Muối Valproate (Sodium Valproate/Valproic Acid/Magnesium Valproate)

Thuốc Valproate (Sodium Valproate/Valproic Acid/Magnesium Valproate) là thuốc gì ? Dưới đây là nội dung tờ hướng dẫn sử dụng gốc của Thuốc Valproate (Sodium Valproate/Valproic Acid/Magnesium Valproate) (Thông tin bao gồm liều dùng, cách dùng, chỉ định, chống chỉ định, thận trọng, dược lý…)

1. Tên hoạt chất và biệt dược:

Hoạt chất : Muối Valproate (Sodium Valproate/Valproic Acid/Magnesium Valproate)

Phân loại: Thuốc chống co giật / thuốc chống động kinh

Nhóm pháp lý: Thuốc kê đơn ETC – (Ethical drugs, prescription drugs, Prescription only medicine)

Mã ATC (Anatomical Therapeutic Chemical): N03AG01.

Brandname: Depakine, Depakine Syrup

Generic: Braiporin syrup, Dalekine, Novovalpo, Valmagol, Milepsy , Isoin, Livdextry tablet, Sodium Valproate Aguettant, Sodium valproate enteric coated tablets BP , Mageum Tab, Promag, Alpovic ,Depakine chrono, Encorate, Encorate Chrono , Valparin chrono , Valparin Alkalets, Depakote 

2. Dạng bào chế – Hàm lượng:

Dạng thuốc và hàm lượng

Có thể dùng acid valproic, natri valproat hoặc natri valproat phối hợp với acid valproic (semisodium valproat, divalproex sodium).

Nang mềm 250 mg acid valproic.

Viên bao tan trong ruột 150 mg, 200 mg, 300 mg, 500 mg natri valproat.

Siro 250 mg acid valproic/ 5 ml, dưới dạng muối natri, lọ 50 ml.

Nang cứng chứa các hạt bao semisodium valproat ứng với 125 mg acid valproic.

Viên giải phóng chậm semisodium valproat ứng với 125 mg, 250 mg hoặc 500 mg acid valproic.

Dung dịch tiêm 100mg/ml

Thuốc tham khảo:

NOVOVALPO
Mỗi viên nang mềm có chứa:
acid valproic …………………………. 250 mg
Tá dược …………………………. vừa đủ (Xem mục 6.1)

3. Video by Pharmog:

[VIDEO DƯỢC LÝ]

————————————————

► Kịch Bản: PharmogTeam

► Youtube: https://www.youtube.com/c/pharmog

► Facebook: https://www.facebook.com/pharmog/

► Group : Hội những người mê dược lý

► Instagram : https://www.instagram.com/pharmogvn/

► Website: pharmog.com

4. Ứng dụng lâm sàng:

4.1. Chỉ định:

Ðộng kinh. Dùng đơn độc hoặc phụ trợ trong một số loại cơn sau: Cơn vắng ý thức, cơn động kinh giật cơ, cơn động kinh toàn thể (động kinh lớn), cơn mất trương lực và cơn phức hợp.

Ðiều trị phụ trợ cho người bệnh có nhiều loại cơn, toàn thân.

Valproat và ethosuximid có hiệu quả ngang nhau để điều trị cơn vắng ý thức, mặc dù ethosuximid đôi khi được chọn là thuốc hàng đầu vì có độc tính thấp hơn. Valproat được ưa dùng hơn đối với người bệnh vừa có cơn vắng ý thức vừa có cơn co giật toàn thân.

Nhiều thầy thuốc dùng valproat là thuốc hàng hai (sau phenytoin hoặc carbamazepin) để điều trị cơn cục bộ. Valproat cũng có hiệu lực như phenytoin và carbamazepin để điều trị cơn co giật (động kinh lớn) và là thuốc được chọn ưu tiên trị các cơn mất trương lực và các cơn động kinh giật cơ.

Chú ý: Semisodium valproat còn được dùng để điều trị cơn hưng cảm (cơn thao cuồng) và để điều trị dự phòng cơn đau nhức nửa đầu..

4.2. Liều dùng – Cách dùng:

Cách dùng :

Acid valproic uống, viên nang acid valproic phải nuốt, không nhai, để tránh kích ứng tại chỗ ở miệng, họng. Nếu kích ứng đường tiêu hóa, thuốc có thể uống cùng thức ăn.

Thuốc tiêm:

Trong trường hợp thay thế đơn thuần (ví dụ trường hợp mổ chương trình): từ 4 đến 6 giờ sau liều uống cuối cùng, truyền tĩnh mạch natri valproat trong dung dịch pha tiêm natri clorua 0,9%

có thể truyền tĩnh mạch liên tục trong 24 giờ

hoặc chia thành 4 đợt truyền tĩnh mạch mỗi ngày, mỗi đợt 1 giờ, với liều như đã dùng trước đó (liều thông dụng trung bình là 20 đến 30 mg/kg/ngày).

Trong trường hợp cần nhanh chóng đạt nồng độ có tác dụng trị liệu trong huyết tương và duy trì nồng độ này sau đó: nên tiêm bolus tĩnh mạch 15 mg/kg trong vòng 5 phút trước khi truyền tĩnh mạch liên tục với tốc độ 1 mg/kg/giờ và điều chỉnh tăng dần để đạt được nồng độ acid valproic trong máu khoảng 75 mg/L. Sau đó, điều chỉnh tốc độ truyền tùy theo diễn biến của tình trạng lâm sàng.

Ngay sau khi ngưng truyền, cho dùng thuốc uống trở lại để có thể bảo đảm bù đắp ngay lượng thuốc bị thải trừ. Có thể dùng liều như trước hoặc sau khi đã điều chỉnh liều.

Liều dùng:

Thuốc uống:

Ðộng kinh (co giật): Phạm vi điều trị (định lượng huyết thanh): 50 – 100 microgam/ml. Ðộng kinh cục bộ phức hợp, liều ban đầu thông thường trong đơn trị liệu hoặc trong đa trị liệu như thuốc phụ trợ trong phác đồ điều trị hiện có, đối với người lớn và trẻ em 10 tuổi, 10 – 15 mg/kg/ngày.

Cơn vắng ý thức đơn giản hoặc phức hợp: Liều ban đầu thông thường 15 mg/kg/ngày. Liều lượng có thể tăng 5 – 10 mg/kg/ngày cách nhau 1 tuần cho tới khi kiểm soát được cơn giật hoặc các tác dụng phụ ngăn cản tăng liều thêm.

Liều tối đa khuyến cáo: 60 mg/kg/ngày.

Thuốc phải uống làm 2 lần hoặc hơn khi liều vượt quá 250 mg hàng ngày. Ðiều trị trạng thái động kinh trơ với điều trị bằng diazepam tĩnh mạch: 400 – 600 mg acid valproic thụt hậu môn hoặc thuốc đạn, cách 6 giờ/1 lần.

Liều thông thường ở trẻ em:

Chống co giật: Trẻ từ 1 đến 12 tuổi.

Ðơn trị liệu: Ban đầu uống: 15 – 45 mg/kg/ngày, liều tăng cách nhau 1 tuần từ 5 – 10 mg/kg một ngày khi cần và dung nạp được thuốc.

Ða trị liệu: Uống 30 – 100 mg/kg/ngày.

Ðiều chỉnh liều dựa theo đáp ứng lâm sàng và nồng độ chống co giật trong huyết thanh.

Chú ý:

Ðể điều trị cơn hưng cảm: Uống semisodium valproat, ngày đầu 750 mg/ngày, chia làm 2 lần, rồi nhanh chóng nếu có thể, tăng liều dần đến liều thấp nhất có hiệu quả, tới mức tối đa là 60 mg/kg/ngày.

Ðể dự phòng cơn đau nhức nửa đầu: Uống semisodium valproat mỗi lần 250 mg, ngày uống 2 lần, mức tối đa là 1 g/ngày.

Liều thông thường ở người cao tuổi: Cần dùng liều thấp hơn so với liều người lớn. Người đang dùng các thuốc gây cảm ứng enzym ở gan có thể phải dùng liều cao hơn phụ thuộc vào nồng độ huyết thanh của liều thuốc trước.

Dung dịch tiêm:

Trẻ em: có thể tăng liều dùng tới 40mg/kg/ngày nhưng chỉ đối với những bệnh nhân có thể giám sát được nồng độ acid valproic trong huyết tương. Khi sử dụng liều trên 40mg/kg/ngày, các chỉ số huyết học và sinh hóa lâm sàng phải được giám sát.

Người lớn: liều tối đa 2500mg/ngày.

4.3. Chống chỉ định:

Viêm gan cấp, viêm gan mạn, có tiền sử bản thân hoặc gia đình bị viêm gan nặng, loạn chuyển hóa porphyrin, quá mẫn với valproat.

4.4 Thận trọng:

Người bệnh có tiền sử mắc bệnh gan. Người bệnh dùng nhiều thuốc chống co giật, trẻ em bị rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, bị các cơn động kinh nặng kèm chậm phát triển trí tuệ, và bị bệnh não thực thể, thường có thể có nguy cơ cao.

Cần ngừng thuốc ngay khi có thay đổi chức năng gan dù nghi ngờ hoặc có biểu hiện rõ. Trong một số trường hợp, rối loạn chức năng gan vẫn tiến triển mặc dù đã ngừng thuốc.

Valproat thải trừ một phần trong nước tiểu dưới dạng chất chuyển hóa cetonic, nên khi xét nghiệm chất ceton trong nước tiểu, có thể nhận định sai.

Tác động của thuốc trên người lái xe và vận hành máy móc.

Valproat có thể gây ức chế hệ thần kinh trung ương, đặc biệt khi phối hợp với các thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương khác (như rượu), vì vậy người bệnh không nên tham gia các hoạt động nguy hiểm như lái xe hoặc vận hành máy..

4.5 Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú:

Xếp hạng cảnh báo

AU TGA pregnancy category: D

US FDA pregnancy category: NA

Thời kỳ mang thai:

Thuốc có thể gây quái thai. Nguy cơ cho trẻ bị tật nứt đốt sống xấp xỉ 1 – 2%, những dị dạng bẩm sinh khác là khuyết tật sọ mặt, dị tật tim mạch, hoặc bất thường về đông máu như fibrinogen thấp ở mẹ, giảm fibrinogen huyết ở trẻ nhỏ. Ðã có thông báo về suy gan dẫn đến tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi người mẹ dùng valproat trong lúc mang thai.

Thời kỳ cho con bú:

Valproat có tiết vào sữa. Nồng độ ở sữa bằng 1% đến 10% nồng độ trong huyết thanh. Người ta chưa biết có tác hại gì xảy ra cho trẻ bú. Tuy nhiên nên ngừng cho bú khi mẹ dùng valproat..

4.6 Tác dụng không mong muốn (ADR):

Suy gan dẫn đến tử vong đã xảy ra ở người bệnh dùng acid valproic. Sự cố này thường xảy ra trong 6 tháng điều trị đầu tiên (0,05 – 0,1%).

Thường gặp, ADR > 1/100

Toàn thân: Chóng mặt, suy nhược, chán ăn kèm sút cân hoặc ăn ngon kèm tăng cân.

Máu: Giảm tiểu cầu, ức chế kết tập tiểu cầu, chảy máu kéo dài, thông số đông máu bất thường.

Tiêu hóa: Khó tiêu, đau bụng, buồn nôn, nôn, ỉa chảy.

Gan: thay đổi chức năng gan như tăng transaminase (4 – 44%) và phosphatase.

Thần kinh: Run, ngủ gà hoặc mất ngủ.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

Toàn thân: Ban đỏ rải rác.

Nội tiết: Mất kinh, kinh nguyệt không đều.

Gan: Ðộc tính nặng với gan (hoại tử gan gây tử vong) đối với trẻ dưới 3 tuổi.

Chuyển hóa: Tăng amoni huyết, giảm natri huyết.

Tâm thần: ảo giác.

Tiết niệu: Ðái dầm, tăng số lần đái.

Khác: Rụng tóc.

Hiếm gặp, ADR < 1/1000

Toàn thân: Nhức đầu.

Máu: Giảm tiểu cầu nặng, giảm bạch cầu nặng, chảy máu, thiếu máu, tăng bạch cầu ưa eosin, giảm fibrinogen.

Tiêu hóa: Viêm tụy, táo bón.

Da: Tràn dịch dưới da.

Gan: Ðộc tính nặng đối với gan ở trẻ trên 3 tuổi.

Thần kinh: Dị cảm, mất điều hòa.

Tâm thần: Loạn tâm thần, lú lẫn..

Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

4.7 Hướng dẫn cách xử trí ADR:

Ðộc tính gan nặng hoặc gây tử vong có thể có trước các triệu chứng không đặc hiệu, như không khống chế được cơn co giật, người khó chịu, yếu cơ, ngủ lịm, phù mặt, chán ăn và nôn. Cần theo dõi chặt chẽ người bệnh khi thấy xuất hiện các triệu chứng này. Cần xét nghiệm chức năng gan trước khi điều trị, và định kỳ sau đó, đặc biệt trong 6 tháng đầu.

Cần tiến hành các xét nghiệm: Chức năng gan, thời gian đông máu, kết tập tiểu cầu và hàm lượng fibrinogen trước khi điều trị, sau đó 2 tháng một lần và trước khi tăng liều.

Không được bắt đầu dùng hoặc phải ngừng valproat nếu xảy ra các bất thường sau: Giảm fibrinogen huyết, rối loạn đông máu, trị số transaminase tăng gấp 3 lần, tăng phosphatase kiềm và bilirubin trong huyết thanh kèm theo các triệu chứng lâm sàng về nhiễm độc gan. Nếu chỉ thấy transaminase tăng ít, cần giảm liều và theo dõi chức năng gan và xét nghiệm đông máu. Nếu xảy ra đau bụng nặng và nôn, cần xác định amylase trong huyết thanh, nếu thấy kết quả bệnh lý, cần ngừng thuốc.

4.8 Tương tác với các thuốc khác:

Valproat có thể tăng cường tác dụng của các chất ức chế hệ thần kinh trung ương (như rượu, benzodiazepin, các thuốc chống động kinh khác). Trong đợt đầu điều trị, cần xác định nồng độ trong huyết tương của các thuốc chống động kinh dùng đồng thời.

Dùng đồng thời valproat với các thuốc liên kết mạnh với protein (như aspirin, carbamazepin, dicoumarol, phenytoin…) có thể làm thay đổi nồng độ valproat trong huyết thanh. Các salicylat ức chế chuyển hóa, nên không được dùng cho người bệnh đang dùng valproat.

Valproat có thể làm tăng nồng độ phenobarbital trong huyết thanh. Primidon bị chuyển hóa thành barbiturat, do đó cũng gây ra tương tác như vậy. Valproat có thể làm thay đổi nồng độ phenytoin trong huyết thanh: Làm giảm nồng độ phenytoin toàn phần trong huyết thanh và làm tăng nồng độ phenytoin tự do so với phenytoin liên kết với protein.

Dùng đồng thời valproat và clonazepam có thể gây trạng thái vắng ý thức liên tục ở người bệnh có tiền sử động kinh kiểu cơn vắng ý thức. Valproat có thể ảnh hưởng đến nồng độ ethosuximid trong huyết thanh. Người bệnh dùng valproat và ethosuximid, đặc biệt khi dùng cùng với thuốc chống co giật khác, cần theo dõi sự thay đổi nồng độ của cả hai thuốc trong huyết thanh.

Khi dùng valproat với các thuốc có ảnh hưởng đến sự đông máu (như aspirin, warfarin…) các triệu chứng chảy máu có thể xảy ra.

Valproat (và cả một số thuốc chống động kinh) làm mất tác dụng của thuốc uống tránh thai.

4.9 Quá liều và xử trí:

Quá liều valproat có thể gây ngủ gà, blốc tim và hôn mê sâu. Ðã có trường hợp tử vong. Vì valproat được hấp thu rất nhanh, nên lợi ích của rửa dạ dày hoặc gây nôn phụ thuộc vào thời gian kể từ khi uống thuốc. Cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ chung, đặc biệt cần duy trì lượng nước tiểu bài xuất.

Naloxon làm mất tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương của valproat dùng quá liều. Nhưng naloxon cũng có thể làm mất tác dụng chống động kinh của valproat, vì thế cần thận trọng khi dùng naloxon.

5. Cơ chế tác dụng của thuốc :

5.1. Dược lực học:

Acid valproic hoặc natri valproat là thuốc chống động kinh, bị phân ly thành ion valproat ở đường tiêu hóa. Tác dụng chống động kinh của valproat có lẽ thông qua chất ức chế dẫn truyền thần kinh là acid gama – aminobutyric (GABA). Valproat có thể làm tăng nồng độ GABA do ức chế chuyển hóa GABA hoặc tăng hoạt tính của GABA ở sau sináp. Do vậy, valproat có thể dùng trong nhiều loại cơn động kinh (xem phần chỉ định).

Cơ chế tác dụng:

Valproat gây ra các tác động dược lý chủ yếu là trên hệ thần kinh trung ương. Các tác dụng chống co giật được sử dụng để điều trị các thể co giật ở động vật và bệnh động kinh ở người.

Các nghiên cứu lâm sàng và trong phòng thí nghiệm trên Valproat gợi ý 2 loại tác động chống co giật. Thứ nhất là tác động dược lý trực tiếp liên quan đến nồng độ Valproat trong huyết thanh và trong não. Thứ hai có lẽ là tác động gián tiếp liên quan đến các chất chuyển hoá của Valproat tồn tại trong não hoặc với các thay đổi chất dẫn truyền thần kinh hoặc tác động trực tiếp trên màng tế bào. Giả thiết được công nhận rộng rãi nhất là giả thuyết về GABA, nồng độ chất này tăng sau khi dùng Valproat.

Valproat làm giảm thời gian các pha trung gian của giấc ngủ đồng thời làm tăng giác ngủ chậm.

[XEM TẠI ĐÂY]

5.2. Dược động học:

Acid valproic (hoặc natri valproat) hấp thu nhanh sau khi uống. Nồng độ đỉnh ion valproat trong huyết tương đạt vào 1 – 4 giờ sau khi uống liều duy nhất acid valproic. Khi dùng cùng với thức ăn, thuốc được hấp thu chậm hơn, nhưng không ảnh hưởng đến tổng lượng hấp thu.

Nửa đời của valproat trong huyết tương nằm trong phạm vi 6 – 16 giờ. Thuốc thường có nửa đời nằm trong phạm vi thấp ở người bệnh dùng thêm thuốc chống động kinh khác có khả năng gây cảm ứng enzym.

Valproat liên kết nhiều (90%) với protein huyết tương ở liều điều trị, tuy nhiên sự liên kết phụ thuộc vào nồng độ và giảm khi nồng độ valproat cao. Sự liên kết này thay đổi tùy theo người bệnh và có thể bị ảnh hưởng bởi các acid béo hoặc các thuốc liên kết mạnh như salicylat. Một số thầy thuốc ưa theo dõi nồng độ valproat tự do vì là yếu tố có thể phản ánh đúng hơn sự thâm nhập valproat vào hệ thần kinh trung ương.

Valproat chuyển hóa chủ yếu ở gan. Các đường chuyển hóa chính là glucuronid hóa, beta oxy hóa ở ty lạp thể và oxy hóa ở microsom. Các chất chuyển hóa chính được tạo thành là chất liên hợp glucuronid, acid 2 – propyl – 3 – ceto – pentanoic và các acid 2 – propyl – hydroxypentanoic. Ðường thải trừ chính của các chất chuyển hóa này qua nước tiểu.

Với cùng một liều, nếu người bệnh dùng valproat đơn độc, nói chung thuốc có nửa đời dài hơn và nồng độ cao hơn so với người bệnh dùng đa liệu pháp. [Pharmog]. Ðó chủ yếu là do thuốc chống động kinh khác gây cảm ứng enzym làm tăng thanh thải valproat bằng cách glucuronid hóa và oxy hóa ở microsom. Vì những thay đổi trong thanh thải valproat này, cần tăng cường theo dõi nồng độ thuốc chống động kinh, khi dùng thêm hoặc rút bớt thuốc chống động kinh nào đó.

Chưa xác định được mối tương quan rõ rệt giữa liều dùng hàng ngày, nồng độ thuốc trong huyết thanh và tác dụng điều trị. Tuy nhiên thường coi phạm vi điều trị ở khoảng nồng độ 50 – 100 mg/lít valproat toàn phần trong huyết tương, mặc dù một số người bệnh thấy có tác dụng ở nồng độ trong huyết tương thấp hơn hoặc cao hơn..

5.3 Giải thích:

Chưa có thông tin. Đang cập nhật.

5.4 Thay thế thuốc :

Chưa có thông tin. Đang cập nhật.

*Lưu ý:

Các thông tin về thuốc trên Pharmog.com chỉ mang tính chất tham khảo – Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ

Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Pharmog.com

6. Phần thông tin kèm theo của thuốc:

6.1. Danh mục tá dược:

 

6.2. Tương kỵ :

Không áp dụng.

6.3. Bảo quản:

Nơi khô, tránh ánh sáng, nhiệt độ dưới 30°C.

6.4. Thông tin khác :

Không có.

6.5 Tài liệu tham khảo:

Dược Thư Quốc Gia Việt Nam

Hoặc HDSD Thuốc.

7. Người đăng tải /Tác giả:

Bài viết được sưu tầm hoặc viết bởi: Bác sĩ nhi khoa – Đỗ Mỹ Linh.

Kiểm duyệt , hiệu đính và đăng tải: PHARMOG TEAM