Vị thuốc Sinh khương/Gừng tươi (Rhizoma Zingiberis recens).

Sinh khương (Gừng tươi)

Thông tin cơ bản về dược liệu, vị thuốc Sinh khương

Dưới đây là nội dung cơ bản về dược liệu, vị thuốc Sinh khương (Thông tin bao gồm liều dùng, cách dùng, chỉ định, chống chỉ định, thận trọng, dược lý…)

1. Tên dược liệu/vị thuốc:

Tên thường gọi: Sinh khương.

Tên dân gian, tên khác: Gừng, Gừng sống, gừng tươi, Zingiber, Ginger root (Anh), Gingembre, Amome des Indes (Pháp), Sheng Jiang (Trung).…

Tên khoa học vị thuốc: Rhizoma Zingiberis recens

Tên khoa học của nguồn gốc chế biến ra vị thuốc: Zingiber officinale Rosc.

Họ: họ Gừng (Zingiberaceae).

Phân nhóm: Nhóm phát tán phong hàn.

Nhóm pháp lý, nguồn gốc: Dược liệu trong nước (Nam).

Bộ phận dùng: Thân rễ dùng sống.

2. Mô tả – Thành phần hóa học – Dạng bào chế:

2.1. Mô tả dược liệu/vị thuốc:

Sinh khương còn gọi là gừng sống hoặc tiên khương là gừng tươi, là thân rễ của cây Gừng (Zingiber officinale Rose.), họ Gừng (Zingiberaceae).

Dược liệu là thân rễ (quen gọi là củ) không có hình dạng nhất định, thường phân nhánh, dài 3 – 7 cm, dày 0,5 -1,5 cm. Mặt ngoài màu trắng tro hay vàng nhạt, có vết nhăn dọc. Đỉnh các nhánh có đỉnh sinh trưởng của thân rễ. Vết bẻ màu trắng tro hoặc ngà vàng, có bột, vân tròn rõ. Mặt cắt ngang có sợi thưa. Mùi thơm, vị cay nóng.

Hình ảnh tham khảo:

Vị thuốc Sinh khương/Gừng tươi (Rhizoma Zingiberis recens).

Vị thuốc Sinh khương/Gừng tươi (Rhizoma Zingiberis recens).

2.2. Thành phần hóa học và hàm lượng:

Gừng chứa 2-3% tinh dầu dễ bay hơi với thành phần chủ yếu là các hợp chất sesquiterpenoids như β-zingiberen (35%), ar-curcumenen (17%), β-farnesen (10%), β-sesquiphellandrene , bisabolene, farnesene và một lượng nhỏ các hợp chất monoterpenoid như β-phelladrene , cineol ,citral…. Các mùi đặc trưng và hương vị cay nồng của gừng được gây ra bởi Nonvolatile phenylpropanoid có nguồn gốc từ các hợp chất zingerone, shogaols và Gingerols.

Nhựa dầu chứa 20-25% tinh dầu và 20-30% các chất cay. Thành phần chủ yếu của nhóm chất cay là zingeron, shogaol và zingerol, trong đó gingerol chiếm tỷ lệ cao nhất.

Ngoài ra, trong tinh dầu Gừng còn chứa α-camphen, β-phelandren, eucalyptol và các gingerol.

Dưới đây tổng hợp công thức hóa học một số chất đã phân lập được từ củ gừng tươi có tác dụng dược lý bao gồm: 6-Shogaol, 6-Gingerol, 8-Gingerol, 10-Gingerol, Galangin, Curcumin, Bisdemethoxycurcumin, Dihydrocurcumin, Alpinetin, Zingerone,…

Cấu trúc hóa học một số hoạt chất có trong vị thuốc Sinh khương/Gừng tươi (Rhizoma Zingiberis recens).

Cấu trúc hóa học một số hoạt chất có trong vị thuốc Sinh khương/Gừng tươi (Rhizoma Zingiberis recens).

2.3. Các dạng bào chế hoặc thuốc dạng thành phẩm:

Từ xa xưa, Gừng đã được biết đến như một gia vị trong chế biến thức ăn hay là một thảo dược tốt cho sức khỏe. Gừng là một phương thuốc dân gian phổ biến, điều trị tại nhà giúp làm giảm các triệu chứng buồn nôn, đau dạ dày, cảm mạo phong hàn, khó tiêu …. Ở Trung Quốc, người dân cũng làm một loại kẹo gừng khô được lên men trong nước ép mận có đường, thường được dùng để trị ho. Ở Congo, gừng nghiền nát và trộn với nhựa cây xoài để làm ra thuốc tangawisi, được coi là một thuốc chữa nhiều bệnh ở nước này. Ở Ấn Độ, gừng xắt lát được dán lên trán để làm giảm đau đầu, và được sử dụng để ăn khi bị cảm lạnh thông thường, gừng với chanh muối chanh cũng được sử dụng chống buồn nôn.

Trong y học cổ truyền, dù bệnh hàn hay nhiệt, hư hay thực, các thầy thuốc vẫn thường dùng từ 3 đến 5 lát gừng sống, ngoài tác dụng hạn chế bớt tính lạnh của các vị thuốc hàn, cách phối hợp này còn giúp cho tỳ vị dễ hấp thu thuốc và người bệnh khỏi nôn ra đối với những thuốc khó uống. Một số bài thuốc có chứa thành phần sinh khương thường hay được sử dụng như: bài thuốc ngừa cảm lạnh (Gừng sống 20g, giã nát, bỏ vào 1 ly nước sôi cho đường vừa đủ ngọt để uống); bài chữa nôn mửa khi đi tàu xe (Gừng sống cắt lát mỏng. Ngậm gừng sống nhấm nháp từng chút một, nuốt nước dần cho tới khi hết nôn); bài thuốc chữa mất tiếng hoặc khan tiếng (Củ cải trắng 2 củ, gừng sống 7 lát, rửa sạch, giã nhuyễn vắt lấy nước cốt uống làm 2 hoặc 3 lần trong ngày); ….

Trong y học hiện đại, Gừng tươi cùng một số dược liệu thiên có tính sinh nhiệt mạnh được phối hợp sử dụng làm dung dịch dầu gió/ dầu nóng có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu cục bộ, làm tiêu viêm hoặc phối hợp trong các sản phẩm thuốc uống để giải cảm, trị đau dạ dày, kém ăn…. Hiện nay dạng thành phẩm có các thuốc sau đây chứa thành phần sinh khương: Bình Vị – BVP, Bổ trung ích khí, Bổ trung ích khí-F, Bổ tỳ TW, Cảm xuyên hương, Cảm xuyên hương plus, Cao lỏng Bách hạnh chỉ khái lộ, Cốm cảm xuyên hương, Comazil, Dạ dày Trường Phúc, Doragon, Fattydan, Giải cảm Nhất Nhất, Lipidan, Sitar, Thăng trĩ Nam Dược, Thuốc ho bổ phế, Thuốc hỗ trợ cắt cơn cai nghiện ma túy Bông Sen, Tiêu dao-BVP, Trà giải cảm …

Hình ảnh sản phẩm tham khảo:

TRÀ GIẢI CẢM
Mỗi gói 2,5gram có chứa:
Phục linh …………………………. 0,25 g
Tô diệp …………………………. 0,25 g
Trần bì …………………………. 0,25 g
Sinh khương …………………………. 0,2 g
Cát căn …………………………. 0,2 g
Mộc hương …………………………. 0,15 g
Cát cánh …………………………. 0,15 g
Cam thảo …………………………. 0,15 g
Sa sâm …………………………. 0,1 g
Tiền hồ …………………………. 0,08 g
Bán hạ …………………………. 0,06g
Đại táo …………………………. 0,06g
Chỉ xác …………………………. 0,06g
Tá dược …………………………. vừa đủ (Xem mục 6.1)

Thuốc Trà giải cảm túi lọc của Công ty TNHH đông nam dược Bảo Long

Thuốc Trà giải cảm túi lọc của Công ty TNHH đông nam dược Bảo Long có chứa thành phần Sinh khương.

3. Video by Pharmog:

[VIDEO DƯỢC LÝ]

————————————————

► Kịch Bản: PharmogTeam

► Youtube: https://www.youtube.com/c/pharmog

► Facebook: https://www.facebook.com/pharmog/

► Group : Hội những người mê dược lý

► Instagram : https://www.instagram.com/pharmogvn/

► Website: pharmog.com

4. Ứng dụng lâm sàng:

4.1. Công dụng, chủ trị:

Sinh khương/Gừng tươi thường được dùng đơn độc hoặc dùng phối hợp với nhiều vị thuốc khác trong các trường hợp sau:

Gừng tươi chữa cảm mạo, phong hàn, nhức đầu, ngạt mũi, ho có đờm.

Dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa.

Cảm cúm, nhức đầu, ho, thân thể đau mỏi (Dùng ngoài).

Chữa nôn mửa, giảm các triệu chứng buồn nôn.

Chống say tàu xe.

Hỗ trợ điều trị gout.

4.2. Liều dùng – Cách dùng:

Cách dùng :

Dùng dạng sắc: Cần sắc theo hướng dẫn trước khi uống.

Dùng tưới: có thể ăn/ngậm trực tiếp hoặc giã vắt lấy nước để dùng uống.

Dùng tại chỗ để chữa cảm mạo, toàn thân nhức mỏi: Gừng sống giã nhỏ, bọc vào mớ tóc rối, tẩm rượu xào nóng, đánh khắp người vào chỗ đau mỏi.

Dùng ngoài: vắt lấy nước dùng làm thuốc xoa bóp và đắp ngoài chữa sưng phù và vết thương.

Liều dùng:

Liều dùng khuyến cáo: Gừng tươi (sinh khương) dùng với liều 4-20g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc pha hoặc rượu gừng tươi (mỗi ngày 2-5ml).

Chống nôn mửa, nôn do say tàu xe: ngậm kẹo gừng hoặc ngậm 1 lát gừng tươi trong miệng sẽ có hiệu quả giảm say tàu, xe.

Dạng bào chế thành phẩm: Dùng theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

4.3. Chống chỉ định:

Mẫn cảm với thành phần hoạt chất của vị thuốc/dược liệu.

4.4 Thận trọng, cảnh báo:

Những người trong ngoài đều nhiệt, vì nhiệt mà đau bụng, vì nhiệt mà thổ huyết thì không được dùng được gừng.

Những trường hợp tăng huyết áp có chân lạnh, dương khí kém thì có thể dùng gừng để trị bệnh.

Sử dụng gừng trong thời gian dài có thể làm da bị khô và ngứa rát, là nguyên nhân khiến mắt trở nên nhạy cảm với ánh sáng. Do đó, những người có xu hướng dễ bị mắc triệu chứng kể trên không nên ăn gừng để tránh gây hại cho mắt.

Gừng được cho là có tác dụng tương tự như aspirin. Chúng có thể làm chậm quá trình đông máu và gây loãng máu. Điều này là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng đối với những bệnh nhân đang phải sử dụng những loại thuốc chống đông máu.

Gừng có khả năng kích thích cơ thể tiết ra nhiều mật. Do đó, những người mắc các bệnh có liên quan đến túi mật thường được bác sĩ điều trị khuyên không nên dùng gừng dưới mọi hình thức. Bởi vì sử dụng quá nhiều gừng có thể làm gia tăng các cơn đau ở túi mật.

Người bị bệnh viêm gan cấp và mãn tính, xơ gan không nên ăn gừng vì nó kích thích sự bài tiết của các tế bào gan. Những tế bào này sẽ bị hoại tử khi đang trong trạng thái được kích thích.

Khi có dấu hiệu huyết áp cao và có nguy cơ tổn thương các mạch máu và xuất huyết, hoặc tăng huyết áp mà chân không lạnh, tiêu hóa bình thường thì tuyệt đối không được dùng gừng.

Ảnh hưởng của thuốc lên khả năng lái xe, vận hành máy móc:

Không ảnh hưởng.

4.5 Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú:

Thời kỳ mang thai:

Chưa có nghiên cứu nào trên phụ nữ mang thai. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên dùng những sản phẩm chiết xuất từ gừng mà chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị, bởi chúng có thể gây ra các cơn co thắt tử cung. Tránh dùng cho phụ nữ mang thai.

Thời kỳ cho con bú:

Chưa có nghiên cứu nào trên phụ nữ cho con bú. Trong thời kỳ cho con bú cũng không nên ăn gừng vì nó có thể được bài tiết vào sữa mẹ gây ra chứng mất ngủ ở trẻ em. Tránh dùng cho phụ nữ cho con bú.

4.6 Tác dụng không mong muốn (ADR):

Chưa ghi nhận được báo cáo về phản ứng có hại của thuốc.

Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

4.7 Hướng dẫn cách xử trí ADR:

Trong thời gian được điều trị, nếu nhận thấy có bất cứ tác dụng phụ nào xấu xảy ra hoặc các triệu chứng bệnh vẫn tiếp tục tăng nặng thì nên ngưng dùng ngay và tìm kiếm phương pháp chữa trị khác phù hợp hơn.

4.8 Tương tác, tương kỵ:

Không nên dùng ở những bệnh nhân có rối loạn chảy máu hoặc những người dùng các thuốc chống đông như warfarin, thuốc kháng tiểu cầu, thuốc chống viêm không steroid, salicylat hoặc thuốc làm tan huyết khối.

Gừng tương kỵ với các thuốc chẹn kênh canxi điều trị tăng huyết áp. Nên tránh dùng gừng nếu dùng các thuốc này.

Do không có các nghiên cứu về tính tương kỵ của thuốc, không trộn lẫn thuốc này với các thuốc khác.

4.9 Quá liều và độc tính:

Chưa có nghiên cứu quá liều trên người.

Độc tính: Dùng quá nhiều có thể dẫn tới những triệu chứng như đau đầu, nôn mửa, tiêu chảy, ợ nóng, tim đập nhanh và mất ngủ. Nếu gặp các triệu chứng này nên dừng sử dụng và điều trị triệu chứng.

5. Tính vị, quy kinh, tác dụng dược lý, cơ chế tác dụng của thuốc :

5.1. Tính vị – Quy kinh:

Tính vị: vị cay, nóng, mùi thơm, tính ấm.

Quy kinh: Quy vào kinh phế, tỳ và vị.

Công năng: Có tác dụng phát biểu, ôn trung, tán hàn, hồi dương, thông mạch, tiêu đàm, hành thủy, giải độc.

5.2. Tác dụng dược lý:

Tác dụng chống viêm, giảm đau: Gừng cũng được sử dụng như một chất chống viêm và giảm đau hạ sốt, hoạt chất gingerol của gừng có tác dụng ức chế men cyclooxygenase (COX). Tác dụng chống viêm của gừng bao gồm tác động đối kháng với tiền chất gây viêm axit arachidonic và ức chế tổng hợp prostaglandin, leukotriene. Hướng dẫn về điều trị viêm khớp gối (2021) của Học viện phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ khuyến cáo rằng chiết xuất gừng có thể hữu ích trong việc giảm đau và cải thiện chức năng cho bệnh nhân bị viêm khớp gối mức độ nhẹ đến trung bình.

Tác dụng chống ung thư: Khả năng chống ung thư của gừng và các thành phần của nó đã được chứng minh trong một số thí nghiệm in vitro và trên động vật. Các hoạt chất gingerol, paradol, shogaol, tinh dầu gừng đã được chứng minh ở chuột và trong các dòng tế bào của con người có tác dụng thúc đẩy sự chết tế bào theo chương trình và tác dụng chống tăng sinh.

Tác dụng chống tiểu đường: Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng sử dụng Gừng 3 g/ngày trong 3 tháng đem lại những hiệu quả đáng kể thể hiện qua chỉ số glucose huyết thanh, HbA 1c , insulin, tỉ lệ kháng insulin, malondialdehyd, protein phản ứng C nhạy cảm cao, khả năng chống oxy hóa toàn phần và paraoxonase-1 so với giả dược.

Tác dụng chống nôn: Cao chiết gừng khô, gingerol và shogaol đều ức chế hoạt tính của histamin và acetylcholin dẫn tới làm giảm cơn dị ứng và giảm vận động, chống co thắt cơ trơn ruột. Cũng nhờ cơ chế này mà dịch chiết gừng có cả tác dụng chống nôn. Kết quả từ các nghiên cứu đã được công bố cũng khá hạn chế và không rõ ràng đối với tác dụng này, tuy nhiên Gừng dường như hiệu quả hơn giả dược trong việc giảm buồn nôn nhờ các tác động khác nhau trên nhu động dạ dày, co thắt hang vị,.. nhưng tựu lại tác dụng chống nôn không thể so sánh được với các thuốc điều trị như metoclopramide…

Các tác dụng khác:

Tác dụng chống say tàu xe của gừng: Kết quả từ các nghiên cứu được công bố là hạn chế và không rõ ràng.

Rối loạn tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích: Dịch chiết nước gừng tươi, có tác dụng ức chế loét dạ dày nhờ ức chế co bóp dạ dày, giúp làm giảm các dấu hiệu viêm đại tràng do PGE2, do đó cho thấy một biện pháp ngăn ngừa ung thư ruột kết. Ngoài ra gừng tươi có các tác dụng khác như kích thích tiết nước bọt, kích thích sự vận chuyển trong đường tiêu hoá, làm cường tim do thành phần có vị cay của gừng có tác dụng ức chế men ATPase.

Gừng có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, làm giảm vận động tự nhiên và tăng thời gian gây ngủ của thuốc ngủ barbituric.

Trên thực nghiệm, gừng có tác dụng làm giãn mạch và tăng tỷ lệ protein toàn phần và gamma globulin trên động vật thí nghiệm.

Gingerol và Shogaol có trong gừng có tác dụng kích ứng da mạnh, gây ban đỏ, nhưng không gây phồng rộp da, nên gừng có thể dùng làm thuốc gây sưng huyết da.

Gừng có tác dụng chống lại bệnh gout vì chứa hai chất chống viêm, gingerols và shogaols, có tác dụng ức chế các tinh thể acid uric trong máu, giúp người bệnh gout giảm bớt cơn bùng phát.

Cơ chế một số tác dụng chính:

6-Shogaol có tác dụng chống ung thư, bảo vệ thần kinh, chống viêm, nó có thể ức chế sự phát triển của khối u tuyến tụy ở người và làm tăng tác dụng của gemcitabine bằng cách ức chế các con đường gây viêm qua trung gian TLR4/NF-κB liên quan đến sự hình thành khối u. 6-Shogaol gây quá trình chết theo chương trình trong các tế bào ung thư biểu mô tế bào gan ở người thông qua việc kích hoạt caspase và ảnh hưởng đến tín hiệu stress của mạng lưới nội chất (ER).

6-Gingerol có khả năng chống tạo mỡ, chống khối u, chống xâm lấn, chống oxy hóa, chống viêm và hỗ trợ quá trình chết theo chương trình, nó kích thích quá trình chết theo chương trình thông qua việc điều chỉnh lại NAG-1 và kiểm soát chu kỳ tế bào G1 thông qua điều hòa giảm cyclin D1, nhiều cơ chế khác có liên quan đến hoạt động của 6-gingerol, bao gồm sự thoái hóa protein và các con đường β-catenin, PKCε và GSK-3β. 6-Gingerol có thể ức chế quá trình tạo mỡ chủ yếu thông qua việc làm giảm PPARγ và C/EBPα và ức chế biểu hiện của FAS và aP2, đồng thời ức chế sự biệt hóa trong các tế bào 3T3-L1 bằng cách làm suy yếu con đường Akt/GSK3β.

8-Gingerol là một trong những thành phần chính của gừng, có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, ức chế miễn dịch và làm trắng da. Nó ức chế hoạt động tyrosinase tế bào và giảm hàm lượng melanin, ức chế sự biểu hiện của MC1R, MITF, tyrosinase, TRP1 và TRP2, làm giảm nồng độ RS và ROS nội bào trong các tế bào B16F10 và tế bào B16F1, ức chế quá trình sinh hắc tố bằng cách làm giảm truyền tín hiệu MAPK, PKA.

10-Gingerol có tác dụng chống ung thư, chống viêm dây thần kinh và kháng khuẩn, nó ức chế hiệu quả sự phát triển mầm bệnh ở đường miệng và ức chế quá trình khử hormone Ghrelin ngoại sinh. 10-Gingerol làm tăng [Ca2+] bằng cách giải phóng Ca2+ từ lưới nội chất và dòng Ca2+ từ các kênh Ca2+ không phải L-type trong tế bào ung thư SW480. Quá trình chết theo chương trình do 10-Gingerol gây ra đi kèm với quá trình phosphoryl hóa họ protein kinase được hoạt hóa bằng mitogen (MAPKs), c-Jun N-terminal kinase (JNK), p38 MAPK (p38) và các kinase điều hòa tín hiệu ngoại bào (ERK).

Curcumin là một hợp chất phenolic tự nhiên có tác dụng dược lý đa dạng bao gồm chống ung thư, kháng khuẩn, kháng nấm, chống phù nề, bảo vệ gan, chống viêm, chống oxy hóa, chống tăng sinh và chống tạo mạch. Curcumin là chất ức chế p300 histone acetylatransferase ((HATs)) và cũng cho thấy tác dụng ức chế đối với NF-κB và MAPKs. Curcumin giúp liền vết thương nhanh chóng rõ rệt với các mô hạt được hình thành tốt do sự tăng sinh nguyên bào sợi, tăng collagen và tái tạo sớm lớp biểu mô.

Bisdemethoxycurcumin là một dẫn xuất tự nhiên của curcumin có hoạt tính chống loét, chống oxy hóa, chống viêm và chống ung thư, nó ngăn chặn sự tăng sinh tế bào MCF-7 bằng cách tạo ra sự tích lũy ROS và ngăn chặn quá trình lão hóa. Bisdemethoxycurcumin gây ra quá trình chết theo chương trình ở các tế bào xơ hóa chính trong gan HSC (Hepatic Stellate Cells), điều này có thể góp phần giải quyết tình trạng xơ hóa ở gan, nhưng không gây ảnh hưởng tới các tế bào gan khác, cơ chế có thể liên quan đến CBR2.

Galangin vừa là chất chủ vận vừa là chất đối kháng của thụ thể arylhydrocarbon và là chất ức chế hoạt động của CYP1A1. Galangin có tác dụng chống tăng sinh, chống ung thư, chống viêm, gây giãn mạch, kháng virus, chống dị ứng, chống béo phì; Galangin có tiềm năng trong điều trị bệnh bạch biến. Galangin có thể ức chế hoạt động Topo I và giảm tốc độ tháo xoắn của sợi đơn DNNA trong các tế bào khối u, đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra quá trình chết theo chương trình của tế bào A549 và H46. Galangin cho thấy tác dụng ức chế hoạt động của acetylcholinesterase (AChE) với IC (50) là 120 microM; nó cũng ức chế ERK, NF-κB-p65 và các gene biểu hiện tiền viêm.

Alpinetin có hoạt tính kháng khuẩn, chống viêm và chống ung thư; nó ức chế sự tăng sinh, điều chỉnh họ Bcl-2 và biểu hiện của XIAP, giải phóng cytochrom C và kích hoạt caspase.

Zingerone có hoạt tính chống đột biến, chống ung thư, chống béo phì, chống oxy hóa và chống viêm. Zingerone là chất từ dược liệu tiềm năng có thể được sử dụng để phòng ngừa chống lại các nhiễm trùng màng sinh học do P.aeruginosa gây ra.

Chưa rõ cơ chế tác dụng của các hoạt chất khác trong củ gừng.

5.3. Dược động học:

Chưa có nghiên cứu.

5.4. Các nghiên cứu lâm sàng và tiền lâm sàng:

(1) Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu):

Trên thực nghiệm, gừng có tác dụng làm giãn mạch và tăng tỷ lệ protein toàn phần và gamma globulin trên động vật thí nghiệm, đồng thời, có khả năng ức chế hoạt tính của histamin và acetylcholin thể hiện trên sự giảm mức độ co thắt cơ trơn ruột cô lập. Gừng có tác dụng làm giảm cơn dị ứng của chuột lang và sau đó 3 tuần được đưa kháng nguyên vào đường hô hấp trong buồng khí dung để gây phản ứng phản vệ.

Cineol trong gừng có tác dụng kích thích khi sử dụng tại chỗ và có tác dụng diệt khuẩn trên nhiều vi khuẩn. Bột rễ gừng có tác dụng trị bệnh mắt hột tốt hơn nhiều loại thuốc khác. Nó làm giác mạc bị biến đổi trở nên trong, làm giảm sự thẩm thấu dưới niêm mạc và tăng hoạt tính sống của mô mắt.

Cao cồn gừng có tác dụng kích thích các trung tâm vận mạch và hô hấp mèo gây mê, và kích thích tim. Trong gừng có yếu tố kháng histamin.

Nói chung gừng có những tác dụng dược lý như sau:

Ức chế thần kinh trung ương, làm giảm vận động tự nhiên và tăng thời gian gây ngủ của thuốc ngủ barbituric. Cao chiết gừng khô, gingerol và shogaol đều ức chế sự vận động tự nhiên của chuột nhắt.

Hạ nhiệt: shogaol và gingerol làm giảm sốt trên chuột đã được gây sốt bằng tiêm men bia.

Giảm đau và giảm ho.

Chống co thắt: shogaol và gingerol có tác dụng này.

Chống nôn: dịch chiết gừng khô có tác dụng trên cây chó gây nôn bằng đồng sulfat.

Chống loét đường tiêu hoá: dịch chiết nước gừng tươi, tiêm phúc mạc cho chuột, có tác dụng ức chế loét dạ dày thực nghiệm do gò bó.

Kích thích tiết nước bọt: gừng tươi có tác dụng này.

Kích thích sự vận chuyển trong đường tiêu hóa: dịch chiết gừng khô cho chuột nhắt uống làm tăng sự vận chuyển bari sulfat.

Tác dụng chống viêm: dịch chiết gừng khô tiêm dưới da cho chuột nhắt ức chế sự tăng tính thẩm thấu của các mao quản trong phản ứng viêm thực nghiệm.

Ức chế sự tổng hợp prostaglandin PGE2.

Cường tim: trên tim cô lập, thành phần có vị cay vủa gừng ức chế hoạt tính men ATPase.

Gừng đã được thử nghiệm tác dụng gây mê cục bộ và thấy dung dịch 2% của cao gừng có tác dụng tê bằng 0,73 lần so với tác dụng của dung dịch 0,5% procain. Gingerol và Shogaol có trong gừng có tác dụng kích ứng da mạnh, gây ban đỏ, nhưng không gây phồng rộp da, nên gừng có thể dùng làm thuốc gây sưng huyết da.

Gừng đã được thử nghiệm bằng phương pháp của Tổ chức Y tế thế giới và chứng minh có tác dụng diệt động vật thân mềm. Gừng có thể là thuốc diệt động vật thân mềm và diệt sán máng có nhiều triển vọng.

Nhiều chất có tác dụng ức chế mạnh sự sinh tổng hợp prostaglandin đã được phân lập từ gừng.

Chuột cống trắng ăn thức ăn trộn với 30% gừng thì nồng độ cholesterol huyết thanh giảm và mức đường máu tăng một cách có ý nghĩa; nếu ăn gừng cùng với cholesterol thì gừng sẽ ngăn cản sự tăng cholesterol máu. Ở chuột cống trắng có cholesterol máu cao, gừng làm giảm cholesterol huyết thanh và cholesterol trong gan. Gừng có tác dụng ức chế những tổn thương dạ dày ở chuột cống trắng.

Hai thành phần có vị cay của gừng là 6-gingerol và 6-shogaol, đều ức chế co bóp dạ dày trong thí nghiệm dạ dày ở nguyên vị trí trong cơ thể. Sự ức chế do 6- shogaol mạnh hơn.

Cao gừng chiết với aceton, zingiberen (chất terpenoid chính của cao aceton gừng) và hoạt chất cay 6-gingerol có tác dụng ức chế những tổn thương dạ dày gây ở chuột trắng bởi acid hydrocloric/ethanol. Những kết quả thí nghiệm này gợi ý rằng zingiberen và 6-gingerol là những thành phần quan trọng trong những thuốc làm dễ tiêu có gừng.

Gừng có phổ hoạt tính kháng nấm tương đối hẹp trong thí nghiệm trên 9 loại nấm. Cao gừng có tác dụng ức chế sự phát triển hệ sợi nấm của Epidermophyton floccosum, Microsporum gypseum, Paecilomyces varioti và Trichophyton mentagrophytes.

Tác dụng chống say sóng của gừng đã được nghiên cứu trên học viên Trường sĩ quan hải quân không quen đi biển vào lúc biển động dữ dội. Cho mỗi người uống 1g gừng và theo dõi trong 4 giờ liền sau đó, thấy gừng làm giảm nôn (chỉ số bảo vệ 72%) và giảm ra mồ hôi lạnh.

Bài thuốc “Tiểu sài hồ thang” gồm các dược liệu sài hồ, hoàng cầm, cam thảo, gừng, nhân sâm, bán hạ, táo đã được nghiên cứu và chỉ định ở lâm sàng đối với các thể viêm nan và viêm thận mạn tính và làm tăng sức lực đối với suy nhược cơ thể. Bài thuốc có những tác dụng như sau:

Làm giảm tác dụng phụ của một số thuốc tây y, kéo dài thời gian sống của chuột nhắt điều trị với liều cao thuốc chống ung thư mitomycin, ngăn cản sư teo tuyến thượng thận ở chuột do tác dụng phụ của thuốc chống viêm prednisolon.

Chống lại tác dụng của chất độc gây ung thư ở nhóm chuột cho dùng thuốc, mức độ tổn thương gan, trọng lượng gan và hàm lượng hydroprolin (được dùng làm chỉ số của mức độ xơ gan) thấp hơn nhiều so với nhóm đối chứng.

Thuốc làm tăng lượng corticosteron tự nhiên trong cơ thể chuột nhắt, và như vậy có tác dụng kiểu hormon Steroid.

Ức chế sự sinh tổng hợp prostagladin PGF2 trong thí nghiệm in vitro. Khi thử nghiệm riêng rẽ, gừng cũng có tác dụng này, hoạt chất gingerol của gừng có tác dụng ức chế men cyclooxygenase.

Thuốc đối kháng với tác dụng ức chế miễn dịch của steroid, và cùng với tác dụng kiểu steroid, nó được coi là một chất điều hoà miễn dịch.

Ba bài thuốc cổ truyền có gừng của Nhật Bản là Shosaikoto, Daisaikoto, Hochuekketo đã được nghiên cứu đối với hoạt tính kích thích miễn dịch của một số chất kích thích miễn dịch như lipopolysacharid, conca-navalin A, phorbol myrisrat acetat, phytohemaglutinin. Những kết quả thử nghiệm chứng tỏ các bài thuốc cổ truyền trên có tác dụng điều hoà miễn dịch hoặc kích thích miễn dịch như trong kinh nghiệm lâm sàng của Nhật Bản và Trung Quốc.

(2) Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi (2004):

Tiêm zingeron vào tĩnh mạch thỏ, thì thần kinh trung khu vận động bị tê liệt, nhưng uống với liều cao không có hiện tượng độc nào, tuy nhiên con vật kém ăn, nhu động ruột bị ức chế. Khi con thỏ uống gừng thì không thấy độc tính, nhưng chó uống thì gây nôn

Năm 1930 H.M.Emig tiêm mạch máu thuốc gừng thì thấy con vật thí nghiệm có hơi thở mau lên, biên độ giảm xuống, mạch nhanh hơn, huyết áp tăng cao. Người ta cho rằng các hiện tượng đó là do tinh dầu của gừng gây ra

Chúng ta thấy những thí nghiệm dược lý nêu trên chưa chứng minh những kinh nghiệm dùng gừng trong nhân dân ta

(3) Nguồn khác:

Ở trong phòng thí nghiệm động vật, các Gingerols làm tăng nhu động của đường tiêu hóa và có tác dụng như thuốc giảm đau , thuốc an thần , hạ sốt và các đặc tính kháng khuẩn. Tinh dầu Gừng đã được chứng minh để ngăn ngừa ung thư da ở chuột và một nghiên cứu tại Đại học Michigan đã chứng minh rằng Gingerols có thể tiêu diệt tế bào ung thư buồng trứng. Hợp chất [6]-gingerol (1-[4′-hydroxy-3′-metoxyphenyl]-5-hydroxy-3-decanone) là thành phần chính tạo mùi hăng của gừng. Tiềm năng chất chemopreventive [6]-gingerol tyrong củ gừng là một chất thay thế đầy hứa hẹn trong tương lai để thay thế các loại thuốc trị liệu ung thư đắt tiền và độc hại.

Zingerone cũng được sản xuất từ Gingerols trong quá trình này, hợp chất này là ít hăng hơn và có mùi thơm cay ngọt. Gừng cũng là một chất kích thích hóa học nhẹ, và đã được sử dụng bởi các nhà quân sự Châu Âu trước Thế chiến I bằng cách nhét bột gừng vào hậu môn ngựa chiến để kích thích chúng hăng lên trong chiến trận gọi là những “Trung đoàn ngựa chiến feaguing”.

Ngoài ra gừng còn có tác động kích thích tuyến nước bọt “sialagogue” làm tăng sản xuất nước bọt nhiều hơn, làm cho việc nuốt dễ dàng hơn, giúp người già ăn uống dể dàng hơn.

Cineol trong Gừng có tác dụng kích thích khi sử dụng tại chỗ và có tác dụng diệt khuẩn trên nhiều vi khuẩn.

Nghiên cứu sơ bộ cho thấy 9 hợp chất tìm thấy trong gừng có thể liên kết với các thụ thể serotonin của con người có thể ảnh hưởng đến chức năng đường tiêu hóa .

Nghiên cứu thực hiện trong thử nghiệm in vitro cho thấy chiết xuất từ gừng có thể kiểm soát số lượng các gốc tự do và peroxy lipid.

Nghiên cứu sơ bộ liên quan đến tác dụng của gừng trên buồn nôn xảy ra khi mang thai cho thấy rằng uống gừng có thể gây ra ợ hơi sau khi ăn.

Trong một nghiên cứu năm 2010, tiêu thụ hàng ngày của gừng đã được hiển thị để giúp giảm đau cơ bắp kết hợp với tập thể dục 25%.

Gừng đã được xác định trong một nghiên cứu để giúp làm giảm các dấu hiệu viêm đại tràng do PGE2, do đó cho thấy một biện pháp ngăn ngừa ung thư ruột kết.

Trong các nghiên cứu hạn chế, gừng đã được tìm thấy có hiệu quả hơn so với thuốc chống buồn nôn do say sóng , ốm nghén và hóa trị liệu, mặc dù gừng không được tìm thấy tác dụng cao hơn giả dược (Placebo) khi điều trị buồn nôn sau phẫu thuật.

Các nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng gừng có tác động đến bệnh viêm khớp hoặc có máu loãng và giảm cholesterol, nhưng những hiệu ứng này vẫn chưa được xác nhận.

Trong nghiên cứu sơ bộ gừng có tác dụng ngăn đục thủy tinh thể do bệnh tiểu đường thông qua các cơ chế antiglycating.

Chất Zingerone trong gừng có hoạt động chống trực khuẩn Escherichia coli gây ra bệnh tiêu chảy.

Ở Hoa Kỳ, gừng được sử dụng để ngăn chặn say sóng do tàu, xe và chống buồn nôn khi phụ nữ ốm nghén. Nó được công nhận là an toàn bởi Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm và được bán như là một chế độ ăn uống bổ sung không được kiểm soát. Nước gừng cũng được sử dụng để tránh chuột rút do nhiệt do vận động thể thao.

*Lưu ý:

Các thông tin về thuốc trên Pharmog.com chỉ mang tính chất tham khảo – Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ

Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Pharmog.com

6. Phần thông tin kèm theo của thuốc:

6.1. Đặc điểm, nguồn gốc, phân bố dược liệu, vị thuốc:

Đặc điểm nguồn gốc:

Gừng là cây thân thảo, sống lâu năm, cao khoảng 50-90cm. Thân cây gừng có hai dạng đó là thân ngầm và thân khí sinh. Thân rễ (thường gọi là củ) có khi phồng thành củ, không có hình dạng nhất định, thân rễ nạc, mọc bò ngang, phân nhiều nhánh trên một mặt phẳng, chia thành nhiều đốt, kích thước không đều, dài 4-8 cm, dày 0,4-1,8 cm, mặt ngoài màu vàng nhạt, có vết nhăn dọc, ở đầu đốt có vết tích của thân cây đã rụng, trên các đốt có vết sẹo của các lá khô (vảy), vết bẻ màu trắng tro hoặc ngà vàng, lõi tròn rõ, mùi thơm, vị cay nóng.

Thân khí sinh: Cấu tạo từ nhiều bẹ lá ôm lấy lõi thân, là thân cỏ nhiều năm, cao khoảng 1 m.

Bẹ lá hình lưỡi liềm. Lá không cuống, mọc so le thành 2 dãy, hình ngọn giáo, thắt lại ở gốc, đầu nhọn dài 15-20 cm, rộng 2 cm, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới nhạt; gân lá song song. Bẹ nhẵn, có thể ôm vào nhau thành một thân giả. Lưỡi nhỏ dạng màng, nhẵn, chia 2 thùy cạn.

Cụm hoa dài 5cm, mọc từ gốc trên một cán dài khoảng 20cm do nhiều vảy lợp hình thành, những vảy phía dưới ngắn, càng lên trên càng dài và rộng hơn, lá bắc hình trái xoan, màu lục nhạt, mép viền vàng, đài có 3 răng ngắn, tràng có ống dài gấp đôi đài, 3 thùy bằng nhau, hẹp và nhọn, 1 nhị, nhị lép không có hoặc tạo thành thùy bên của cánh môi, cánh môi màu vàng, có viền tía ở mép, dài 2cm, rộng 1,5cm, chia thành 3 thùy tròn, các thùy bên ngắn và hẹp hơn, bầu nhẵn.

Quả nang, nhưng ở Việt Nam chưa thấy cây có quả và hạt. Thời gian sinh trưởng mạnh của cây trùng với mùa hè-thu nóng và ẩm. Gừng tái sinh dễ dàng bằng những đoạn thân rễ có nhú mầm, có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa xuân. Ra hoa vào mùa hạ và mùa thu.

Phân bố:

Gừng là loại cây gia vị cổ điển được trồng ở nhiều nước trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, từ Đông Á đến Đông Nam Á và Nam Á. Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản là những nước trồng Gừng nhiều nhất thế giới.

Hiện nay ở Việt Nam, cây được trồng ở khắp các địa phương, từ vùng núi cao đến đồng bằng và ngoài các hải đảo.

Cây Gừng (Zingiber officinale Rosc).

Cây Gừng (Zingiber officinale Rosc).

6.2. Thu hái – Sơ chế:

Gừng trồng sau 1 năm nếu không thu hoạch sẽ có hiện tượng tàn lụi (phần trên mặt đất) qua đông. Sinh khương còn gọi là gừng sống, thân rễ đào vào tháng 9-10 hoặc khai thác vào mùa hè, thu.

Sơ chế: Loại bỏ rễ xơ, rửa sạch đất cát, để ráo nước rồi bảo quản nơi khô mát nguyên củ để dùng quanh năm. Nếu sấy hoặc phơi khô thì trở thành can khương.

Khi dùng có thể cắt thành lát và nghiền để chiết nước hoặc cạo vỏ để sử dụng.

6.3. Bảo quản:

Không bảo quản ở nhiệt độ trên 30°C. Để nơi khô ráo, phơi mát để khỏi mất tinh dầu.

6.4. Thông tin khác:

Một số tên sau là cách chế biến khác của sinh khương, vẫn được coi là thuộc dược liệu này:

Ổi khương: Là gừng sống vùi nhẹ lửa cho chín (hoặc nướng chín) có tác dụng ấm bụng, trừ hàn.

Khương bì: Là vỏ gừng tươi, vị cay mát, có tác dụng hành thủy (dẫn nước) chủ trị các chứng phù.

6.5 Tài liệu tham khảo:

Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi (2004).

Theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam của Viện dược liệu (Tái bản lần 1).

Theo Dược thư Quốc Gia Việt Nam.

Nguồn tổng hợp khác.

7. Người đăng tải /Tác giả:

Bài viết được sưu tầm hoặc viết bởi: Bác sĩ nhi khoa – Đỗ Mỹ Linh.

Kiểm duyệt , hiệu đính và đăng tải: PHARMOG TEAM