo dược thuộc nhóm dưỡng tâm an thần được sử dụng rộng rãi trong dân gian Việt Nam. Cùng với Trinh nữ, Lạc tiên, Vông nem, Sen,… Bình vôi chủ yếu được dùng để điều trị mất ngủ, làm giảm stress trong bệnh viêm dạ dày do stress, bệnh thần kinh căng thẳng…. Một số bài thuốc dân gian có chứa vị thuốc Bình vôi như: bài trị mất ngủ do suy nhược thần kinh (Bình vôi 12g, lạc tiên 12g, vông nem 12g, liên tâm 6g, cam thảo 6g, Sắc uống); bài chữa bệnh đường tiêu hóa, viêm dạ dày (Bình vôi, dạ cẩm, khổ sâm, xa tiền tử, mỗi vị 12g, Sắc uống); bài trị bệnh đường hô hấp, đau họng, viêm phế quản (Bình vôi, huyền sâm, cát cánh, mỗi vị 12g, trần bì 10g, sắc uống); bài trị bệnh động kinh, thần kinh căng thẳng (Bình vôi, câu đằng, thiên ma, viễn chí, mỗi vị 12g, Sắc uống);…

Trong y học hiện đại, nhiều chế phẩm đông dược có tính an thần gây ngủ được sản xuất dựa trên các dược liệu Bình vôi, tâm sen, lạc tiên…., ngoài ra Bình vôi còn được dùng để sản xuất ra Rotundin là dược phẩm được sản xuất nhiều trong tây y và có thể thay thế cho Diazepam khi bệnh nhân bị quen thuốc. Hiện nay Bình vôi cũng xuất hiện một số ít trong thị trường dưới dạng thực phẩm bảo vệ sức khỏe/thực phẩm chức năng. Dạng thành phẩm có các thuốc sau đây chứa bình vôi: An thần ACP, An thần ngủ ngon tâm tâm, An thần TW3, Dưỡng tâm an, Dưỡng tâm an thần ĐDV, Lopassi, Mimosa viên an thần, Viên an thần Rutynda, Viên nang An thần, …. Ngoài ra cũng rất nhiều biệt dược khác chứa thành phần Tetrahydropalmatine (Rotundin) được chiết xuất từ củ Bình vôi như: Lexo-Dream 30, Rodatif, Rotunda, Rotundin, Rotundin – BRV, Rotundin – SPM (ODT), Rotundin 30mg, Rotundin 60mg, Rotundin TW3, Stilux – 60, Transda, Transda-S ….

Hình ảnh sản phẩm tham khảo:

MIMOSA VIÊN AN THẦN
Mỗi viên nén bao phim có chứa:
Cao đặc Bình vôi …………………………. 49.5 mg
Sen lá …………………………. 180mg
Lạc tiên …………………………. 600mg
Vông nem lá …………………………. 600mg
Trinh nữ …………………………. 638mg
Tá dược …………………………. vừa đủ (Xem mục 6.1)

Thuốc Mimosa viên an thần của công ty cổ phần dược phẩm OPC

Thuốc Mimosa viên an thần của công ty cổ phần dược phẩm OPC có chứa thành phần Bình vôi.

3. Video by Pharmog:

[VIDEO DƯỢC LÝ]

————————————————

► Kịch Bản: PharmogTeam

► Youtube: https://www.youtube.com/c/pharmog

► Facebook: https://www.facebook.com/pharmog/

► Group : Hội những người mê dược lý

► Instagram : https://www.instagram.com/pharmogvn/

► Website: pharmog.com

4. Ứng dụng lâm sàng:

4.1. Công dụng, chủ trị:

Bình vôi thường được dùng đơn độc hoặc dùng phối hợp với nhiều vị thuốc khác trong các trường hợp sau:

Trị mất ngủ do suy nhược thần kinh. Có thể cân nhắc dùng thay thế Diazepam đường uống trong một số trường hợp.

Chữa bệnh đường tiêu hóa, viêm dạ dày.

Trị bệnh đường hô hấp, đau họng, viêm phế quản.

Trị bệnh động kinh, thần kinh căng thẳng.

4.2. Liều dùng – Cách dùng:

Cách dùng :

Dùng dạng sắc hoặc cao lỏng: Cần sắc theo hướng dẫn trước khi uống.

Dạng bột, tán nhỏ làm hoàn: tán bột mịn, thường phối hợp với các dược liệu khác, trộn với nước hoặc mật ong rồi nặn thành viên bằng hạt đậu xanh.

Liều dùng:

Liều dùng: Ngày dùng từ 3 g đến 6 g, dạng thuốc sắc, thuốc bột hoặc rượu thuốc.

Ngày dùng 0,05g – 0,1 g Rotundin dưới dạng thuốc bột, thuốc viên. Có thể chế thành dạng tiêm 0,05g Rotundin hydroclorid hay Rotundin sulfat trong ống 5ml.

Trẻ em từ 1-5 tuổi uống với liều từ 0,020g – 0,025g; trẻ em 5-10 tuổi uống từ 0,030g – 0,050g.

Dạng bào chế thành phẩm: Dùng theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

4.3. Chống chỉ định:

Mẫn cảm với thành phần hoạt chất của vị thuốc/dược liệu.

Người đang vận hành tàu xe, máy móc, người trầm cảm.

Không sử dụng củ bình vôi cho phụ nữ đang mang thai hoặc trẻ dưới 12 tháng tuổi.

4.4 Thận trọng, cảnh báo:

Trong củ bình vôi có chứa một lượng độc tố nhỏ, vì vậy không nên tự ý dùng thuốc, cần phải theo sự hướng dẫn chặt chẽ của bác sĩ.

Ngoài ra, một alkaloid khác của củ bình vôi là roemerin có khả năng làm tê liệt niêm mạc và giảm nhịp tim. Vậy nên sử dụng củ bình vôi cần đúng cách và hết sức thận trọng.

Ảnh hưởng của thuốc lên khả năng lái xe, vận hành máy móc:

Không dùng thuốc này cho người lái xe hay vận hành máy móc.

4.5 Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú:

Thời kỳ mang thai:

Chưa có nghiên cứu nào trên phụ nữ mang thai. Tránh dùng cho phụ nữ mang thai do có tính phá huyết mạnh.

Thời kỳ cho con bú:

Chưa có nghiên cứu nào trên phụ nữ cho con bú. Tránh dùng cho phụ nữ cho con bú.

4.6 Tác dụng không mong muốn (ADR):

Rotundin có thể gây nên một số tác dụng phụ (hiếm khi) như: đau đầu, chóng mặt, kích thích vật vã hoặc mất ngủ.

Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

4.7 Hướng dẫn cách xử trí ADR:

Trong thời gian được điều trị, nếu nhận thấy có bất cứ tác dụng phụ nào xấu xảy ra hoặc các triệu chứng bệnh vẫn tiếp tục tăng nặng thì nên ngưng dùng ngay và tìm kiếm phương pháp chữa trị khác phù hợp hơn.

4.8 Tương tác, tương kỵ:

Tác dụng an thần của Rotundin tăng lên khi uống rượu và khi dùng đồng thời với các thuốc an thần khác.

Do không có các nghiên cứu về tính tương kỵ của thuốc, không trộn lẫn thuốc này với các thuốc khác.

4.9 Quá liều và độc tính:

Các nghiên cứu gần đây cho thấy dùng quá liều Rotundin (từ 300 – 1200mg) có thể gây các rối loạn về nhịp tim và điện tim.

Xử trí: Điều trị triệu chứng và hỗ trợ, không có thuốc giải độc đặc hiệu. Có thể dùng Atropin để điều trị nhịp chậm, đặt nội khí quản và hỗ trợ hô hấp có thể rất cần thiết..

Độc tính: Về độc tính cấp, trên chuột nhắt trắng bằng đường uống, Rotundin chlohydrat có LD50 = 1000 mg/kg. Trên thỏ, tiêm tĩnh mạch với liều 30mg/kg, súc vật tỏ ra mệt mỏi trong 1-2 ngày sau đó phục hồi bình thường.

Về độc tính bán mạn, trên chuột cống trắng cho cùng với liều 10-30mg/kg trong 60 ngày liên tiếp không thấy xuất hiện các triệu chứng nhiễm độc trên các lô thí nghiệm.

5. Tính vị, quy kinh, tác dụng dược lý, cơ chế tác dụng của thuốc :

5.1. Tính vị – Quy kinh – Công năng:

Tính vị: vị đắng hơi ngọt, tính mát.

Quy kinh: Quy vào hai kinh can, tỳ.

Công năng: Có tác dụng tuyên phế khí, an thần, dưỡng huyết, thanh nhiệt, giải độc, tán ứ, hành huyết, hoá đàm, tán kết, khu phong, hoạt lạc.

5.2. Tác dụng dược lý:

Nhiều hoạt chất chiết được từ các loài bình vôi đã được nghiên cứu.

Rotundin (L-tetrahydropalmatin) là alcaloid có tác dụng dược lý chính được chiết từ củ Bình vôi, có tác dụng an thần gây ngủ, giảm đau và chống co giật. Nhiều công trình nghiên cứu trong nước và ngoài nước đã cho thấy Rotundin có tác dụng an thần gây ngủ với liều thấp mà độ dung nạp của thuốc lại rất cao, ít độc. Ngoài ra, Rotundin có tác dụng điều hòa nhịp tim, hạ huyết áp, giãn cơ trơn nên làm giảm các cơn đau do co thắt đường tiêu hóa và tử cung. Mặt khác, dược chất này còn được dùng để chữa hen hay nấc nhờ tác dụng điều hòa hô hấp.

Dịch chiết củ Bình vôi có tác dụng bảo vệ cơ tim nhờ tăng lưu lượng máu mạch vành, hạ huyết áp và chống rối loạn nhịp tim; Ngoài ra còn có tác dụng bảo vệ gan và bảo vệ dạ dày do stress.

Dịch chiết Bình vôi có thể chống co giật và chống trầm cảm thông qua ức chế hoạt động của MAO-A. Ngoài ra còn có nhiều tác động lên tình trạng viêm và giảm đau nhờ làm giảm sản xuất các chất gây viêm trong cơ thể.

Cơ chế một số tác dụng chính:

Tetrahydropalmatine, một alkaloid có tính chất đối kháng thụ thể D1 mạnh và chọn lọc, Tetrahydropalmatine đối kháng với thụ thể 5-HT2 và/hoặc D2 ở vùng dưới đồi để gây hạ huyết áp và chậm nhịp tim. Tetrahydropalmatine còn có tác dụng an thần gây ngủ do liên quan đến hệ thống dẫn truyền thần kinh dopaminergic, phần nào đó tác dụng giống với benzodiazepine là thông qua thụ thể GABA-A. Tetrahydropalmatine có thể bảo vệ hiệu quả các tế bào nội mô chống lại tổn thương do chiếu xạ tia gamma. Tetrahydropalmatine có tiềm năng để ngăn ngừa xơ hóa và làm tăng tái tạo cơ nhờ thúc đẩy quá trình biệt hóa nguyên bào cơ thông qua kích hoạt p38MAPK và MyoD, đồng thời ngăn ngừa rối loạn chức năng tế bào nội mô liên quan đến tổn thương phổi do chiếu xạ ion hóa.

Palmatine có tác dụng chống trầm cảm thông qua ức chế hoạt động của MAO-A, giảm nồng độ nitrit, corticosterone trong huyết tương và chống oxy hóa. Palmatine có tác dụng bảo vệ tế bào gan có thể do ức chế đối với dòng kali và canxi trong tế bào gan (I(K) và I(CRAC)) , đồng thời kích hoạt con đường AhR-CYP1A. Ngoài ra nó còn có thể ứng dụng trong chống tăng lipid máu.

Cycleanine cho thấy các hoạt động kháng khuẩn, kháng nấm, chống co thắt và gây độc tế bào mạnh. Cycleanine, giống như đồng phân của nó – tetrandrine, có thể là một tác nhân chống ung thư buồng trứng mới. Cycleanine chống co thắt cơ chống lại Plasmodium falciparum 3D7. Cycleanine còn ức chế rõ rệt hoạt động của Na(+),K(+)-ATPase và ức chế nhẹ Mg(2+)-ATPase, H(+)-ATPase và Ca(2+)-ATPase.

Cepharanthine có hoạt tính chống hợp bào, chống khối u, chống viêm, chống dị ứng, chống oxy hóa và điều hòa miễn dịch ở in vivo, nó có tiềm năng ức chế sự nhân lên của virus HIV-1 trong dòng tế bào đơn nhân bị nhiễm virus HIV-1. Cepharanthine ức chế quá trình xâm nhập của HIV-1 bằng cách tác động lên màng sinh chất.

Sinomenine cho thấy tác dụng bảo vệ thần kinh, điều trị viêm khớp dạng thấp, chống viêm và ức chế miễn dịch, nó có thể làm giảm viêm đại tràng do axit sulfonic 2, 4, 6-trinitrobenzene (TNBS) gây ra ở chuột, cơ chế có thể do giảm sản xuất TNF-alpha và IFN-gamma ở đại tràng do TNBS gây ra.

Chưa rõ cơ chế tác dụng của các hoạt chất khác trong Bình vôi.

5.3. Dược động học:

Rotundin HCl được hấp thu tốt khi uống, xuất hiện trong huyết tương trong vòng 60 phút, nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt 2,5-6 giờ.

Sinh khả dụng Rotundin HCl đạt 25-50%, 70% thuốc gắn với protein huyết tương. Thể tích phân bố 3,5 lít/kg. Thuốc được bài tiết qua nước tiểu dưới dạng không đổi hoặc dưới dạng chuyển hoá, sự bài tiết phụ thuộc vào pH và lưu lượng nước tiểu.

5.4. Các nghiên cứu lâm sàng và tiền lâm sàng:

(1) Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu):

L-tetrahydropalmatin (Rotundin): Theo tài liệu L-tetrahydropalmatin thử trên chuột cống trắng đã chứng minh có tác dụng an thần, gây ngủ, với liều 25-30 mg/kg làm giảm hoạt động tự nhiên của chuột thí nghiệm. Dùng với liều cao xuất hiện loạn vận động và triệu chứng giữ nguyên thể (catalepsy) với liều 2,5 mg/kg L-tetrahydropalmatin đối kháng tác dụng kích thích làm tăng hoạt động của chuột do Phenamin gây nên. Trên chuột nhắt trắng bằng đường uống với liều 30mg/kg L-tetrahydropalmatin có tác dụng kéo dài giấc ngủ của Thiopentan gấp 1,5 lần. Đối với hoạt động của hệ thần kinh trung ương, quan sát trên điện não đồ của thỏ có cắm điện cực ở các vùng cảm giác, vận động trước sau phải trái và vùng thị giác của hai bán cầu não thấy L-tetrahydropalmatin với liều 20mg/kg làm xuất hiện các cụm sóng chậm có biên độ cao. Ngoài ra, thành phần các sóng delta ở các vùng vận động tăng và thành phần các sóng nhanh beta giảm.

Trên mô hình gây co giật bằng Conazol hoặc bằng Strychnin hoặc bằng shock điện Rotundin với liều cao ( > 100 mg/kg) có tác dụng kháng co giật và bảo vệ được một phần súc vật khỏi bị tử vong. Trên mèo gây mê dùng Rotundin bang đường tiêm tĩnh mạch với liều 5-20 mg/kg có tác dụng làm hạ huyết áp.

Thí nghiệm trên ruột thỏ tại chỗ (insitu) với liều 0,5-1,0 mg/kg làm giảm trương lực cơ trơn trên ruột. Bằng đường uống trên thỏ thí nghiệm với liều 15mg/kg L-tetrahydropalmatin có tác dụng giảm đau.

Trên chuột cống trắng bình thường và chuột bị cắt tuyến giáp trạng, L-tetrahydropalmatin đều có tác dụng hạ nhiệt độ và giảm chuyển hoá cơ bản. Tác dụng hạ nhiệt có thể là do ức chế trung khu điều nhiệt và làm giãn các mạch máu ngoại vi.

Về độc tính cấp, trên chuột nhắt trắng bằng đường uống, Rotundin chlohydrat có LD50 = 1000 mg/kg. Trên thỏ, tiêm tĩnh mạch với liều 30mg/kg, súc vật tỏ ra mệt mỏi trong 1-2 ngày sau đó phục hồi bình thường.

Về độc tính bán mạn, trên chuột cống trắng cho cùng với liều 10-30mg/kg trong 60 ngày liên tiếp không thấy xuất hiện các triệu chứng nhiễm độc trên các lô thí nghiệm.

Thí nghiệm trên chuột cống trắng đực, dùng với liều 8 mg trên mỗi con chuột, không gây đột biến nhiễm sắc thể ở tế bào tuỷ xương và tế bào tinh hoàn.

Cepharanthin được phân lập từ Stephania cepharantha và Stephania pierrei theo tài liệu thử trên súc vật chiếu xạ tia X, Cepharanthin với liều lmg/kg làm giảm nhẹ hiện tượng giảm bạch cầu do sử dụng các thuốc chống ung thư gây nên, còn có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu máu do collagen gây nên và có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của bệnh bụi phổi thí nghiệm. Cepharanthin được coi là một chất có tác dụng kích thích miễn dịch và làm giảm nhẹ một cách hữu hiệu những tác dụng phụ của các thuốc chống ung thư. Cepharanthin ức chế sự phát triển của trực khuẩn lao. Thí nghiệm trên ống kính (invitro) ức chế sự tăng sinh của các tế bào ung thư Hela và Hela S3.

Cepharanthin đã được chứng minh có tác dụng ức chế mạnh quá trình sao chép (replication) của HIV 1.

Tetrandrin: S, S tetrandrin là thành phần chủ yếu có trong S. tetrandra và S. cepharantha. Tetrandrin gây hạ huyết áp, có tác dụng chẹn giống calci. Còn có tác dụng chống viêm và ức chế miễn dịch. Tetrandrin ức chế virus Herpes simplex tuýp 1, có tác dụng điều trị viêm kết mạc.

Isotetrandim có tác dụng chống viêm thực nghiệm do carragenin gây nên. Trên chuột cống có tác dụng giảm đau, hạ nhiệt, có thể đối kháng với tác dụng gây co bóp hồi trường của histamin và acetylcholin.

Roemenin (roemerin): có tác dụng gây tê niêm mạc, dung dịch 0,5 % có tác dụng gây tê tương đương với dung dịch 1 ,8% clorhydrat cocain. Đối với tim ếch cô lập, roemenin gây ức chế, giảm biên độ và tần số co bóp của tim. Với liều cao tim ngừng đập ở thời kỳ làm trương. Roemonn đối kháng với tác dụng tăng co bóp ruột của acetylcholin Roemenin có tác dụng giãn mạch gây hạ huyết áp trên chuột nhắt trắng. Roemerin có LD50 = 0.125 g/kg, tương đương với độ độc của clorhydrat cocain.

Cycleanin: có tác dụng chống viêm, còn được chứng minh là có tác dụng chống ký sinh trùng sốt rét một cách đặc hiệu. Có hoạt tính độc tế bào rất cao đối với tế bào ung thư Hela

Chất assimilobin: một alcaloid có cấu trúc aporphine được chiết tách từ S. pierrci cũng được chứng minh là có tác dụng chống sốt rét đồng thời lại không có tác dụng độc tế bào.

Stepharin: có tác dụng ức chế men cholinesteraza, trên tiêu bản cơ ếch và ruột thỏ cô lập, sau khi dùng stepharin thì tác dụng của acetylcholin được tăng cường. Trên mèo thí nghiệm stepharin với các liều 5, 10 và 20 mg/kg có tác dụng hạ huyết áp kéo dài.

(2) Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi (2004).

Tác dụng dược lý của rotundin đã được nghiên cứu trong nước ta (Revue médicochirurgicale franca Use d “Extreme-orient, 4-1944, 430-433), tại Liên Xô cũ (Dược lý học và độc chất học, 3- 1961), Rumani (1963) và Trung Quốc (Dược học thông báo, 1965). Sau đây là một số kết quả:

Rotundin rất ít độc: Tiêm vào mạch máu một con thỏ với liều cao hơn 30mg/1kg thể trọng, con thỏ chỉ mệt 1-2 ngày, đồng tử bị liệt nhất thời rồi lại hết.

Tác dụng trấn kinh rõ rệt trên nhu động vị tràng. Trên mẩu ruột lấy riêng, nó gây hiện tượng giảm khẩn rõ rệt mà vẫn duy trì sự co bóp điều hoà và kéo dài. Có thể dùng chữa những trường hợp tăng nhu động và ống tiều hoá bị giật.

Tác dụng điều hoà đối với tim và bổ tim nhẹ.

Còn có các dụng điều hoà hô hấp có thể dùng chữa hen hay chữa nấc.

E. A. Trutêva (Liên Xô cũ, 1961) còn chứng minh tác dụng an thần, gây ngủ và chống co quắp, hạ huyết áp.

Đối với những ancaloit khác của củ bình vôi, chỉ có ancaloit A (tức là roemerin) do Ngô Vân Thu chiết, được Dương Hữu Lợi thí nghiệm duợc lý (Y học Việt Nam, 1-1966) và đã đi tới những kết luận sau đây:

Dung dịch ancaloit A có tác dụng gây tê niêm mạc và phong bế: Tính theo công thức G. Valette, dung dịch 0,5% có tác dụng gây tê niêm mạc tương đương với dung dịch 1,8% clohydrat cocain, theo thí nghiệm của Mak và Nelson, dung dịch ancaloit A 0,5% có tác dụng gây tê phong bế mạnh hơn dung dịch clohydrat cocain 1% và đung dịch novocain 3%.

Ancaloit A làm giảm biên độ và tần số co bóp của tim ếch cô lập, nhưng với liều mạnh hơn, tim ếch ngừng ở thời kỳ tâm trương. Điều này chứng tỏ dung dịch ancaloit A có ảnh hưởng trực tiếp trên tấm cơ và làm ngừng co bóp. Dung dịch ancaloit A có tác dụng đối lập với tác dụng gây tăng trương lực và nhu động co bóp ruột của dung dịch axetylcholin. Dung dịch ancaloit A có tác dụng an thần gây ngủ với liều lượng nhẹ nhưng với liều cao kích thích thần kinh hệ trung ương, gây co giật và chết. Ở điểm này, dung dịch ancaloit A hoàn toàn khác hẳn với dung dịch rotundin. Ngoài ra, ancaloit A có tác dụng giãn mạch hạ huyết áp, giảm cả huyết áp tối đa và tối thiểu.

Dung dịch ancaloit A có độc tính DL50: 0,125g/kg thể trọng chuột, như vậy liều độc tương đương với clohydrat cocain, đồng thời dung dịch ancaloit A cũng có những biếu hiện độc như co- cain (kích thích thần kinh hệ trung ương, biểu hiện co giật…).

Trên lâm sàng rotundin được áp dụng rộng rãi từ năm 1944 và trong suốt kháng chiến chống Pháp để điều trị có kết quả một số trường hợp đau tim, mất ngủ, hen, đau bụng, lỵ amíp. Tác dụng rõ rệt nhất là ngủ và an thần.

*Lưu ý:

Các thông tin về thuốc trên Pharmog.com chỉ mang tính chất tham khảo – Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ

Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Pharmog.com

6. Phần thông tin kèm theo của thuốc:

6.1. Đặc điểm, nguồn gốc, phân bố dược liệu, vị thuốc:

Đặc điểm nguồn gốc:

Bình vôi là cây dây leo, thân rất nhỏ so với củ, dài có thể đến 10-20 m, gốc thân phình thành củ hình cầu, thường chồi lên khỏi mặt đất khoảng 1 nửa; kích thước củ thay đổi tùy loài, có thể nặng 20 – 30kg.

Lá hình bầu dục hoặc hình tim, có góc cạnh hoặc không; cuống lá đính phía trong phiến lá, cách gốc lá khoảng 1/3.

Cụm hoa mọc thành xim ở kẽ lá hoặc những cành già đã rụng lá; hoa đực và hoa cái khác gốc; hoa đực có 5-6 lá đài, 3-4 cánh hoa màu vàng cam, 3-6 nhị, thường là 4; hoa cái có 1 lá đài, 2 cánh hoa; bầu hình trứng.

Quả hạch hình cầu hơi dẹt, khi chín có màu đỏ tươi. Hạt cứng hình móng ngựa có gai.

Phân bố:

Chi Stephania phân bố ở vùng nhiệt đới, Á nhiệt đới, có ở các nước: Indonexia, Myanma, Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, Philippin, Ấn Độ, Bangladesh, Srilanca, Trung Quốc, Đài Loan, Papua New Guinea, Nhật Bản, Australia, Nigeria, Ethiopi. về số lượng loài thuộc chi Stephania Lour, trên thế giới các tài liệu không thống nhất.

Ở Việt Nam, các loài bình vôi thường mọc hoang ở một số vùng núi đá vôi, núi đất, núi đất lẫn đá, ở đồng bằng, ven biển, có loài mọc ngay trên bãi cát hoặc gò cát hoang vùng ven biển.

Các loài bình vôi ở nước ta có diện phân bố rất rộng trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Ở miền Bắc ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Tây, Hoà Bình, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Nam Định, Ninh Bình…. Miền trung phân bố ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Ninh Thuận, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên… Ở miền nam ở các tỉnh An Giang, Đồng Nai, Sông Bé, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Cây Bình vôi (Stephania glabra Roxb. Miers).

Cây Bình vôi (Stephania glabra Roxb. Miers).

6.2. Thu hái – Sơ chế:

Rễ củ, thu hái vào mùa thu – đông (lúc này hàm lượng hoạt chất cao nhất), khi đi thu hái củ mọc hoang cũng rất dễ phát hiện, có khi thấy rễ củ nằm gọn trong hỏm đá, xung quanh không có đất. Lúc này, chỉ cần nhấc lên là thu được.

Sau khi thu hái về, cạo sạch vỏ ngoài, thái lát, phơi trong râm cho khô. Có thể dùng dược liệu khô để chiết hoạt chất tác dụng.

Có nơi, người ta dùng rễ củ tươi sát hoặc giã nhỏ, ép lấy nước, rồi từ nước này chiết lấy hoạt chất (cách này thường được sử dụng khi phải vận chuyển dược liệu đi xa và mất nhiều thời gian). Có người còn cho rằng chỉ nên chiết hoạt chất ở những củ có trọng lượng từ 0,8 đến 1 kg trở lên.

6.3. Bảo quản:

Không bảo quản ở nhiệt độ trên 30°C. Dễ mốc mọt nên để nơi khô ráo.

6.4. Thông tin khác:

Các loài thuộc chi Stephania Lour, ở Đông Dương và Việt Nam.

Trên thế giới hiện nay thống kê được tên khoảng 107 loài thuộc chi Stephania.

Thống kê ở Đông Dương và Việt Nam, theo tác giả Nguyễn Tiến Bân có 9 loài, Võ Văn Chi có 8 loài, Phạm Hoàng Hộ có 7 loài, Trần Công Khánh có 9 loài, Sách đỏ Việt Nam có 5 loài.

Theo Nguyễn Chiều, Ngô Trại, Nguyễn Tiến Vững, mô tả 14 loài thuộc chi Stephania có ở Việt Nam. Một số loài thuộc chi Stephania Lour, có ở Việt Nam có tên là Bình vôi: Stephania brachyandra Diels, Stephania Cambodia Gagnep, Stephania cepharantha Hay., Stephania excentrica , Stephania hainanensis , Stephania glabra (Roxb.) Miers, Stephania M.Yang, Stephania kuinanennis… Một số loài sau cũng có tên khác: Stephania dielsiana Y.c. (Tên Việt Nam là Củ dòm), Stephania hernandifolia (Willd.) Walp. (Tên Việt Nam là Dây mối), Stephania kwangsiensis H.S.Lo. (Tên Việt Nam là Bình vôi Quảng Tây), Stephania longa Lour. (Tên Việt Nam là Dây lõi tiền rễ dài), Stephania pierrei Diels. (Tên Việt Nam là Bình vôi trắng), Stephania sinica Diels. (Tên Việt Nam là Bình vôi tán ngắn)…

6.5 Tài liệu tham khảo:

Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi (2004).

Theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam của Viện dược liệu (Tái bản lần 1).

Theo Dược thư Quốc Gia Việt Nam.

Nguồn tổng hợp khác.

7. Người đăng tải /Tác giả:

Bài viết được sưu tầm hoặc viết bởi: Bác sĩ nhi khoa – Đỗ Mỹ Linh.

Kiểm duyệt , hiệu đính và đăng tải: PHARMOG TEAM