Thông tin cơ bản về dược liệu, vị thuốc Trạch tả
Dưới đây là nội dung cơ bản về dược liệu, vị thuốc Trạch tả (Thông tin bao gồm liều dùng, cách dùng, chỉ định, chống chỉ định, thận trọng, dược lý…)
Nội dung chính
Toggle1. Tên dược liệu/vị thuốc:
Tên thường gọi: Trạch tả.
Tên dân gian, tên khác: Thủy tả, Hộc tả, (Bản Kinh), Mang vu, Cập tả (Biệt Lục), Vũ tôn, Lan giang, Trạc chi, Toan ác du, Ngưu nhĩ thái, Du (Hòa Hán Dược Khảo), Như ý thái (Bản Thảo Cương Mục), Ze Xie (Trung) …
Tên khoa học vị thuốc: Rhizoma Alismatis
Tên khoa học của nguồn gốc chế biến ra vị thuốc: Alisma plantago aquatica L. var. orientale Sam.
Họ: Họ trạch tả hay họ mã đề nước (Alismataceae)
Phân nhóm: Nhóm thuốc thẩm thấp lợi thủy
Nhóm pháp lý, nguồn gốc: Dược liệu trong nước và nước ngoài (cả Bắc và Nam).
Bộ phận dùng: Thân rễ đã phơi hay sấy khô.
2. Mô tả – Thành phần hóa học – Dạng bào chế:
Vị thuốc là thân rễ đã cạo vỏ ngoài và phơi hay sấy khô của cây Trạch tả (Alisma plantago -aquatica L.), họ Trạch tả (Alismaceae).
Thân rễ hình cầu, hình trứng hay hình con quay, dài 2 – 7 cm, đường kính 2 – 6 cm. Mặt ngoài màu trắng hơi vàng hay nâu hơi vàng, có các rãnh nông, dạng vòng không đều ở ngang củ, có nhiều vết sẹo rễ nhỏ dạng bướu, ở đầu thân rễ có vết của thân cây còn sót lại. Chất chắc, mặt bẻ gẫy màu trắng vàng, có tinh bột, nhiều lỗ nhỏ. Mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng.
Hình ảnh tham khảo:
Vị dược liệu Trạch tả (Rhizoma Alismatis).
2.2. Thành phần hóa học và hàm lượng:
Trong trạch tả, người ta mới phân tích thấy được tinh dầu, chất nhựa 7%, chất protit và 23% chất bột, Iod 6,10 mg/kg, Mn 1,2%.
Nghiên cứu thành phần hóa học của cây Trạch tả đã phân lập và xác định được 13 hợp chất, trong đó chủ yếu là các Triterpenoids như Alisol B acetate, Alisol A 24-acetate, Alisol C monoacetate, Alisol B 23-acetate, Alisol C, 25-Anhydroalisol F, 16-Oxoalisol A, 11-Deoxyalisol B, Alisol E 23-acetate, Alisol F, Alisol G, 25-O-Methylalisol A, Alisol B, Alisol A, …. Ngoài ra còn có Sesquiterpenoids bao gồm Alismoxide và Alismol; phenylpropanoid và alkaloid.
Thành phần triterpene có thể thay đổi tùy theo nguồn gốc địa lý của củ cây, nhưng hợp chất chính luôn là Alisol-A và Alisol-B
Dưới đây tổng hợp công thức hóa học một số chất đã phân lập được từ Trạch tả có tác dụng dược lý bao gồm: Alisol B acetate, Alisol A 24-acetate, Alisol C monoacetate (Alisol C 23-acetate), Alisol B 23-acetate, Alismoxide, Alisol A, Alisol B, Alisol C, Alisol F …
Cấu trúc hóa học một số hoạt chất có trong Trạch tả (Alisma plantago aquatica L.).
2.3. Các dạng bào chế hoặc thuốc dạng thành phẩm:
Theo nhân dân, Trạch tả được dùng để nấu cháo với gạo lứt, dùng cho người thủy thấp ngừng trệ, tiểu tiện bất lợi, hạ tiêu thấp nhiệt, ra khí hư, tiểu rắt hoặc còn được nghiền ra thành bột rồi trộn với cháo nóng ăn, một số nơi còn dùng trạch tả để hầm với gà dùng cho người xơ gan, thể hư, bụng trướng nước. Ở Việt Nam và cả Trung Quốc, các lương y cũng ứng dụng trạch tả rất nhiều trong các bài thuốc dân gian, cổ truyền, một số bài thuốc có thể kể tới như: Bài trạch tả bạch truật tán chữa bệnh thủy thũng, cảm giác xẩy xẩm chóng mặt (Trạch tả 40g, bạch truật 40g, tán nhỏ, mỗi lần uống 10-12g. Dùng nước sắc phục linh để chiêu thuốc); bài Thang trạch tả cam thảo chữa bệnh thủy thũng, táo bón, tiểu đỏ gắt (Trạch tả 6g, phục linh 6g, bạch truật 4g, cam thảo 2g, sắc uống); bài Trạch tả thang đăng tâm phục linh dùng cho người tiểu tiện bất lợi, đàm ẩm váng đầu (Trạch tả 9g, đăng tâm 10 cọng, gừng 5 miếng, bạch truật 9g, phục linh 9g, Sắc uống); bài Thang trạch tả xa tiền tử dùng cho người viêm thận phù nề, tiểu tiện bất lợi (Trạch tả 12g, xa tiền tử 9g, bạch truật 12g, phục linh bì 15g, tây qua bì 24g, Sắc uống);….
Trong y học hiện đại, Trạch tả thường được xuất hiện trong bài thuốc tư âm bổ can thận – “Lục vị hoàn” gồm: Thục địa hoàng, sơn thù, sơn dược, trạch tả, phục linh , đan bì và được sản xuất ở dạng thành phẩm dưới dạng viên nang, viên nén, viên hoàn, cao lỏng… Hiện nay dạng thành phẩm có các thuốc sau: A.T Bát vị, A.T Lục vị, Bát tiên, Bát tiên trường thọ P/H, Bát vị, Bát Vị Bổ Thận Dương Trung Ương 1, Bát vị- F, Bát vị hoàn P/H, Bát vị Nhất nhất, Bát vị quế phụ, Bát vị TW3, Bát vị Vinaplant, Bổ mắt TW3, Bổ thận âm, Bổ thận âm- BVP, Bổ thận âm ĐDV, Bổ thận âm DHĐ, Bổ thận âm đông dược việt, Bổ thận âm Nhất Nhất, Bổ thận dương – BVP, Bổ Thận Hoàn, Bổ thận NLP, Bổ thận PV, Bổ tì đông dược việt, Canophin, Cao lỏng Mát gan giải độc, Cao lỏng Thạch lâm thông, Cao lỏng Traluvi, Đại tràng hoàn K/H, Dotasea Oral, Dotasea-F, Eye tonic -VT, Fitôbetin-F, Fitôeye, Hộ thanh can, Hoa Việt tràng linh đơn, Hoàn bát vị bổ thận dương, Hoàn lục vị, Hoàn lục vị bổ thận âm, Hoàn lục vị địa hoàng, Hoàn sáng mắt, Hoàn sáng mắt Diaban, Hoàn sáng mắt K/H, Hoàn xích hương, Khang Minh Lục vị nang, KIDNEYCAP Bát vị – Bổ thận dương, Kidneyton Lục vị – Bổ thận âm, Long đởm tả can, Lục vị, Lục vị – HT, Lục vị ACP, Lục vị ẩm, Lục vị bổ thận âm, Lục vị- F, Lục vị hoàn P/H, Lục vị nang Vạn Xuân, Lục vị TW3, Lục vị Vinaplant, Lương huyết tiêu độc gan, Mãn kinh Nhất Nhất, Ngũ canh tả P/H, Op.Calife Viên Canh Niên An, Phúc can thanh, PQA Lục vị địa hoàng, Sâm Nhung Bổ Thận Trung Ương 1, Samatos PV, Sáng mắt, Sáng mắt-F, Sotinin, Tadimax, Táo kết hoàn P/H, Tế sinh thận khí hoàn, Thuốc uống lục vị, Traluvi, Tư âm bổ thận Thiên Quang, Vibomat DHĐ, Viên bổ mắt, Viên kim tiền thảo trạch tả, Viên nang bát vị, Viên nang cứng Lục vị, Viên nang lục vị, Viên sáng mắt, Viên sáng mắt – BVP, Viên sáng mắt Bảo Phương, Viên sáng mắt đông dược việt, Viên sáng mắt Khải hà, Viên sáng mắt TW3, Việt dược bổ thận âm….
Hình ảnh sản phẩm tham khảo:
LỤC VỊ ẨM PV | ||
Mỗi lọ 125 ml chứa cao lỏng hỗn hợp: | ||
Thục địa | …………………………. | 40g |
Hoài sơn | …………………………. | 20 g |
Sơn thù | …………………………. | 20 g |
Mẫu đơn bì | …………………………. | 15g |
Phục linh | …………………………. | 15g |
Trạch tả | …………………………. | 15g |
Tá dược | …………………………. | vừa đủ (Xem mục 6.1) |
Thuốc Lục vị ẩm của Công ty cổ phần dược Phúc Vinh có chứa thành phần bột Trạch tả.
3. Video by Pharmog:
[VIDEO DƯỢC LÝ]
————————————————
► Kịch Bản: PharmogTeam
► Youtube: https://www.youtube.com/c/pharmog
► Facebook: https://www.facebook.com/pharmog/
► Group : Hội những người mê dược lý
► Instagram : https://www.instagram.com/pharmogvn/
► Website: pharmog.com
4. Ứng dụng lâm sàng:
4.1. Công dụng, chủ trị:
Trạch tả thường được dùng đơn độc hoặc dùng phối hợp với nhiều vị thuốc khác trong các trường hợp sau:
Chữa thủy thũng, cổ trướng.
Chữa tiểu tiện khó, đái rắt, đái buốt.
Chữa cước khí, bí tiểu tiện, tức ngực.
Chữa viêm thận, đái ít, phù.
Chữa lipid máu cao.
Chữa gan nhiễm mỡ.
Chữa béo phì đơn thuần.
4.2. Liều dùng – Cách dùng:
Cách dùng :
Dùng dạng sắc: Cần sắc theo hướng dẫn trước khi uống.
Dạng bột, tán nhỏ làm hoàn: tán bột, thường phối hợp với các dược liệu khác, trộn với nước hoặc mật ong rồi nặn thành viên bằng hạt đậu xanh.
Liều dùng:
Liều khuyến cáo: Liều dùng hàng ngày 10 – 20g, dưới dạng nước sắc hoặc hoàn tán. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
Dạng bào chế thành phẩm: Dùng theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
4.3. Chống chỉ định:
Mẫn cảm với thành phần hoạt chất của vị thuốc/dược liệu.
4.4 Thận trọng, cảnh báo:
Người không bị thấp nhiệt và yếu thận không nên uống.
Ảnh hưởng của thuốc lên khả năng lái xe, vận hành máy móc:
Không ảnh hưởng.
4.5 Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú:
Thời kỳ mang thai:
Chưa có nghiên cứu nào trên phụ nữ mang thai. Tránh dùng cho phụ nữ mang thai.
Thời kỳ cho con bú:
Chưa có nghiên cứu nào trên phụ nữ cho con bú. Tránh dùng cho phụ nữ cho con bú.
4.6 Tác dụng không mong muốn (ADR):
Chưa ghi nhận được báo cáo về phản ứng có hại của thuốc.
Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
4.7 Hướng dẫn cách xử trí ADR:
Trong thời gian được điều trị, nếu nhận thấy có bất cứ tác dụng phụ nào xấu xảy ra hoặc các triệu chứng bệnh vẫn tiếp tục tăng nặng thì nên ngưng dùng ngay và tìm kiếm phương pháp chữa trị khác phù hợp hơn.
4.8 Tương tác, tương kỵ:
Chưa có nghiên cứu về tương tác.
Do không có các nghiên cứu về tính tương kỵ của thuốc, không trộn lẫn thuốc này với các thuốc khác.
4.9 Quá liều và độc tính:
Chưa có nghiên cứu quá liều trên người.
Độc tính: Dịch chiết bằng methanol của trạch tả, trên chuột nhắt trắng bằng đường tiêm tĩnh mạch và tiêm xoang bụng có LD50 = 0.98g và 1,27g/kg. Thí nghiệm dài ngày cho bột trạch tả vào thức ăn chuột cống trắng với tỉ lệ 1% dùng trong 2 tháng liền không có biểu hiện ngộ độc.
5. Tính vị, quy kinh, tác dụng dược lý, cơ chế tác dụng của thuốc :
5.1. Tính vị – Quy kinh – Công năng:
Tính vị: trạch tả có vị ngọt, tính hàn.
Quy kinh: Quy vào 2 kinh thận và bàng quang.
Công năng: Lợi thủy, thẩm thấp, thanh nhiệt.
5.2. Tác dụng dược lý:
Các nghiên cứu dược lý cho thấy trạch tả sở hữu nhiều hoạt tính sinh học khác nhau bao gồm lợi tiểu, tác dụng bảo vệ thận, chống tăng lipid máu, ….
Tác dụng lợi tiểu: Chiết xuất của thân rễ trạch tả thường được khuyên dùng để các bài đái buốt rắt, tỳ hư, dựa vào tác dụng lợi tiểu. Chiết xuất etanol của trạch tả có tác dụng kép đối với chức năng thận, thúc đẩy hoạt động lợi tiểu ở liều thấp hơn và ức chế hoạt động lợi tiểu ở liều cao hơn. Tác dụng lợi tiểu phần lớn do tác dụng các hợp chất alisol. Tuy nhiên, đánh giá với chiết xuất ethanol đã chỉ ra nguy cơ nhiễm độc mãn tính ở thận khi sử dụng chiết xuất ethanol trạch tả liều lượng cao trong thời gian dài. Tác dụng gây độc cho thận được cho là của các terpenoid có khả năng gây chết tế bào của các tế bào thận.
Ngoài ra, Trạch tả kết hợp với một số dược liệu khác đã được chứng minh là làm giảm tình trạng tăng axit uric máu và tổn thương thận ở chuột.
Tác dụng hạ lipid và bảo vệ gan: Ali-A/-B/-C, cùng với monoacetate của chúng, đã được phát hiện là có khả năng làm giảm nồng độ cholesterol trong huyết tương và gan ở chuột sau khi uống. Theo một nghiên cứu, các thành phần hạ lipid của AR bao gồm Ali-B, Ali-B 23-acetate và Ali-C 23-acetate, cơ chế được cho là liên kết với protein thụ thể farnesoid X (FXR) và hoạt động như chất chủ vận. Hợp chất Ali-A 24-acetate, cũng có thể làm giảm sự tích tụ lipid ở gan chuột bị tăng lipid máu thông qua việc phong tỏa hoạt hóa AMPK và thúc đẩy quá trình chuyển hóa glucose, đồng thời kích thích quá trình phân giải lipid của tế bào mỡ bằng cách kích hoạt quá trình phosphoryl hóa qua trung gian protein kinase A (PKA).
Tác dụng chống xơ vữa động mạch: Ali-A, dẫn xuất 24-acetate và Ali-B 23-acetate có tác dụng này. Nhờ làm giảm cholesterol trong gan, phân giải lipid ở gan và axit mật, góp phần làm giảm thiệt hại do xơ vữa động mạch. Ngoài ra, các chất này còn có tác dụng chống viêm, đặc biệt là ức chế sản xuất các cytokine gây viêm IL-12 (interleukin-12) và IFN-γ (interferon-γ), cũng góp phần vào tác dụng chống xơ vữa động mạch. Dẫn xuất Ali-A 24-acetate đã được chứng minh là có tác dụng ức chế sự tăng sinh của các tế bào cơ trơn mạch máu động mạch chủ gây ra bởi các lipoprotein mật độ thấp (LDL) bị oxy hóa và ức chế sự biểu hiện của protein cyclin (cyclin D1, E, p21, p27), góp phần đến việc giảm xơ vữa động mạch. Ali-A 24-acetate cũng có thể ức chế hoạt động của HMG-CoA reductase thông qua liên kết trực tiếp với HMG-CoA, góp phần làm giảm tổng lượng cholesterol, từ đó làm giảm mỡ máu và chống xơ vữa động mạch.
Tác dụng chống viêm: Ali-F và 25-anhydro–Ali-F có tác dụng ức chế sản xuất NO do lipopolysacarit gây ra và điều chỉnh việc sản xuất các cytokine gây viêm, như TNF-α, IL- 1β và IL-6, thông qua con đường MAPK/STAT3/NFκB. Ngoài ra Chiết xuất metanol của trạch tả đã được chứng minh gây ức chế epoxide hydrolase (sEH), là chất góp phần gây ra nhiều bệnh lý viêm ở người.
Tác dụng khác: Chiết xuất của thân rễ trạch tả còn có các hoạt động chống oxy hóa và bảo vệ thần kinh, điều hòa miễn dịch, chống loãng xương, chống dị ứng, kháng khuẩn và kháng vi-rút, như được mô tả trong một số nghiên cứu.
Cơ chế một số tác dụng chính:
Alisol B acetate có thể tạo ra sự chuyển vị hạt nhân Bax và gây ra chết tế bào theo chương trình trong tế bào ung thư tuyến tiền liệt kháng hormone ở người PC-3, việc kích hoạt và chuyển vị Bax từ cytosol sang nhân nucleus là một phản ứng quan trọng đối với quá trình chết tế bào theo chương trình. Alisol B acetate thể hiện tác dụng chống tăng sinh ở các tế bào SGC7901 bằng cách gây ra quá trình chết tế bào theo chương trình, tác dụng này liên quan đến mitochondria-caspase và con đường phụ thuộc PI3K/Akt.
Alisol A 24-acetate có hoạt tính kháng khuẩn, đồng thời có hoạt tính chống bổ thể. Alisol A 24-acetate có thể ngăn ngừa loãng xương một cách hiệu quả ở chuột thí nghiệm bị cắt bỏ buồng trứng (OVX), do đó chất này có tiềm năng để điều trị chứng loãng xương sau mãn kinh.
Alisol C monoacetate(Alisol C 23-acetate) là một chất có tác dụng kháng khuẩn mạnh.
Alisol B 23-acetate, một chất ức chế không cạnh tranh của P-gp, do đó có thể trở thành một tác nhân đảo ngược tình trạng kháng đa thuốc. Alisol B 23-acetate có tác dụng bảo vệ chống lại nhiễm độc gan và ứ mật do alpha-naphthylisothiocyanate (ANIT) gây ra, do sự điều hòa các chất vận chuyển và enzyme qua trung gian thụ thể farnesoid X. Ngoài ra Alisol B 23-acetate có hoạt tính chống tăng sinh, chống di căn và chống xâm lấn trên các tế bào ung thư buồng trứng.
Alismoxide cho thấy tác dụng ức chế sự co bóp của cơ trơn bàng quang (đã bị cô lập) do carbachol gây ra; nó thể hiện tác dụng gây độc tế bào trong tế bào ung thư HeLa cũng như hoạt tính ức chế chống lại protease HIV-1. Alismoxide có tác dụng ức chế sự co mạch do nồng độ KCl cao gây ra; Alismoxide cho thấy tác dụng ức chế phản ứng dị ứng qua trung gian kháng thể mà còn ảnh hưởng đến phản ứng của tế bào và có thể ứng dụng để điều trị các phản ứng dị ứng.
Alisol A có tác dụng ức chế các dòng tế bào ung thư được thử nghiệm (tế bào HepG2, MDA-MB-231 và MCF-7). Alisol A còn là một chất kích thích quá trình tự thực bào.
Alisol B có thể ngăn chặn quá trình chuyển đổi biểu mô thành trung mô do C3a gây ra. Alisol B có thể là một chất mới tiềm năng cho các chứng rối loạn xương thông qua mục tiêu là các nguyên bào xương. Alisol B cũng ức chế sự biểu hiện NFATc1 và c-Fos do RANKL gây ra, đây là những yếu tố phiên mã quan trọng cho quá trình tạo hủy cốt bào (osteoclastogenesis).
Alisol C có thể cải thiện sự hấp thu glucose trong tế bào, nó có thể là một chất tiềm năng trong điều trị hạ đường huyết. Tuy nhiên, Alisol C có thể gây độc trên thận.
Alisol F ngăn chặn cảm ứng iNOS, thể hiện hoạt tính chống viêm và bảo vệ gan thông qua việc ức chế hoạt hóa MAPK, STAT3 và NF-κB ở cả in vitro và in vivo. Alisol F thể hiện tác dụng ức chế sản xuất NO do lipopolysacarit gây ra trong tế bào đại thực bào RAW 264.7. Alisol F có hoạt tính ức chế in vitro đối với sự bài tiết kháng nguyên bề mặt (HBsAg) của virus viêm gan B (HBV).
Chưa rõ cơ chế tác dụng của các hoạt chất khác trong Trạch tả.
5.3. Dược động học:
Chưa có nghiên cứu.
5.4. Các nghiên cứu lâm sàng và tiền lâm sàng:
(1) Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu):
Tác dụng lợi tiểu: Nước sắc trạch tả với liều 25 g/kg cho thẳng vào dạ dày và cao lỏng với liều 2 g/kg tiêm xoang bụng trên chuột cống trắng bình thường, thể hiện tác dụng lợi tiểu rõ rệt. Có báo cáo cho rằng trạch tả thu hoạch vào các mùa khác nhau và bộ phận dùng khác nhau thì hiệu quả lợi niệu cũng không giống nhau.
Trạch tả thu hoạch vào mùa đông có tác dụng lợi tiểu mạnh, còn thu hoạch vào mùa xuân thì kém hơn. Rễ con trạch tả thu hoạch vào mùa đông có tác dụng lợi tiểu yếu, còn thu vào mùa xuân thì không có tác dụng. Phương pháp bào chế khác nhau cũng dẫn đến hiệu quả lợi niệu không giống nhau. Trạch tả dùng sống hoặc nướng với rượu đều có tác dụng lợi tiểu, còn trạch tả muối không có tác dụng; Tuy vậy, trong “ngũ linh tán” gồm trạch tả, phục linh, trư linh, bạch truật, quế chi với tỷ lệ 4:3:3:2:1 thì dùng trạch tả sống hoặc muối đều thể hiện tác dụng lợi tiểu. Người khỏe mạnh uống nước sắc trạch tả thì lượng bài tiết nước tiểu, urê và Na+ tăng, còn trên thỏ uống trạch tả tác dụng rất yếu, nhưng nếu dùng dạng cao lỏng bằng dường tiêm xoang bụng lại có tác dụng lợi tiểu. Tác dụng lợi tiểu của trạch tả có liên quan đến hàm lượng muối kali cao (147,5 mg %) tồn tại trong dược liệu.
Ảnh hưởng đối với chuyển hóa mỡ: Thí nghiệm trên thỏ gây lipid máu cao, thành phần tan trong dầu của trạch tả trộn với thức ăn hàng ngày với tỷ lệ 0,5% có tác dụng hạ lipid máu và chống xơ vữa động mạch một cách rõ rệt. Trên chuột cống trắng có lipid máu tăng cao thực nghiệm, các chất alisol A và alisol A B C monoacetat trộn trong thức ăn hàng ngày với tỷ lệ 0,05 – 0,1% đều có tác dụng hạ cholesterol máu đạt 50%. Cơ chế làm hạ cholesterol máu của trạch tả chưa được xác định đầy đủ.
Thí nghiệm bằng phương pháp đồng vị phóng xạ cho thấy chất alisol A có tác dụng ức chế quá trình ester hóa cholesterol ở ruột non chuột nhắt trắng đồng thời làm giảm tỷ lệ hấp thu cholesterol ở ruột đạt 34%. Trên thỏ có chế độ ăn giàu cholesterol và lipid, trạch tả có tác dụng làm hạ lượng lipid ở gan. Đối với chuột cống trắng có chế độ ăn thiếu protein dẫn đến gan nhiễm mỡ, trạch tả có tác dụng điều trị rõ rệt. Trên lâm sàng ở những bệnh nhân có lipid máu tăng, hàng ngày uống viên trạch tả với liều 4,2 g/người, dùng từ 2 – 4 tuần lễ có tác dụng làm hạ cholesterol, β- lipoprotein và triglycerid trong máu. Nước sắc trạch tả thí nghiệm trên chuột cống trắng với liều 20 g/kg cho thẳng vào dạ dày dùng trong 7 tuần lễ có tác dụng làm giảm lượng triglycerid trong máu, lượng mỡ ở các tạng phủ và giảm trọng lượng của chuột béo phì do dùng glutamat natri (MSG).
Tác dụng chống viêm: Nước sắc trạch tả dùng với liều 20 g/kg bằng đường cho thẳng vào dạ dày, thí nghiệm trên chuột nhất trắng có tác dụng ức chế sưng phù ở tai chuột do dimethyl – benzen gây nên, đồng thời ức chế sự tăng sinh của tổ chức u hạt ở chuột cống trắng trong nghiệm pháp cấy dưới da viên bông. Trên thỏ gây viêm thận thực nghiệm bằng cách tiêm dưới da nitrat natri, trạch tả làm giảm lượng urê và cholesterol trong máu.
Các tác dụng khác: Cao lỏng trạch tả trên chó gây mê, tiêm tĩnh mạch có tác dụng hạ huyết áp. Trên thỏ, cao trạch tả với liều 6 g/kg tiêm dưới da, trong vòng 5 giờ sau khi dùng thuốc xuất hiện đường huyết hạ, nhưng nếu dùng nước sắc thì không có tác dụng trên.
Thí nghiệm trên ống kính, trạch tả có tác dụng ức chế sự phát triển của trực khuẩn lao. Ngoài các tác dụng trên, các alisol A, B, c monoacetat còn có tác dụng bảo vệ gan, chống các tổn thương gan do tetrachlorid carbon gây nên.
(2) Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi (2004).
Trong chuyên san của Viện nghiên cứu tỉnh Bắc Bình có báo cáo: bắt đầu, tiêm kali nitrat cho thỏ để gây viêm thận đưa đến hiện tượng ứ đọng ure và cholesterin trong máu, sau đó tiêm thuốc trạch tả. Kết quả là lượng ure và cholesterin trong máu giảm xuống.
Cho người mạnh khoẻ, uống nước sắc trạch tả, thấy lượng nước tiểu, lượng ure và lượng natri clorua bài tiết đều tăng lên.
*Lưu ý:
Các thông tin về thuốc trên Pharmog.com chỉ mang tính chất tham khảo – Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ
Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Pharmog.com
6. Phần thông tin kèm theo của thuốc:
6.1. Đặc điểm, nguồn gốc, phân bố dược liệu, vị thuốc:
Đặc điểm nguồn gốc:
Cây trạch tả là cây thảo cao 35-60cm. Thân rễ hình cầu hay hình con quay, nạc. Mặt ngoài củ màu trắng hơi vàng hay nâu hơi vàng, có các rãnh nông, dạng vòng không đều ở ngang củ, có nhiều rễ nhỏ. Lá có cuống dài, bẹ to mọc ốp vào nhau và xòe ra như hình hoa thị, phiến lá hình trái xoan hay hình trứng, mép nguyên lượn sóng, gân lá 5-7 hình cung.
Cụm hoa mọc trên một cán thẳng dài có khi đến 1m thành chùy có nhiều vòng hoa xếp thành tầng nhỏ dần về phía ngọn, mỗi tầng lại phân nhánh thành chùy nhỏ, hoa lưỡng tính, màu trắng hay hồng, đài có 3 răng màu lục, tồn tại đến khi thành quả, tràng hoa 3 cánh có một cựa màu vàng nhạt rất mỏng và rụng sớm, nhị 6-9, dẹt, bầu nhiều ô xếp thành một vòng, mỗi ô có một noãn, vòi nhụy mảnh dễ rụng. Quả bế dẹp. Mùa hoa tháng 10-11.
Phân bố:
Chi Alisma L. có khoảng 10 loài, phân bố rải rác từ vùng nhiệt đới đến vùng cận nhiệt đới và ôn đới ấm. Hiện đã biết có 2 loài được dùng làm thuốc là trạch tả (Alisma plantago-aquatica L.) và loài A. canaliculatum Braun et Bouche’ có ở Triều Tiên.
Trạch tả có nhiều ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Ở Việt Nam, trạch tả chỉ thấy trồng ở các tỉnh miền Bắc như Thái Bình, Hà Nam, Hà Tây và Hải Dương, Hưng Yên.
Cây trạch tả (Alisma plantago aquatica L.).
6.2. Thu hái – Sơ chế:
Thu hoạch: Thân rễ thu hoạch vào tháng 4-5 khi cây chuyển sang màu vàng.
Sơ chế: đem về loại bỏ tạp chất, phân loại to nhỏ, rửa sạch rồi tẩm nước, ủ hơi mềm, thái lát dày, phơi hoặc sấy khô. Ngoài ra có thể tẩm muối (Diêm trạch tả) dùng (100g trạch tả đã thái phiến khô dùng 2g muối ăn hòa tan trong 600ml nước ủ kỹ, sao nhỏ lửa đến khi mặt ngoài có màu vàng, lấy ra phơi khô. Cứ 100 kg trạch tả dùng 2 kg muối).
6.3. Bảo quản:
Không bảo quản ở nhiệt độ trên 30°C.
Đậy kín nơi khô ráo. Dễ mốc mọt, tránh ẩm..
6.4. Thông tin khác:
CHÚ Ý TRẠCH TẢ DỄ NHẦM LẪN VỚI CÁC CÂY SAU ĐÂY:
Một số cây có thể nhầm lẫn với trạch tả do hình dáng cây và cùng tên gọi:
Các cây dễ nhầm với Trạch tả gồm: Mã đề (Xa tiền), Mã đề nước (Thuỷ xa tiền).
Trạch tả có hình dạng như Mã đề, Mã đề nước lại có dạng như Trạch tả.
(1) Mã đề là loài cây thảo sống lâu năm, có thân ngắn. Lá mọc thành cụm ở gốc, có cuống dài, phiến hình thìa hay hình trứng dài 5 – 12cm, rộng 3,5 – 5cm, đầu tù hơi có mũi nhọn; gân lá hình cung; cuống lá dài 5 – 10cm, be ở gốc. Hoa nhỏ, mọc thành bông dài. Quả hộp chứa nhiều hạt nhỏ màu đen bóng. Ở nước ta, Mã đề mọc hoang và cũng được trồng khắp nơi lấy lá làm rau ăn, lấy cây và hạt làm thuốc.
(2) Mã đề nước là cây thảo thuỷ sinh có thân ngắn hay không thân. Lá có hình dạng thay đổi; lá chìm hình dải hoặc hình tròn ngắn; lá nổi hình trứng rộng hay hình tròn ngắn, dài 3 – 18cm, rộng 1,5 – 18cm, màu lục tía, mép lá lượn sóng; cuống lá dài 0,5 – 17cm, tuỳ theo độ sâu của nước. Cụm hoa có mo bao bọc gồm có hoa lưỡng tính và hoa đơn tính, có cuống dài 2 – 30cm, mang 5 – 6 đoá hoa có cánh lượn sóng màu lục hay màu trắng. Quả hình cầu, có 6 cánh dọc dạng làn sóng, chứa nhiều hạt. Mã đề nước mọc chìm, sống trong nước ngọt: ao hồ, ruộng nước. Thường gặp ở ruộng vùng đồng bằng, ao hồ vùng rừng và suối vùng Trường Sơn. Còn gặp ở Côn Đảo. Cũng phân bố từ Trung Quốc, Nhật Bản tới Ôxtrâylia và Đông Bắc châu Phi.
6.5 Tài liệu tham khảo:
Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi (2004).
Theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam của Viện dược liệu (Tái bản lần 1).
Theo Dược thư Quốc Gia Việt Nam.
Nguồn tổng hợp khác.
7. Người đăng tải /Tác giả:
Bài viết được sưu tầm hoặc viết bởi: Bác sĩ nhi khoa – Đỗ Mỹ Linh.
Kiểm duyệt , hiệu đính và đăng tải: PHARMOG TEAM